anh 1 nhung ngay thang ben bac phan 2

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí bảo vệ và giúp việc tại
Chiến khu Việt Bắc trong kháng chiến chống Pháp

Những ngày được gần Bác

Pác Bó ngày xưa chỉ là một xóm nghèo xơ xác, ở rải rác, cheo leo trên sườn núi hầu hết là người dân tộc Tày, Nùng và Mông. Đầu năm 1941, giữa những ngày Đông giá lạnh, cả gia đình tôi đang co ro bên đống củi sưởi vì thiếu quần áo, thì anh Đại Lâm về, gọi tôi ra nói nhỏ và anh không quên dặn tôi là: Phải hết sức giữ bí mật.

Tôi làm theo đúng lời dặn của anh Đại Lâm, đến ngày thứ ba sau khi Bác Hồ từ nước ngoài về thì anh Đại Lâm dẫn tôi vào hang Bác Pó giới thiệu với Bác. Lần đầu tiên được gặp Bác, tôi sung sướng quá chảy cả nước mắt và quên không chào Bác. Bác niềm nở và tươi cười nói chuyện với chúng tôi bằng tiếng dân tộc, tôi ngạc nhiên vô cùng hỏi anh Đại Lâm:

Bác Hồ là người dân tộc Nùng mình à?

Anh Đại Lâm không nói gì chỉ nhìn tôi và cười. Bác hỏi tôi:

Tên cháu là gì?

Tôi ngập ngừng trả lời Bác:

- Thưa Bác, tên cháu là Vương Thị Hú ạ!

Bác bảo tôi: Tên cháu là Vương Thị Hú thì gọi hơi khó, Bác đổi lại là Vương Thị Kim Liên, tên quê hương Bác, cháu có bằng lòng không? Tôi cảm động quá, chỉ trả lời Bác được tiếng: Vâng ạ. Qua lần đầu được gặp Bác chuyện trò vui vẻ, tôi thấy ở Bác toát lên một tình thương yêu đầm ấm như một người cha trong gia đình. Đặc biệt là Bác rất quan tâm đến đời sống và sinh hoạt của bà con trong xóm. Từ đó, hằng ngày tôi được phép bí mật vào hang, mang cơm cho Bác và mỗi lần được gặp Bác như vậy, Bác lại tranh thủ dạy tôi học văn hóa, dạy bảo tôi lòng yêu nước, yêu cách mạng, yêu nhân dân và biết căm thù bọn đế quốc, phong kiến. Dần dần tôi được Bác giới thiệu vào Việt Minh cứu quốc hội và tham gia công tác phụ nữ do Bác trực tiếp hướng dẫn.

Thấy Bác chỉ có một bộ quần áo kaiki kiểu nhà binh đã sờn vai và một đôi giày rơm đã rách nát, mà hàng ngày Bác phải chống đỡ với cái rét thấu xương của núi rừng Việt Bắc, tôi thu xếp may cho Bác hai bộ quần áo dân tộc Nùng và tôi nói với mẹ khâu cho Bác một đôi giày vải. Thấy Bác hằng ngày vẫn rửa mặt bằng tay không, tôi lại nói với mẹ  tìm cho Bác một cái khăn mặt để Bác dùng. Lúc này tôi mới sinh được một cháu trai đặt tên cháu là Dương Chí Thân, gia đình tôi gặp nhiều khó khăn nên Bác bảo tôi:

- Bây giờ cơm nước để Bác tự thổi nấu lấy.

Từ đó, cứ vài ba ngày tôi lại mang ngô, gạo và hái rau rừng mang vào cho Bác. Cứ như vậy được vài năm, đến năm 1943, bọn thực dân Pháp khủng bố vùng này, nhà cửa thóc lúa của dân bị chúng đốt sạch; gia đình tôi lại chuyển vào một khu vực giáp biên giới và đưa cả Bác đi cùng vì thóc lúa không còn, chỉ còn ít gạo để dành nấu cháo cho Bác. Hôm đầu nấu cháo, Bác chỉ ăn một bát và bảo: Gia đình ăn thứ gì thì Bác cũng ăn thứ ấy. Hôm sau, tôi lại nấu cháo cho Bác nhưng Bác nhất định không ăn mà chia hết cho các cháu nhỏ.

Bác làm nhiều việc, mà ăn thiếu, sức khỏe của Bác giảm sút nhanh chóng, gia đình thương Bác lắm, nhưng Bác lại thương gia đình và các cháu nhỏ nhiều. Bác bảo với gia đình tôi: “Nhân dân ta cố gắng chịu đựng gian khổ và phải đoàn kết chặt chẽ, đánh đổ bọn đế quốc và phong kiến thì mới có cơm no, áo lành”.

Đến địa điểm mới, cùng ở trong một cái hang nhỏ, điều kiện sinh hoạt khó khăn, thiếu nước các cháu nhỏ đều bị ghẻ lở cả. Bác đã mất nhiều công phu mới tìm được mạch nước, Bác khoanh lại để gia đình có nước dùng. Hằng ngày Bác lấy nước đó tắm rửa cho các cháu. Được sự chăm sóc của Bác, đến nay cháu Dương Chí Thân đã trưởng thành và vinh dự nối gót cha đứng trong hàng ngũ Quân đội nhân dân Việt Nam.

Vương Thị Kim Liên kể
(Theo Tài liệu lưu trữ của Đài Tiếng nói Việt Nam)

 

Bác Hồ chăm sóc cán bộ

Tháng 2 - 1941, Bác Hồ về Pác Bó. Để trực tiếp chỉ đạo phong trào và bồi dưỡng cán bộ, Bác cho mấy anh em huyện uỷ huyện Hà Quảng (Cao Bằng) đang hoạt động bí mật ở cùng với Bác. Ngoài các đồng chí Phùng Chí Kiên, Vũ Anh, Đặng Văn Cáp v.v. đi theo Bác, lúc này trong hang có thêm các đồng chí Lê Quảng Ba, Hoàng Sâm, Thuỵ Hùng, Đức Thanh và tôi.

 Hồi ấy, có đồng chí Lê Quảng Ba và Hoàng Sâm phụ trách bảo vệ cơ quan Bác và tổng Lục Khu. Còn tôi thì được phân công trực tiếp phụ trách Tổng Hà Quảng (gồm những xã Sóc Hà, Nà Sắc và vùng mỏ Sắt bấy giờ), kiêm nhiệm vụ kiểm tra Tổng Thông Nông.

Trước khi chúng tôi đi xuống cơ sở công tác, bao giờ Bác cũng bảo báo cáo chương trình, kế hoạch cụ thể cho Bác nghe. Bác bổ sung thêm rồi bảo chúng tôi nhắc lại thật đúng rồi mới cho đi. Do đó, bọn tôi rất vững dạ, như người đi rừng có địa bàn trong tay.

Cứ mỗi lần có đồng chí rời hang là Bác lại lo lắng: Lo sao anh em được bình yên trở về, thoát khỏi mọi sự bất trắc dọc đường. Khi thấy anh em về, Bác vui hẳn lên. Câu đầu tiên Bác nói là hỏi han sức khoẻ, sau đó tuyên bố cho anh em nghỉ ngơi, tắm giặt, rồi mới làm việc. Lúc ấy, phong trào đang lên, công việc rất nhiều, nên anh em chúng tôi không ai muốn nghỉ, đợi được báo cáo tình hình, xong là đi ngay. Nhưng Bác không nghe.

Thỉnh thoảng đi công tác về, chúng tôi lại được Bác chia cho kẹo. Hỏi đồng chí Cáp mới biết đó là quà của nhân dân Pác Bó đi chợ mua về biếu Bác. Bác chỉ ăn một, hai chiếc. Còn bao nhiêu gói lại, cất vào ống tre, Bác bảo:

- Để dành cho các chú ấy đi công tác về ăn.

Quà Bác tuy nhỏ, nhưng cử chỉ của Bác là cả một tình thương, có sức động viên chúng tôi rất mạnh. Mỗi lần đi lâu ngày mới về, bao giờ Bác cũng dặn đồng chí cấp dưỡng cố gắng tìm mua thức ăn về “thiết tiệc” anh em. Gọi là tiệc, nhưng chỉ thêm vài miếng thịt lợn luộc chấm muối.

Ở hang, nhưng hàng ngày Bác vẫn giữ đúng giờ giấc. Đến giờ, nếu ai ngủ chưa dậy thì Bác khẽ đánh thức. Song, đối với anh em chúng tôi mới đi công tác về, Bác bảo anh em khác phải im lặng, giữ ý từng bước chân, để chúng tôi được ngủ thêm một lúc.

Tôi còn nhớ một lần, đồng chí Đức Thanh đi công tác về bị ốm, nằm liệt giường. Bác buồn lắm. Bác bảo đồng chí Cáp vào rừng lấy lá thuốc về cho đồng chí Thanh uống và xông. Chốc chốc Bác lại đến sờ trán đồng chí Đức Thanh.

Ngồi làm việc ở một góc hang, tôi im lặng theo dõi từng cử chỉ của Bác. Nhìn nét mặt lo âu của Bác, tôi bỗng nhớ đến lúc còn bé, bị ốm chốc chốc mẹ lại sờ trán tôi, nét mặt vui buồn đều gắn vào độ nóng, lạnh trong người tôi truyền qua bàn tay răn reo của mẹ. Cử chỉ của Bác trong lúc này chẳng khác dáng dấp của mẹ tôi khi xưa.

Những tình cảm sâu sắc của Bác đối với chúng tôi hơn ruột thịt, đã động viên chúng tôi vượt qua mọi khó khăn gian khổ những năm tháng sống trong hang giữa rừng.

Hoàng Tô (Nguyên Chủ tịch ủy ban
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Khu tự trị Việt Bắc) kể
 (trích trong sách Bác Hồ sống mãi với chúng ta, Nxb CTQG, H.2005)

Nhớ mãi những giờ phút đầu tiên

Buổi chiều mùa Thu ấy, cách đây hơn nửa thế kỷ.

anh 2 nhung ngay thang ben bac phan 2
Bác Hồ và thư ký riêng Vũ Kỳ

Đó là buổi chiều thứ Bảy, ngày 26-8-1945, Hà Nội mới giành chính quyền được trọn một tuần, vẫn còn hừng hực khí thế Cách mạng Tháng Tám. Khắp các đường phố vẫn đang tràn ngập niềm hân hoan với cờ đỏ sao vàng, với biểu ngữ, với những cuộc họp sôi nổi... ít ai để ý đến một chiếc xe ô tô cũ, chạy không nhanh từ phía Chèm về, dọc theo đê Yên Phụ, xuống dốc Hàng Than, qua phố Chả Cá, đến trước số nhà 35 Hàng Cân nhưng không dừng lại mà rẽ thẳng vào phía trong. Một cụ già mảnh khảnh xuống xe và nhanh nhẹn đi theo người đứng đón sẵn vào nhà rồi lên gác. Tiếp theo là một người thấp đậm, còn trẻ.

Ông già chính là Cụ Hồ vừa từ chiến khu về Hà Nội, chiều tối nay mới vào nội thành. Người trẻ, thấp đậm là đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư của Đảng,Thường vụ Trung ương bố trí Bác đến ngôi nhà này, nhà của ông Trịnh Văn Bô, một thương gia lớn, giữa ba mươi sáu phố phường đông đúc, cao ba tầng, cửa phụ phía sau là Hàng Cân, cửa chính phía trước là Hàng Ngang mang số 48, có cửa sắt chắc chắn, rất thuận lợi cho công tác bảo vệ.

Tối hôm sau, 27 tháng 8 năm 1945, anh Đáng, (tức đồng chí Trần Đăng Ninh) đến tìm tôi rồi dẫn tôi đi ngay, nói là Đảng giao cho tôi nhiệm vụ quan trọng. Từ dạo tháng 3 năm 1945, cùng vượt ngục Hỏa Lò ra, bây giờ mới gặp nhau. Phút  đầu tiên, tự dưng hai chúng tôi rơm rớm nước mắt nghĩ đến anh Hoàng Văn Thụ. Mới hôm nào cả ba chúng tôi cùng ở trong tù. Anh Thụ thường xuyên nhắc nhở chúng tôi là phải giữ vững khí tiết của người cách mạng. Thế mà hôm nay, cách mạng thành công rồi, trong ngày vui của toàn dân tộc lại vắng bóng Anh...

Gần đến nhà 48 Hàng Ngang, anh Đáng mới bảo nhỏ tôi:

- Đồng chí được chọn làm Thư ký cho Cụ.

 Tôi hỏi:

- Cụ nào?

Anh Đáng bảo:

- Cụ Nguyễn Ái Quốc.

Tôi đứng sững lại giây lát giữa đường phố. Anh Đáng cũng đứng lại. Cả hai chúng tôi đều im lặng, không nói mà vẫn hiểu nhau vô cùng. Ở trong tù, biết bao nhiêu lần chúng tôi cứ bắt anh Thụ kể về Nguyễn Ái Quốc mà anh Thụ đã được gặp ở Hội nghị Trung ương Tám, tháng 5 năm 1941, ở Hội nghị đó, Nguyễn Ái Quốc đã nêu lên vấn đề chuẩn bị lực lượng, đón thời cơ, khởi nghĩa giành chính quyền. Bây giờ chính quyền đã về tay nhân dân. Nguyễn Ái Quốc đã trở về Hà Nội. Mà anh Hoàng Văn Thụ thì không còn nữa...

Buổi tối hôm ấy, anh Đáng dẫn tôi lên gác, vào một phòng rộng. Trong phòng có 6, 7 người đang họp, không thấy cụ nào. Tôi chỉ nhận ra đồng chí Trân, đồng chí Đệ (tức đồng chí Nguyễn Khang) và anh Dương (tức đồng chí Võ Nguyên Giáp). Tôi chưa kịp hỏi chuyện đồng chí Trân, đồng chí Đệ thì anh Dương đã vui vẻ gọi: Ô kìa U-sao-ty! Đó là tên gọi của tôi hồi cuối năm1941 khi tôi được chọn qua biên giới học quân chính gặp anh.

Anh Đáng hỏi:

- Biết nhau à?

- Biết.

Vừa lúc đó, Cụ ở buồng bên sang.

Đồng chí Đáng giới thiệu:

- Thưa, người Cụ bảo tìm đây ạ.

Cụ nhìn tôi, cặp mắt hiền từ:

- Tên chú là gì?

- Thưa, là Nguyễn Cần ạ!

- Cẩn à! Tốt! Cẩn là cẩn thận. Thôi chú đi nghỉ.Sáng mai ta làm việc.

Tôi bàng hoàng. Từ đột ngột đến bàng hoàng. Mà không bàng hoàng sao được!

Buổi tối đáng ghi nhớ của đời tôi đã diễn ra ngắn ngủi như vậy.

Thế là tôi đã được gặp Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, hình ảnh thiêng liêng đối với lớp đảng viên chúng tôi hồi trước cách mạng mà trong những ngày ở tù Hỏa Lò, đêm đêm tôi vẫn thường mơ. Nguyễn Ái Quốc thực, khác hẳn với Nguyễn Ái Quốc trong mơ. Hiền từ và vô cùng giản dị.

Sáng hôm sau gặp tôi, Cụ lại hỏi:

- Chú tên gì nhỉ?

Lần này tôi mới trấn tĩnh nói to hơn và rõ hơn tối qua. Mà không biết sao lúc ấy tôi không dám nói lại, khi nghe Bác nói sai tên mình.

- Thưa Cụ, là Nguyễn Cần ạ! - Tôi nói chậm và rõ chữ Cần.

- Cần à, tốt, Cần Kiệm, Liêm, Chính càng tốt!

Chắc Cụ nhớ ra tối hôm qua nghe nhầm tên tôi là Cẩn.

- Chú có biết tiếng Pháp không?

- Thưa Cụ, biết ít ạ.

Thế chú ngồi đây, mình đọc cho viết cái này.

Nỗi lo của tôi bớt dần vì Cụ hiền hậu, gần gũi và thân thiết quá! Trong giây lát, tôi tranh thủ ngắm Cụ. Người gầy, mắt sáng, râu thưa, trán rộng và cao. Đặc biệt hai vành tai không đều nhau. Những đường gân nổi ở trên thái dương. Cụ mặc áo sơ-mi và quần đùi nâu đã bạc màu.

Những giờ phút đầu tiên, tôi được gặp và làm nhiệm vụ người giúp việc của Cụ Nguyễn Ái Quốc như thế đó.

Mùa Thu ấy, tôi vừa bước vào tuổi 25.

Vũ Kỳ kể (Trích trong sách Thư ký Bác Hồ kể chuyện,
NxbCTQG, H.2005, tr.13-16)

Đức Hiếu (Tổng hợp)
Còn nữa

Bài viết khác: