Từng bước chân, từng cái chạm tay vào những gì còn lưu giữ trong Nhà kỷ niệm Hồ Chí Minh tại thị trấn Long Châu, huyện Long Châu, TP Sùng Tả (Quảng Tây, Trung Quốc) khiến nhiều trái tim trẻ bồi hồi, thân thương như vẫn thấy Bác ở đó, ngay trên đất khách quê người.

nhu duoc gap bac noi dat khach   anh
Đại biểu Việt Nam và Trung Quốc nghe thuyết minh về những hiện vật được trưng bày trong Nhà kỷ niệm Hồ Chí Minh tại Long Châu (Quảng Tây, Trung Quốc) - Ảnh: Q.LINH

Nhà kỷ niệm Hồ Chí Minh tại Long Châu được khánh thành đúng vào Ngày sinh nhật Bác (19-5) năm 2006. Đây vốn là một trụ sở hoạt động bí mật của Bác và nhiều nhà cách mạng Việt Nam tại Quảng Tây như Lê Hồng Phong, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Thụ...

Hơn 600 bức ảnh cùng 60 hiện vật được trưng bày tại đây theo hai chủ đề: “Chủ tịch Hồ Chí Minh với Trung Quốc” và “Long Châu với cách mạng Việt Nam”. Sau hơn bốn năm hoạt động, nơi đây đã đón tiếp nhiều đoàn khách đến thăm, trong đó có nhiều đoàn khách từ Việt Nam.

Có hàng trăm hình ảnh, hiện vật được trân trọng lưu giữ trong ngôi nhà nép mình bên dòng Ly Giang. Giữa bộn bề các hoạt động tại Liên hoan thanh niên Việt - Trung (25 đến 29-8), các đại biểu vừa đến từ Việt Nam đã có những giây phút lắng lòng khi được tận mắt nhìn thấy và lắng nghe câu chuyện về hành trình “đi tìm hình của nước” của Bác.

Vừa đặt chân vào gian đầu tiên của ngôi nhà đã gặp ngay bức chân dung bằng đồng của Bác do Bảo tàng Hồ Chí Minh Việt Nam tặng. Nhưng điều làm những người con đến từ đất Việt ấn tượng nhất phải kể đến ký ức về Bác trong lòng nhiều người dân Trung Quốc tại Long Châu.

Ông Nông Từ Tây - con trai cụ Nông Kỳ Chấn, là chủ một trong những ngôi nhà Bác từng lưu lại trong nhiều năm hoạt động tại Quảng Tây, kể: “Cho đến những ngày cuối đời ba tôi vẫn lưu giữ rất nhiều câu chuyện về Người. Đó là một nhân cách lớn, có lối sống vô cùng giản dị, gần gũi”.

Ký ức về Bác vẫn chưa phai với gia đình cụ Phan Toàn Trân qua lời kể của người con gái Phan Tố Bân. Trong những ngày Bác hoạt động cách mạng tại đây, cụ Trân là liên lạc viên cho Bác. “Ba tôi kể Bác làm việc rất nhiều. Có những hôm Bác thức đến khuya để đọc tài liệu, soạn thư rồi đưa cho ba tôi mang qua Việt Nam. Ba tôi nói đó là một người có khả năng phi thường”, bà Bân nhớ lại.

Câu chuyện về Bác dường như là đề tài không dứt với nhiều gia đình tại thị trấn Long Châu hiền hòa. Danh sách những người giúp đỡ cách mạng Việt Nam tại Long Châu dài đến vài trăm cái tên. Nhiều người đã không còn nhưng những mẩu chuyện về Bác vẫn được con cháu họ truyền tai nhau.

“Chiếc chăn này Bác thường sử dụng, trước lúc về nước Bác đã tặng lại cha tôi. Đó là một món quà quý của gia đình. Nhưng khi thành lập Nhà kỷ niệm, gia đình vẫn quyết định tặng lại để trưng bày nơi đây cho con cháu đời sau biết” - bà Lâm Lệ Nam, con gái cụ Lâm Phú Đình, chỉ vào chiếc chăn được trưng trong tủ kính, nói.

Chầm chậm đi qua từng khu trưng bày, bạn Nguyễn Thị Hương (Cao Bằng) chia sẻ: “Lần đầu tiên mình biết đến nơi này và thấy gần gũi lắm. Càng hiểu thêm về những gian khó mà Người đã vượt qua để tìm ra con đường cứu nước”. Bạn Vũ Hoàng (ĐH Thái Nguyên) tự nhủ: “Có biết bao bài học về chuyện vượt qua gian khó để theo đuổi lý tưởng mà tôi đã nhận ra từ những câu chuyện nơi đây. Vậy mới thấy mình nhiều khi thiếu bản lĩnh quá, mới gặp chút khó khăn đã muốn buông xuôi. Mình sẽ kiên định hơn khi gặp khó khăn”./.

QUỐC LINH
Theo tuoitre.vn
Minh Thu (st)

Bài viết khác: