Để bầu được đội ngũ cấp ủy viên thực sự tiêu biểu cho bản lĩnh, trí tuệ, đạo đức của đảng bộ từ đại hội Đảng các cấp trong thời gian tới, cần quán triệt sâu sắc và thực hiện đúng các quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác nhân sự và bầu cử cấp ủy.
Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, được thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, đã quy định: “Cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng do bầu cử lập ra, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”(1). Việc thực hiện dân chủ trong các hoạt động của Đảng nói chung và trong việc bầu ra cơ quan lãnh đạo các cấp đã được thực hiện trong suốt quá trình xây dựng Đảng và trở thành một trong những nội dung quan trọng của nguyên tắc tổ chức và hoạt động chủ yếu của Đảng - nguyên tắc tập trung dân chủ. Đảng ta đã có nhiều kinh nghiệm quý trong lãnh đạo, chỉ đạo việc quy hoạch, đào tạo, rèn luyện, chuẩn bị nhân sự cho mỗi kỳ đại hội, đặc biệt là sự chỉ đạo trực tiếp về công tác bầu cử các cơ quan và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng.
Tuy nhiên, nội dung, phương thức bầu cử trong Đảng chậm được cải tiến, sửa đổi, bổ sung. Vẫn còn những trường hợp chưa bầu được tập thể cấp ủy, bí thư, phó bí thư thực sự tiêu biểu cho trí tuệ, phẩm chất và năng lực của cả đảng bộ. Dân chủ trong Đảng trong bầu cử các cơ quan lãnh đạo của Đảng cũng chưa được phát huy. Nguyên tắc hoạt động của Đảng cũng chưa được vận dụng đúng đắn, một mặt, do chưa hiểu đúng nội dung, vai trò của nguyên tắc; mặt khác, những biểu hiện thiếu ý chí chiến đấu, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh càng làm cho nguyên tắc của Đảng trở nên hình thức. Ở một số nơi còn tình trạng cấp dưới thì ỷ lại vào cấp trên, cấp trên thì bao biện, làm thay cấp dưới. Những lợi ích ngầm của cán bộ khi đã trở thành cấp ủy viên cũng làm tăng thêm tình trạng “chạy chức”, “chạy quyền” qua mỗi lần bầu cử.
Trong điều kiện hiện nay, khi trình độ nhận thức và ý thức của đại biểu dự đại hội ngày càng được nâng cao và yêu cầu phát huy dân chủ đang trở thành một xu thế tất yếu, thì cách thức tiến hành bầu cử trong Đảng phải có sự đổi mới, thể hiện ở những nội dung chính sau đây:
Thứ nhất, xác định tiêu chuẩn và lựa chọn cấp ủy viên theo tiêu chuẩn đã được xác định.
Việc bầu cử ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư cấp ủy trước hết đòi hỏi cần đánh giá đúng cán bộ. Đó là những yêu cầu về phẩm chất và năng lực cán bộ được cụ thể hóa từ tiêu chuẩn cán bộ. Tiêu chuẩn cấp ủy viên được xác định về cơ bản phải bảo đảm tiêu chuẩn chung của cán bộ theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 khóa VIII, vềChiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, và một số điểm nhấn mạnh nêu tại Chỉ thị số 36-CT/TW, ngày 30-5-2014, của Bộ Chính trị về đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, đó là: Tiêu chuẩn về lập trường tư tưởng chính trị; năng lực thực tiễn thể hiện bằng hiệu quả công việc; uy tín trong Đảng, trong nhân dân; tư duy đổi mới, sáng tạo, khả năng tiếp cận, nắm bắt, xử lý có hiệu quả những vấn đề mới phát sinh; đoàn kết, quy tụ được đội ngũ cán bộ; phong cách công tác khoa học, dân chủ, sâu sát, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; minh bạch, công tâm, khách quan trong công tác cán bộ; khả năng phát hiện và sử dụng người có đức, có tài; không tham ô, tham nhũng, tiêu cực; phản bác các luận điệu xuyên tạc, phản động, trái với Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước; có thái độ khắc phục, sửa chữa khuyết điểm nghiêm túc, kịp thời.
Trên cơ sở tiêu chuẩn chung, cấp ủy các cấp phải xây dựng tiêu chuẩn cấp ủy viên sát hợp với yêu cầu nhiệm vụ của đảng bộ mình, trong việc chuẩn bị nhân sự cho khóa sau. Để thực hiện tốt nội dung này, cần chú ý một số yêu cầu sau: Không cơ cấu vào cấp ủy những cán bộ, đảng viên mà bản thân hoặc vợ (chồng), con vi phạm các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước làm ảnh hưởng tới uy tín của cơ quan, đơn vị và bản thân cán bộ; cán bộ vi phạm quy định về tiêu chuẩn chính trị (theo Quy định số 57-QĐ/TW, ngày 03-5-2007 và Thông báo số 104-TB/TW, ngày 27-9-2012, của Bộ Chính trị về chính sách quản lý và sử dụng cán bộ, đảng viên có vấn đề lịch sử chính trị và hướng dẫn khác có liên quan của Trung ương đã được thẩm tra, kết luận và những trường hợp có vấn đề chính trị hiện nay của bản thân, gia đình đang thẩm tra, chưa kết luận) và những điều đảng viên, công chức không được làm; cấp ủy viên trong lực lượng vũ trang không vi phạm quy định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
Thứ hai, thực hiện đúng cơ cấu cấp ủy nhưng vẫn chú trọng đến tiêu chuẩn cấp ủy viên.
Nhân sự chuẩn bị cho Đại hội trước hết phải trên cơ sở quy hoạch cán bộ, đồng thời chú ý phát hiện những nhân tố mới có đức, có tài, có triển vọng phát triển, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ khoa học - công nghệ, cán bộ người dân tộc thiểu số. Người đủ điều kiện tái cử cũng cần được cấp ủy cấp trên theo dõi, đánh giá một cách nghiêm túc, thực chất. Người trong quy hoạch cũng vẫn cần phải xem xét, đánh giá kết quả phấn đấu sau quy hoạch; hoặc, có xuất hiện nhân tố mới, có đủ đức, đủ tài, được quần chúng tín nhiệm hơn không.
Điều cần quan tâm là, không được lẫn lộn giữa tiêu chuẩn và điều kiện. Những quy định về điều kiện là cái cần nhưng chưa đủ. Việc lựa chọn người vào cấp ủy phải là người có đủ tiêu chuẩn chứ không phải đủ điều kiện, không lấy cơ cấu thay cho tiêu chuẩn, không vì trẻ hóa, thành phần mà hạ thấp tiêu chuẩn.
Vấn đề về cơ cấu độ tuổi, nữ, người dân tộc thiểu số, mới, cũ, là cần thiết nhưng không vì thế mà hạ thấp tiêu chuẩn cấp ủy. Cơ cấu là nhằm bảo đảm tính toàn diện, nhưng yếu tố tạo thành sức mạnh của cấp ủy chính là ở bản lĩnh, trí tuệ, đạo đức nổi trội của đảng viên trong đảng bộ. Mặc dù công tác chuẩn bị nhân sự là của cấp ủy, nhưng cần phải phát huy vai trò của cán bộ làm công tác tham mưu. Qua theo dõi, đánh giá của chuyên gia, cơ quan tham mưu đối với cán bộ, việc tính đến cơ cấu cấp ủy là cần thiết nhưng không vì thế mà hạ thấp tiêu chuẩn, đưa cán bộ không đủ năng lực vào cấp ủy một cách gượng ép.
Thứ ba, tiếp tục thực hiện chủ trương bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân (UBND) ở cấp huyện, cấp xã đối với những nơi có đủ điều kiện.
Từ nhiệm kỳ trước, việc bố trí bí thư cấp ủy đồng thời giữ chức chủ tịch UBND được thực hiện thí điểm ở một số địa phương bước đầu đã đạt được kết quả khẳng định. Tuy nhiên, việc tổng kết thực tiễn về mô hình bí thư cấp ủy đồng thời giữ chức chủ tịch UBND chưa đủ sức thuyết phục, chưa thực sự chín muồi để thực hiện rộng khắp trong toàn Đảng. Do đó, việc thực hiện nhất thể hóa các chức danh nêu trên phải tiếp tục thí điểm theo đúng chủ trương của Đảng là chỉ tiến hành ở cấp huyện, cấp xã đối với những nơi có đủ điều kiện. Điều đặc biệt lưu ý là, đối với cấp huyện các đồng chí bí thư đồng thời làm chủ tịch UBND phải có năng lực, kinh nghiệm về công tác đảng và công tác chính quyền; có trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ từ đại học trở lên và lý luận chính trị cao cấp (hoặc tương đương); còn đối với cấp xã, phường, thị trấn thì phải có trình độ trung cấp trở lên về chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị trung cấp. Các đồng chí được dự kiến giới thiệu vào chức danh lãnh đạo chủ chốt hội đồng nhân dân (HĐND), UBND nhiệm kỳ 2016 - 2021 phải có năng lực, kinh nghiệm quản lý, điều hành hoạt động của HĐND, UBND. Ban thường vụ cấp tỉnh có thể xem xét, thí điểm chủ trương đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở trực tiếp bầu bí thư cấp ủy, đảng bộ cơ sở trực tiếp bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư cấp ủy ở những nơi có điều kiện.
Thực hiện tốt chủ trương bố trí bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND, chánh án tòa án nhân dân, viện trưởng viện kiểm sát nhân dân và cán bộ lãnh đạo cấp trưởng các ngành công an, thanh tra, tài chính, thuế, hải quan ở cấp tỉnh và cấp huyện không phải là người địa phương (người sinh ra, lớn lên và trưởng thành ở địa phương đó); bố trí bí thư cấp ủy cấp huyện và tương đương trở lên không giữ chức vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp tại một địa phương, đơn vị, đồng thời phấn đấu thực hiện chủ trương này ở cấp xã (thời gian tính 2 nhiệm kỳ liên tiếp là 8 năm).
Nét mới trong việc chuẩn bị nhân sự cho đại hội đảng các cấp lần này là việc xác định thêm thẩm quyền của cấp ủy trong giới thiệu nhân sự tái cử. Theo Quyết định số 244-QĐ/TW, ngày 09-6-2014, của Ban Chấp hành Trung ương về việc ban hành Quy chế Bầu cử trong Đảng, thẩm quyền và trách nhiệm của cấp ủy được thể hiện ở Điều 13: “Việc ứng cử, đề cử của cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ, ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư:
1- Cấp ủy viên cấp triệu tập đại hội không được đề cử nhân sự ngoài danh sách do cấp ủy đề cử; không được tự ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của cấp ủy.
2- Ở các hội nghị của ban chấp hành, ban thường vụ không được đề cử nhân sự ngoài danh sách do ban thường vụ cấp ủy đề cử; không được tự ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của ban thường vụ cấp ủy.
3- Ban Chấp hành Trung ương, các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư không được đề cử nhân sự ngoài danh sách do Bộ Chính trị đề cử; không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của Bộ Chính trị”.
Quy định như vậy không có nghĩa là làm hạn chế quyền của đảng viên theo Điều lệ Đảng “Đảng viên có quyền ứng cử, bầu cử vào các cơ quan lãnh đạo của Đảng”. Vì rằng, đảng viên khi đã được bầu vào cấp ủy cùng cấp, trong suốt quá trình hoạt động, nếu không phát huy được vai trò trách nhiệm của một cấp ủy viên, không tham góp được nhiều cho sự lãnh đạo của cấp ủy, cho dù còn đủ các điều kiện để ứng cử cho khóa sau nhưng không đủ trình độ, năng lực, tư chất để đáp ứng công việc thì cấp ủy không đề cử cấp ủy khóa tiếp theo. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc tạo cơ hội để lựa chọn giới thiệu người khác có đủ năng lực, trình độ và bản lĩnh hơn để tham gia cấp ủy.
Thứ tư, tạo môi trường thực sự dân chủ trong quá trình chuẩn bị nhân sự và trong bầu cử tại đại hội.
Dân chủ phải được bảo đảm ngay trong các khâu của công tác cán bộ, trước hết là đánh giá cán bộ theo thẩm quyền của tập thể cấp ủy. Trong nhiều trường hợp, khi chuẩn bị nhân sự, nguyên tắc tập trung dân chủ trong đánh giá cán bộ không được thực hiện đúng. Vẫn là quyết định theo đa số nhưng thực chất là quyết định của một nhóm người, thậm chí là của một người đứng đầu vì “đa số” thiếu chính kiến, đồng thuận theo kiểu xuôi chiều, thực chất là thiếu trách nhiệm, gây bất bình trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Dân chủ trong thảo luận, giới thiệu nhân sự tại đại hội được quy định khá rõ tại Điều 12, khoản 3, Điều lệ Đảng: “Đại biểu có quyền nhận xét, chất vấn về người ứng cử và người được đề cử”. Tuy nhiên, do tâm lý khá phổ biến trong nhiều đảng bộ hiện nay là ngại hoặc sợ bị trù dập nên quyền đó ít được thực hiện đầy đủ và ngay cả việc thực hiện quyền “ứng cử, đề cử” vào các cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng của đảng viên cũng thiếu tính khả thi.
Do đó, cần chú trọng thường xuyên công tác tuyên truyền, thậm chí tổ chức nhiều cuộc thảo luận dân chủ, sâu sắc, liên hệ với tiêu chuẩn của cấp ủy viên, góp phần nâng cao ý thức và kiến thức về đánh giá cán bộ, chống mọi biểu hiện tiêu cực, làm biến dạng chất lượng bầu cử cấp ủy trong đại hội.
Ứng cử, đề cử là một trong những nội dung quan trọng để thực hiện dân chủ trong Đảng nhưng cần được thực hiện theo đúng quy trình:
Ở đại hội đại biểu đảng bộ cơ sở, đảng viên chính thức không phải là đại biểu đại hội nếu ứng cử để được bầu vào cấp ủy thì phải làm đơn nộp đảng ủy cơ sở. Đại biểu chính thức của đại hội khi đề cử đảng viên chính thức không phải là đại biểu của đại hội để được bầu vào cấp ủy thì chuẩn bị phiếu đề cử, trên phiếu có ghi ý kiến đồng ý của người được đề cử, nộp đoàn chủ tịch đại hội.
Ở đại hội đại biểu đảng bộ cấp huyện và tương đương trở lên, đại biểu chính thức ở đại hội đại biểu nếu ứng cử để được bầu vào cấp ủy thì làm đơn ứng cử nộp đoàn chủ tịch đại hội. Đảng viên chính thức không phải là đại biểu đại hội nếu ứng cử để được bầu vào cấp ủy thì nộp hồ sơ ứng cử cho cơ quan tổ chức của cấp ủy triệu tập đại hội chậm nhất là 15 ngày làm việc, trước ngày khai mạc đại hội (gồm đơn ứng cử, phiếu đảng viên có xác nhận của cấp ủy cơ sở, bản kê khai tài sản, thu nhập của cá nhân, gia đình, giấy chứng nhận sức khỏe, bản nhận xét của cấp ủy nơi cư trú). Đại biểu chính thức của đại hội nếu đề cử đảng viên chính thức trong đảng bộ không phải là đại biểu của đại hội để được bầu vào cấp ủy thì chuẩn bị hồ sơ đề cử nộp đoàn chủ tịch đại hội (gồm phiếu đề cử, phiếu đảng viên có xác nhận của cấp ủy cơ sở, bản kê khai tài sản, thu nhập của cá nhân, gia đình của người được đề cử, giấy chứng nhận sức khỏe của người được đề cử, bản nhận xét của cấp ủy nơi sinh hoạt của người được đề cử và bản nhận xét của cấp ủy nơi cư trú của người được đề cử). Tại đại hội, nếu việc ứng cử, đề cử được tổ chức tại các đoàn đại biểu thì trưởng đoàn tổng hợp danh sách những người ứng cử, được đề cử, nộp đoàn chủ tịch đại hội theo Điều 13 Quy chế Bầu cử trong Đảng và Hướng dẫn số 04-HD/TW, ngày 06-10-2014, của Ban Bí thư, về một số vấn đề cụ thể thực hiện Quy chế Bầu cử trong Đảng.
Bầu cử có số dư cũng là một trong những nội dung quan trọng để thực hiện dân chủ trong bầu cử. Trường hợp danh sách gồm nhân sự do cấp ủy triệu tập đại hội đề cử, do đại biểu đại hội đề cử và ứng cử chưa đủ số dư 30% so với số lượng cần bầu, thì đoàn chủ tịch đề xuất với đại hội biểu quyết thông qua danh sách bầu cử. Trường hợp danh sách gồm nhân sự do cấp ủy triệu tập đại hội đề cử, do đại biểu đại hội đề cử và ứng cử nhiều hơn 30% so với số lượng cần bầu, thì tiến hành các thủ tục lấy phiếu xin ý kiến đại hội đối với những người ứng cử, được đề cử tại đại hội. Trong trường hợp bầu lấy số lượng 01 người thì danh sách bầu cử tối đa là 02 người; trong đó cấp ủy cấp triệu tập đại hội chỉ nên chọn giới thiệu 01 người và nếu có người ứng cử thì cũng không quá 02 người. Trong trường hợp đại hội không có người ứng cử, đề cử thêm thì đoàn chủ tịch xin ý kiến đại hội biểu quyết thông qua danh sách bầu cử 01 người (do cấp ủy cấp triệu tập đại hội giới thiệu).
Cung cấp danh sách trích ngang của các ứng cử viên để đại biểu nghiên cứu trước là việc làm cần thiết, để thực hiện bầu cử có hiệu quả thiết thực. Từ đại hội cấp huyện và tương đương trở lên, trước khi tiến hành bỏ phiếu chính thức, đoàn chủ tịch cung cấp danh sách trích ngang của các ứng cử viên để đại biểu nghiên cứu trước.
Thứ năm, tăng cường sự chỉ đạo của cấp trên bằng hệ thống những nguyên tắc, quy chế, quy trình chặt chẽ và thường xuyên kiểm tra việc tổ chức thực hiện.
Nét đặc biệt của quy định bầu cử lần này là, không còn có quy định khác nhau về tuổi tối thiểu tham gia cấp ủy, ban thường vụ và bí thư cấp ủy. Tất cả đều được thực hiện thống nhất tròn 30 tháng. Quy định nữ không dưới 15%, trẻ không dưới 10% cũng được quy định không cứng nhắc, có thể chưa bầu đủ số lượng cần bầu, để dành cho quá trình phát hiện, bổ sung cấp ủy đối tượng này sẽ có cơ hội được bầu bổ sung, không nhất thiết phải bầu hết số lượng được quy định tối đa./.
--------------------------------------
(1) Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 17
PGS, TS. Nguyễn Minh Tuấn
Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Theo Tạp chí Cộng sản
Đức Lâm (st)