Lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam luôn gắn liền với những cuộc đấu tranh xâm lược ngoại bang, ghi dấu những trận đánh oanh liệt của quân dân ta, ở đó thể hiện tài thao lược của người chỉ huy. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) giành thắng lợi với đỉnh cao là chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ được coi là mốc son chói lọi của lịch sử dân tộc. Đó là kết quả sự vận dụng nghệ thuật chiến tranh nhân dân, sự quán triệt sâu sắc đường lối của Đảng, đặc biệt sự chỉ đạo chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người học trò xuất sắc nhất của Bác vận dụng tài tình, linh hoạt vào hoàn cảnh thực tiễn cuộc chiến tranh.
Sau Chiến dịch Biên giới năm 1950, ta hoàn toàn giành được quyền chủ động trên chiến trường chính Bắc Bộ. Trong khi đó, sau 8 năm chiến tranh, thực dân Pháp bị đẩy vào thế phòng ngự bị động và sa lầy ở Đông Dương. Trong tình thế tuyệt vọng đó, Pháp vẫn ngoan cố dựa vào Mỹ, tập trung mọi cố gắng đẩy mạnh chiến tranh hòng tìm “một lối thoát trong danh dự”. Ngày 7/ 5/1953, tướng Hăngri Nava lúc này đang giữ chức Tham mưu trưởng lục quân khối NATO đã được cử sang làm Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương nhằm đưa cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương ra khỏi “đường hầm không lối thoát”. Ngày 24/7/1953, Nava đã trình lên Bộ Quốc phòng Pháp bản kế hoạch mang tên mình “kế hoạch Nava”. Kế hoạch quân sự Nava nhằm chuyển bại thành thắng, thực hiện trong 18 tháng, gồm 2 bước: Bước 1, từ Thu - Đông 1953 đến Xuân 1954, giữ thế phòng ngự chiến lược ở Bắc Bộ, thực hiện tiến công chiến lược ở miền Nam, tập trung binh lực xây dựng lực lượng cơ động chiến lược mạnh. Bước 2, từ Thu - Đông 1954, dồn toàn bộ lực lượng ra Bắc, chuyển sang tiến công chiến lược trên chiến trường chính Bắc Bộ, giành thắng lợi quân sự quyết định, buộc ta phải đàm phán theo những điều kiện có lợi cho chúng nhằm kết thúc chiến tranh. Như vậy, kế hoạch Nava được ra đời trong thế bị động, trong thế thua và nó đã báo hiệu mầm mống thất bại ngay từ đầu.
Trước tình hình và âm mưu của địch tháng 10/1953, Bộ Chính trị họp tại Tỉn Keo (Định Hóa - Thái Nguyên) xem xét kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954 do Đại tướng Võ Nguyên Giáp trình bày. Bản kế hoạch đã nêu lên tình hình chung của ta và địch, cách thức chuyển quân, hoạt động của địch và nhận định: “Hiện nay Nava đã tập trung một số lực lượng cơ động lớn chưa từng có khởi đầu chiến tranh, sẵn sàng chờ đón cuộc tiến công của ta…”(1). Ngay khi nghe báo cáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra giả thuyết nếu ta đưa quân lên Tây Bắc thì địch sẽ phản ứng như thế nào? Liệu chúng có đưa quân lên đây và khả năng thu quân cơ động của chúng khi ta mở các chiến trường khác. Cả hội nghị đang chăm chú lắng nghe, Bác liền giơ bàn tay lên, nắm lại rồi mở ra mỗi ngón trỏ về một hướng và nói ràng rọt: “Địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh… Không sợ. Ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó không còn”(2). Sau đó Bác kết luận: “Về hướng hoạt động, lấy Tây Bắc làm hướng chính, các hướng khác là hướng phối hợp. Hướng chính hiện nay không thay đổi, nhưng trong hoạt động có thể thay đổi. Phép dùng binh ở đây là phải thiên biến vạn hóa…Về phương châm chung là “tích cực,chủ động, cơ động, linh hoạt”, nguyên tắc chỉ đạo chiến lược và tác chiến là “đánh ăn chắc, đánh chắc thắng, đánh tiêu diệt; chọn nơi địch sở hở mà đánh, chọn nơi địch tương đối yếu mà đánh; giữ vững chủ động, kiên quyết buộc địch phải phân tán lực lượng”(3). Những kết luận của Bác về cục diện chiến trường Đông Xuân 1953-1954, đã mở hướng cho Bộ Chính trị quyết định chọn Tây Bắc làm tiến công chính để tập trung lực lượng của địch, và các hướng khác trên chiến trường cả nước đánh phối hợp, buộc địch phải phân tán lực lượng, đánh theo ý đồ của ta.
Ngày 20/11/1953, khi phát hiện quân chủ lực của ta tiến lên Tây Bắc, Nava đã cho quân nhảy dù xuống chiếm Điện Biên Phủ tạo thành lá chắn bảo vệ cho Lai Châu và Thượng Lào. Đến cuối tháng 12/1953, tổng số quân Pháp ở Điện Biên Phủ lên tới 16.200 lính, một hệ thống hầm ngầm kiên cố cùng hệ thống giao thông hào và lô cốt bao quanh, có sân bay tiếp tế hậu cần và tăng viện, pháo và xe tăng yểm hộ. Đối với thực dân Pháp Điện Biên Phủ trở thành “con nhím khổng lồ, chọc nát mặt địch thủ, hoặc hơn nữa là chiếc cối say thịt, nghiền nát những kẻ xâm nhập”(4).
Ngày 6/12/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị đã thông qua “Phương án tác chiến mùa Xuân 1954” của Tổng Quân ủy, đồng ý chọn Điện Biên Phủ là trận quyết chiến chiến lược của ta và địch. Hạ tuần tháng 12, Bác và Bộ Chính trị chỉ định Đảng ủy mặt trận và thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Bí thư Đảng ủy kiêm Chỉ huy trưởng. Như vậy, Điện Biên Phủ sẽ là một trận đánh lớn nhất từ trước đến nay.
Trước khi lên đường đi Chiến dịch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đến gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Như hiểu được nỗi băn khăn của Đại tướng trước trọng trách nặng nề của dân tộc, Bác đã nói: “Tổng Tư lệnh ra mặt trận, “Tướng quân tại ngoại”! Trao cho chú toàn quyền. Có vấn đề gì khó khăn, bàn thống nhất trong Đảng ủy, thống nhất với cố vấn thì cứ quyết định, rồi báo cáo sau”(5). Khi chia tay, Bác đã dặn dò: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”(6). Lời căn dặn của Bác Hồ trở thành kim chỉ nam trong tư duy chiến thuật của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi đối mặt với kẻ thù, trong trận quyết chiến chiến lược mang ý nghĩa sống còn với lịch sử dân tộc.
Để thực hiện Chiến dịch Điện Biên Phủ, ta huy động một lực lượng lớn chuẩn bị cho Chiến dịch, gồm 4 đại đoàn bộ binh, 1 đại đoàn công binh - pháo binh và nhiều tiểu đoàn công binh, thông tin, vận tải, quân y với tổng số 55.000 quân phối hợp cùng 260.000 dân công hỏa tuyến, hàng chục nghìn tấn vũ khí, đạn được; 14.950 tấn gạo; 628 ô tô vận tải; 500 ngựa thồ, 11.800 thuyền bè; 21.000 xe đạp, 62 tấn đường, 577 tấn thịt, 565 tấn lương khô được chuyển ra mặt trận. Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định chọn phương châm tác chiến “đánh nhanh, thắng nhanh”, ngay khi địch vừa đặt chân đến Điện Biên Phủ. Nhưng Điện Biên Phủ không hoàn toàn là rừng núi. Ở đây có cánh đồng lớn nhất Tây Bắc là lòng chảo Mường Thanh, rất nhiều cứ điểm Pháp nằm trên cánh đồng. Bộ đội ta sẽ phải tiến hành nhiều trận đánh mà quân địch có máy bay, xe tăng, đại bác yểm trợ trên địa hình bằng phẳng gần như ở đồng bằng. Phía đông Mường Thanh, từ các cứ điểm trên ngọn đồi, địch có thể trút xuống lòng chảo, tiêu diệt những mũi tiến công sâu của ta vào trung tâm. Sau khi trực tiếp thị sát nắm vững địa hình Điện Biên Phủ và những hoạt động của địch ở đây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận thấy “phương án đánh nhanh, thắng nhanh là quá mạo hiểm”(7), ít khả năng thắng lợi, thậm chí có thể thất bại. Nhưng trước khí thế, quyết tâm cao của chiến sĩ ngoài mặt trận và sự thống nhất của các đồng chí trong Đảng ủy mặt trận cùng các cố vấn Ngày 14 tháng 1, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cho triệu tập hội nghị cán bộ, phổ biến mệnh lệnh chiến đấu, dự kiến trận đánh diễn ra trong 2 ngày 3 đêm, giờ nổ súng định là 17 giờ ngày 20/1/1954. Phương án “đánh nhanh, thắng nhanh” coi như được chốt lại là chủ trương thống nhất của Đảng ủy, Bộ chỉ huy chiến dịch và các cố vấn Trung Quốc.
Đại tướng chỉ thị cơ quan tham mưu theo dõi chặt chẽ tình hình địch và thúc đẩy công việc chuẩn bị mọi mặt, nhất là việc kéo pháo vào trận địa. Nhưng lúc này nhiệm vụ kéo pháp vào trận địa rất khó khăn. Dự định là 3 đêm sẽ hoàn thành nhiệm vụ, nhưng sau 7 đêm pháo vẫn chưa vào vị trí, thời gian nổ súng buộc phải lùi lại 5 ngày tức ngày 25/1. Kế hoạch đã bị chậm lại so với dự định, hơn nữa giờ nổ súng của ta đã bị lộ, nên lại phải lùi thêm 1 ngày tức ngày 26/1. Ta đã vuột mất thời cơ đánh nhanh, thắng nhanh. Đối với quân ta đây là một trận đánh phối hợp giữa pháo binh và bộ binh, nhưng bộ đội lại chưa hề qua diễn tập, chỉ quen đánh ban đêm, ở nơi địa hình dễ ẩn náu, hoàn toàn chưa có kinh nghiệm đánh ban ngày trên địa hình bằng phẳng. Mặt khác, công tác chuẩn bị cho chiến dịch của ta chưa hoàn chỉnh, xét trên toàn chiến trường 1/3 lực lượng của ta chưa triển khai xong, hậu cần chưa bảo đảm đủ. Đồng chí Lê Trọng Tấn Đại đoàn trưởng 312 báo cáo với Đại tướng: “Nếu thực hiện cách đánh nhanh, quân ta phải đột phá liên tục ba vòng tuyến rất khó khăn”(8). Bởi Điện Biên Phủ mà quân Pháp xây dựng là “pháo đài bất khả xâm phạm”, được tổ chức thành 3 phân khu, 49 cứ điểm, 8 cụm cứ điểm, mỗi cứ điểm đều có khả năng độc lập tác chiến; hệ thống công sự, hầm hào được xây dựng kiến cố, tận dụng được lợi thế của địa hình với lực lượng hàng chục tiểu đoàn và đại đội bộ binh, cùng hỏa lực mạnh gồm pháo binh, xe tăng, máy bay yểm trợ... Chúng đã sẵn sàng chờ để “nghiền nát chủ lực Việt Minh”. Nếu cứ hạ lệnh tiến công trong 2 ngày 3 đêm, trận đánh thật là khó khăn, không thể bảo đảm chắc thắng. Do vậy, ta cần thêm thời gian để chuẩn bị. Đêm ngày 25 tháng 1 năm 1954, Đại tướng không sao chợp mắt được với bao đắn đo, suy nghĩ, nhớ lại lời Bác căn dặn không chắc thắng không đánh. Cuối cùng, Đại tướng hạ quyết tâm cần phải chuyển ngay phương án tác chiến.
Ngày 26/1/1954, Đảng ủy Mặt trận họp bàn để phân tích, đánh giá tình hình, từ đó chọn phương án phù hợp cho trận quyết chiến. Trước khi cuộc họp diễn ra, Đại tướng có hội ý với Trưởng đoàn cố vấn Trung Quốc Vi Quốc Thanh. Sau khi phân tích tình hình chiến trường, Đại tướng nói: "Ý định của tôi là ra lệnh hoãn cuộc tiến công ngay chiều hôm nay, thu quân về vị trí tập kết, chuẩn bị lại theo phương án "đánh chắc, tiến chắc”(9). Nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp trình bày, Cố vấn Vi Quốc Thanh cũng nhận ra “không thể đánh theo kế hoạch đã định”(10). Cuối cùng, hai người đi đến thống nhất ý kiến chuyển phương án tác chiến.
Chiều ngày 26/1, cuộc họp của Đảng ủy Mặt trận có mặt đầy đủ các đồng chí trong Bộ chỉ huy được triệu tập. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trình bày tình hình của ta và địch, đặc biệt nêu lên những khó khăn của ta, nhất mạnh yếu tố đánh nhanh, thắng nhanh hiện nay đã không còn phù hợp, buộc ta phải chuyển phương án tác sang đánh chắc, tiến chắc. Các đồng chí trong Đảng ủy mặt trận như: Lê Liêm, Đặng Kim Giang, Hoàng Văn Thái đều không đồng ý, cuộc họp hết sức căng thẳng. Trước tình hình đó, Đại tướng đã nói: “Với tinh thần trách nhiệm trước Bác và Bộ Chính trị, tôi đề nghị các đồng chí trả lời câu hỏi: “Nếu đánh có chắc thắng trăm phần trăm không?”(11). Không đồng chí nào dám khẳng định đánh nhanh thắng nhanh sẽ thành công. Lúc này tổ chức lại trận đánh theo phương án đánh chắc, tiến chắc cho phép bộ đội chủ lực của ta chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, nhất là đạn pháo, lương thực đảm bảo khi cuộc chiến kéo dài. Để chắc thắng, ta chọn cách đánh bóc vỏ dần từng cứ điểm, phù hợp với khả năng của bộ đội ta khi chỉ có kinh nghiệm tiến công cứ điểm cỡ tiểu đoàn, chưa có nhiều kinh nghiệm tiến công cụm cứ điểm, tập đoàn cứ điểm; đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất sức mạnh hỏa lực pháo binh và không quân địch, khoét sâu chỗ yếu, bao vây cô lập, triệt đường tiếp tế của địch,... Trước sự cương quyết cùng những lập luận đúng đắn, sắc bén khi phân tích tình hình ta và địch của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các đồng chí trong Đảng ủy Mặt trận đã nhất trí chuyển phương án tác chiến. Cuối cùng, Đại tướng kết luận: “Để đảm bảo nguyên tắc cao nhất là đánh chắc thắng, cần chuyển phương án tác chiến từ đánh nhanh, thắng nhanh sang đánh chắc, tiến chắc”(12). Đại tướng ra lệnh hoãn cuộc tiến công, kéo pháo ra. Toàn quân gấp rút chuẩn bị cho phương án tác chiến mới.
Quyết tâm thay đổi phương án tác chiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ chỉ huy chiến dịch đã ngay lập tức nhận được sự đồng ý của Bác và Bộ Chính trị. Trong hồi ký của mình, Đại tướng đã ghi lại: “Ngay khi có quyết định thay đổi cách đánh của mình, tôi xin ý kiến Bác và anh Trường Chinh. Cũng như sự tin cậy của Trung ương đã giao phó trước khi vào bước chiến dịch. Tôi đã nhận được sự ủng hộ hoàn toàn”(13). Còn đối với Nava, ông ta trở nên hoang mang và chỉ mong tướng Giáp bỏ ý định giao chiến. Ông ta viết: “Về phần mình, tôi tin lúc đó…Khi ngồi tại Sài Gòn tôi lo nhiều hơn... một nỗi lo âm thầm vẫn ấn náu và chất chứa trong tôi”(14). Sử gia người Pháp Georges Boudarel khi nhận xét về sự thay đổi phương án tác chiến của Võ Nguyên Giáp đã nhận thấy đó là một quyết định mà “Ông đã đưa mình vào con đường thắng lợi”(15).
Sau 2 tháng chuẩn bị lại, ta đã sẵn sàng bước vào trận quyết chiến. Ngày 11/3/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi Thư động viên cán bộ, chiến sĩ trên chiến trường và tin tưởng rằng, cán bộ và chiến sĩ ta sẽ “phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn, gian khổ để làm tròn nhiệm vụ sắp tới”(16). Cùng lúc đó, Lệnh động viên cán bộ, chiến sĩ của Đại tướng cũng đã được gửi đến từng đơn vị: “…Tất cả các cán bộ và chiến sĩ, tất cả các đơn vị, tất cả các binh chủng, hãy dũng cảm tiến lên, thi đua lập công, giật lá cờ Quyết chiến, Quyết thắng của Hồ Chủ tịch”(17).
Đúng 17 giờ 5 phút, cuộc tiến công vào trung tâm đề kháng Him Lam bắt đầu và sau 9h tiến công, quân ta đã làm chủ trận địa, cứ điểm Him Lam hoàn toàn bị tiêu diệt. Ngay khi Đại tướng điện báo tin vui với Bác, thay mặt Trương ương Đảng, Bác kịp thời “có lời khen các đồng chí” và không quên nhắc nhở: “Địch sẽ ra sức đối phó, ta phải cố gắng, chiến đấu dẻo dai, bền bỉ, chớ chủ quan khinh địch, giành toàn thắng cho chiến dịch này”(18). Đến ngày 01/05/1954, ta mở đợt tiến công cuối cùng, đánh thẳng vào trung tâm cứ điểm Điện Biên Phủ. Ngày 7/5/1954, đợt tiến của ta giành thắng lợi, lá cờ Quyết chiến Quyết thắng đã tung bay trên móc hầm tướng De Castries, kết thúc 56 ngày đêm chiến đấu ác liệt và gian khổ.
Thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953 - 1954 mà đỉnh cao là chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã đập tan hoàn toàn “kế hoạch Nava” của thực dân Pháp, giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của thực dân Pháp, làm xoay chuyển cục diện chiến tranh, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh ngoại giao của ta giành thắng lợi. Chiến dịch Điện Biên Phủ trở thành mốc son chọi lọi trong lịch sử dân tộc, một chiến thắng lừng lẫy năm châu, trận động địa cầu. Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, khi trả lời một chính khách nước ngoài, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói: “Chiến thắng Điện Biên Phủ là công đầu thuộc Chủ tịch Hồ Chí Minh - Hồ Chí Minh là một nhà chiến lược thiên tài, là người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam”(19). Bởi dựa trên nền tảng chỉ đạo chiến thuật chắc thắng mới đánh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kiên quyết thay đổi phương án tác chiến, góp phần quyết định vào thắng lợi của chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ./.
Chú thích:
* Lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước khi lên đường chỉ huy chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ 1954.
(1) (2) (3) Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tập Hồi ký, Nxb Quân đội nhân dân, H.2006, tr876
(4) Trần Văn Bình, Võ Nguyên Giáp hào khí ngàn năm, Nxb Trẻ, H.2013, tr237.
(5) (6) Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tập Hồi ký, sđd, tr 900
(7) Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử, NXB Quân đội nhân dân, H.2000, tr294
(8) Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tập Hồi ký, sđd, tr 922
(9) (10) Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tập Hồi ký, sđd, tr925
(11) (12) Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tập Hồi ký, sđd, tr927
(13) Trần Văn Bình, Võ Nguyên Giáp hào khí ngàn năm, Nxb Trẻ, H.2013, tr258
(14) Tướng Giáp với những vũ khí bí mật làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, Báo Thanh niên, ngày 10-10-2013
(15) Điện Biên Phủ qua phân tích của một sử gia Pháp, Tạp chí Xưa và Nay, số 209, năng 2004
(16) (17) Người chiến sĩ Điện Biên Phủ số 1, Báo Quân đội nhân dân, ngày 5/3/2004
(18) Hồ Chí Minh toàn, Nxb CTQG, H.2011, tập 8, tr434.
(19), Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử, NXB Quân đội nhân dân, H.2000, tr294, tr133
Theo http://ditichhochiminhphuchutich.gov.vn/
Minh Nguyệt (st)