Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước nhà được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22-C/NV/CC ngày 18-2-1946 về những ngày nghỉ Tết, kỷ niệm lịch sử và lễ tôn giáo, trong đó công bố: Ngày 1-5 là một trong những ngày lễ chính thức và công nhân, lao động cả nước được nghỉ một ngày có hưởng lương. Kể từ đây, ngày 1-5 được coi là một trong những ngày lễ chính thức hằng năm của Nhà nước ta.
Sắc lệnh số 22-C/NV/CC
Ngày Quốc tế Lao động trên thế giới
Tháng 4-1884, tại thành phố công nghiệp Chi-ca-gô, Đại hội Liên đoàn Lao động Mỹ thông qua nghị quyết nêu rõ: “Từ ngày 1-5-1886, Ngày Lao động của tất cả các công nhân sẽ là 8 giờ”. Sở dĩ ngày 1-5 được chọn bởi đây là ngày bắt đầu của một năm kế toán tại các nhà máy, xí nghiệp ở Mỹ. Vào ngày này, hợp đồng mới giữa thợ và chủ sẽ được ký. Giới chủ tư bản có thể biết trước quyết định của công nhân mà không thể kiếm cớ chối từ. Vào ngày 1-5-1886, tại Chi-ca-gô (Mỹ) đã nổ ra một cuộc đình công của giai cấp công nhân, 40 nghìn người không đến nhà máy, họ tổ chức mít tinh , biểu tình trên thành phố với khẩu hiệu: “từ nay trở đi không người công nhân nào phải làm việc quá 8 giờ một ngày”. Phải thực hiện 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi và 8 giờ học tập.
Cùng ngày đó, tại các trung tâm công nghiệp ỡ nước Mỹ đã nổ ra 5000 cuộc bãi công của công nhân với khoảng 340.000 công nhân tham gia ở khắp nước Mỹ, sau đó hơn 12 vạn công nhân đã giành được quyền ngày làm việc 8 giờ. Khẩu hiệu “ngày làm việc 8 giờ” đã trở thành tiếng nói chung của toàn thể giai cấp công nhân.
Vào ngày 14-5-1889, Đại hội lần thứ nhất của Quốc tế II tổ chức tại Pa-ri (Pháp) đã thông qua Nghị quyết lấy ngày 1-5 làm ngày đoàn kết quốc tế và biểu dương lực lượng chiến đấu của giai cấp công nhân trên toàn thế giới. Từ đó ngày 1-5 trở thành ngày truyền thống đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới, gọi tắt là Ngày Quốc tế Lao động.
Ngày 1-5 có ý nghĩa vô cùng trọng đại đối với giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới, ngày đoàn kết chống áp bức, bất công, đòi những quyền và lợi ích chính đáng của người lao động. Ngày Quốc tế Lao động đã khẳng định sức mạnh của giai cấp công nhân quốc tế trong hành trình đấu tranh từ tự phát lên đấu tranh tự giác, từ đấu tranh giành những quyền lợi kinh tế hướng tới những mục tiêu chính trị, giành quyền lãnh đạo chính trị để tiến đến xây dựng một xã hội mới do người lao động làm chủ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Ngày Quốc tế Lao động 1-5 đã trở thành ngày lịch sử của giai cấp cần lao trên toàn thế giới, cho dù ngày nay cuộc cách mạng khoa học và công nghệ của loài người đã có những bước phát triển nhảy vọt. Ở nhiều quốc gia phát triển người lao động không còn phải làm việc 8 giờ trong một ngày mà có thể thấp hơn nhưng ngày Quốc tế Lao động cũng mãi là ngày kỷ niệm cho sức mạnh đoàn kết đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động.
Bác Hồ và Ngày Quốc tế Lao động của Lao động Việt Nam
Năm 1924, trên đất nước Xô-viết, lần đầu tiên, Bác Hồ tham dự kỷ niệm ngày 1-5. Cũng nhân dịp này, Người ký tên vào lời kêu gọi của Quốc tế nông dân gửi nông dân toàn thế giới ủng hộ cuộc đấu tranh và củng cố tình đoàn kết chiến đấu với giai cấp công nhân. Cũng ngày này, Bác Hồ nhận được giấy mời của Ban Chấp hành Quốc tế cộng sản tham gia cuộc mít-tinh kỷ niệm Ngày Quốc tế lao động 1-5 tại Hồng trường và phát biểu ý kiến tại cuộc mít-tinh của nhân dân lao động Matxcơva kỷ niệm ngày lễ lớn này.
Tiếp sau đó, trong quyển "Đường kách mệnh" xuất bản năm 1927, khi trình bày về Quốc tế thứ hai, Bác Hồ đã nhấn mạnh nghị quyết Đại hội I về ý nghĩa của Ngày Quốc tế Lao động 1-5. Cùng nghị quyết này, Bác Hồ nhắc nhở nhân dân ta phải tiến hành kỷ niệm ngày lễ lớn này.
Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bác Hồ, trong quá trình chuẩn bị tiến tới thành lập Đảng, đặc biệt, từ sau khi Đảng ra đời, kỷ niệm ngày 1-5 trở thành một yêu cầu quan trọng, cần thiết đối với cách mạng của nhân dân ta vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Ngày 1-5-1929, Đại hội toàn quốc của Việt Nam Thanh niên Cách mệnh đồng chí Hội họp ở Hương Cảng được tiến hành. Cũng ngày này, nhiều nơi trong nước, công nhân bãi công, rải truyền đơn, treo cờ đỏ để kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động.
Sau khi Đảng ra đời 3-2-1930, một làn sóng đấu tranh đòi độc lập nổ ra khắp nước, từ thành thị đến nông thôn. Nhân dân lao động đã tổ chức treo cờ Đảng ở nơi công cộng, rải truyền đơn ở các đường phố, chợ búa, công sở địch. Nhiều cuộc mít-tinh biểu tình, bãi công, tuần hành thị uy được tiến hành ở nhiều nơi.
Trên cơ sở làn sóng đấu tranh sôi sục ấy, Đảng chủ trương lấy việc kỷ niệm ngày 1-5 phát động một cao trào cách mạng rộng lớn. Đây là lần đầu tiên, kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động được tổ chức công khai, rầm rộ, có quy mô lớn, gắn liền với cuộc đấu tranh cách mạng đang diễn ra là bước ngoặt của cao trào 1930-1931.
Sau cao trào cách mạng 1930-1931, việc kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động, tuy không tiến hành rầm rộ ở bên ngoài, song vẫn được tổ chức đều đặn trong các lao tù của đế quốc. Các chiến sĩ cộng sản bị bắt giam kỷ niệm ngày 1-5 trong nhà tù để giữ vững tinh thần đấu tranh, chuẩn bị bước vào cuộc đấu tranh mới tất thắng, song vô cùng khó khăn, gian khổ. Trong cao trào cách mạng dân chủ 1936-1939, lợi dụng nhiều điều kiện hoạt động công khai hợp pháp, Đảng lãnh đạo nhân dân tổ chức kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động một cách trọng thể, nhằm đạt những mục tiêu cụ thể, thiết thực. Ở Sài Gòn, bộ phận công khai của Đảng tổ chức mít-tinh có hàng ngàn người tham gia với các khẩu hiệu đòi tự do, dân chủ, triệt để thi hành luật lao động, đòi tăng lương, giảm sưu thuế, chống chiến tranh, ủng hộ hòa bình, ủng hộ Liên Xô, ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân Trung Quốc và Tây Ban Nha. Ở Hà Nội, cuộc mít-tinh được tổ chức một cách hợp pháp với 25 ngàn người thuộc các tầng lớp tham gia, hô to các khẩu hiệu đòi tự do, dân chủ, chống phát - xít và chiến tranh.
Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, ngày 1-5 trở thành ngày hội lớn của nhân dân lao động, là một dịp biểu dương lực lượng mạnh mẽ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngày 1-5-1946, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, Ngày Quốc tế Lao động 1-5 được tổ chức kỷ niệm mít tinh trọng thể tại Hà Nội, với sự tham dự của 20 vạn nhân dân lao động. Nhân dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Lời kêu gọi: “Cùng đồng bào toàn quốc! Cùng anh chị em lao động! Ngày 1-5 là một ngày Tết chung cho tất cả các nước trên thế giới. Đó là một ý nghĩa đoàn kết rất sâu xa. Ở nước ta, lần này là lần đầu tiên đồng bào ta, anh chị em lao động ta được tự do đón tiếp ngày 1-5. Vậy nên nó có ý nghĩa đặc biệt sâu xa hơn nữa. Đối với chúng ta nó là một ngày để cho thế giới biết rằng: Ngày này chẳng những là ngày Tết Lao động, mà cũng là ngày nhân dân đoàn kết. Đoàn kết để giữ vững tự do dân chủ. Đoàn kết để kiến thiết nước nhà. Đoàn kết để xây dựng một đời sống mới”.
Từ sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước đến nay, ngày 1-5 vừa là ngày kỷ niệm Quốc tế Lao động lại vừa là điểm xuất phát của nhiều phong trào thi đua lao động xây dựng quê hương. Có thể nói, Ngày Quốc tế Lao động 1-5 rõ ràng đã sớm đến với phong trào yêu nước của nhân dân Việt Nam. Công lao này trước tiên thuộc về Chủ tịch Hồ Chí Minh, bởi vì, khi đưa phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân ta gắn với phong trào công nhân thế giới, với mục tiêu chủ nghĩa xã hội, Bác Hồ đã hiểu rõ và làm cho nhân dân ta ý thức được ý nghĩa lịch sử và tác động của việc kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1-5.
Tinh thần bất diệt của Ngày Quốc tế Lao động 1-5
Thấm nhuần tư tưởng của Bác Hồ, ngày Quốc tế Lao động hàng năm đã trở thành ngày hội lớn, ngày Tết đầy ý nghĩa của nhân dân lao động trên cả nước. Theo đó, nhân dân lao động trong cả nước đã và đang tích cực học tập và làm theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ra sức thi đua, lập nhiều thành tích, đoàn kết rộng rãi thắt chặt mối quan hệ gắn bó với nhau và với các tổ chức công đoàn trên thế giới, thực hiện đúng đường lối đối ngoại của Đảng, vì hòa bình, hợp tác phát triển, góp phần quan trọng vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, khi tình tình đất nước đang có nhiều diễn biến phức tạp, những thời cơ mới đang đến nhưng cũng có không ít những thách thức lớn, người lao đông Việt Nam đã và đang chủ động, tự tin, phát huy truyền thống tốt đẹp nhất định sẽ tích cực lao động đề đạt được những thành quả to lớn hơn trong lao động sản xuất, góp phần thực hiện thành công quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cùng nhau phấn đấu đưa nước ta từng bước phát triển vững chắc, tiến đến mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa như Bác Hồ kính yêu hằng mong ước./.
Huyền Anh (Tổng hợp)