Trong hoàn cảnh kế hoạch Nava có nguy cơ sụp đổ bởi những cuộc tiến công chiến lược của ta trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, ngày 03 tháng 12 năm 1953, Nava quyết định xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm phòng ngự mạnh, chấp nhận cuộc quyết chiến chiến lược với ta tại đây. Ở chiến trường chính, Điện Biên Phủ, lúc đầu chưa có trong kế hoạch Nava và cũng chưa có trong kế hoạch tác chiến của ta, đã trở thành nơi diễn ra trận quyết chiến chiến lược, cuộc đọ sức quyết liệt nhất giữa ta và địch, trước mắt đây là kế hoạch nhằm cứu vãn cho kế hoạch Nava. Về lâu dài Điện Biên Phủ là một vị trí chiến lược quan trọng có thể trở thành một căn cứ lục quân và không quân lớn ở Đông Dương và Đông Nam Á.

ky niem 1
Tại Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng quyết định mở
Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh internet

          Thực hiện kế hoạch đó, Nava tăng dần số quân chiếm đóng ở Điện Biên Phủ lúc cao nhất là đầu tháng 3 năm 1954 là 16.200 tên gồm các đơn vị bộ binh, pháo binh, công binh và không quân thuộc loại tinh nhuệ nhất ở Đông Dương bao gồm 8 cụm cứ điểm, 3 phân khu: Phân khu Bắc, phân khu Trung tâm và phân khu Nam. Các cụm cứ điểm kiên cố nhất được tập trung ở phân khu trung tâm với các lô cốt bê tông cốt thép trên đồi A1, A2, C1, C2, D1, E1. Mỗi cụm cứ điểm là một hệ thống hỏa lực nhiều tầng có chiến hào ngang dọc và hàng rào dây thép gai, có bãi mìn dàu đặc và hầm ngầm cố thủ. Giới quân sự Pháp - Mỹ coi Điện Biên Phủ là pháo đài bất khả xâm phạm, thách thức quan chủ lực Việt Minh và sẵn sàng nghiền nát bộ đội chủ lực của ta.

          Sau khi phân tích tình hình các chiến trường, tháng 2 năm 1954 Hồ Chủ tịch và Bộ Chính trị Trung ương Đảng ta quyết định tập trung lực lượng mở chiến dịch tiêu diệt tập đoàn cứ điểm của địch ở Điện Biên Phủ, đập tan kế hoạch Nava, giải phóng hoàn toàn Tây Bắc. Phương châm tác chiến ban đầu của chiến dịch Điện Biên Phủ là "đánh nhanh, thắng nhanh", sau được thay đổi thành "đánh chắc, tiến chắc" do đánh giá lại tính chất phòng ngự và so sánh lực lượng. Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp được cử làm Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng của chiến dịch, Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy đã quyết định tập trung đại bộ phận quân chủ lực lên chiến trường Tây Bắc: 4 Đại đoàn bộ binh, 1 Đại đoàn công pháo với tổng quân số trên 40.000. Điện Biên Phủ trở thành một điểm quyết chiến chiến lược giữa ta và địch, với tinh thần tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho đánh thắng, toàn quân, toàn dân ta gấp rút chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, hàng vạn thanh niên xung phong cùng với bộ đội mở đường ra mặt trận, hàng vạn dân công nô nức lên chiến trường Điện Biên tiếp tế cho bộ đội. Các đơn vị bộ đội từ các ngả hành quân tập kết ở xung quang tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

          Ngày 13 tháng 3 năm 1954, quân ta bắt đầu nổ súng tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, chiến dịch diễn ra qua 3 đợt công kích. Và sau 56 ngày đêm chiến đấu kiên cường, gian khổ, hy sinh, quân dân ra đã tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch ở tập đoàn Điện Biên Phủ.

          Kỷ niệm 10 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Bác Hồ viết: "Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn". "Đó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới". Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ không chỉ là một sự kiện trọng đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam mà còn là một sự kiện có tác động to lớn đến tình hình thế giới. Đây là thắng lợi to lớn nhất của quân dân trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp góp phần đập tan kế hoạch phiêu lưu quân sự Nava của đế quốc Pháp - Mỹ, làm sụp đổ hoàn toàn ý chí xâm lược của Pháp, nhấn chìm những mưu toan ảo tưởng kéo dài mở rộng chiến tranh vào việc tìm một lối thoát, lối thoát trong danh dự, trong thắng lợi. Sau thất bại tại tập đoàn cứ điểm Điện Biên  Phủ, không còn cách nào khác là phải ký hiệp định Giơ-ne-vơ chấm dứt chiến tranh, lập lại hoàn bình ở Đông Dương, công nhận quyền độc lập cơ bản 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia, rút quân về nước. Âm mưu kéo dài và quốc tế hóa cuộc chiến tranh Đông Dương của đế quốc Mỹ cũng bị thất bại, Điện Biên Phủ là chiến thắng quyết định số phận cuộc chiến tranh Đông Dương.

          Chiến thắng Điện Biên Phủ đã góp phần bảo vệ và phát huy thành quả của Cách mạng Tháng 8, đã buộc thực dân Pháp ký hiệp định Giơ-ne-vơ, giải phóng hoàn toàn miền Bắc, chấm dứt ách thống trị của thực dân Pháp ở Đông Dương gần 100 năm. Miền Bắc có độc lập, có hòa bình để hoàn thành sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thực hiện triệt để cải cách ruộng đất, xóa bỏ vĩnh viễn cách áp bức bóc lột của giai cấp đế quốc, phong kiến, tiến lên Chủ nghĩa xã hội, làm cơ sở vững chắc cho sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

          Chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những chiến thắng vẻ vang nhất trong lịch sử dân tộc, cùng với Chiến thắng Bạch Đằng (năm 938), Chiến thắng Bạch Đằng (năm 1288), Chiến thắng Chi Lăng (năm 1427), Chiến thắng Đống Đa (năm 1789), Đại thắng mùa Xuân năm 1975 sau này, tô đậm truyền thống kiên cường bất khuất chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta.

Với Chiến thắng Điện Biên Phủ, Việt Nam trở thành nước đi tiên phong trong phong trào giải phóng dân tộc, đấu tranh đánh đổ chủ nghĩa thực dân cũ, đã góp phần làm thay đổi cục diện thế giới. Chiến thắng lịch sử đó không chỉ là thắng lợi vĩ đại của dân tộc Việt Nam mà còn là chiến công chói lọi của các dân tộc thuộc địa, phụ thuộc trên toàn thế giới. “Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” là một đòn giáng mạnh góp phần quan trọng vào việc phá vỡ hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân cũ. Thắng lợi đó đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, nhất là các nước thuộc địa của Pháp ở Bắc Phi và Tây Phi với tinh thần “Việt Nam - Điện Biên Phủ - Hồ Chí Minh”, tiêu biểu là thắng lợi của nhân dân An-giê-ri đã vùng lên đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn nhất của thực dân Pháp mà lúc cao nhất là 80 vạn quân viễn chinh.

          Chủ tịch Fidel Castro đã nói: "Tôi đã đọc lịch sử chiến tranh. Từ trước đến nay chưa từng có một cuộc chiến tranh nào mà một nước nhỏ, kinh tế lạc hậu như Việt Nam mà vẫn đánh thắng Pháp và Mỹ. Đó là vô song. Trên thế giới chưa từng có. Trong lịch sử chưa từng thấy". Chiến thắng Điện Biên Phủ là đỉnh cao của cuộc kháng chiến chống Pháp đã sáng tỏ chân lý của thời đại ngày nay, một dân tộc đất không rộng, người không đông, kinh tế còn lạc hậu, vũ khí kém cỏi nhưng nếu quyết tâm chiến đấu vì độc lập dân tộc, có đường lối chính trị, đường lối quân sự đúng đắn, được sự ủng hộ của quốc tế thì hoàn toàn có khả năng đánh bại quân đội xâm lược của một cường quốc phương Tây có tiềm lực kinh tế và quân sự lớn, trang bị vũ khí hiện đại.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ còn làm vẻ vang truyền thống bách chiến bách thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam, làm giàu thêm nghệ thuật quân sự của quân dân ta. Điện Biên Phủ không chỉ kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp mà cón có tác dụng, có ý nghĩa lâu dài - tinh thần của Điện Biên Phủ còn được thể hiện sâu sắc trong cuộc chiến tranh lớn hơn, kéo dài hơn - cuộc chiến tranh chống Mỹ, và tinh thần ấy đã tác động sâu sắc tới chiến thắng lớn hơn: Đại thắng mùa Xuân 1975. Tinh thần Điện Biên Phủ còn sáng mãi với dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Sức mạnh làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ là sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, sức mạnh của toàn dân, của cả nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, chúng ta đã động viên được sức mạnh của toàn quân, toàn dân, từ tiền tuyến đến hậu phương vào trận quyết chiến Điện Biên Phủ. Hàng chục vạn đồng bào đã hăng hái đi dân công, thanh niên xung phong, tham gia làm đường, vận tải tiếp tế, phục vụ chiến dịch, bảo đảm hậu cần cho một mặt trận xa hậu phương trong điều kiện đường xá khó khăn, phương tiện vận tải thô sơ thiếu thốn, địch đánh phá ác liệt. Ngày nay, sức mạnh để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vẫn là sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, của toàn dân.

ky niem 2
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở về thăm Điện Biên nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 2004. Ảnh internet

         Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có đóng góp quan trọng trong việc tham gia chỉ đạo, tổ chức tiến hành chiến tranh nhân dân, bằng sức mạnh tổng hợp của đất nước, thực hiện chiến tranh toàn dân, toàn diện. Để có được chiến thắng ở Điện Biên Phủ, phải kể đến nhiều lý do, nhiều nguyên nhân nhưng không ai có thể quên được “một quyết định có tính lịch sử” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Với tư duy của một nhà quân sự lớn, mặc dù các đơn vị đều sẵn sàng tiến công, vì mọi thứ đã chuẩn bị sẵn sàng, nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, với cái nhìn và nhận định của một nhà quân sự lỗi lạc, tài ba, đã quyết định hoãn trận đánh để thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” chuyển sang “đánh chắc, tiến chắc” bằng sức mạnh tổng hợp và lối đánh du kích của chiến tranh nhân dân Việt Nam, được hun đúc qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước. Sau này, khi tổng kết chiến thắng Điện Biên Phủ, các tướng lĩnh và các nhà nghiên cứu nước ngoài đều thống nhất nhận định: Nguyên nhân chính làm nên chiến thắng của Việt Minh là đã tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện. Năm 1954, sau khi thất bại trở về Pháp, tướng Đờ Cát-tơ-ri đã trả lời trước Ủy ban Điều tra của Bộ Quốc phòng rằng: Người ta có thể đánh bại một quân đội, chứ không thể đánh bại được một dân tộc.

           Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ gắn liền với tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị Đại tướng tài ba có uy tín trong nước và trên thế giới, một nhà báo, nhà giáo, nhà văn hóa lớn của dân tộc Việt Nam, làm tăng niềm tự hào dân tộc, niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện; cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân một lòng, một dạ chiến đấu dưới lá cờ vẻ vang của Đảng vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. 

           Năm nay kỷ niệm 61 năm Ngày chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp của chúng ta không còn nữa, vĩnh biệt Đại tướng - chúng ta nguyện một lòng đi theo con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ, nhân dân ta đã lựa chọn, tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và những phẩm chất cao đẹp của Đại tướng, gắn liền với việc thực hiện Nghị quyết Trung ưong 4 (khóa XI), phát huy tinh thần Điện Biên Phủ, nêu cao lòng yêu nước, tinh thần độc lập tự chủ, tự tôn dân tộc, tự lực tự cường, không cam chịu nghèo nàn và lạc hậu, quyết tâm vượt qua thách thức, phát huy trí thông minh sáng tạo, dám nghĩ dám làm, làm nên một "Điện Biên Phủ" mới trong sự nghiệp đổi mới. Mỗi người, mỗi tổ chức có những nỗ lực vượt bậc, lập nên những đỉnh cao thành tích mới, những "Điện Biên Phủ" lớn, nhỏ trên các lĩnh vực kinh tế, khoa học, giáo dục, văn hóa, xã hội.

Qua bài viết, tác giả bày tỏ lòng thành kính đời đời nhớ ơn Bác Hồ vĩ đại, nhớ ơn các Anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc, nhớ ơn các bà mẹ Việt Nam Anh hùng đã hiến dâng cho đất nước những người con anh hùng. Gửi lời tri ân đến các đồng chí thương bệnh binh, cựu chiến binh, thanh niên xung phong, dân công, gia đình liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử nói riêng và cuộc kháng chiến chống đế quốc xâm lược của đất nước Việt Nam. Bản anh hùng ca “Điện Biên Phủ” năm xưa đã trở thành biểu tượng của sức mạnh dân tộc Việt Nam./.

Huyền Trang (tổng hợp)

Bài viết khác: