Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: Nước Việt Nam là một/ Dân tộc Việt Nam là một/ Dù cho sông cạn đá mòn/ Nhân dân Nam, Bắc là con một nhà. Để góp phần thực hiện chân lý đó, ước nguyện đó, tháng 4 năm 1964, một phong trào thi đua “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt” do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động đã nhanh chóng phát triển sâu rộng trên khắp miền Bắc, từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi đến miền ngược.

Trong trái tim của nhà yêu nước vĩ đại Hồ Chí Minh, việc một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ được hình dung như cơ thể một con người, là hiển nhiên, là tất yếu, tuyệt đối không thể phân chia, không thể cắt rời, không có bất cứ một sức mạnh nào có thể làm lung lạc được ý chí thống nhất của dân tộc Việt Nam.

Năm 1963 là năm thứ ba đồng bào miền Nam đồng khởi nổi dậy. Quân và dân miền Nam liên tiếp giành thắng lợi trên cả hai mặt trận đấu trang vũ trang và đấu tranh chính trị. Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam ra đời năm 1960 và đang ngày càng có uy tín trên trường quốc tế. Dù không công khai, nhưng cách mạng miền Nam lúc này vẫn đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

moi-nguoi-lam-viec-bang-hai-bqllang-gov-vn
“Vì miền Nam ruột thịt, mỗi người làm việc bằng hai”. Ảnh tư liệu

Tại Hội nghị Chính trị đặc biệt năm 1964, một hội nghị “Diên Hồng” của thời kỳ mới, Bác Hồ có câu nói nổi tiếng “Mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt”. Lời nói ấy của Bác nhanh chóng trở thành lời hiệu triệu cả miền Bắc hậu phương thi đua “Mỗi người làm việc bằng hai”, tạo sức mạnh tổng lực: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.

Từ lời hiệu triệu của Bác, phong trào ngay lập tức lan toả khắp các địa phương ở miền Bắc, miền Trung; trong các cơ quan, trường học; từ nông thôn đến thành thị, miền xuôi đến miền ngược.

Khẩu hiệu hành động “Nhà nhà thi đua, người người thi đua, ngành ngành thi đua” đã huy động mạnh mẽ sức người, sức của phục vụ chiến trường miền Nam.

Trên các công trường, nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ, hàng chục vạn công nhân đã sôi nổi “luyện tay nghề, thi thợ giỏi”, ra sức phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Ở nhiều nơi, nhiều đơn vị sản xuất liên tục hoàn thành vượt mức kế hoạch nhiều năm liền...

Thi đua với công nhân và nông dân trên mặt trận lao động sản xuất, các ngành: Y tế, giáo dục, thương nghiệp, văn hoá nghệ thuật, thông tin tuyên truyền, công tác chính quyền, đoàn thể... cũng nêu cao tinh thần phục vụ.

Ngày 11/4/1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài trả lời bạn đọc, bút danh Chiến sĩ đăng trên báo Nhân Dân số 3665, trả lời câu hỏi “Làm thế nào để thực hiện việc mỗi người làm việc bằng hai?” của bạn đọc, Người giải thích rằng làm việc bằng hai không có nghĩa là kéo dài giờ lao động gấp đôi mà “bất kỳ làm công việc gì đều phải nâng cao ý thức làm chủ và tinh thần trách nhiệm, có tinh thần cố gắng gấp bội, ra sức phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nhằm mục đích làm được nhiều, nhanh, tốt, rẻ”.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ 2, hơn 80 vạn đoàn viên, hội viên, thanh niên đã tự nguyện đăng ký phấn đấu theo tinh thần: “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, hơn 1 vạn tập thể thanh niên phấn đấu hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. “Mỗi người làm việc bằng hai” thực sự trở thành mục tiêu phấn đấu của mỗi người, mỗi ngành vì một mục đích duy nhất, cao đẹp nhất là giải phóng miền Nam.

Cùng với các phong trào: “Sóng duyên hải” trong sản xuất công nghiệp; “Gió đại phong” trong sản xuất nông nghiệp; “Cờ Ba nhất” trong quân đội, “Trống Bắc lý” trong giáo dục, “Thanh niên Ba sẵn sàng”, “Phụ nữ Ba đảm đang”, phong trào thi đua “Mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt” đã thực sự phát huy hiệu quả; tạo nguồn sức mạnh vật chất và tinh thần to lớn để toàn dân tộc ta đứng lên đánh Mỹ và thắng Mỹ, thống nhất Tổ quốc, đưa đất nước bước sang kỷ nguyên mới: Cả nước cùng đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Những người từng được sống và làm việc trong phong trào “Vì miền Nam ruột thịt” ngày ấy rất đỗi tự hào vì đã đóng góp một phần công sức của mình vào công cuộc thống nhất nước nhà. Ngày nay, lời kêu gọi “Mỗi người làm việc bằng hai” của Bác vẫn nhắc nhở chúng ta: Sống, chiến đấu, lao động và học tập vì Tổ quốc thân yêu./.

TTXVN/TTTL

Thu Hiền (st)/ Theo http://baotintuc.vn

Bài viết khác: