Bác Hồ – Lãnh tụ kính yêu của Đảng và dân tộc Việt Nam. Người đã dành trọn cuộc đời, tâm huyết của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Người đã mãi đi xa, nhưng tư tưởng, đạo đức của Người vẫn sống mãi và soi sáng cho các thế hệ Việt Nam học tập và noi theo. Những ngày tháng được sống và làm việc bên Bác luôn là những kỷ niệm sâu sắc, thiêng liêng của mỗi cá nhân… mỗi câu chuyện nhỏ của những người may mắn được sống, làm việc và gặp gỡ Người là những kỷ niệm đáng nhớ, những giây phút quý giá, những bài học quý báu dành cho các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. 

Nhân dịp kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban biên tập Trang tin điện tử Ban Quản lý Lăng xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc những câu chuyện, những bài viết, những hồi ức của những người vinh dự được sống, làm việc và gặp gỡ Bác Hồ.

nhung-ngay-thang-ben-Bac-bqllang-gov-vn
Bác Hồ đi công tác ở Chiến khu Việt Bắc

Bác đến bản tôi

Ngày 8-2-1941, Bác Hồ về nước gây dựng lại cơ sở của cách mạng. Bác là người đầu tiên tổ chức ra các đoàn thể: Nông dân, Thanh niên, Phụ nữ,… và là người sáng lập ra Mặt trận Việt Minh.

Mỗi lời nói của Bác, mỗi hành động của Bác có sức mạnh đẩy lùi mọi lực lượng, mọi mưu mô của quân cướp nước và bán nước. Hình ảnh của Bác có sức cảm hóa và thúc đẩy mọi người từ cán bộ đến nhân dân ngăn sông lấp biển. Ngày Bác về cũng là ngày mà phong trào cách mạng của ta đang lép xẹp. Bác về không đầy 2 tháng trời, nhân dân các dân tộc lần lượt được thức tỉnh, vùng dậy theo cách mạng; cả một số trong cường hào, tổng lý cũng quy đầu chịu lỗi và tình nguyện tham gia phong trào cách mạng cứu nước. Trong lúc phong trào cách mạng lên cao như vậy, tất cả cán bộ chúng tôi đều khinh địch, mất cảnh giác, phần vì chủ quan, phần vì còn nông nổi chưa biết nhìn xa trông rộng, nên thấy cách mạng thắng lợi bước đầu đã vội tư mãn.

Trước tình hình phong trào đang lên như vậy, cán bộ đang phấn khởi hoạt động, Bác chỉ thị cho mọi người là phải chuẩn bị để chống địch khủng bố. Khi nhận được chỉ thị, bản thân anh em chúng tôi vẫn còn chủ quan và nói với nhau: “Phong trào lên phơi phới thế này làm gì phải chống khủng bố nữa, tổng lý, kỳ hào đều theo ta cả, chính quyền địa phương từ thôn tới xã đều trong tay cách mạng chỉ huy…”. Ý nghĩ ấy đến tai Bác, Bác gọi ngay chúng tôi lại và bảo: “Nước với lửa bao giờ cũng mâu thuẫn với nhau, các đồng chí phải thận trọng: Thắng không được kiêu, bại không được nản; giặc sắp mở một cuộc khủng bố lớn, cơ sở có thể bị tan vỡ, các đồng chí không được bi quan, phải luôn luôn tin tưởng vào nhân dân, vào cách mạng,…”.

Và từ ấy, tuy có cơ quan ở riêng trong rừng, nhưng Bác sống vô cùng giản dị. Ngày ấy nhân dân trong vùng đa số đều ăn ngô. Thấy Bác gầy yếu, chúng tôi ưu tiên mua gạo về nấu cho Bác ăn, Bác không tán thành và bảo chúng tôi là: Không được làm như thế, nhân dân ăn gì thì ta ăn nấy. Các đồng chí làm cách mạng cứu nước, tôi cũng làm cách mạng cứu nước và giải phóng dân tộc khỏi ách lầm than nô lệ. Nhân dân ta đang đói khổ, phải ăn củ mài, củ bấu, các đồng chí ăn độn, ăn ngô, tôi cũng chỉ được ăn như các đồng chí. Nếu các đồng chí muốn cải thiện sinh hoạt cho tôi thì bắt đầu từ mai các đồng chí hãy cùng tôi dậy sớm để tăng gia sản xuất và làm chuồng chăn nuôi, được bao nhiêu thì chúng ta cùng ăn cùng hưởng…

Bác nói thế, chúng tôi tưởng Bác chưa làm ngay. Sáng hôm sau, chúng tôi chưa kịp đến hỏi Bác đã thấy Bác cuốc đất ở ngoài nương từ lúc còn tinh sương.

Chúng tôi chỉ kịp ra làm với Bác chưa đầy một tiếng đồng hồ. Ai nấy lại phải về với công việc của mình. Cho đến tan chiều mới được trở về họp mặt trong bữa cơm và chuẩn bị đi theo Bác lên núi nghiên cứu địa hình, địa vật và nghe Bác giảng giải các kế hoạch chống khủng bố của giặc, trước khi Bác phải ra nước ngoài liên lạc với quân Đồng minh.

Đúng như lời chỉ dạy của Bác, hai tháng sau giặc lùng, ráp và khủng bố gắt gao. Tất cả nhân dân địa phương và các gia đình thân thuộc của chúng tôi đều phải chuyển sang “Khum Đắc, Khum Lự” (một thung lũng thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) để tạm sống và hoạt động với một lòng mong ngóng Bác về.

Vào khoảng tháng 5, 6 năm 1943, tin Bác bị quân Tưởng Giới Thạch bắt giam ở nhà lao Liễu Châu đưa về, tất cả nhân dân và chúng tôi đều không ai cầm được nước mắt. Nhất là các bà mẹ, các đồng chí nữ hội viên lại càng sướt mướt hơn.

Trong suốt cả thời gian hơn năm trời, ai nấy đều luôn luôn mong ngóng. Hôm ấy tôi đang chữa lại cái “cọn” nước thì đằng xa một đồng chí cùng hoạt động gọi tôi lại và báo cáo cho tôi biết là chuẩn bị mang quần áo đi đón Bác. Được tin, tôi mừng quá. Tôi không kịp thay quần áo mà chỉ kịp vơ mấy bộ quần áo, theo lệnh của chi bộ để đi đón Bác. Tôi vừa đi vừa chạy, được chừng hai cây số thì tôi gặp Bác trong bộ quân phục đã cũ và đội chiếc nón Nùng. Cùng về với Bác có vài đồng chí nữa. Gặp Bác, tôi mừng mừng tủi tủi, vai đeo gói quần áo để Bác thay mà tôi cũng quên mất, mãi tới khi về đến Cột Mà Bác mới thay quần áo. Tôi nhìn Bác không chớp mắt. Tôi rất cảm động vì thấy Bác gầy xanh quá đỗi, hai mắt Bác sâu quầng, đôi gò má Bác nhô lên, chân Bác toe toét toàn máu vì giây rơm của đôi giầy “hải sảo” cắt nát khắp mu bàn chân và gót chân.

Trên đường về tôi đi sau Bác, nghe Bác thở rất nhiều. Tôi thấy Bác mệt nên vội đi lên trước với ý định đi chậm lại để giữ sức cho Bác, nhưng không đầy mười thước Bác lại vượt lên trước. Về đến nhà, Bác rất mệt nhưng Bác vẫn chỉ thị cho chúng tôi đi triệu tập tất cả đồng bào lại để Bác nói chuyện.

Khi nói chuyện, Bác lấy mẹt và than vẽ bản đồ thế giới để giải thích những thắng lợi của phe Đồng minh, giải thích Chiến tranh thế giới thứ hai sắp đến ngày kết thúc. Bác lấy thúng cái và đèn dầu giải thích hiện tượng tối tăm của Tổ quốc Việt Nam. Nghe Bác nói chuyện, ai nấy đều hiểu, đều thấy căm thù thằng Pháp, vì thằng Pháp nên nhân dân phải điêu đứng khổ cực, con mất cha, vợ mất chồng, ai nấy đều thấy sôi lòng căm thù quân giặc, muốn vùng lên xông thẳng vào đồn giặc để quét sạch những quân cướp nước và bán nước.

Giải thích xong các hiện tượng thế giới và Việt Nam, Bác lại lấy cây đèn để vào trong cái thúng, Bác nói: “Mặt trời hiện nay đang nằm bên kia Trái Đất, nên bên này Trái Đất của chúng ta đang bị tối tăm. Ngày mai Mặt trời sẽ về với Việt Nam, các cụ cùng đồng bào đã khổ cực nhưng hãy cố gắng, nay mai Việt Nam sẽ sáng sủa đúng như câu cuối của cuốn sử thi Việt Nam (được Hồ Chí Minh viết năm 1941 theo kiểu văn vần với tên gọi là Lịch sử Việt Nam): Năm 1945 nước Việt Nam sẽ độc lập”.

Sáng sớm ngày hôm sau, vừa ngủ dậy Bác đã ra ngoài bờ suối xem xét rồi quay vào gọi chúng tôi ra sửa sang lại chỗ lấy nước ăn. Chúng tôi cùng Bác dọn rửa suối xong, Bác về kéo cái thuyền đập lúa ra kỳ cọ một cách rất cẩn thận rồi gọi các cháu ra xếp hàng để Bác tắm giặt cho từng cháu một.

Bà tôi ở trong nhà trong thấy Bác hết tắm giặt cho cháu này xong lại tắm giặt cho cháu khác từ sáng đến gần trưa, bà thương Bác quá nên bảo bố tôi:

- Ông Cụ già này thương người lắm! Hôm qua đi đường sá mệt thế mà hôm nay đã dậy sớm để tắm giặt sửa sang cho làng. Trong nhà mà có một Ông Cụ như thế thì chẳng lo gì đói khát…!

- Chả biết vợ con Ông Cụ ở đâu, Ông Cụ thương người quá thôi!

Nghe lời mẹ, bố tôi đun lại nồi cháo, chờ Bác về. Bố tôi đánh trứng vào cháo và bưng lại mời Bác ăn. Tay bưng bát cháo, Bác run run hỏi lại bố tôi:

- Ở đây đều ăn thế này hay là chỉ có mình tôi?

Bố tôi thực thà:

- Thưa Cụ, bà mẹ tôi bảo Cụ mệt, chân lại đau, Cụ làm việc suốt từ sáng đến giờ, nên chúng tôi lấy trứng làm cháo để Cụ ăn cho đỡ mệt.

- Tôi không mệt.

Bà tôi từ trong nhà, nói với ra:

- Mời Cụ xơi rồi nằm nghỉ cho khỏi mệt, chúng tôi chẳng có gì. Cụ thương người lắm.

Bác bưng cháo vào trong nhà mời bà tôi. Khi quay ra, Bác bảo chúng tôi:

- Từ nay không được làm như thế. Bây giờ không còn ai có sự đặc biệt như thế.

Nói xong, Bác ra ngoài ăn cơm trưa với chúng tôi. Bác dặn đi dặn lại chúng tôi: Phải ở lại chăm lo và tổ chức cái Tết này cho bà con ăn Tết thật vui vẻ.

Dặn xong mọi việc, chiều hôm ấy đồng chí Quảng Ba và Bác ra đi. Chân Bác hãy còn sưng. Tôi nhắc đồng chí Quảng Ba đi thuê ngựa cho Bác cưỡi. Bác nhất định không cưỡi và nói:

“Tiền quỹ của chúng ta hiện nay còn hiếm. Nếu Bác đi ngựa thì chú Ba cũng phải đi ngựa, chú Ba đi ngựa thì không lẽ để những tay chân của Nguyễn Hải Thần và Trương Bội Công phải đi bộ ư? (đây là những kẻ đứng đầu những tổ chức phản cách mạng lưu vong ở Trung Quốc lúc bấy giờ). Thôi, ta cùng đi bộ cả...”.

(Theo Hồi ức của đồng chí Dương Đại Lâm,
nguyên Phó Chính Ủy Quân khu Việt Bắc)

Được Bác cử đi học

Mùa Thu năm 1941, tôi được vinh dự gặp Bác cùng với bốn anh em nữa ở Bản Nà Nghiềng. Bác vui vẻ nói chuyện với chúng tôi, thay mặt Trung ương cử chúng tôi đi học. Tôi nhớ mãi những lời căn dặn của Bác trước lúc lên đường. Bác nói đại ý: Muốn đánh đuổi thực dân Pháp, phát xít Nhật ra khỏi đất nước, giành độc lập thì mình phải có quân đội. Có quân đội rồi còn phải có vũ khí, lương thực. Phải có những người cầm quân giỏi. Các chú đi học lần này là học quân sự, để trở thành những người cầm quân giỏi, những chỉ huy của quân đội.


Bác Hồ cùng Thượng tướng Đàm Quang Trung (thứ nhất)
chụp ảnh cùng Đại đội Việt – Mỹ năm 1945

Chúng tôi gồm mấy chục người được sang học Trường quân sự Hoàng Phố ở Trung Quốc. Nhưng khi sang đó thì riêng tôi rất buồn, rất lo, bởi vì tôi không được học quân sự. Anh phụ trách giao cho tôi đi học in litô (tức là in trên mặt đá mài phẳng). Tôi vẫn chấp hành nghiêm, cố gắng học tập. Hiềm một nỗi trình độ văn hóa thì thấp, tôi viết xuôi trên giấy còn khó, bây giờ lại viết chữ ngược trên đá thì không sao làm được. Nhân lần gặp anh Phạm Văn Đồng, tôi báo cáo với anh và đề nghị anh Đồng xin với Bác cho tôi được chuyển sang học quân sự. Tôi thấy có khả năng về quân sự lại có sức khỏe, chắc chắn tôi sẽ học tốt và sau này sẽ chiến đấu tốt.

Anh Phạm Văn Đồng đã chấp thuận. Anh thưa lên Bác. Bác đồng ý cho tôi được chuyển sang học quân sự. Bác còn căn dặn thêm: Chú Quang Trung phải học tập thành thạo tất cả các loại vũ khí hiện có của các nước trong phe Đồng Minh và của đối phương nữa. Sẽ đến lúc mình phải sử dụng tới.

Tôi vô cùng phấn khởi ra sức học tập, ngày đêm rèn luyện. Sau thời gian học quân sự ở Hoàng Phố về, chúng tôi được coi như đã tốt nghiệp khóa đào tạo cán bộ quân sự đầu tiên của quân đội ta.

Tình hình cách mạng lúc này đòi hỏi phải khẩn trương tổ chức lực lượng vũ trang làm nòng cốt kết hợp với đấu tranh chính trị của quần chúng để đưa phong trào cách mạng phát triển lên một bước mới. Bác đã chỉ thị thành lập Đội “Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân”. Tôi vinh dự là một trong 34 chiến sỹ đầu tiên ấy. Sau đó, tôi lại được phân công về Chiến khu Tân Trào bảo vệ Trung ương, bảo vệ Bác. Đội vệ binh làm nhiệm vụ bảo vệ do tôi trực tiếp chỉ huy.

Ở chiến khu, sinh hoạt quá kham khổ, Bác lại có tuổi mà phải làm việc quá nhiều, sức khỏe sút kém nên thỉnh thoảng Bác bị sốt. Có lần Bác sốt cao kéo dài chúng tôi rất lo lắng. Thuốc men không có đủ. Bác sốt vậy mà vẫn cứ làm việc không chịu ngủ. Hôm sau, tôi báo cáo với các đồng chí cấp trên và mời bà lang có tiếng ở bản bên cạnh đến thăm bệnh cho Bác. Bác không phản đối nhưng Bác cũng không nói gì. Tôi cứ nghĩ một người cộng sản như Bác làm sao lại có thể tin vào cái trò phù phép ấy. Mãi đến giờ nghỉ chiều, hai Bác cháu ra bờ suối hái rau, tôi mới dám hỏi Bác chuyện ấy. Bác cười bảo: - Bác biết bà lang là người biết cách chữa bệnh bằng cả phương pháp tâm lý nữa. Mình không nên làm phật ý người ta. Vận động tuyên truyền đồng bào trừ mê tín là việc làm lâu dài, phải kiên trì, không được nôn nóng.

Nghe lời Bác dạy, tôi mới hiểu thêm về cách cư xử của Bác với đồng bào địa phương, cách thức tuyên truyền vận động quần chúng của Bác. Tôi tự rút ra cho mình một bài học trong quan hệ với nhân dân.

… Bác ở Trung Quốc về một thời gian thì Bộ Tư lệnh quân đội Mỹ điện sang cho Bác, xin được cử người sang để hợp tác bằng cách họ sẽ cho người nhảy dù xuống căn cứ Tân Trào. Bác đã chỉ thị thành lập Đại đội Việt – Mỹ và chỉ định tôi làm Đại đội trưởng. Một nhân viên tình báo quân sự Mỹ mang hàm Thiếu tá tên là Tô mát làm Tham mưu trưởng Đại đội.

Đại đội Việt – Mỹ của tôi nhận nhiệm vụ huấn luyện sử dụng các loại vũ khí của Mỹ mới đưa về do Tô mát chỉ dẫn. Không có phiên dịch nên việc huấn luyện của Thiếu tá Tô mát rất khó khăn, tôi liền trực tiếp hướng dẫn cho bộ đội cách sử dụng, tháo lắp. Tôi vừa giảng vừa thực hành hết loại súng này đến loại súng khác. Tô mát ngạc nhiên không hiểu vì sao vũ khí Mỹ mới thả xuống mà Đại đội trưởng đã sử dụng thành thạo, am hiểu tường tận như vậy.

Tôi không giải thích cho Tô mát điều đó. Đến lúc này tôi càng thấm thía sâu về mọi vấn đề của Bác. Chính Bác đã chỉ thị cho tôi ở lại học thêm tất cả các loại vũ khí ấy sau khi học xong khóa học quân sự ở Hoàng Phố./.

        Đàm Quang Trung kể (Trích trong có Bác trong tim
Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2001)

Được Bác dạy tôi không còn tự ti nữa

Năm 1941, Trung ương chuẩn bị họp Hội nghị Trung ương lần thứ tám. Chúng tôi được giao trách nhiệm bảo vệ Trung ương và cũng từ đây, mấy đồng chí xứ ủy khác và tôi được Bác cho học tập về chủ nghĩa Lê-nin. Ngoài giờ học Bác thường đến bày việc cho chúng tôi làm. Bác không bỏ phí một dịp nào; nếu không họp với Trung ương, họp với xứ ủy thì Bác đi gặp đội bảo vệ hoặc gặp quần chúng nhân dân. Tầng lớp thanh thiếu niên được Bác chú ý giáo dục kỹ càng. Có khi họ đi thả trâu, bò, hát si, hát lượn nhưng lại là lúc họ làm tai mắt cho cách mạng, bảo vệ cơ quan. Bác thường nói làm cách mạng không thể một mình làm được, mà cần nhiều người cùng làm cách mạng. Muốn nhân dân giác ngộ cách mạng phải có cán bộ đi tuyên truyền, vận động, giáo dục nhân dân làm cho nhân dân biết rõ nguyên nhân mình bị đè nén khổ cực, dân mới tự giác làm cách mạng. Cán bộ không được tự kiêu, tự mãn như ông tướng, mà phải khiêm tốn. Bác nhắc thêm tôi: Phải lấy dân làm gốc như cá dựa vào nước, tùy theo lực của quần chúng mà nâng dần lên; phải gương mẫu chịu hy sinh gian khổ đi đầu trong mọi khó khăn. Ta đã hiến thân cho cách mạng thì không màng tiền của, sắc đẹp, phải làm sao cho xứng đáng là người đảng viên, người cán bộ, dân tộc tốt. Đồng bào dân tộc ít người ở đâu cũng vậy, đã tin thì tin đến cùng nhưng một khi bị phẫn thì chống lại ngay. Chú là người dân tộc hiểu đồng bào dễ, nhưng luôn luôn phải thận trọng từ lời nói, cử chỉ đến việc làm sao cho dân mến, dân tin.

Bác lại dạy: “Làm cách mạng nhiều lúc rất nguy hiểm, vì kẻ địch tàn bạo, xảo quyệt, nhiều mánh khóe, ta phải tỉnh táo, kiên trì, gan dạ; không khuất phục trước uy vũ, phải giữ bí mật, biết tránh địch để bảo vệ mình và nâng cao giác ngộ cho quần chúng”.

Từng điều Bác nói tôi ghi nhớ trong lòng, cảm thấy một ngày gặp Bác bằng mấy năm học tập. Không phải Bác nói luôn một lúc tất cả các điều ấy, mà tùy lúc, tùy việc Bác chỉ bảo cho tôi tiếp thu dần dần. Trước khi gặp Bác thấy trình độ mình thấp, tôi rất lo không biết mình có gánh vác được nhiệm vụ không. Nói hy sinh xương máu tôi không sợ, nhưng lo đảm đương sao được những việc quá tầm! Từ khi gặp Bác và được Bác chỉ bảo, tôi tin mình có thể làm được và thấy tầm mắt được mở rộng ra nhiều. Bác từng nói: Người đảng viên tốt ở đâu cũng phải tham gia hoạt động phát triển Đảng và các tổ chức quần chúng, bất cứ là ở miền núi, miền xuôi ở trong nước hay ngoài nước. Ta làm cách mạng không chỉ riêng cho nước mình mà cho cả thế giới; ở đâu có giai cấp thì ở đấy có đấu tranh cách mạng; ở các nước tư bản hay các nước thuộc địa cũng dần dần có Đảng của giai cấp vô sản soi sáng, giác ngộ quần chúng đứng dậy đấu tranh chống áp bức.

Trước ngày các đại biểu ra về, Bác gọi các đồng chí xứ ủy tới hội ý, dặn dò từng đồng chí một, vạch tay chỉ xuống đất… Lần đầu gặp Bác được học có hệ thống, vốn hiểu biết của tôi bước đầu được mở rộng, tôi nghĩ nếu còn được gặp Bác chắc chắn trình độ hiểu biết của tôi sẽ được nâng cao nên nhiều.

Tôi chuẩn bị mang tài liệu, phương tiện, súng đạn trở về Chiến khu Bắc Sơn. Đồng chí Phùng Chí Kiên được cử về phụ trách Chiến khu Bắc Sơn – Vũ Nhai thay đồng chí Hoàng Văn Thụ. Lúc sắp đi Bác còn dặn: Các chú phải luôn luôn tỉnh táo, dựa vào quần chúng điều tra đường sá kỹ càng. Qua nơi phong trào chưa tốt càng cần phải giữ bí mật.

Bác nhìn chúng tôi trìu mến. Bác nói không nhiều nhưng đôi mắt sáng, hiền từ của Bác nhắc nhở chúng tôi rất nhiều.

Rời Pác Bó, tôi chào Bác ở cửa suối Khuổi Nậm. Tôi thấy Bác đứng nhìn theo, lòng tôi thương nhớ Bác quá chừng. Dọc đường tôi thường ôn lại những trí nhớ, những lời Bác nói.... Tôi càng nhớ Bác, lòng càng tự tin ở mình. Lúc đi còn non nớt, nay về đã trưởng thành lại được trang bị vũ khí, tài liệu và đường lối hoạt động đúng đắn. Chắc chắn về Bắc Sơn – Vũ Nhai chúng tôi sẽ hoạt động có kết quả hơn. Nghĩ mình là một cán bộ dân tộc ít người được gặp lãnh tụ của Đảng, của nhân dân, của dân tộc, tôi càng thấm thía tinh thần bình quyền, bình đẳng giữa các dân tộc và những tình cảm cách mạng cao cả. Tôi không còn mang tư tưởng tự ti nữa./.

Đức Hiếu (Tổng hợp)
Còn nữa

Bài viết khác: