1. Thông tư số 32/2015/TT-BTC ngày 17/3/2015 của Bộ Tài Chính hướng dẫn xác định nhu cầu, nguồn và phương thức chi thực hiện điều chỉnh tiền lương đối với người có hệ số lương từ 2.34 trở xuống theo Nghị định số 17/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ; điều chỉnh trợ cấp đối với cán bộ xã đã nghỉ việc theo Nghị định số 09/2015/NĐ-CP ngày 22/01/2015 của Chính phủ. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 04/5/2015, các chế độ quy định tại Thông tư được thực hiện từ ngày 01/01/2015.

Theo Thông tư hướng dẫn phương thức chi trả kinh phí thực hiện có một số điểm đáng lưu ý sau:

- Các bộ, cơ quan Trung ương, cấp tỉnh hướng dẫn các đơn vị và cấp ngân sách trực thuộc có nguồn kinh phí lớn hơn nhu cầu thực hiện thì chủ động chi trả tiền lương tăng thêm.

- Cấp tỉnh chủ động sử dụng nguồn tăng thu ngân sách địa phương, tiết kiệm 10% chi thường xuyên để bổ sung nguồn kinh phí thực hiện cho các đơn vị dự toán ngân sách cùng cấp và cấp ngân sách trực thuộc còn thiếu nguồn.

- Các bộ, cơ quan Trung ương có nhu cầu kinh phí thực hiện lớn hơn nguồn thì Bộ Tài chính sẽ thẩm định (trên cơ sở báo cáo của các bộ, cơ quan) và thông báo bổ sung kinh phí.

2. Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ hướng dẫn mới về bảo hiểm thất nghiệp. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/01/2015.

Nghị định quy định người lao động đã giao kết hợp đồng theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 đến dưới 12 tháng trước ngày 01/01/2015 và đang thực hiện hợp đồng này nếu thời hạn kết thúc hợp đồng còn ít nhất 03 tháng thì người sử dụng lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Trường hợp người lao động giao kết nhiều hợp đồng lao động và đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo hợp đồng có hiệu lực đầu tiên mà khi chấm dứt hoặc thay đổi hợp đồng dẫn đến người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp thì người lao động và người sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp của hợp đồng giao kết có hiệu lực kế tiếp có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định.

Cũng theo Nghị định, trường hợp người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản hoặc ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị mà hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội, người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã giao kết thì người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Nghị định cũng quy định người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động với mức hỗ trợ tối đa 1 triệu đồng/người/tháng. Cùng với đó, người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp làm việc theo hợp đồng đúng quy định khi bị chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc sẽ được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí thông qua trung tâm dịch vụ việc làm; hỗ trợ học nghề khi đáp ứng đủ các điều kiện...

3. Nghị định số 26/2015/NĐ-CP ngày 09/3/2015 của Chính phủ quy định chế độ, chính sách đối với cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/5/2015.

Theo Nghị định quy định cán bộ không đủ tuổi tái cử, tái bổ nhiệm được nghỉ để chờ đủ tuổi để nghỉ hưu sẽ được hưởng các chế độ sau:

- Được hưởng nguyên mức lương chức vụ hoặc theo ngạch, bậc, phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề, mức chênh lệch bảo lưu lương, phụ cấp công tác đảng (nếu có).

- Căn cứ vào mức lương, các khoản phụ cấp và mức chênh lệch bảo lưu lương (nếu có) được hưởng, cán bộ và cơ quan sẽ thực hiện đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật hiện hành.

- Các chế độ khác như chế độ phục vụ, chế độ điện thoại (nếu có) thôi hưởng kể từ tháng liền kề sau tháng có quyết định nghỉ công tác chờ đủ tuổi sẽ nghỉ hưu.

Ngoài ra chế độ đối với cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm tiếp tục công tác cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu và cán bộ nghỉ hưu trước tuổi cũng được quy định trong Nghị định này.

4. Thông tư liên tịch số 01/2015/TTLT-BNV-BTC ngày 14/4/2015 của Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 30/5/2015 đến hết ngày 31/12/2021.

Theo hướng dẫn tại Thông tư, người nghỉ hưu trước tuổi được trợ cấp 3 tháng tiền lương cho mỗi năm (đủ 12 tháng) nghỉ hưu trước tuổi. Trường hợp thời gian nghỉ hưu trước tuổi có số tháng lẻ không đủ năm thì tính: Từ 01 đến 06 tháng được trợ cấp 01 tháng tiền lương; trên 06 tháng đến dưới 12 tháng thì được trợ cấp 02 tháng tiền lương.

Tiền trợ cấp tính cho thời gian nghỉ hưu trước tuổi quy định = Số tháng được trợ cấp (tính theo thời gian nghỉ hưu trước tuổi quy định) x Tiền lương tháng.

Đồng thời được trợ cấp 05 tháng tiền lương cho 20 năm đầu công tác, có đóng đủ BHXH. Được  trợ cấp 1/2 tháng tiền lương cho mỗi năm (đủ 12 tháng) công tác có đóng BHXH kể từ năm 21 trở đi.

Tiền trợ cấp do có trên 20 năm đóng BHXH = Số năm được trợ cấp (tính từ năm 21 trở đi có đóng BHXH) x ½ x Tiền lương tháng.

5. Thông tư số 41/2015/TT-BTC ngày 27/3/2015 của Bộ Tài chínhsửa đổi điều 9 Thông tư số 39/2011/TT-BTC ngày 22/3/2011 Bộ Tài chính về việc sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước.

Thông tư quy định cụ thể các hồ sơ, quy trình, thủ tục thực hiện thanh toán các khoản chi phí liên quan đến việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất; việc quản lý, cấp phát, quyết toán số tiền thực hiện dự án đầu tư; hồ sơ, quy trình, thủ tục thanh toán số tiền hỗ trợ di dời các hộ gia đình, cá nhân đã bố trí làm nhà ở trong khuôn viên cơ sở nhà, đất khác (nếu có) của cơ quan, đơn vị, các tổ chức thuộc cùng phạm vi quản lý của các bộ, ngành, địa phương.

Ngoài ra, Thông tư còn quy định thời hạn các tổ chức, cá nhân phải nộp số tiền thu được từ bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất vào tài khoản tạm giữ, thời hạn chủ tài khoản tạm giữ giải quyết hồ sơ và thực hiện chi tiền từ tài khoản tạm giữ, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan.

Bên cạnh đó, nhằm phản ánh đầy đủ vào ngân sách nhà nước số tiền thu được từ việc sắp xếp lại nhà đất đã được sử dụng để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, cơ sở sản xuất kinh doanh, nâng cấp cơ sở hạ tầng của địa phương và hỗ trợ di dời các hộ gia đình cá nhân, tại Thông tư quy định rõ quy trình ghi thu, ghi chi ngân sách nhà nước đối với số tiền này.

Với các quy định tại Thông tư số 41/2015/TT-BTC, các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, các tổ chức và công ty nhà nước có căn cứ pháp lý để thực hiện đầy đủ, đúng quy định giúp cho việc thanh toán các khoản chi phí được kịp thời. Đồng thời tăng cường trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ theo chức năng được giao.

Từ đó, bảo đảm việc quản lý, sử dụng có hiệu quả số tiền thu được từ sắp xếp nhà đất thuộc sở hữu nhà nước; đồng thời, tạo điều kiện cho các bộ, ngành, địa phương, tổng công ty nhà nước trong việc triển khai thực hiện phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, góp phần đẩy nhanh tiến độ sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước trên phạm vi cả nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 25/8/2014 về việc tăng cường công tác quản lý các trụ sở cơ sở hoạt động sự nghiệp.

6. Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg ngày 25/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương. Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/5/2015.

Quy chế quy định cụ thể về cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông và quy trình thực hiện; bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; các nguyên tắc thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông; cơ quan áp dụng cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông.

7. Quyết định số 08/2015/QĐ-TTg ngày 09/3/ 2015của Thủ tướng Chính phủ thí điểm về giao dịch điện tử trong việc thực hiện thủ tục tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và đề nghị cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế

Quyết định quy định cụ thể về nguyên tắc giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội; điều kiện và lựa chọn thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội của người sử dụng lao động; tiêu chí lựa chọn tổ chức hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin để ký hợp đồng cung cấp dịch vụ I-VAN; ...

Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/5/2015 đến khi Nghị định của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục tham gia và giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội bằng phương thức giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội có hiệu lực thi hành./.

Kim Yến (Tổng hợp)

Bài viết khác: