Nghe thuat quan su

Mít tinh mừng Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.(ảnh tư liệu)

Thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc chiến tranh giải phóng đất nước trước  đế quốc Mỹ xâm lược là sự thành công và tiêu biểu cho nghệ thuật lãnh đạo quân sự của Đảng. Đường lối nghệ thuật thuật quân sự ấy vận dụng sáng tạo học thuyết Mác-Lênin và tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh về chiến tranh và quân đội vào điều kiện thực tế của Việt Nam, kế thừa và phát triển truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc đồng thời tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm quân sự tiên tiến trên thế giới. Trước một đế quốc hùng mạnh như Mỹ thì cần phải tìm ra một lối đánh như thế nào cho thích hợp, nhằm giảm tổn thất cho ta đến mức thấp nhất, từ đó nghệ thuật quân sự được Đảng ta vận dụng vào trong từng trận đánh.

Từ khi ra đời, Đảng ta gánh vác sứ mệnh lãnh đạo dân tộc thực hiện hai nhiệm vụ của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và chống đế quốc xâm lược, giành độc lập thống nhất Tổ quốc và chống phong kiến, giành lại ruộng đất cho nông dân. Tháng 7/1954, miền Bắc được giải phóng, nhưng miền Nam còn dưới ách thống trị của đế quốc và bọn tay sai. Đế quốc Mỹ hất cẳng bọn tay sai, đưa Ngô Đình Diệm lên tiếp tục thống trị nhân dân ta ở miền Nam, hai mâu thuẫn cơ bản trên vẫn tồn tại và đất nước vẫn tạm thời bị chia cắt.

Sau khi hiệp định Giơnevơ được ký kết, mục tiêu trước mắt của Mỹ là phá hoại hiệp định, phá hoại công cuộc thống nhất nước Việt Nam. Biện pháp chiến lược của chúng là “tố cộng, diệt cộng” tập trung đánh phá cách mạng miền Nam vô cùng tàn khốc, chúng huy động mọi lực lượng quân sự, mật vụ, hành chính. Chúng mở nhiều cuộc hành quân càn quét, triệt phá cơ sở cách mạng, khủng bố những vùng cơ sở cách mạng cũ. Nhân dân miền Nam, cách mạng miền Nam bị đẩy vào tình thế khó khăn chưa từng có.

Trước tình hình  đó, Đảng ta xác định ngày càng rõ hơn nhiệm vụ cách mạng hai miền. Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (8/1955) chỉ ra là “phải tiếp tục cuộc đấu tranh để thực hiện tổng tuyển cử nước nhà, đồng thời bảo vệ và xây dựng miền Bắc, góp phần giữ gìn hòa bình thế giới trong hiệp định Giơnevơ”1. Nghị quyết Bộ Chính trị tháng 6/1956 cũng đề ra “đấu tranh chính trị không có nghĩa là tuyệt đối không dùng hình thức vũ trang tự vệ trong hoàn cảnh nhất định”2. Tiếp theo đó Hội nghị Trung ương lần thứ 13 (12/1957) Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “ta đồng thời tiến hành 2 chiến lược cách mạng: Cách mạng dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa”3.

Trên cơ sở tổng kết những kinh nghiệm thực tiễn và nghiên cứu thực tiễn, đồng thời xem xét những kiến nghị của nhiều cán bộ Đảng viên, Bộ Chính trị đã dành nhiều công sức, trí tuệ chuẩn bị một giải pháp cho cách mạng miền Nam để  trình Ban Chấp hành Trung ương. Tháng 1/1959 Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 15 đã họp và khẳng định: “nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam là giải phóng miền Nam, đánh đổ tập đoàn Ngô Đình Diệm, phương cách mạng là dùng bạo lực cách mạng từ đấu tranh chính trị tiến lên kết hợp với đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang, dự kiến khả năng cách mạng miền Nam sẽ phát triển thành một cuộc đấu tranh vũ trang trường kỳ”4.

Cuối năm 1960, hình thức thống trị bằng chính quyền tay sai độc tài phát xít Ngô Đình Diệm bị thất bại, đế quốc Mỹ buộc phải thay đổi chiến lược chuyển sang tiến hành “chiến tranh đặc biệt” một trong ba loại hình chiến tranh trong chiến lược quân sự toàn cầu “phản ứng linh hoạt” của Mỹ hòng đối phó với cách mạng miền Nam.Âm mưu trước mắt của Mỹ là phá hoại hiệp định, phá hoại công cuộc thống nhất nước Việt Nam và xây dựng quân đội Ngụy  -Sài Gòn với vũ khí mạnh, trang bị cố vấn Mỹ để tiến hành “bình định”, “lập ấp chiến lược” nhằm tiêu diệt các lực lượng vũ trang và chính trị của cách mạng miền Nam, thực hiện bình  định miền Nam trong vòng 18 tháng. Để thực hiện âm mưu trên biện pháp mà chúng thực hiện là “tố cộng, diệt cộng” tập trung đánh phá cách mạng miền Nam vô cùng tàn khốc, chúng huy động mọi lực lượng quân sự, mật vụ, hành chính.

Đứng trước tình hình đó, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (9/1960) đã hoàn chỉnh đường lối kháng chiến chống Mỹ. Nghị quyết Đại hội III nhấn mạnh: “cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam còn lâu dài và gian khổ. Nó không phải là một quá trình đơn giản mà chính là một quá trình phức tạp kết hợp nhiều hình thức đấu tranh linh hoạt từ thấp đến cao, hợp pháp và không hợp pháp và lấy việc xây dựng cũng cố, phát triển lực lượng cách mạng của quần chúng làm cơ sở”5.

Tháng 12/1963 căn cứ vào tình hình trong nước và thế giới có nhiều biến động, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp hội nghị lần thứ 9, ra quyết định: “đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang đều đóng vai trò rất căn bản và quyết định, nhưng trong tình hình hiện nay thì  đấu tranh vũ trang đóng vai trò quyết định trực tiếp. Phương châm chiến lược chung là chiến đấu lâu dài, dựa vào sức mình là chính, kết hợp đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang một cách linh hoạt”6.

Quán triệt quyết định của Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 9 các hoạt động vũ trang được đẩy mạnh song song với đấu tranh chính trị và thu được nhiều thắng lợi vang dội, mở đầu là chiến thắng Ấp Bắc (1963), tiêu biểu cho phương pháp đánh địch bằng hai chân (kết hợp quân sự với chính trị).Cuộc đấu tranh của quân dân miền Nam chống địch dồn dân là một cuộc đấu tranh toàn diện, kết hợp lực lượng chính trị với lực lượng vũ trang, kết hợp tiến công và nổi dậy, nổi dậy và tiến công, thực hiện ba mũi giáp công (bao gồm chính trị, quân sự, binh vận) kết hợp lực lượng tiến công từ bên ngoài và sự nổi dậy từ bên trong  ấp chiến lược, trong đó sức mạnh của lực lượng quần chúng nổi dậy bên trong là chính.

Tiếp sau đó các Hội nghị Trung ương lần thứ 11 (3/1965) nhất là Hội nghị lần thứ 12 (12/1965) đã phân tích toàn diện sâu sắc chiến lược mới của Mỹ và khẳng định: “mặc dù đế quốc Mỹ đưa vào miền Nam hàng chục vạn quân viễn chinh nhưng lực lượng so sánh giữa ta và địch vẫn không thay đổi lớn. Vì thế cách mạng và chiến tranh cách mạng phải giữ vững và phát triển thế chiến lược tiến công”7. Trung ương vạch rõ: Tuy Mỹ đem quân trực tiếp xâm lược nhưng mục đích của chúng vẫn là “tiếp tục thực hiện chính sách thực dân kiểu mới” cho nên ở miền Nam chúng ta cần kiên trì kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, vận dụng tốt phương châm 3 mũi giáp công. Hội nghị Trung ương lần thứ 11 nhấn mạnh: “phải kiên trì hơn nữa phương châm đánh lâu dài, dựa vào sức mình là chính, đồng thời tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ và viện trợ quốc tế, coi đó là một nhân tố quan trọng góp phần quyết định thắng lợi của quân và dân ta”8.

Mỹ tiến hành cuộc chiến phản công chiến lược lần thứ hai, lần này chúng tập trung lực lượng vào hướng Đông Nam Bộ bằng biện pháp tiêu diệt và bình  định, đồng thời dùng thủ đoạn ngoại giao nhằm hạn chế sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa đối với cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Nhằm hỗ trợ cho cuộc phản công chiến lược lần thứ hai, Mỹ tăng cường đẩy mạnh cuộc chiến tranh không quân, hải quân đánh phá hệ thống kho nhiên liệu, cầu cống, căn cứ quân sự trên miền Bắc Việt Nam dân chủ cộng hòa, hòng làm kiệt quệ tiềm lực kháng chiến của ta, ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn xã hội chủ nghĩa cho tiền tuyến lớn miền Nam, làm lung lay ý chí của Đảng và nhân dân ta ở miền Bắc. Trước tình hình đó thì  Đảng, Bộ Chính trị đã phân tích và  đánh giá toàn bộ tình hình địch, Bộ chính trị đã đề ra nhiệm vụ cho hai miền. Ở miền Nam: Ra sức đánh bại cuộc phản công chiến  lược lần thứ hai của bọn xâm lược Mỹ, làm thất bại các mục tiêu lớn của chúng, tạo điều kiện thời cơ cho các hoạt động lớn, tiến lên tổng công kích, tổng khởi nghĩa, thực hiện quyết tâm chiến lược của Trung  ương. Đồng thời, ra sức xây dựng cơ sở vững chắc,chuẩn bị điều kiện đánh thắng địch trong trường hợp chiến tranh kéo dài hoặc mở rộng cả nước.

Ở miền Bắc: Phải tích cực đẩy mạnh sản xuất và chiến đấu, đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, tăng cường lực lượng kinh tế và quốc phòng, ra sức giữ vững và mở rộng các con đường hành lang, đảm bảo tăng chi viện cho miền Nam và Lào. Tích cực chuẩn bị và kiên quyết đánh thắng địch trong trường hợp chúng đổ bộ ra phía nam Khu IV cũ, chiếm đóng Trung, Hạ Lào, đồng thời chuẩn bị đánh thắng địch trong trường hợp chúng mở rộng chiến tranh cục bộ ra cả nước.Quân dân miền Nam đẩy mạnh đấu tranh vũ trang, kiên trì  đấu tranh chính trị, đẩy mạnh tác chiến của 3 thứ quân, tập trung đánh bại li ên tiếp các cuộc hành quân lớn của Mỹ, làm phá sản mục tiêu chủ yếu của Mỹ trong cuộc phản công này.

Sau khi Hiệp định Pari được kí kết (27/1/1973), Mỹ và các nước phụ thuộc phải rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam. Ngày 29/3/1973, Mỹ tiếp tục âm mưu dùng ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn làm công cụ để thực hiện chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam, biến miền Nam thành một quốc gia thân Mỹ mà thực chất là thuộc địa của Mỹ.Mục tiêu trước mắt của Mỹ - Ngụy là lấn chiếm vùng giải phóng và bình định vùng còn chiếm đóng, tiêu diệt một bộ phận lực lượng ta, đẩy lực lượng ta ra sát biên giới Việt - Lào. Để thực hiện âm mưu này, Mỹ tăng cường vũ khí ồ ạt, phương tiện chiến tranh vào miền Nam. Mỹ duy trì lực lượng răn đe, đồng thời tiếp tục tăng cường hoạt động ngoại giao xảo quyệt hòng ngăn chặn sự phát triển của cách mạng miền Nam. Đến đầu năm 1973, thì tổng số quân Ngụy là 1.351.000 tên trong đó có 495.000 quân chủ lực, 475.000 quân địa phương, 381.000 quân phòng vệ có vũ trang, gồm 13 sư đoàn chủ lực, 18 liên đoàn biệt động quân, cùng hàng vạn tấn vũ khí các loại.

Từ sau Hiệp định Pari có hiệu lực, Đảng ta dự kiến hai khả năng rằng hoặc là hòa bình được duy trì, Hiệp định được thực hiện từng bước, phong trào miền Nam có điều kiện phát triển những bước mới hoặc là chiến tranh sẽ tiếp tục. Tháng 5/1973, Hội nghị Bộ Chính trị nhận định xu hướng Mỹ, ngụy chống phá Hiệp định Pari ngày càng tăng, ta có khuyết điểm và sơ hở trong chủ trương và đối phó kịp thời với hành động của địch phá hoại hiệp định nên chúng lấn chiếm và bình định được một số vùng gây cho ta những khó khăn nhất định.

Tháng 7/1973, Hội nghị Trung ương lần thứ 21 đã đánh giá tình hình miền Nam sau Hiệp định Pari, vạch ra những khuyết điểm của ta trong việc đối phó với âm mưu và hành động phá hoại của địch, đặc biệt là phê phán thái độ lừng chừng khiến cho địch thừa cơ lấn tới. Hội nghị kịp thời khẳng định nhiều vấn đề cực kỳ quan trọng “nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam trong giai đoạn mới là tiếp tục thực hiện chiến lược cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, bất kể tình huống nào, ta vẫn phải kiên định với con đường bạo lực cách mạng, giữ vững chiến lược tiến công”9. “Nhiệm vụ trước mắt là giữ vững và phát huy thế chủ động về mọi mặt của ta, kiên quyết phản công và tiến công địch, kết hợp chặt chẽ 3 mặt trận đấu tranh: Quân sự, chính trị, ngoại giao để đưa cách mạng miền Nam tiến lên”10.      

Nhiệm vụ của miền Bắc là phải tranh thủ điều kiện thuận lợi hiện có, đẩy mạnh chi viện cho cách mạng miền Nam, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc. Thực hiện nhiệm vụ của của Hội nghị Trung ương lần thứ 21 đề ra: Miền Bắc phải chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, đồng thời chi viện cho chiến trường miền Nam.

Tháng 7/1974 đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn trực tiếp hướng dẫn Bộ Tổng Tham mưu khởi thảo kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 - 1976. Ngoài ra, Bộ Chính trị còn dự kiến một phương án nữa là nếu thời cơ đến thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975. Thực hiện chiến lược 2 năm (1975 -1976), những tháng cuối năm 1974, quân ta mở hoạt động mùa khô trên toàn miền Nam nhằm hoàn thiện thế trận, tạo điều kiện thực hiện đoàn tiến công chiến lược, ta đã giành thắng lợi trên toàn miền Nam nhất là Trung Bộ và Đông Nam Bộ, trong đó có những trận thắng lớn tại cụm cứ điểm Thượng Đức, Phước Long…đã khẳng định sự suy yếu của quân chủ lực ngụy và khả năng Mỹ khó quay lại để cứu Ngụy. Điều đó càng củng cố quyết tâm mà ta đã dự kiến. Ngày 31/3/1975, Bộ Chính trị họp nghe Quân ủy Trung ương báo cáo sự phát triển của tình hình cuộc chiến. Bộ Chính trị nhận thấy: “Về chiến lược và lực lượng quân sự, chính trị, ta đã có sức mạnh áp đảo, địch đang đứng trước nguy cơ sụp đổ và diệt vong. Mỹ tỏ ra hoàn toàn bất lực, dù có tăng viện cũng không cứu vãn được tình thế của Ngụy. Cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam, không những đã bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt, mà thời cơ để mở tổng tiến công và nổi dậy tại Sài Gòn - Gia Định đã chín muồi. Từ giờ phút này, trận quyết chiến chiến lược của quân và dân ta đã bắt đầu”11. Bộ Chính trị quyết định: “Nắm vững thời cơ chiến lược, quyết tâm thực hiện tổng tiến công và nổi dậy, kết thúc thắng lợi chiến tranh giải phóng trong thời gian sớm nhất. Tốt hơn cả là bắt đầu và kết thúc trong tháng 4 năm nay (1975), không để chậm”12.

Sau khi đã hoàn thành công tác ở cả 2 miền Nam - Bắc, ta đánh chiếm và giải phóng Buôn Ma Thuột 11/3/1975, và trước tình hình ta thắng lớn ở Tây Nguyên, ngày 18/3/1975, Bộ Chính trị họp và kịp thời bổ sung quyết tâm chiến lược, giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975. Tiếp đó, ngày 25/3/1975, Bộ Chính trị bổ sung quyết tâm giải phóng miền Nam trước mùa mưa.

Ngày 25/3/1975, Trung đoàn 101 Sư đoàn 325, Trung đoàn 3 Sư đoàn 324, các đơn vị của quân khu Trị - Thiên và các cánh quân của Quân đoàn 2 từ các hướng tiến về giải phóng thành phố Huế. Cùng  ngày, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị, hạ quyết tâm giải phóng Sài Gòn và toàn miền Nam trước mùa mưa (tháng 5/1975). Bộ Chính trị đề ra kế hoạch hai năm, nhưng lại nhấn mạnh "cả năm 1975 là thời cơ" và chỉ rõ: Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975.

Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tranh thủ thời cơ thực hiện "Tổng công kích  -Tổng khởi nghĩa", phải đánh thắng nhanh để đỡ thiệt hại về người và của cho nhân dân, giữ gìn tốt cơ sở kinh tế, công trình văn hoá..., giảm bớt sự tàn phá của chiến tranh. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương cũng thông qua kế hoạch giải phóng Đà Nẵng và quyết định thành lập Bộ Tư lệnh mặt trận Đà Nẵng. Đồng chí Lê Trọng Tấn, Phó Tổng tham mưu trưởng, được cử làm Tư lệnh, đồng chí Chu Huy Mân, Tư lệnh Quân khu 5, được cử làm Chính ủy.

Ngày 26/4/1975 chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử bắt đầu tiến công giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Ngày 28/4/1975, các trận địa pháo của ta đồng loạt nã đạn vào sân bay Tân Sơn Nhất, vào chiều hôm đó, phi công ta dùng 5 máy bay phản lực A37 mở đợt tập kích vào khu vực tập kết máy bay của chúng. Đêm 28 rạng sáng 29/4/1975, tất cả các cánh quân của ta được lệnh đồng loạt tổng công kích vào trung tâm thànhphố đánh chiếm tất cả các cơ quan đầu não của địch. Mỗi hướng lực lượng chủ lực ta có từ 30.000 đến 50.000 quân và hàng nghìn xe tăng, thiết giáp, xe cơ giới khác. Phối hợp cuộc tiến công của các binh đoàn chủ lực, 26.000 cán bộ, chiến sĩ đặc công, biệt động, an ninh vũ trang, tự vệ và cơ sở cách mạng trong nội thành áp sát các mục tiêu địch, đánh chiếm và giữ các đầu mối giao thông trên năm hướng tiến vào nội đô.

10 giờ 45 phút ngày 30/4/1975, xe tăng của ta tiến thẳng vào Dinh Độc Lập, bắt sống toàn bộ Ngụy quyền Trung  ương, Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng không điều kiện. Đến 11 giờ 30 phút cùng ngày, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Phủ Tổng thống chính quyền Sài Gòn, báo hiệu sự toàn thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc thắng lợi cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ, giải phóng dân tộc của Đảng và nhân dân ta.

Trong trận đánh cuối cùng là Chiến dịch Hồ Chí Minh ta đã tổ chức lực lượng chiến dịch một cách hợp lý, khoa học giữa các thành phần binh chủng, giữa lực lượng chiến đấu và bảo đảm chiến đấu. Các sư đoàn, quân đoàn bộ binh phải được cơ giới hóa toàn bộ hay từng phần mới nâng cao được tốc độ tiến công, có khả năng hiệp đồng chặt chẽ với các binh chủng kỹ thuật và phát huy được sức mạnh đột kích mạnh, có hỏa lực tầm xa; cải tiến các phương tiện chỉ huy, thông tin, trinh sát mới bảo đảm tác chiến hiệp đồng quân-binh chủng tốt. Coi trọng lực lượng công binh cơ giới làm cầu đường, vượt sông trong thành phần các lực lượng công binh.

Ngoài ra, việc lấy trang bị, vũ khí của địch để đánh địch có  ý nghĩa hết sức quan trọng, có tác dụng khôi phục và phát triểnsức chiến đấu của binh chủng; giải quyết được những khó khăn về đảm bảo hậu cần, kỹ thuật rất lớn cho các quân chủng, binh chủng, nhất là khi đang cơ động tiến công.

Thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là thắng lợi của đường lối cách mạng khoa học, nghệ thuật lãnh đạo, sự sáng tạo của Đảng ta. Kiên định mục tiêu mà dân tộc lựa chọn, kế thừa thành quả cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đánh giá đúng tương quan lực lượng của chiến tranh, thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là thắng lợi của nghệ thuật tiến hành chiến tranh nhân dân đầy sáng tạo. Đó là nghệ thuật tổ chức cả nước đánh giặc, cả nước cùng tiến công, nghệ thuật phối hợp sức mạnh quân sự, chính trị, ngoại giao, văn hóa vì mục tiêu chung là giải phóng toàn đất nước.

 
   

 

1,2. Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, “Lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954  - 1975) tập VII, Toàn thắng”,  (2008), NXB Chính trị Quốc Gia, Hà Nội.

3. “Hồ Chí Minh toàn tập”(1986), tập 12, NXB Sự thật, Hà Nội.

4. “Chiến tranh cách mạng Việt Nam”(2000), NXB Chính trị Quốc Gia.

5.  “Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh”,  NXB Chính trị Quốc Gia, Hà Nội.

6. “Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam”  (1994),tập 2 (1954  –1975), NXB  Chính trị Quốc Gia, Hà Nội.

7. Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Thắng lợi và bài học”(1995), NXB Chính trị Quốc Gia, Hà Nội.

8. Nguyễn Đình Ước (2003), “Góp phần tìm hiểu đường lối quân sự Đảng”, NXB Chính trị Quốc Gia, Hà Nội.

9, 10. Đảng Cộng sản Việt Nam(2002), “Văn kiện Đảng toàn tập, tập  17, NXB Chính trị Quốc Gia, Hà Nội.

11, 12. “Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam”(2004), NXB Chính trị Quốc Gia, Hà Nội.

 

Tâm Trang (tổng hợp)

Bài viết khác: