Tại khóa họp lần thứ 24 của Tổ chức UNESCO đã thông qua Nghị quyết khuyến nghị các quốc gia thành viên kết hợp tổ chức Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam. Nghị quyết khẳng định: “Chủ tịch Hồ Chí Minh một biểu tượng xuất sắc về sự tự khẳng định dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”1. Nghị quyết không chỉ đánh giá những đóng góp to lớn của Hồ Chí Minh trong lịch sử dân tộc mà còn khẳng định những giá trị to lớn của nó trên con đường đưa dân tộc Việt Nam và thế giới đến một tương lai tươi sáng hơn.

HCM voi nen van hoa tuong lai
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với thiếu nhi Tam Sơn, tại sân Trường THCS Tam Sơn ngày Mồng 1 Tết Đinh Mùi (9-02-1967).
Ảnh TTXVN

1. Nghị quyết của Tổ chức UNESCO ghi nhận Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam, là sự đánh giá cao những đóng góp của Người đối với tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam, đối với sự phát triển văn hóa của thế giới. Lịch sử văn hóa thế giới đã trang trọng ghi tạc tên tuổi và những đóng góp của nhiều nhà văn hóa thế giới, trong đó có Nguyễn Trãi, Nguyễn Du của Việt Nam. Tuy nhiên, được ghi nhận cả hai danh hiệu cao quý như Hồ Chí Minh lần này là trường hợp hiếm có. Đấy là sự khẳng định của thế giới đối với những truyền thống văn hóa Việt Nam và những giá trị văn hóa mà Hồ Chí Minh tạo ra, đóng góp cho nhân loại. Trong đó, có sự kết hợp hài hòa giữa những giá trị văn hóa Việt Nam, của thế giới và những sáng tạo Việt Nam của chính Hồ Chí Minh. Chính vì vậy, ngay từ năm 1923, nhà báo, nhà thơ Xô viết Osip Mandelstam đã tiên đoán rất tài tình rằng: “Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa Âu Châu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai”2.

Trong khuôn khổ một bài viết nhỏ, khó có thể bình giải mọi khía cạnh của “nền văn hóa tương lai” do Nguyễn Ái Quốc là đại diện. Ở đây, chúng tôi bước đầu muốn tìm hiểu những yếu tố kết thành “nền văn hóa tương lai”, phạm vi một châu lục (kể cả châu Âu khi ấy đang được mệnh danh là tiên tiến nhất thế giới).

Trước đây, khi nghiên cứu về Hồ Chí Minh, người ta thường chú trọng đến những đóng góp của Người trên cương vị nhà chiến lược, người sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam, nhà nước Việt Nam mới; người sáng lập ra Mặt trận Dân tộc thống nhất... Điều này dễ hiểu vì sự đóng góp của Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực ấy đã quá rõ ràng. Những nghiên cứu về Hồ Chí Minh với Việt Nam thường chỉ phân tích những quan điểm chỉ đạo và những sáng tác cũ trên quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin. Vì vậy, đã một thời gian khá dài, chúng ta dễ dàng thống nhất với nhau rằng: chủ nghĩa Mác - Lênin là đỉnh cao trí tuệ loài người. Nó đã kết tinh trong mình toàn bộ những di sản lý luận tiên tiến nhất của nhân loại. Nó là vũ khí tư tưởng của giai cấp công nhân để lật đổ chủ nghĩa tư bản, xây dựng xã hội tiến bộ, văn minh, văn hóa cao nhất của nhân loại.

Ngày nay, nguồn tư liệu mới về Hồ Chí Minh được bổ sung (trước hết phải kể đến những tư liệu mới được đưa vào bộ Hồ Chí Minh Toàn tập, xuất bản lần thứ hai) đã cho phép chúng ta thấy rõ hơn những đóng góp to lớn của Người trên nhiều lĩnh vực. Một phần những đóng góp ấy được đánh dấu trong “Báo cáo về Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ”3 do Người viết năm 1924. Trong báo cáo này, Người đã chỉ ra những “thiếu hụt” của chủ nghĩa Mác, sự hạn chế của những lý luận được hình thành chỉ từ thực tế Châu Âu... là minh chứng cho sự vượt trội của nền văn hóa mà Nguyễn Ái Quốc góp thành - nền văn hóa tương lai. Báo cáo chỉ rõ: “Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại”4. Từ đó, Người đã nêu vấn đề bổ sung những cơ sở lịch sử hiện thời của phương Đông: “Dù sao thì cũng không thể cấm bổ sung “cơ sở lịch sử” của chủ nghĩa Mác bằng cách đưa thêm vào đó những tư liệu mà Mác ở thời mình không thể có được... Xem xét lại chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông”5. Ở thời điểm năm 1924, cách đặt vấn đề rõ ràng và dứt khoát trên đây quả là một cách nhìn rất mới, biện chứng triệt để. Nó không đơn thuần là vấn đề nội dung mà cao hơn là vấn đề phương pháp luận, là cách tiếp cận sự vận động của... con người trên quan điểm lịch sử, toàn diện, phát triển. Rõ ràng, từ rất sớm Hồ Chí Minh đã tự khẳng định một nhân cách văn hóa đặc sắc, một bản lĩnh cách mạng sáng tạo. Phải chăng với Người đã có sự giao lưu và hòa nhập ở trình độ cao những truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam với thế giới, phương Đông và phương Tây. Điều này khác hẳn với lời phỏng đoán của R.Kipling 100 năm trước đây: “Đông là Đông, Tây là Tây; hai bên sẽ không bao giờ gặp nhau”6.

2. Quan hệ Đông - Tây đã tồn tại trong lịch sử thế giới từ rất sớm. Giao lưu là nguyên tắc chính của sự tồn tại và phát triển của một quốc gia dân tộc. Giao lưu văn hóa là quy luật của sự tồn tại và phát triển của mọi nền văn hóa. Trước Hồ Chí Minh đã có giao lưu văn hóa Việt Nam và Trung Hoa, Ấn Độ và Việt Nam với thế giới. Việt Nam nằm giữa giao điểm của con đường Đông Tây và Nam Bắc. Vì vậy, ngay từ thời cổ đại, Việt Nam đã như một cửa ngõ đón nhận tác động của nhiều nền văn hóa, ở nhiều trình độ, nhiều chiều, nhiều bản sắc khác nhau. Trong đó, ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, Ấn Độ và Pháp là khá sớm và khá đậm nét. Ở đây, triết học phương Đông đã có ảnh hưởng đến tư tưởng yêu nước truyền thống của Việt Nam. Văn hóa Việt Nam khẳng định bản sắc của mình trong sự tác động sâu sắc của bối cảnh lịch sử ấy thông qua các tập đoàn xã hội, nhưng trước hết là những đại diện, những lãnh tụ tư tưởng của mình. Hồ Chí Minh với tư chất thông minh đã sớm có cách nhìn đúng đắn, biện chứng về những truyền thống văn hóa dân tộc trong quan hệ với những luồng văn hóa Đông - Tây nên Người sớm khẳng định một nhân cách, một bản lĩnh, một tích hợp văn hóa. Ở Hồ Chí Minh sự tôn kính cha mẹ, tình huynh đệ hòa quyện vào nhau, cấu thành lòng trung hiếu với đất nước. Ở Người sự độc lập của đất nước gắn chặt với no ấm của đồng bào. Đồng thời, Hồ Chí Minh tiếp thu những giá trị tích cực của văn hóa Trung Hoa như đề cao vai trò của nhân dân “dân vi quý”, “dân là gốc”, “hiếu với dân”. Nhiều chuẩn mực đạo đức, văn hóa Trung Hoa, phương Đông được Người vận dụng tài tình vào trong đời sống thường ngày cũng như trong hoạt động cách mạng như “kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (điều mình không muốn cho mình, đừng làm cho người khác). “Tiên thiên hạ chi ưu, nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc như lạc” (lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ).

Hồ Chí Minh đấu tranh kiên quyết chống lại sự xâm lược của chủ nghĩa đế quốc phương Tây, nhưng đối với văn hóa của họ, trong đó có văn hóa Pháp, Người vẫn tôn trọng, chắt lọc để tiếp thu những chân giá trị. Người tự nguyện tìm đến nước Pháp - nơi đề xướng ra khẩu hiệu “Tự do, bình đẳng, bác ái”, Người đọc nhiều tác phẩm của Diderot (Điđơrô), Montesquieu (Môngtexkiơ), Rousseau (Rútxô)... Đặc biệt, Người nâng niu những thành quả của cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Bắc Mỹ, của Đại cách mạng Pháp 1789. Chính tinh thần đấu tranh dũng cảm của họ đã tạo thành những giá trị văn hóa tinh thần và được ghi trang trọng trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ 1776 và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền Pháp năm 1791. Hồ Chí Minh đã tìm thấy những nét tương đồng, những giá trị chung quyền độc lập dân tộc của hai cuộc đấu tranh trên đây với cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 của Việt Nam. Từ đó, Hồ Chí Minh đã khái quát thành chân lý mang nhiều giá trị chính trị nhân dân cao cả, được ghi trang trọng trong phần mở đầu Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: "Dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do"7. Chân lý thấm đượm tinh thần văn hóa - nhân văn này không chỉ cần cho Việt Nam mà cần cho các dân tộc đang đấu tranh cho nền độc lập của mình, cho toàn nhân loại.

Bằng cách tiếp cận trên đây, Hồ Chí Minh đã thâu tóm được những chân giá trị, rút ra những chân lý khách quan từ các học thuyết, tôn giáo đương thời; hình thành chủ nghĩa, con đường cách mạng của mình, cho dân tộc mình. Chính vì vậy, Người đã “cố gắng làm người học trò nhỏ” của Khổng Tử, Giêsu, Tôn Dật Tiên, Mác vì giữa học trò với “các vị thầy” có một quan điểm chung là cầu mong hạnh phúc cho loài người, phúc lợi cho xã hội. Tuy nhiên ở đây cần thấy, Hồ Chí Minh đã vượt lên trước “các vị thầy” của mình, không chỉ trên lĩnh vực luận thuyết. Cái quan trọng hơn là Hồ Chí Minh đã gắn nó với thực tiễn, bảo đảm cho người dân có thực quyền. Người gắn lý tưởng độc lập quốc gia với sự no ấm của người dân, gắn công cuộc giải phóng dân tộc với giải phóng con người. Trong Cách mạng Tháng Tám, Hồ Chí Minh chủ trương: phá kho thóc Nhật chia cho dân nghèo; sau Cách mạng Tháng Tám Hồ Chí Minh lại chỉ rõ: Dân chỉ biết ý nghĩa của độc lập khi dân được no ấm... là những minh chứng cho ý nghĩa chính trị và giá trị nhân văn của những tư tưởng, chủ trương của Người trong quá trình lãnh đạo cách mạng. Đến đây, ta hiểu thêm, tư tưởng của Hồ Chí Minh về bản chất nền văn hóa cách mạng do Người chủ trương là: “Văn hóa Việt Nam là ảnh hưởng lẫn nhau của văn hóa Đông phương và Tây phương chung đúc lại... Tây phương hay Đông phương có cái gì tốt ta học lấy để tạo ra một nền văn hóa Việt Nam. Nghĩa là lấy kinh nghiệm tốt của văn hóa xưa và văn hóa nay, trau dồi cho văn hóa Việt Nam thật có tinh thần thuần túy Việt Nam để hợp với tinh thần dân chủ”8. Như vậy, ở nhà văn hóa Hồ Chí Minh có sự thống nhất giữa lý luận, tư tưởng với hành động, thể hiện rõ trong cuộc sống hàng ngày của một con người, một lãnh tụ. Chúng ta dễ dàng tìm được truyền thống dân tộc, quê hương, nhưng cũng thấy cả những gì là mới mẻ, hiện đại trong nhà văn hóa Hồ Chí Minh. Ở Người, những giá trị truyền thống gắn chặt với hiện đại và hướng về tương lai. Ở Nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh, hiện đại nhưng không bị tan biến vào người khác; tiên tiến nhưng vẫn rất cốt cách Việt Nam. Đúng như nhận định của David Halberstam về Người: “Hồ Chí Minh là một trong số các nhân vật lạ lùng của thời đại chúng ta: Hơi giống Găngđi, hơi giống Lênin, hoàn toàn Việt Nam. Đó là những nhân tố đại diện của “nền văn hóa tương lai”.

3. Cùng với Đảng ta, từ rất sớm, Hồ Chí Minh đã dày công xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam, xây dựng hệ tư tưởng mới, đạo đức mới, nền giáo dục mới. Người còn phát động phong trào Đời sống mới, xây dựng tác phong làm việc mới vì chính Người đã nêu tấm gương sáng hàng ngày. Người sáng tác thơ văn cách mạng. Người còn là nhà báo cách mạng vĩ đại. Chính Hồ Chí Minh là nhà sáng tạo văn hóa tài năng, nhà lãnh đạo văn hóa lớn.

Những yếu tố cấu thành chất văn hóa Hồ Chí Minh là sự chắt lọc, tổng hợp những tinh hoa văn hóa Việt Nam kết hợp với những tinh hoa toàn nhân loại vì mục tiêu giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Đó là một lý tưởng cao cả, cần thiết cho Việt Nam, cho các nước đang phát triển và cho toàn nhân loại. Vì vậy, đến lượt nó, văn hóa Hồ Chí Minh cần thiết cho Việt Nam, cho toàn nhân loại. Lý tưởng cách mạng của Hồ Chí Minh và những giá trị nhân văn của lý tưởng ấy đã kết thành ánh sáng văn hóa Hồ Chí Minh. Ánh sáng ấy đã xua tan ách áp bức đói nghèo ở Việt Nam, chiếu sáng con đường giải phóng cho các dân tộc bị áp bức. Đó cũng là một sự nghiệp văn hóa cao cả, là ngọn cờ Hồ Chí Minh. Chính vì vậy, tháng 5-1980, tại Hội nghị quốc tế “Việt Nam và thế giới Kỷ niệm 90 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh” theo sáng kiến của Hội đồng hòa bình thế giới, ông Chủ tịch Romet Chandra (Rômét Chanđra) đã chỉ ra cho nhân dân thế giới biết được ý nghĩa giải phóng và giá trị văn hóa của ngọn cờ Hồ Chí Minh trong sự nghiệp giải phóng giai cấp, xã hội, con người:

“Bất cứ nơi nào chiến đấu cho độc lập tự do

Ở đó Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao

Bất cứ ở đâu chiến đấu cho hòa bình và công lý,

Ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao,

Ở bất cứ đâu, nhân dân chiến đấu cho một thế giới mới, chống đói nghèo, ở đó có Hồ Chí Minh, và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao...!”.

Ngày nay, Hồ Chí Minh đã đi xa, nhưng tư tưởng của Người nói chung và tư tưởng của Người về văn hóa vẫn còn nguyên giá trị. Những phương pháp của Hồ Chí Minh để tiếp cận, phát huy giá trị văn hóa trước đây đã và đang giúp Đảng ta nghiên cứu, xây dựng và phát triển nền văn hóa mới, thực sự là nền tảng tinh thần cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Những nhân tố của nền văn hóa tương lai ở Hồ Chí Minh đã góp phần quan trọng đưa nước ta tiến những bước dài và đang là điểm tựa quan trọng để Đảng ta đề xướng đường lối đổi mới.

Để thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, từ 15 năm nay, Đảng ta đã xác định rõ: cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh (trong đó có tư tưởng của Người về văn hóa) là nền tảng tư tưởng, là kim chỉ nam hành động của Đảng ta, dân tộc ta. Cách tiếp cận, những phương pháp và những quan điểm của Hồ Chí Minh về văn hóa, từ lâu đã được Đảng ta tiếp thu vận dụng, xây dựng nên đường lối văn hóa của Đảng trong các thời kỳ cách mạng. Quán triệt sâu sắc vấn đề trên đây, từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Đảng ta đã hình thành một quan điểm thực sự mới, phản ánh đúng giá trị to lớn của văn hóa đối với sự phát triển của xã hội, đối với con đường đi lên của dân tộc. “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”9. Đồng thời, Đảng ta chủ trương xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Vấn đề trên đây vừa có tính định hướng chiến lược, vừa nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách10.

Phương pháp tiếp cận những vấn đề về lý luận, trong đó có cách tiếp cận vấn đề văn hóa của Đảng ta, trên thực tế là sự quán triệt sâu sắc về tư tưởng và phương pháp Hồ Chí Minh trong tình hình mới. Đó là một trong những nguồn gốc tạo nên nhân cách, bản sắc văn hóa Việt Nam, là biểu hiện của tư tưởng văn hóa Hồ Chí Minh, là yếu tố  quan trọng góp phần đưa đất nước Việt Nam xây đắp một tương lai tốt đẹp hơn. Đó là sự hóa thân của “nền văn hóa tương lai” của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam ngày nay./.

TS. LÊ VĂN TÍCH

Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Trích trong “Văn hóa Hồ Chí Minh”, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2014.

 
   

 

1, 2. Hồ Chí Minh - Một người châu Á của mọi thời đại, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr.17-18, 278.

3, 4, 5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.1, tr. 464-469, 510, 509-510.

6. Hữu Ngọc: Phác thảo chân dung văn hóa Pháp, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 1997, tr.20.

7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr.1.

8. Hồ Chí Minh: Về văn hóa, Bảo tàng Hồ Chí Minh xuất bản, Hà Nội, 1997, tr.20.

9. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.55.

10. Xem Nguyễn Đức Bình: Những vấn đề lớn trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 về văn hóa, Tạp chí Cộng sản, số 16, tháng 8-1998, tr. 3-5.

Đức Lâm (st)

Bài viết khác: