Đến tham quan Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở xã Châu Thới (huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu), nhiều người rất ngạc nhiên và xúc động khi nghe ông Nguyễn Văn Khoa (65 tuổi) kể về những đóng góp, hy sinh thầm lặng của quân và dân địa phương trong việc xây dựng, đấu tranh bảo vệ Đền thờ. Ông nói chuyện sinh động, "có hồn" hơn cả hướng dẫn viên chuyên nghiệp bởi ông từng được giao nhiệm vụ dù có phải hy sinh tính mạng cũng phải bảo vệ bằng được Đền thờ Bác.
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, xã Châu Thới (nơi có Đền thờ Bác Hồ) là trọng điểm căn cứ của Huyện ủy Vĩnh Lợi cùng một số bộ phận của tỉnh và Quân khu 9, nằm cách trung tâm tỉnh lỵ Bạc Liêu chỉ khoảng 15 cây số đường chim bay.
Ông Nguyễn Văn Khoa kể về lịch sử xây dựng, bảo vệ Đền thờ Bác Hồ với học sinh
Địch biết rất rõ đều này, tổ chức đánh phá ác liệt nhưng không làm gì được. Có thời điểm, địch tập trung 6 khẩu pháo 105 ly từ 2 phân chi khu Vĩnh Hưng (Bạc Liêu) và Phú Lộc (Sóc Trăng) thường xuyên bắn phá. Còn máy bay địch ở sân bay Bạc Liêu và Sóc Trăng sau mỗi lần đi ném bom đều "thủ" lại một phần để về đây trút xuống. Quanh khu vực Đền thờ, du kích và các lực lượng địa phương bố trí dày đặc các bãi "tử địa" gồm mìn, lựu đạn nên địch rất ngán ngại mỗi khi xua quân vào đây càn quét.
Ông Khoa kể, ngay sau khi hay tin Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần, thể theo nguyện vọng của quân và dân địa phương, Huyện ủy Vĩnh Lợi quyết định sử dụng ngôi nhà của một cơ sở cách mạng cốt cán ở ấp Bà Chăng A, xã Châu Thới làm nơi tổ chức truy điệu Bác; sau đó nơi đây được xây dựng, trở thành Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thời gian này ông được cử làm Đội trưởng Đội bảo vệ Đền thờ, Đội bảo vệ tất cả có 7 người.
Đầu năm 1971, Đền thờ bị địch càn quét, đốt phá lần thứ nhất. Quân và dân địa phương tổ chức phá ấp chiến lược, lấy sắt, dây thép gai về xây dựng lại. Mấy hôm sau địch hay tin, xua quân từ phân chi khu Vĩnh Hưng vào tháo dỡ, bắt dân địa phương dùng xuồng, ghe vận chuyển đi nơi khác. Dọc đường đi, nhân lúc địch sơ hở, bà con bí mật quay về tìm nơi cất giấu.
Cuối tháng 4-1972, Đảng ủy xã Châu Thới phát động nhân dân đóng góp sức người, sức của tu bổ lại Đền thờ nhân dịp kỷ niệm sinh nhật Bác. Đúng ngày 19-5-1972, Đền thờ được khánh thành trước sự hân hoan chào đón của hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong huyện. Đền thờ có diện tích xây dựng 18,24 m2, mặt hướng về phía Tây Nam, trên bốn cột ghi những dòng chữ bằng sơn đỏ: Cơm no áo ấm nhờ ơn Đảng. Độc lập tự do nhớ Bác Hồ và Vô cùng thương tiếc Chủ tịch Hồ Chí Minh kính mến, Hồ Chí Minh sống mãi trong sự nghiệp chúng ta… những dòng chữ này vẫn được giữ nguyên cho đến ngày nay.
Theo ông Khoa, để có đủ vật tư xây dựng, nhiều người dân đã rất khéo léo, gan dạ vượt qua các trạm kiểm soát dày đặc bởi lúc ấy quanh khu vực Đền thờ địch bố trí đến 9 đồn bót, có đồn chỉ cách Đền thờ hơn 5 cây số.
Ông Khoa thống kê, trong 4 năm (từ năm 1972 đến năm 1975), riêng Sư đoàn 21 của Ngụy tổ chức đến 3 lần hành quân càn quét vào căn cứ và Đền thờ nhưng đều bị các lực lượng địa phương dũng cảm đánh chặn, gây cho chúng nhiều tổn thất. Phía ta có nhiều người bị thương và hy sinh, bản thân ông Khoa cũng bị thương, sau này được xác nhận là thương binh hạng 4/4. "Chấp hành chỉ đạo của trên, anh em trong Đội Bảo vệ chúng tôi xác định dù có phải hy sinh tính mạng cũng phải bảo vệ bằng được Đền thờ Bác. Ngày ấy mỗi lần đụng địch, mỗi người chúng tôi đều dành lại một quả lựu đạn cho tình huống xấu nhất, sẵn sàng liều thân với chúng. Rất may điều ấy đã không xảy ra", ông Khoa nói.
Trận đánh bảo vệ Đền thờ Bác để lại trong ông Khoa ấn tượng nhiều nhất là trận đánh diễn ra vào một ngày đầu tháng 3-1973. Ông Khoa nhớ như in, lúc ấy là buổi chiều, 4 chiếc trực thăng từ hướng sân bay Sóc Trăng bất ngờ ập đến. Chúng sử dụng rốc két và đại liên bắn cấp tập vào khu vực Đền thờ, Đội Bảo vệ lại không có các lực lượng khác hỗ trợ. Không cho địch thực hiện ý đồ phá hủy Đền thờ Bác trong chớp nhoáng, các chiến sĩ của Đội Bảo vệ quyết định lấy thân mình làm mục tiêu sống, kéo sự chú ý của địch ra ngoài đồng trống.
Ngoài cánh đồng, chỉ có 4 chiến sĩ với 4 khẩu súng trường "đánh tay đôi" với 4 chiếc trực thăng hung hãn của địch. Quần nhau gần hai giờ, trời càng tối mà không làm gì được các "mục tiêu di động" dưới mặt đất, cuối cùng 4 chiếc trực thăng phải rút đi. Ai cũng bảo trận này các chiến sĩ đánh nhau với trực thăng thật… thần kỳ, các anh chỉ chạy tới chạy lui, thỉnh thoảng nấp vào bờ ruộng bắn lên mấy phát, vậy mà tránh hết mưa đạn từ trên trút xuống, đuổi được trực thăng. Còn người dân xã Châu Thới thì tin trận này các chiến sĩ của Đội bảo vệ không ai hy sinh là nhờ có Bác Hồ linh thiêng "phù hộ".
Trò chuyện với chúng tôi, ông Khoa tự hào cho rằng Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là một biểu tượng tình cảm của người dân địa phương dành cho Bác kính yêu. Bản thân ông, sau khi nghỉ công tác ở Công an xã, ông đã tự nguyện đến bảo vệ, hàng ngày chăm lo đèn nhang ở Đền thờ Bác; khi có nhiều đoàn khách đến tham quan, ông lại tự nguyện đứng ra làm một hướng dẫn viên.
Năm 1998, Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở xã Châu Thới đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Hiện nay Khu Di tích Đền thờ được mở rộng hơn 45.000m2 và là một trong những địa chỉ du lịch, về nguồn nổi tiếng của tỉnh Bạc Liêu./.
Bài và ảnh: HỒNG HIẾU
Theo Báo Quân đội nhân dân
Thanh Huyền (st)