Bốn mươi năm năm đất nước hòa bình, nhưng trong tâm trí của người lính, ký ức về những năm tháng gian khó nhưng cũng rất vẻ vang, tự hào trong cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc vẫn còn vẹn nguyện. Đặc biệt, đối với những người lính trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh - mùa Xuân năm 1975 thì những ký ức hào hùng về ngày toàn thắng dân tộc, non sông thu về một mối ấy không bao giờ phai mờ.
Ký ức người chiến sỹ biệt động năm xưa
Xuất thân là công nhân Cảng Sài Gòn, nhập ngũ năm 1962, công tác tại Đội 65 Biệt động Thành Sài Gòn - Gia Định, ông Lâm Sơn Náo (sinh năm 1936, ở Thành phố Hồ Chí Minh) được giao nhiệm vụ tiếp tục duy trì thế hợp pháp công nhân Cảng Sài Gòn; đồng thời xây dựng cơ sở, phát triển lực lượng sẵn sàng chiến đấu. Năm 1964, ông đã lập chiến công lớn đánh chìm tàu USNS CARD của Hải quân Mỹ.
Ông Lâm Sơn Náo kể lại chuyện đánh chìm chiến hạm USNS CARD (ảnh: nld.com.vn)
Ông Náo kể lại, Cảng Sài Gòn lúc đó được phòng bị cực kỳ nghiêm ngặt, đặc biệt là mỗi khi có tàu cập Cảng tiếp viện vũ khí cho chính quyền Sài Gòn. Đêm 1/5/1964, ông Náo cùng người đồng đội là Nguyễn Phú Hùng chèo xuồng hướng về phía Tàu USNS CARD trên sông Sài Gòn, vượt qua bao khó khăn, đến 2 giờ sáng 2/5/1964, ông cùng đồng đội đặt xong thuốc nổ và rút về nhà, đến 3 giờ thì nghe tiếng nổ long trời từ cảng Sài Gòn. Ngay sáng hôm đó, các Đài Phát thanh trên thế giới và Sài Gòn dồn dập đưa tin về Tàu USNS CARD của Hải quân Mỹ bị đánh chìm. Tàu USNS CARD là niềm kiêu hãnh của Hải quân Mỹ trong chiến tranh thế giới II, sự kiện USNS CARD bị đánh chìm khi đang xếp dỡ máy bay tại Cảng Sài Gòn làm chết và bị thương trên 120 tên lính Mỹ, làm hư hỏng 23 máy bay, trực thăng các loại gây chấn động nước Mỹ và khắp năm châu. Đây là một trong những chiến công xuất sắc của lực lượng Biệt động Sài Gòn thời đó.
Năm 1967 khi trên đường vào công tác trong nội thành, ông Náo bị bắt đày đi Côn Đảo, bị tra tấn dã man nhưng ông không hề nao núng, luôn giữ vững khí tiết cách mạng. Đến năm 1973 được trao trả, ông lại tiếp tục công việc của chiến sĩ biệt động, trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Hòa bình lập lại, ông tiếp tục đóng góp công sức của mình xây dựng Thành phố. Trải qua nhiều cương vị khác nhau, ở cương vị nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Nhớ mãi khoảng khắc Sài Gòn giải phóng 30/4/1975
Đối với ông Vũ Đăng Toàn, (sinh năm 1947, quê ở tỉnh Hải Dương) thì giây phút ông chỉ huy Đại đội xe tăng 390 húc đổ cổng Dinh Độc Lập (nay là Hội trường Thống Nhất) và cùng đồng đội buộc toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn đầu hàng đã in sâu vào tâm trí như một chiến công oanh liệt không bao giờ có thể quên.
Năm 1965, ông gia nhập Quân đội nhân dân Việt Nam và được biên chế thuộc Binh chủng Tăng - Thiết giáp. Vũ Đăng Toàn lúc này là Trung úy, Chính trị viên Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Tăng - Thiết giáp 203, Quân đoàn 2 và là chỉ huy xe tăng số 390. Ông là lớp người đầu tiên của Binh chủng Tăng - Thiết giáp đưa xe vào chiến trường Quảng Trị, trận đánh cuối cùng của ông là trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử - mùa Xuân 1975.
Chiếc xe tăng 390 và những chiến sỹ của thời khắc lịch sử. (ảnh: vtc)
Lần giở lại ký ức, chiến công lịch sử ấy lại hiển hiện qua lời kể của ông Toàn: Sáng ngày 30/4/1975, Đại đội 4 của ông nhận nhiệm vụ thần tốc tiến về Sài Gòn. Đánh thắng quân địch tại các trạm chốt ở khu vực Cầu Sài Gòn, Hàng Xanh, cầu Thị Nghè, tiến về Dinh Độc Lập. Xe tăng 390 của Đại đội 4 gần đến cổng Dinh Độc Lập thì gặp xe 843 do Đại đội trưởng Bùi Quang Thận chỉ huy đang cố gắng công phá cổng phụ phía bên trái, nhưng chưa vào được, lúc đó xe 390 đi đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Ông kể: “Lúc đó lái xe Nguyễn Văn Tập hỏi: Thế nào anh Toàn ? Tôi ra lệnh tông vào, lập tức tăng ga xe lao thẳng vào, húc tung cánh cổng chính, tiến vào trước cửa Dinh”. Sau đó, ông Toàn cùng đồng đội bắt toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn đầu hàng, hoàn thành nhiệm vụ ông tiếp tục trở về đơn vị sẵn sàng chiến đấu.
Ông Toàn xuất ngũ năm 1985, khi đó đất nước còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhất là về lương thực, từ hoàn cảnh đó, ông trăn trở suy nghĩ phải vượt lên chính mình. Phát huy bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”, không sợ khó, không sợ khổ, ông Toàn bươn chải ở mọi nghề như làm bánh đa, đậu phụ, chăn nuôi… Nhờ vậy, cuộc sống gia đình dần ổn định và nuôi được ba con ăn học đầy đủ, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Trong thời bình, ông luôn mẫu mực trong cuộc sống hàng ngày, nhiệt tình trong các hoạt động giáo dục thế hệ trẻ.
Đối với ông Nguyễn Văn Tàu (sinh năm 1928 ở Bà Rịa - Vũng Tàu), biệt danh Tư Cang, nguyên là Chính ủy Lữ đoàn Biệt động 316, người trực tiếp chiếm giữ, bảo vệ cầu Rạch Chiếc để xe tăng của ta tiến vào giải phóng Sài Gòn năm 1975 thì niềm vui ngày toàn thắng vẫn vẹn nguyên. Ông xúc động kể lại: “Tối 30/4, trong thành phố chỉ còn nghe tiếng súng bắn chỉ thiên chào mừng thành phố được giải phóng. Điều kỳ diệu là thành phố còn nguyên vẹn, điện nước đầy đủ. Theo tôi có được điều ấy là do nhân dân. Lòng dân hướng về cách mạng, các đoàn thể được tổ chức chặt chẽ. Khi các cánh quân tiến vào thì quần chúng đã đứng lên diệt ác ôn, giải phóng phường, treo cờ cách mạng. Đó là sự chuẩn bị, gây dựng quần chúng từ mấy chục năm. Phong trào quần chúng ví như thùng thuốc nổ, khi có ngòi nổ đủ sức công phá thì sức mạnh quần chúng bung ra không gì cản nổi. Quân đội như chúng tôi chỉ đóng vai trò ngòi nổ đủ mạnh”.
Những người con ưu tú đóng góp công lao to lớn cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, trở về với đời thường, họ tiếp tục không ngừng phấn đấu, nỗ lực vượt qua bao khó khăn, đạt nhiều thành tích trong công tác, trong lao động sản xuất và hoạt động xã hội, là tấm gương sáng cho bao thế hệ noi theo./.
Thu Hoài
Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Quốc phòng
Minh Thu (st)