Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều bài viết, bài nói chuyện về kinh tế, thể hiện sự vận dụng sáng tạo những nguyên lý chung của kinh tế - chính trị học Mác-xít vào hoàn cảnh cụ thể mỗi giai đoạn cách mạng của nước ta.
Về mục tiêu của đường lối và chính sách kinh tế, Người nói: “Tất cả đường lối, phương châm, chính sách của Đảng chỉ nhằm nâng cao đời sống của nhân dân”. Toàn bộ quan tâm của Người về kinh tế là lo làm sao cho nhân dân ta có đủ cái ăn, mặc, ở, học hành, đi lại, chữa bệnh, giải trí… tức là lo sao cho mỗi người lao động đều được ấm no, hạnh phúc. Đó là mục tiêu, đồng thời cũng là thước đo tính đúng đắn, ý nghĩa, giá trị của mỗi chính sách, biện pháp kinh tế của chúng ta. Người nói: “Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”.
Bác Hồ về thăm Hợp tác xã Nông nghiệp Lạc Trung, Vĩnh Phúc năm 1961.Ảnh Tư liệu
Từ rất sớm, Bác Hồ của chúng ta đã quan tâm đến mối quan hệ và tỷ lệ giữa các yếu tố hợp thành cơ cấu của nền kinh tế nước nhà. Vấn đề cơ bản có ý nghĩa quyết định là lựa chọn cơ cấu nào để đạt tới hiệu quả kinh tế cao nhất. Từ một nước nông nghiệp lạc hậu, sản xuất nhỏ, bị chiến tranh tàn phá, đi lên chủ nghĩa xã hội không trải qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, lựa chọn cơ cấu nào được coi là hợp lý cho chặng đầu của thời kỳ quá độ?
Ngay từ đầu, Người đã chỉ rõ đó là cơ cấu công - nông nghiệp hiện đại: Công nghiệp và nông nghiệp là hai chân của nền kinh tế. Nhưng trong cơ cấu đó, trước mắt phải tập trung phát triển ngành nào, lấy cái gì làm gốc, làm chính? Trong thư gửi nông gia Việt Nam tháng 4-1946, Người đã viết: “Việt Nam là một nước sống về nông nghiệp. Nền kinh tế của ta lấy canh nông làm gốc. Trong công cuộc xây dựng nước nhà, Chính phủ trông mong vào nông nghiệp một phần lớn. Nông nghiệp ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”.
Quản lý kinh tế là lĩnh vực được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm và nhấn mạnh, coi đó là “cái chìa khóa” để phát triển kinh tế quốc dân, phải được thường xuyên đẩy mạnh, cải tiến và đổi mới. Quan điểm cơ bản của Người về quản lý kinh tế là quan điểm hạch toán, làm ăn phải có hiệu quả kinh tế.
Người thường chỉ ra những khuyết điểm phổ biến của chúng ta trong công tác tổ chức, quản lý lủng củng, thiếu nền nếp, kém hiệu quả, “người thì nhiều việc quá, làm không hết, người thì ngồi chờ việc, người thì chạy lăng xăng…” và yêu cầu: “Chúng ta phải tìm cách tổ chức sắp đặt cho hợp lý, để 1 người có thể làm việc như 2 người, 1 ngày có thể làm việc của 2 ngày, 1 đồng có thể dùng bằng 2 đồng”.
Có thể tìm thấy trong kho tàng tư tưởng của Bác Hồ nhiều ý kiến sâu sắc về các vấn đề giá, lương, tiền, thuế, khoán, thưởng và phạt trong kinh tế. Định giá bán và mua, theo Bác phải thỏa đáng, thích hợp, không bắt chẹt, không ép giá, làm cho người sản xuất phải chịu thiệt. Người nói: “Giá phải bảo đảm cho Nhà nước, hợp tác xã và xã viên cùng có lợi để xây dựng nước nhà”. Người kêu gọi mỗi nhà bán cho Chính phủ 10 kg thóc, mỗi cân là bao nhiêu tiền, đâu là phần đóng góp theo tinh thần yêu nước, đâu là lợi ích của người lao động, cần được đánh giá thích đáng.
Về lương, Bác nói: “Đảng và Chính phủ luôn luôn cố gắng cải thiện sinh hoạt của nhân viên, cán bộ”. Nhưng Người cũng nhắc: “Vấn đề lương bổng dính đến nhiều vấn đề. Cân nhắc vấn đề cho kỹ”. “Lương tăng gấp đôi mà hàng đắt vẫn không ăn thua gì… Tiền và hàng phải đi đôi với nhau”. “Vấn đề cải thiện đời sống cán bộ và công nhân, ý Bác là, tăng lương phải đi đôi với giản chính và tăng năng suất. Để làm được những công việc, ta cần có chính sách cán bộ rõ ràng hơn trước”.
Công bằng xã hội trong kinh tế là vấn đề nóng bỏng trong đời sống kinh tế, nhất là khi sản phẩm xã hội chưa dồi dào. Bác Hồ đã sớm nhắc nhở vấn đề này khi ta vừa bước vào thời kỳ quá độ: “Sản xuất được nhiều, đồng thời phải chú ý phân phối cho công bằng”. Công bằng không phải là bình quân mà phải theo nguyên tắc phân phối theo lao động: “Làm tốt, làm nhiều: Hưởng nhiều, làm xấu, làm ít: Hưởng ít, có khi phải bồi thường lại cho Nhà nước. Chính phủ không phát lương cho người ngồi ăn không”.
Công bằng trong phân phối là một quan điểm lớn trong tư tưởng kinh tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người nói: “Có khi vật tư, hàng hóa không thiếu mà phân phối không đúng thì gây ra căng thẳng không cần thiết. Trong công tác lưu thông phân phối có hai điều quan trọng phải luôn luôn nhớ:
Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng.
Không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên”.
Tiết kiệm, theo Bác Hồ bao gồm tiết kiệm thời gian, tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm của cải. Tiết kiệm không phải chỉ là một chuẩn mực đạo đức. Tiết kiệm là để có nhiều sản phẩm, tức là để được tiêu dùng nhiều hơn. Nó còn là một phạm trù kinh tế. Tiết kiệm để sử dụng thời gian, nhân lực, tài lực, trí tuệ của con người một cách có hiệu quả hơn, nó cũng là một vấn đề khoa học.
Đi đôi với tiết kiệm, Bác Hồ đòi hỏi phải ra sức chống lãng phí, lãng phí trong sản xuất, trong tiêu dùng, lãng phí do bao cấp tràn lan, kéo dài, do thể chế không nghiêm. Đó là kẽ hở cho tham ô phát triển. Có tham ô, lãng phí là vì tổ chức, kiểm tra của các ngành, các cấp không chặt chẽ, tệ quan liêu còn nặng.
Những điều Bác Hồ đã nói vừa có ý nghĩa lý luận, vừa có ý nghĩa thực tiễn, khoa học và hiện đại. Những điều Bác nói cũng rất giản dị, thiết thực, dễ đi vào lòng người, vì nó xuất phát từ nhu cầu và nguyện vọng bức thiết của người dân. Những điều Bác nói về kinh tế ở một nước nông nghiệp lạc hậu đi lên chủ nghĩa xã hội không trải qua phát triển tư bản chủ nghĩa không chỉ có ý nghĩa quý báu đối với chúng ta mà còn quý báu đối với nhiều nước anh em có hoàn cảnh giống chúng ta. Đáng quý nữa là tư tưởng kinh tế của Bác Hồ không phải chỉ là những bài học của hôm qua mà là của cả hôm nay, đang gợi ý, dẫn dắt chúng ta trong việc tìm tòi biện pháp, tháo gỡ những vấp váp, khó khăn trước mắt./.
Nguyễn Tuấn Trọng biên soạn
Theo ct.qdnd.vn
Kim Yến (st)