Vào thời khắc cuối cùng của chế độ ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn 40 năm về trước, trong đoàn quân đi đầu của lực lượng "đột kích thọc sâu" thực hiện nhiệm vụ đặc biệt của Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh "nhanh chóng chiếm những vị trí trọng yếu thuộc nội đô Sài Gòn", có một người lính giải phóng quân quê Hà Nam - người lái cỗ "chiến xa" huyền thoại T54-843 có mặt sớm nhất tại dinh lũy cuối cùng của địch trưa ngày 30/4/1975. Người lính ấy là Lữ Văn Hỏa ở tổ dân phố Mễ Nội, phường Liêm Chính, thành phố Phủ Lý.
Các thành viên kíp xe tăng 843 chụp năm 1995 tại lữ đoàn tăng 203 ở Bắc Giang. Từ trái qua phải: pháo thủ Thái Bá Minh, đại đội trưởng Bùi Quang Thận, lái xe Lữ Văn Hỏa, pháo thủ Nguyễn Văn Kỷ.
Nhớ về một thời hào hùng, người chiến sỹ Lữ Văn Hỏa năm xưa cho biết, gia đình ông có 5 anh em trai đều tình nguyện lên đường nhập ngũ và tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam trong những năm đánh Mỹ ác liệt nhất. Năm 1970, vừa tốt nghiệp trường Trung cấp cơ khí I ở Vĩnh Phú, đáp lại lời kêu gọi của Đảng "cả nước hành quân ra tuyến lửa", Lữ Văn Hỏa khoác ba lô lên đường hòa mình vào những đoàn quân "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước".
Sau ba tháng huấn luyện cơ bản, Lữ Văn Hỏa được điều động về Trung đoàn 203, Binh chủng Tăng thiết giáp. Không khí thời chiến sục sôi cùng với sự say mê và chút vốn hiểu biết cơ khí nên anh thích nghi được ngay với những nội dung huấn luyện chuyên sâu của Binh chủng, để rồi nhanh chóng làm chủ kiến thức và thực hiện thuần thục những bài tập kỹ thuật, chiến thuật đặc biệt của người lính tăng.
Tháng 3/1971, Lữ Văn Hỏa cùng trưởng xe Bùi Quang Thận (quê ở Thái Bình) và hai pháo thủ Thái Bá Minh (quê ở Nghệ An), Nguyễn Văn Kỷ (quê Tuyên Quang) trên chiếc xe tăng T54 843 nhận lệnh lên đường. Lữ Văn Hỏa chia sẻ: "Hơn ai hết, chúng tôi hiểu sâu sắc niềm tự hào khi được vinh dự cùng những đoàn quân đang có mặt ở chặng đường quan trong nhất - chặng đường thể hiện cao nhất sức mạnh và khát vọng của cả dân tộc hướng tới đích là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Thời gian chuẩn bị mở chiến dịch, lính tăng chúng tôi cùng những "pháo đài di động" hành quân đêm ngày cùng nắng gió, cơm nắm, rau măng, nước suối Trường Sơn. Suốt đêm hành quân không nghỉ, đến nơi tập kết, lại lập tức đào công sự, ngụy trang xe. Vất vả, hy sinh là không thể tính đếm nhưng trước không khí hừng hực của chiến dịch không ai thấy mệt". Và chính trong những ngày vất vả chuẩn bị cho chiến dịch đó, Lữ Văn Hỏa vinh dự được kết nạp Đảng ngay tại mặt trận.
Bốn chiến sĩ binh đoàn Hương Giang cắm cờ trên nóc Phủ Tổng thống ngụy Sài Gòn ngày 30/4/1975. Ảnh: Hứa Kiểm/TTXVN
Vào thời điểm ấy, với những thắng lợi quan trọng của ta trên cả ba mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao ngày càng đẩy Mỹ - ngụy vào thế thất bại và cô lập. Tháng 1/1973, Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết. Khí thế của quân và dân ở cả hai miền Nam Bắc càng sôi trào. Sự xuất hiện của những cỗ "chiến xa" thế hệ mới T54 trên chiến trường càng làm nức lòng đồng đội ở các cánh quân trên đường ra trận. Lữ Văn Hỏa cùng trưởng xe Bùi Quang Thận và hai pháo thủ trên cỗ "chiến xa" T54-843 càng như nóng lòng chờ xuất trận, để trút sấm sét lên đầu thù. Thế rồi thông tin "mở chiến dịch" cũng được bí mật truyền đến, anh em lính tăng ôm ghì lấy nhau, không nói nên lời, ai cũng sung sướng và hồi hộp chờ đợi. Ngày 20/3/1975, Trung đoàn 203 tăng thiết giáp được Bộ Tư lệnh Quân đoàn II phiên chế vào lực lượng đột kích cơ động mạnh nhận mật lệnh tập trung hỏa lực từ núi Bông đánh ngược lên sân bay Phú Bài (Thừa Thiên Huế). Với phương châm đã trở thành mệnh lệnh của cả chiến trường "Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng", những chú "voi sắt" T54 ngạo nghễ từ rừng già vươn nòng trút lửa nghiền nát những ổ hỏa lực ngoan cố của địch, yểm trợ đắc lực cho các cánh quân bộ binh tràn lên làm chủ chiến trường.
Ngày 26/3/1975, xe tăng T54-843 do chiến sỹ Lữ Văn Hỏa lái có mặt tại cửa biển Thuận An, từ đây, dọc theo Quốc lộ 1, hành quân, truy kích địch, tiến về giải phóng Đà Nẵng và hàng loạt các tỉnh Nam Trung bộ rồi cùng những cánh quân khép chặt "vòng đai lửa" quanh Sài Gòn. Ông Hỏa vẫn còn nhớ như in, 3 giờ sáng ngày 29/4/1975, tại cầu Buông (Biên Hòa) Trung đoàn 203 tăng thiết giáp nhận lệnh tập trung hỏa lực đánh thẳng vào các mục tiêu quan trọng của địch như: ngã ba Tam Hiệp, xa lộ Biên Hòa, cầu Sài Gòn...
Đến 9h30 phút ngày 30/4/1975, chiếc T54-843 áp sát cầu Thị Nghè, trưởng xe Bùi Quang Thận ra lệnh hạ thấp nòng pháo tiêu diệt xe tăng cùng các ổ hỏa lực của địch đang ngoan cố, điên cuồng chống trả hòng cản bước tiến của quân giải phóng. Vượt qua cầu Thị Nghè, cỗ "chiến xa" T54-843 ngạo nghễ lăn xích sắt trên những đại lộ Sài Gòn. Quần chúng cách mạng hai bên đường vẫy chào và dẫn đường cho quân giải phóng tiến vào các mục tiêu quan trọng. Đúng 11h trưa ngày 30/4/1975, tòa nhà chính Dinh Độc Lập hiện ra trước mắt họ. Cỗ "chiến xa" T54-843 sạm đầy khói lửa chiến trường gầm lên cùng đoàn tăng tiến vào trong sân và chỉ ít phút sau, lá cờ giải phóng do Trung úy trưởng xe Bùi Quang Thận mang theo đã tung bay trên nóc tòa nhà, báo hiệu thời khắc lịch sử thiêng liêng, huy hoàng "Toàn thắng về ta".
Là người trực tiếp chiến đấu, có mặt trong đội hình tiến vào sào huyệt cuối cùng, chứng kiến sự sụp đổ hoàn toàn của chính quyền ngụy, chia sẻ cảm xúc về thời khắc lịch sử ấy ông Hỏa nói: "Không thể nào diễn tả hết cảm xúc của anh em chúng tôi lúc ấy. Đó là sự bất ngờ về bước chân thần tốc của các cánh quân, là niềm tự hào trước tầm vóc của chiến thắng, là sự cảm kích trước sự hy sinh của hàng trăm nghìn đồng bào, đồng đội ở khắp các mặt trận và ở ngay cửa ngõ Sài Gòn. Và hơn hết, thêm một lần chúng tôi có dịp cảm nhận sâu sắc rằng Đại thắng mùa Xuân lịch sử 1975 chính là kết tinh sức mạnh vô song và khát vọng cháy bỏng của toàn dân tộc ta vì mục tiêu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước như ý nguyện của Bác Hồ kính yêu hằng mong mỏi".
40 năm đã trôi qua, người chiến sỹ lái xe tăng Lữ Văn Hỏa năm xưa, giờ đây đã trở thành người ông, người cha bên gia đình hạnh phúc và êm ấm. Dù cuộc sống còn nhiều bộn bề lo toan, nhưng ông luôn giữ vững phẩm chất người lính Bộ đội Cụ Hồ, bình dị và gần gũi. Với ông, phần thưởng cao quý nhất chính là sự tin yêu của đồng chí, đồng đội, sự kính trọng, quý mến của bà con lối xóm. Hơn cả là sự bình yên và trưởng thành của hai cô con gái.
Nguyễn Chinh (TTXVN)
Thu Hiền (st)