Đồng chí Thượng tướng Đàm Quang Trung, dân tộc Tày, quê ở Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, nguyên Tư lệnh Quân khu I, nguyên Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (nay là Phó Chủ tịch Nước), là một trong những cán bộ lão thành cách mạng có thời gian dài làm nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ ở Pác Bó, Hà Quảng, Cao Bằng, ở khu căn cứ Cách mạng Tân Trào - Tuyên Quang và ở Thủ đô Hà Nội.

Trong hồi ức của Thượng tướng đã kể rằng:

Một trong những kỷ niệm sâu sắc nhất là lần tôi được gặp Bác Hồ trước ngày lên đường vào chiến trường Trung Bộ.

Giữa tháng 4 - 1946, tôi được lệnh vào nhận nhiệm vụ mới ở miền Trung Trung Bộ. Trước đó, những đoàn quân Nam tiến của bộ đội, mỗi chuyến đi có hàng trăm, hàng nghìn người. Nhớ hôm đầu tiên từ chiến khu về Hà Nội, tôi được gặp Bác Hồ ở 48 Hàng Ngang - Hà Nội, Bác nói: Nhân dân Hà Nội nhiều người đã biết đến chi đội Quang Trung.

Buổi tối trước hôm lên đường, Bác gọi tôi lên phòng làm việc, hỏi thăm tình hình gia đình, hỏi tôi có gì khó khăn. Tôi thưa với Bác là tôi đã chuẩn bị sẵn sàng. Trong phòng chỉ có hai Bác cháu. Và tự nhiên tôi cảm thấy bùi ngùi. Ngày mai xa Bác rồi. Nghĩ lại gần một năm được làm nhiệm vụ bảo vệ bên cạnh Bác, được Bác chăm sóc yêu thương, ân cần dạy bảo, giống như một người cha đối với một người con. Thời gian khoảng một năm được sống gần Bác tôi cảm thấy như được học qua một lớp huấn luyện đặc biệt hiếm có. Tôi được Bác dạy bảo từ việc nhỏ đến việc lớn, từ cách suy nghĩ, phân tích tình hình đến tác phong cụ thể cần có của một cán bộ chỉ huy quân sự. Đến bây giờ, trước lúc tôi lên đường vào chiến trường miền Nam, Bác mới nói với tôi về nhân cách của một người là tướng. Bác nói có nhiều loại tướng: Mãnh tướng như Trương Phi, dũng tướng như Quan Vân Trường, hổ tướng như Triệu Tử Long …. Các loại tướng như thế đều tốt, đều cần vì nhân dân ta sắp bước vào cuộc chiến đấu một mất một còn với kẻ thù hung bạo. Nhưng theo Bác, chúng ta phải có nhiều nhân tướng, vì cuộc chiến đấu của chúng ta là cuộc chiến đấu vì nhân dân vì con người. Và Bác giải thích: Nhân tướng là người tướng hiểu con người, biết yêu quý con người, biết dùng người và được mọi người yêu quý. Chỉ có những người tướng như thế mới trăm trận, trăm thắng được.

Lời dạy của Bác Hồ mãi mãi trong trái tim tôi suốt cuộc đời binh nghiệp. Đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ mãi bài học quân sự đầu tiên Bác Hồ dạy cho chúng tôi tại lớp huấn luyện quân sự - chính trị 7 ngày tại Pác Bó (Cao Bằng) vào cuối năm 1941. Bác nói về chiến thuật du kích là: Lấy ít đánh nhiều, dùng mưu mẹo mà đánh, nay đánh Đông, mai đánh Tây, làm cho địch chết dần chết mòn. Về các cách đánh du kích, Bác không nói tập kích, phục kích, mà nói đánh úp, đánh phục. Đánh úp là khi quân địch đang ở một xóm, một làng, một nơi nào đó, mình giả làm người dân, lân la đến gần, dùng gậy đập chết nó rồi cướp súng, có thể ban đêm, cũng có thể ban ngày… Còn đánh phục là mình tự chọn lấy một nơi địa thế kín đáo rồi bí mật đến nấp ở đó, đợi khi nào địch đi qua thì nhanh chóng bất ngờ xông ra dùng dao, dùng gậy giết nó, cướp súng.

Bác nói: Đánh úp, đánh phục như thế không cần nhiều người, không nên tham ăn to vội, mới đầu hãy chọn một vài thằng, nhân lúc nó đi liên lạc hay đang giải tù, bắt phu, đốc thuế rồi diệt nó lấy một, hai khẩu súng, dần dần diệt ba, bốn thằng lấy ba, bốn khẩu súng và cứ như thế mà có thêm súng đạn.

Những điều Bác dạy về đánh du kích, tôi nhớ mãi không bao giờ quên.

Vốn là một thanh niên ngang tàng, hiếu động, từng đi theo một gánh xiếc rong rồi tham gia cách mạng, rồi bị địch bắt bỏ tù, giờ được học quân sự, được phát súng để mà đánh nhau là sung sướng nhất.

Sau đó, tôi được cử sang học ở Trung Quốc. Học xong về, thì vừa lúc Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã được thành lập, đã đánh thắng 2 trận Phai Khắt và Nà Ngần khiến bọn Pháp phải hoang mang thờ thẫn. Tôi được biên chế vào Đội và được cử làm Tiểu đội trưởng nhưng chưa có quân, chưa có súng. Tôi hỏi anh Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp), anh bảo: Hội viên thì tìm chọn từ các đội du kích trong các bản làng. Còn súng ống thì tìm mọi cách cướp súng địch.

Năm 1945, thực hiện chủ trương đứng về phe đồng minh đánh phát xít, ta thành lập Trung đội Việt - Mỹ ở Tân Trào. Cấp trên chỉ định tôi làm Trung đội trưởng. Bác Hồ gọi tôi lên căn dặn: Làm việc với họ phải đúng giờ giấc và không được luộm thuộm.

Vinh dự nhất trong đời tôi là những lần được gặp Bác. Ngày 2/9/1955, duyệt binh đón Trung ương và Chính phủ về Hà Nội. Tôi lúc đó là Đại đoàn trưởng Đại đoàn 312 được chỉ huy khối bộ đội chủ lực. Duyệt binh xong được Bác gọi lên: Các chú làm thế là được. Đồng bào Thủ đô khen: Xưa thằng Tây duyệt binh 6 hàng, nay bộ đội ta đi thành 10 hàng, 20 hàng mà vẫn đều vẫn thẳng… Được Bác biểu dương như thế, vinh dự như được nhận một phần thưởng cao quý. Năm 1966, trước khi vào Mặt trận đường 9 (Quảng Trị) tôi được Bác gọi đến cho ăn cơm. Đó là một bữa cơm ngon nhất trong cuộc đời. Bác dặn đi dặn lại: Chiến tranh có thể kéo dài. Phải hết sức tiết kiệm xương máu bộ đội, bảo toàn lực lượng để đánh lâu dài. Lời dặn của Bác giản dị nhưng đó là một phương châm chiến lược cực kỳ quan trọng. Điều đó thấm vào tim óc, vào suy nghĩ mỗi cán bộ chỉ huy.

Mỗi lần ra Bác báo cáo tình hình chiến trường, câu hỏi đầu tiên bao giờ Bác và Bộ Chính trị cũng hỏi thăm nhiều đến tình hình sức khỏe và đời sống bộ đội. Biết bộ đội được ăn no, mặc ấm và tìm ra nhiều cách đánh tiêu diệt được nhiều địch mà bộ đội ta ít bị thương vong, là Bác vui lắm.

Trở lại chiến trường, tôi đã chuyển đến cán bộ, chiến sĩ tình cảm sâu nặng của Bác Hồ với bộ đội, với đồng bào miền Nam./.

Theo Thainguyentv.vn
Kim Yến (st)

Bài viết khác: