Không trực tiếp ở mặt trận như hồi ở Điện Biên, trong cuộc đại thắng mùa Xuân, tướng Giáp giống một “nhạc trưởng” điều phối các cánh quân trong một chiến trường rộng lớn là toàn bộ miền Nam để đi tới thắng lợi cuối cùng.
Những dự kiến tài tình
Ngày 10/3/1975, Chiến dịch Tây Nguyên mở màn ở Buôn Ma Thuột. Do nghi binh lừa địch tốt, quân ta sớm đánh chiếm được các mục tiêu quan trọng. Sang ngày 11/3, ta làm chủ hoàn toàn thị xã Buôn Ma Thuột. Vào lúc này, quân địch mới tỉnh ra. Chúng sẽ có phản ứng. Làm sao để phát huy thế thắng hơn nữa.
Trong thời điểm đó, căn cứ trên những tin tức thu được từ nhiều nguồn cùng với nhãn quan quân sự sắc bén của một vị tư lệnh tài ba, Tướng Giáp đã dự kiến khả năng địch rút lui chiến lược khỏi Tây Nguyên. Trong bức điện gửi Tướng Văn Tiến Dũng ngày 13/3, Tướng Giáp đã nhắc nhở Tướng Dũng: “Trường hợp địch bị tiêu diệt một bộ phận sinh lực lớn, mất thị xã Buôn Ma Thuột và nhiều quận lỵ, việc chia cắt chiến lược đường số 19 thực hiện tốt thì có khả năng chúng tập trung các lực lượng còn lại ở B3 và Pleiku, cũng nên nghĩ đến khả năng chúng buộc phải thực hiện rút lui chiến lược”.
Hôm sau, nhận được tin địch đốt kho tàng ở Kon Tum, Tướng Giáp nói với Tướng Lê Trọng Tấn: “Địch rút bỏ Pleiku - Kon Tum đã rõ rệt. Chúng sẽ đưa lực lượng xuống co cụm giữ đồng bằng khu 5, Huế và Đà Nẵng. Tình hình sẽ phát triển nhanh. Anh điện ngay cho anh Dũng biết”.
Các bức điện của tướng Giáp gửi vào Tây Nguyên đã cung cấp những tin tức cùng với những gợi ý quan trọng để các tướng lĩnh tại mặt trận có những cơ sở nhận định tình hình. Trong hồi ký Đại thắng mùa Xuân của tướng Văn Tiến Dũng có nói đến việc sau khi nhận bức điện của Quân ủy Trung ương nêu các khả năng phản ứng của địch, trong Bộ Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên đã thảo luận nghiêm túc nhưng các ý kiến cũng chưa thống nhất. Có người cho là địch sẽ rút, có người cho là địch phản kích. Đến 21 giờ ngày 16/3 lực lượng trực ban nhận được tin địch rút khỏi Pleiku theo đường số 7. Bộ Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên gấp rút chỉ đạo các đơn vị truy kích địch và đã đánh tan chúng trên con đường số 7.
Cùng với chiến cuộc ở Tây Nguyên, ở hướng Trị Thiên, quân ta cũng đã chuẩn bị để nổ súng tiến công. Đại tướng nhiều ngày liền ăn ngủ ngay tại Tổng hành dinh để theo dõi tình hình nhằm đưa ra các chỉ thị kịp thời. Ngày 15/3 Quân báo phát hiện địch chuyển một liên đoàn biệt động quân ra Quảng Trị thay cho sư đoàn thủy quân lục chiến. Hiện tượng này giúp củng cố nhận định của Đại tướng từ sau trận Buôn Ma Thuột.
Đại tướng viết trong hồi ức: “Qua cuộc đọ sức lớn đầu tiên ở Tây Nguyên và những diễn biến tiếp theo, có thể thấy rõ quân nguỵ còn yếu hơn nhiều so với sự đánh giá của ta trước lúc mở cuộc tiến công. Chúng không hy vọng giữ được Trị - Thiên. Có thể chúng sẽ tập trung lực lượng về giữ Đà Nẵng, nơi có vị trí chiến lược quân sự xung yếu. Như vậy, khả năng phát triển tiến công của ta rất lớn. Kế hoạch hai năm có thể rút ngắn. Giải phóng miền Nam có thể sớm hơn. Trước mắt, đã có thể mở cuộc tiến công giải phóng thành phố Huế và toàn bộ hai tỉnh Quảng Trị - Thừa Thiên”.
Đến lúc này Đại tướng dường như đã nhìn thấy trước ngày chiến thắng nên trong cuộc họp Bộ Chính trị ngày 18/3, ông mạnh dạn đề nghị Bộ Chính trị : “Ta đang sung sức, lực lượng tập trung, khí thế mạnh mẽ. Quân uỷ Trung ương đề nghị Bộ Chính trị hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trong năm 1975, không chờ đến năm 1976. Để thực hiện quyết tâm ấy, kiến nghị của Quân uỷ Trung ương là: Hướng chiến lược chủ yếu là Sài Gòn”. Được Bộ Chính trị tán thành, Đại tướng chỉ đạo ngay Bộ Tổng tham mưu xây dựng kế hoạch cho trận chiến cuối cùng. Cũng ngay chiều hôm đó, Đại tướng giao nhiệm vụ cho Quân đoàn I sửa soạn hành quân vào miền Nam tham gia trận đánh cuối cùng ở Sài Gòn.
Phá thế co cụm chiến lược
Ở một khía cạnh nào đó, có thể nói rằng chỉ trong 50 ngày mà một đội quân hơn 1 triệu người của chính quyền Sài Gòn tan rã là do liên tục phạm sai lầm chiến lược. Điều đáng nói, sự sai lầm đó ngày càng bị khoét sâu bởi những hành động của Tướng Giáp.
Đầu tiên là cuộc triệt thoái khỏi cao nguyên của quân đội Sài Gòn đã được ông dự liệu từ trong bức điện ngày 13/3. Bởi thế, khi địch rút chạy khỏi cao nguyên, quân ta đã phản ứng khá nhanh, khiến cuộc rút chạy của chúng trở thành một thảm họa quân sự. Toàn bộ quân đoàn II của địch tan rã.
Xe tăng tiến vào Dinh Độc lập
Tình hình Tây Nguyên vừa tạm ổn, tướng Giáp liền điện cho Tướng Dũng yêu cầu đưa quân xuống Đông Nam Bộ. Mục đích là không cho địch có cơ hội co cụm về phòng thủ ở ven Sài Gòn.
Một lần nữa, ý định co cụm chiến lược của địch lại bị Tướng Giáp chặn đứng ở Đà Nẵng. Vào ngày 22/3, khi quân ta đã đánh thiệt hại nặng Sư đoàn 1 Sài Gòn và đang bao vây Huế, tướng Giáp điện cho Khu 5 và Quân đoàn II bịt cửa biển Thuận An không cho địch rút vào phía trong theo đường biển. Chấp hành lệnh, Trung đoàn 1 Sư 324 lập tức hành quân. Sự xuất hiện của quân chủ lực đã khiến hàng ngàn quân địch có cả xe tăng thiết giáp hoảng loạn tan vỡ vứt bỏ súng ống, xe pháo trên một đoạn đường dài từ thành phố Huế xuống cửa Thuận An.
Tương quan lực lượng là một yếu tố quan trọng trong quân sự. Tuy nhiên, với một vị tướng tài, tương quan không phải chỉ là những con số về người, súng ống. Trong trận giải phóng Đà Nẵng, tướng Giáp đã tư duy không theo con số.
Lúc đó, Đà Nẵng tập trung gần 10 vạn quân địch nhưng lực lượng ô hợp với nhiều tàn quân từ các nơi rút về nên tinh thần của chúng đã cực kỳ hoang mang. Không những nhìn thấy khả năng tan rã, Tướng Giáp lại tiếp tục nhấn mạnh đến yêu cầu phá ý định rút lui co cụm vào tuyến trong của địch.
Trong cuộc họp Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương ngày 24/3, ông phân tích: “Nếu chúng thoát được vào phía Nam thì cuộc Tổng tiến công của ta ở chiến trường trọng điểm sẽ gặp khó khăn. Vậy ta cần nhanh chóng đánh chiếm Đà Nẵng, tiêu diệt sinh lực của địch ở đây, tạo thuận lợi phát triển tiến công trong các bước sau. Chúng có thể "tử thủ", cũng có thể rút, rút nhanh hay rút chậm, nhưng ta thì phải chuẩn bị đánh trong tình huống địch rút nhanh, nhất thiết phải đánh nhanh. Không chờ giải phóng xong Huế, mà ngay từ bây giờ, phải bắt đầu mở cuộc tiến công vào Đà Nẵng. Nhanh chóng đánh chiếm các điểm cao, cho xe tăng thọc sâu ngay, tận dụng tối đa khả năng của pháo binh để tiến công Đà Nẵng”.
Diễn biến trận Đà Nẵng sau đó, quân ta chỉ chuẩn bị trong 3 ngày với lực lượng ít hơn nhưng đã nhanh chóng đánh tan 10 vạn quân và giải phóng thành phố lớn thứ 2 miền Nam. Đáng chú ý là với những chỉ đạo của Tướng Giáp, toàn bộ Quân đoàn I của địch tan rã bị loại khỏi vòng chiến, số thoát vào tuyến trong không đáng kể. Điều đó tạo thuận lợi cho chiến dịch cuối cùng giải phóng Sài Gòn.
Nhìn xuyên suốt 50 ngày tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 ta thấy vai trò Đại tướng nổi bật lên như một nhạc trưởng tài ba biết sắp xếp, thúc đẩy những “nhạc công” để tấu lên khúc nhạc khải hoàn. Biết rằng như Tổng Bí thư Lê Duẩn nói: “Thắng lợi này không của riêng ai, vinh quang này thuộc về dân tộc”. Chính Tướng Giáp cũng nói ông chỉ là giọt nước trong biển cả. Tuy nhiên, không thể phủ nhận vai trò to lớn của ông trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và đặc biệt là trong Đại thắng mùa Xuân 1975./.
Theo http://www.doisongphapluat.com/
Minh Nguyệt (st)