Cách đây 40 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc thắng lợi sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vô cùng oanh liệt của dân tộc ta, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Có được thắng lợi vĩ đại ấy, dân tộc ta đã trải qua những chặng đường đấu tranh đầy hy sinh, gian khổ, đã kế thừa và phát triển lên một tầm cao mới truyền thống yêu nước, ý chí quật cường, bất khuất của con người và văn hóa Việt Nam. Đồng thời, đó còn là thành quả vĩ đại về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
Đại đoàn kết dân tộc là truyền thống quý báu, là cội nguồn sức mạnh của dân tộc Việt Nam. Truyền thống đó được hun đúc, hình thành và phát triển bởi tinh thần yêu nước, ý chí độc lập, tự chủ của dân tộc ta trong quá trình đương đầu với mọi thiên tai, địch họa. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, truyền thống đó được phát huy cao độ lên tầm cao mới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước"(1). Chính tinh thần đoàn kết dân tộc ấy đã góp phần làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Trong "Tuyên ngôn độc lập", Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực, đã trở thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy"(2).
Trên nền tảng tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng, bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ở miền Bắc, tháng 9-1955, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được thành lập. Mặt trận đã đoàn kết các tầng lớp nhân dân miền Bắc, dựa chắc trên nền tảng của khối liên minh công-nông và đội ngũ trí thức để thực hiện công cuộc xây dựng và bảo vệ miền Bắc; đồng thời, chi viện đắc lực cho cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam, phát huy vai trò quyết định của hậu phương lớn miền Bắc đối với công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Bốn chiến sĩ của Binh đoàn Hương Giang mang cờ tiến thẳng vào dinh Độc Lập trưa 30-4-1975 (Người cầm cờ là đồng chí Bùi Quang Thận). (Ảnh: Hứa Kiểm/TTXVN)
Ở miền Nam, những năm sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, với niềm tin sắt son vào Đảng, vào ngọn cờ đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vào thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước, các tầng lớp nhân dân đã đoàn kết một lòng, liên tục nổi dậy đấu tranh. Với phong trào Đồng khởi, quân dân miền Nam đã đập tan từng mảng chính quyền Sài Gòn ở nhiều vùng nông thôn rộng lớn, đưa cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công. Thắng lợi của phong trào Đồng khởi được tạo nên bởi ý Đảng, lòng dân, phản ánh sự thống nhất về ý chí, hành động và quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân vì sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước. Cũng chính từ đây, phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân miền Nam đặt ra yêu cầu khách quan phải có một tổ chức đoàn kết thật rộng rãi các lực lượng chống đế quốc Mỹ và tay sai. Ngày 20-12-1960, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập, chủ trương đoàn kết tất cả các tầng lớp, giai cấp, dân tộc, các đảng phái, đoàn thể, tôn giáo và nhân sĩ yêu nước, không phân biệt xu hướng chính trị, nhằm đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai, thực hiện độc lập, dân chủ, hòa bình, trung lập, tiến tới hòa bình, thống nhất đất nước.
Việc thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất ở hai miền là chủ trương đúng đắn, phản ánh sự thấm nhuần sâu sắc tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng thời giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Đứng trước khả năng đế quốc Mỹ trực tiếp đưa quân vào thực hiện chiến lược "chiến tranh cục bộ" ở miền Nam Việt Nam, ngày 27-3-1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập Hội nghị chính trị đặc biệt, gồm 300 đại biểu đại diện cho các bậc lão thành cách mạng, các ngành, các giới, các đoàn thể, trí thức tiến bộ, nhân sĩ yêu nước và anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc. Đây thực sự là "Hội nghị Diên Hồng" thời đại Hồ Chí Minh để thống nhất ý chí quyết tâm đoàn kết toàn dân tộc cùng chiến đấu giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới thống nhất nước nhà.
Tiếp đó, khi đế quốc Mỹ đẩy mạnh chiến tranh xâm lược ở miền Nam và tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc, ngày 17-7-1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi chống Mỹ, cứu nước, kêu gọi toàn thể đồng bào, chiến sĩ cả nước muôn người như một, với chân lý "Không có gì quý hơn độc lập, tự do", quyết tâm đánh bại hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược. Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự là nguồn động lực mới, góp phần thắt chặt thêm khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đưa cả dân tộc Việt Nam vào cuộc đụng đầu lịch sử với đế quốc Mỹ với niềm tin vững chắc vào thắng lợi cuối cùng.
Hưởng ứng Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân dân miền Bắc đã kết thành một khối, đẩy mạnh các phong trào thi đua sôi nổi trên tất cả các lĩnh vực với khẩu hiệu "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược". Đặc biệt, các phong trào, như: "Ba sẵn sàng", "Ba đảm đang", "Tay cày, tay súng", "Tay búa, tay súng" và các khẩu hiệu hành động: "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người", "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước"... đã lôi cuốn đông đảo mọi tầng lớp nhân dân, từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi đến miền núi, từ biên giới đến hải đảo hăng hái thi đua vừa lao động sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu dũng cảm, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ; bảo vệ vững chắc hậu phương miền Bắc, đồng thời liên tục chi viện ngày càng nhiều sức người, sức của cho chiến trường miền Nam và các chiến trường phối hợp khác.
Trên chiến trường miền Nam, kiên định với đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng và hưởng ứng mạnh mẽ Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta vừa đẩy mạnh tiến công địch liên tục, rộng khắp với quy mô ngày càng lớn trên cả phương diện quân sự, chính trị và binh vận; vừa đánh địch, vừa kết hợp lập thế trận và chuẩn bị tiềm lực mọi mặt; xây dựng và mở rộng căn cứ, mở rộng vùng giải phóng để chuẩn bị trực tiếp cho những đòn tiến công quyết định.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là sự tiếp nối tinh thần và ý chí sắt đá quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, qua đó đã làm phá sản chiến lược "chiến tranh cục bộ", làm lung lay tận gốc ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ. Đáng chú ý, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, ngày 20-4-1968, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam ra đời, tập hợp những người Việt Nam có cảm tình với cuộc đấu tranh của ta, nhưng vì lý do này hay lý do khác mà chưa tham gia vào Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Sự ra đời của Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam (một hình thức tập hợp "ngoài mặt trận" của Đảng) và việc phối hợp chặt chẽ hoạt động của Liên minh với hoạt động của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã góp phần cô lập cao độ kẻ thù, tạo nên sức mạnh mới của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Khẳng định khối đại đoàn kết trong những năm tháng chống Mỹ. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Trong sự nghiệp thiêng liêng chống Mỹ, cứu nước, trải qua muôn nghìn gian khổ hy sinh, nhân dân ta đã lập nên những chiến công vô cùng oanh liệt. Dân tộc ta có thể tự hào là một dân tộc anh hùng, trước hết là do toàn dân ta đoàn kết một lòng, quyết đánh và quyết thắng giặc Mỹ xâm lược"(3).
Sau sự kiện Xuân Mậu Thân 1968, sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân tộc lại được thử thách và tiếp tục phát huy. Chúng ta đã nhanh chóng khắc phục những tổn thất trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, từng bước tiến công địch, khôi phục lại thế trận và lực lượng trên chiến trường. Ở miền Bắc, quân dân ta phải đương đầu với cuộc tập kích chiến lược đường không bằng máy bay B-52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng, nhưng với lòng tin vào Đảng, vào thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp chính nghĩa, các tầng lớp nhân dân trong cả nước vẫn đoàn kết xung quanh Ban Chấp hành Trung ương Đảng, vượt qua bao hy sinh, gian khổ, liên minh chiến đấu với cách mạng Lào và Cam-pu-chia, làm phá sản một bước quan trọng chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" ở miền Nam và đánh bại cuộc tập kích chiến lược đường không bằng B-52 của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải chấp nhận thất bại và ký Hiệp định Pa-ri theo các điều kiện của ta đưa ra, rút hết quân Mỹ và quân các nước đồng minh ra khỏi miền Nam Việt Nam.
Với Hiệp định Pa-ri, thế và lực của cách mạng miền Nam trên cả ba vùng chiến lược nhanh chóng được tăng cường và củng cố vững chắc. Các binh đoàn chủ lực cơ động Quân Giải phóng miền Nam lần lượt ra đời đã dần làm thay đổi cán cân so sánh lực lượng trên chiến trường ngày càng có lợi cho ta. Trong khi đó, đế quốc Mỹ vẫn tăng cường viện trợ về quân sự và kinh tế cho chính quyền Sài Gòn, tiếp tục thực hiện chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh". Chính quyền Nguyễn Văn Thiệu được Mỹ trợ giúp đã vi phạm những điều khoản của hiệp định, tăng cường lấn chiếm và tiếp tục mở rộng chiến tranh. Tình hình đó đòi hỏi cách mạng miền Nam vẫn phải tiếp tục tiến hành chiến tranh cách mạng đánh bại chính quyền tay sai của Mỹ để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Cuối năm 1973 và cả năm 1974, cùng với gấp rút củng cố và phát triển lực lượng tại chỗ trên chiến trường, Đảng chỉ đạo nhiệm vụ tăng cường chi viện của hậu phương miền Bắc. Theo đó, mức tuyển quân và huy động của cải vật chất ở miền Bắc tăng nhiều lần so với các thời kỳ trước. Hội đồng chi viện chiến trường được thành lập. Đến cuối năm 1974, việc chuẩn bị về mọi mặt đã tạo nên sự chuyển biến căn bản trong thế và lực của ta trên chiến trường. Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị hạ quyết tâm động viên sức mạnh của quân dân cả nước hoàn thành giải phóng miền Nam trong hai năm 1975, 1976. Sau chiến thắng Phước Long (1-1975), thế và lực của ta tăng lên, khả năng Mỹ đưa quân trở lại là rất khó xảy ra, Bộ Chính trị đi đến quyết định mở cuộc tiến công chiến lược để hoàn thành giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở Chiến dịch Tây Nguyên. Thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên-đòn "điểm trúng huyệt" đã nhanh chóng làm thay đổi cục diện chiến trường, tăng cường thế và lực của ta, mở ra thời cơ mới để quân và dân ta giải phóng miền Nam trong thời gian ngắn nhất.
Cuối tháng 4-1975, sau khi phá vỡ tuyến phòng thủ Xuân Lộc -"cánh cửa thép" phía đông Sài Gòn, các cánh quân chủ lực cơ động mạnh cùng với thế trận chiến tranh nhân dân dựa trên nền tảng là khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đã đồng loạt tiến công vào nội đô Sài Gòn-Gia Định, đánh chiếm các mục tiêu đầu não của chính quyền và quân đội Việt Nam Cộng hòa. Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, lá cờ giải phóng tung bay trên nóc dinh Độc Lập, đánh dấu thời khắc sụp đổ hoàn toàn của chế độ Việt Nam Cộng hòa, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối.
Có thể khẳng định, Đại thắng mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là thành quả vĩ đại về sức mạnh đại đoàn kết dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Sức mạnh đoàn kết dân tộc đó được hun đúc qua suốt chiều dài lịch sử, nhưng đã được nâng lên một tầm cao mới trong trận quyết chiến chiến lược cuối cùng.
Thấm nhuần tư tưởng "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn coi trọng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và luôn khẳng định Đảng là hạt nhân của khối đại đoàn kết ấy. Nhờ sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ Đảng, trước hết là trong Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, nên Đảng ta đã phát huy cao nhất sự sáng tạo, trí tuệ tập thể, đề ra đường lối cách mạng đúng đắn nhằm hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Cùng với việc định ra đường lối, phương pháp cách mạng đúng đắn, Đảng ta đã có những chủ trương, sách lược phù hợp và có sự chỉ đạo chiến lược sắc bén, đặc biệt là đã biết nắm chắc thời cơ, chỉ đạo đánh đòn quyết định, giành thắng lợi trọn vẹn vào mùa Xuân 1975.
Thành quả vĩ đại của khối đại đoàn kết dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong Đại thắng mùa Xuân 1975 còn thể hiện ở sức mạnh của chiến tranh nhân dân Việt Nam với tinh thần bất khuất, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hy sinh to lớn của đồng bào, chiến sĩ miền Nam trên tiền tuyến lớn và sự chi viện hết lòng của hậu phương lớn miền Bắc với tinh thần "Vì miền Nam ruột thịt". Mặc dù kẻ thù luôn tìm trăm phương, nghìn kế để chia rẽ Bắc-Nam hòng cô lập cách mạng miền Nam, nhưng Bắc-Nam luôn là một nhà. Cả miền Bắc ngày đêm hướng về miền Nam, dốc hết sức người, sức của cho công cuộc giải phóng miền Nam. Cả miền Nam ngày đêm hướng về miền Bắc-nơi đầu não của cách mạng và kháng chiến.
Cùng với tình cảm Bắc-Nam sâu nặng, "tình quân-dân cá nước" đã trở thành một biểu tượng sáng ngời của khối đại đoàn kết dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong Đại thắng mùa Xuân 1975. Sở dĩ có được tình cảm đoàn kết quân-dân, gắn bó cán-binh là do Quân đội ta "từ nhân dân mà ra", "vì nhân dân mà chiến đấu". Trong trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, Quân đội ta đã thể hiện bản lĩnh và trí tuệ Quân đội anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng, quyết tâm chiến đấu và chiến thắng kẻ thù xâm lược, xứng đáng với lời khen tặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: "Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng"(4).
Từ sau Đại thắng mùa Xuân 1975 đến nay, đã 40 năm trôi qua, nhưng bài học về sức mạnh đại đoàn kết dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh luôn được Đảng Cộng sản Việt Nam bổ sung, phát triển cả về quan điểm, nhận thức và hành động. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng khẳng định: "Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam; là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc"(5). Chính từ sức mạnh của khối đại đoàn kết ấy, đất nước ta đã thu được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử: Kinh tế, xã hội phát triển, quốc phòng, an ninh được giữ vững, quan hệ đối ngoại không ngừng được mở rộng, vị thế và uy tín của Việt Nam không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế. Sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế của chúng ta đã trở thành tấm gương cho nhiều quốc gia, dân tộc học tập, noi theo.
Trong những năm tới, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nhân tố có thể gây mất ổn định, bất trắc, khó lường. Quan hệ giữa các nước lớn vừa hợp tác, vừa cạnh tranh, kiềm chế lẫn nhau, chi phối các quan hệ quốc tế. Các nước tiếp tục điều chỉnh chiến lược, hình thành những tập hợp lực lượng mới trong khu vực và trên thế giới. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Đông Nam Á, cơ bản vẫn ổn định và phát triển, nhưng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biên giới, biển, đảo tiếp tục gia tăng. Ở trong nước, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, những khó khăn, thách thức mà Đảng ta đã chỉ ra vẫn còn tồn tại. Những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên cùng với tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí có xu hướng ngày càng tăng. Các thế lực thù địch vẫn tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chiến lược "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ, sử dụng các chiêu bài "dân chủ", "nhân quyền" hòng làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta. Những yếu tố đó đã, đang và sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến khối đại đoàn kết dân tộc được hun đúc suốt hàng ngàn năm lịch sử. Trước bối cảnh đó, việc kế thừa và phát huy bài học đại đoàn kết theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong Đại thắng mùa Xuân 1975 nói riêng, trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung sẽ mãi là vấn đề mang tính lý luận và thực tiễn sâu sắc. Giương cao ngọn cờ đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn quân, toàn dân ta hãy đoàn kết và đoàn kết hơn nữa, khẩu hiệu "Toàn quân một ý chí" phải được nâng lên thành "Toàn quân, toàn dân một ý chí". Cùng với đó, để khối đại đoàn kết dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong Đại thắng mùa Xuân 1975 mãi được giữ vững, phát huy trong điều kiện cách mạng mới, chúng ta phải thường xuyên chăm lo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; coi trọng xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; nâng cao năng lực toàn diện và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng. Đặc biệt, trong quá trình đổi mới và chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), mỗi cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần sâu sắc "Di chúc" của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình". Chỉ có như vậy, Đảng ta mới thực sự là hạt nhân lãnh đạo, hạt nhân của khối đại đoàn kết dân tộc, mới biến sức mạnh của cả dân tộc thành động lực to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, "quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội"(6).
Thượng tướng NGUYỄN THÀNH CUNG, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng
(1). Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.7, tr.38.
(2). Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.4, tr.3.
(3). Điện gửi Luật sư Trịnh Đình Thảo, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, ngày 6-3-1969. Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.15, tr.558.
(4). Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.14, tr.435.
(5). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.48.
(6). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.62.
Theo Báo Quân đội nhân dân
Tâm Trang (st)