Đại hội VI của Đảng xác định: “Đảng phải đổi mới về nhiều mặt: Đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế; đổi mới tổ chức; đổi mới đội ngũ cán bộ; đổi mới phong cách lãnh đạo và công tác”(1). Những nội dung này đã được thực hiện và làm phong phú thêm trong thực tiễn xây dựng Đảng 30 năm đổi mới.
Đổi mới tư duy chính là đổi mới tư duy về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta trên các lĩnh vực: Kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại... Trong đó, trước hết phải tập trung vào lĩnh vực kinh tế, phải tháo gỡ những vấn đề kinh tế trước, từ đó giải quyết những vấn đề được đặt ra trong các lĩnh vực khác.
Để đổi mới tư duy cần tạo điều kiện thuận lợi, như bầu không khí dân chủ trong xã hội, nhất là trong sinh hoạt đảng, trong nghiên cứu khoa học; tinh thần tôn trọng sự thật, tôn trọng chân lý; hệ thống thông tin chính xác; tự phê bình và phê bình được tiến hành một cách thường xuyên và nghiêm túc;... Yêu cầu đặt ra là phải coi trọng công tác lý luận, nhằm cung cấp nội dung khoa học cho đổi mới tư duy. Nghiên cứu lý luận lại phải gắn với tổng kết thực tiễn theo tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật, từ đó rút ra được những kết luận đúng để bổ sung cho đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và phát triển lý luận của Đảng.
Đổi mới về tổ chức là làm cho bộ máy của Đảng và Nhà nước từ trên xuống dưới phù hợp với điều kiện một đảng cầm quyền trong điều kiện mới, khắc phục được các hạn chế như chồng chéo, trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ, biên chế ngày càng phình to, tách nhập thiếu tính toán kỹ, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả.
Đổi mới đội ngũ cán bộ là nhằm xây dựng một đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp.
Đổi mới phong cách lãnh đạo và công tác được đặt ra từ Đại hội VI, đến Đại hội VII đã được điều chỉnh thành “đổi mới phương thức lãnh đạo và phong cách công tác”, nhằm chỉ rõ phương thức lãnh đạo là thuộc về tổ chức đảng, còn phong cách công tác là thuộc về mỗi cán bộ, đảng viên.
Đổi mới phương thức lãnh đạo đòi hỏi Đảng xác định phương thức lãnh đạo thích hợp đối với hệ thống chính trị và toàn xã hội, làm cho cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ không chỉ dừng lại ở chủ trương, phương hướng, mà còn phải trở thành những quy chế cụ thể được thực hiện trong cuộc sống.
Đổi mới phong cách công tác của cán bộ, đảng viên đòi hỏi mỗi người phải xây dựng cho mình phong cách làm việc khoa học, tập thể, dân chủ, phong cách quần chúng, tôn trọng sự thật, nói đi đôi với làm nhằm hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn - quy luật tồn tại và phát triển của Đảng
Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng ta đặt vấn đề đổi mới gắn liền với chỉnh đốn Đảng vừa để thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh, vừa để đáp ứng những yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng mới. Đổi mới là từ bỏ những gì lạc hậu, lỗi thời hay sai trái, để đi đến những cái đúng hơn, tiến bộ hơn trong các mặt xây dựng Đảng. Còn chỉnh đốn Đảng là sắp xếp lại những cái vốn có trước kia đến nay vẫn đúng nhưng đã bị làm sai lệch. Chỉnh đốn là tiền đề cho đổi mới; đổi mới là đem lại cho Đảng một chất lượng mới, một bước phát triển mới, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đổi mới. Xây dựng Đảng, do đó, phải được tiến hành bằng đổi mới và chỉnh đốn Đảng.
Luận điểm đổi mới có nguyên tắc đã được khẳng định tại Hội nghị Trung ương 6, khóa VI (tháng 3-1989) với việc thông qua 6 nguyên tắc định hướng cho công cuộc đổi mới ở nước ta; trong đó cần nhấn mạnh 4 nguyên tắc cơ bản nhất là: Kiên định mục tiêu chủ nghĩa xã hội; kiên định chủ nghĩa Mác – Lê-nin; giữ vững và nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đây cũng là những nguyên tắc định hướng cho việc đổi mới, chỉnh đốn Đảng, để Đảng kế thừa biện chứng những thành tựu đã tạo nên truyền thống tốt đẹp của Đảng, nhằm bảo đảm cho Đảng ta mãi mãi là một đảng cách mạng chân chính.
Để đảm đương được vai trò lãnh đạo, Đảng phải vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, ra sức nâng cao trình độ trí tuệ, năng lực lãnh đạo. Như vậy, lý luận về xây dựng Đảng của Đảng ta đã được phát triển, bao gồm: một là, công tác xây dựng Đảng không phải chỉ có đổi mới Đảng, mà còn phải chỉnh đốn Đảng; hai là, Đảng phải tự đổi mới, tự chỉnh đốn; ba là, việc tự đổi mới, tự chỉnh đốn phải là công việc thường xuyên, lâu dài của Đảng.
Đảng xác định tự đổi mới, tự chỉnh đốn là để chỉ rõ ý thức tự đổi mới, tự chỉnh đốn phải là ý thức thường trực của mỗi cán bộ, đảng viên và của toàn đảng, trước hết là sự tự ý thức của các cấp lãnh đạo của Đảng. Đảng phải tự đổi mới, tự chỉnh đốn, vì không ai có thể làm thay cho Đảng.
Đảng tự đổi mới, tự chỉnh đốn không phải chỉ tiến hành một lần, trong một thời gian ngắn là đủ. Bởi lẽ, công cuộc đổi mới đất nước càng được đẩy mạnh, nhiều vấn đề mới xuất hiện, do đó, đòi hỏi Đảng phải vượt lên phía trước, để không rơi vào tình trạng bất cập. Hơn nữa, còn phải kịp thời ngăn chặn những suy thoái, biến chất đã và đang xảy ra trong một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Phải thường xuyên, lâu dài do việc đổi mới, chỉnh đốn là hết sức khó khăn. Chỉnh đốn đã khó, đổi mới lại càng khó hơn. Có thể dùng vũ khí tự phê bình và phê bình để nhìn ra những thành tựu, hạn chế, khuyết điểm và sai lầm. Việc khắc phục được những hạn chế, khuyết điểm, sai lầm là không đơn giản vì thường đụng chạm đến cách làm cũ đã trở thành thói quen không dễ vượt qua, những động cơ cá nhân không dễ từ bỏ. Vấn đề lại còn phức tạp hơn khi đổi mới để tìm ra được những quan niệm mới, cách làm mới, tiến bộ, hợp quy luật nhằm thay thế những quan điểm, cách làm cũ, lạc hậu, trái quy luật. Bởi vì, ở đây không thể chỉ đơn thuần dùng vũ khí tự phê bình, phê bình như trong chỉnh đốn Đảng. Chìa khóa giải quyết vấn đề đổi mới là phải nâng cao tầm tư tưởng, tầm trí tuệ của mỗi cán bộ, đảng viên. Hơn nữa, còn phải kiểm nghiệm những quan niệm và cách làm mới trong thực tiễn. Nếu không sẽ rơi vào tình trạng nói đổi mới mà không đủ tầm tư tưởng, trí tuệ của đổi mới và không tìm ra được cách nghĩ, cách làm mới; muốn đổi mới nhanh nhưng lại làm đổi mới chậm; hoặc đổi mới đến mức nào đó lại e ngại, chập chờn giữa cũ và mới.
Thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng. Là quy luật - nghĩa là được thực hiện thường xuyên, lặp đi lặp lại ở trình độ ngày một cao hơn như một tính tất yếu trong quá trình phát triển của Đảng.
Giữ vững bản chất, nguyên tắc và nền tảng tư tưởng của Đảng
Cho đến nay có hai Đại hội Đảng đề cập đến vấn đề tính chất, bản chất của Đảng. Lần đầu tiên, Đại hội III nêu rõ hai tính chất của Đảng là: Tính giai cấp và tính tiên phong. Lần thứ hai, Đại hội VIII nhấn mạnh phải giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng. Đại hội coi đây là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng hàng đầu đối với công tác xây dựng Đảng.
Vấn đề bản chất của Đảng chủ yếu được thể hiện trong việc xác định Đảng ta là đảng của ai. Điều này đã được tất cả các Đại hội Đảng đề cập đến và ghi rõ trong Điều lệ Đảng.
Đại hội IX của Đảng đã thông qua Điều lệ sửa đổi, trong đó xác định: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam”. Từ Đại hội X, Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định trong Điều lệ của mình “là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc”(2).
Khi chuẩn bị thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi chủ nghĩa Mác – Lê-nin là cái cốt của Đảng giống như trí khôn của người, bàn chỉ nam của con tàu đi biển. Tiếp đó, Hội nghị Trung ương tháng 10-1930 xác định chủ nghĩa Mác – Lê-nin là cái gốc của Đảng. Từ Đại hội II đến Đại hội VI, Đảng ta khẳng định chủ nghĩa Mác – Lê-nin là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng. Đại hội VII của Đảng bổ sung một điểm hết sức quan trọng: Chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng. Sự khẳng định này đánh dấu một bước phát triển mới về tư duy lý luận của Đảng ta, và được đông đảo cán bộ, đảng viên các tầng lớp nhân dân đồng tình.
C.Mác, Ph.Ăngghen nói rất rõ: Học thuyết các ông không phải là giáo điều, mà là kim chỉ nam cho hành động. V.I.Lê-nin thì xác định học thuyết của Mác không những là kim chỉ nam, mà còn là “nền tảng vững chắc của lý luận cách mạng”. Nhưng theo ông, nền tảng này chỉ là nền móng cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu với cuộc sống.
Nhìn tổng quát, có thể khẳng định rằng, bản chất và nền tảng tư tưởng của Đảng ta được giữ vững qua các giai đoạn cách mạng. Trong thời kỳ đổi mới, điểm nổi bật là Đảng ta đã vận dụng sáng tạo và phát triển nền tảng tư tưởng của mình; nhờ đó đã hoạch định, không ngừng bổ sung, hoàn thiện đường lối đổi mới cho phù hợp với những yêu cầu mới. Nhưng trong quá trình vận dụng, phát triển sáng tạo lại xuất hiện nhiều vấn đề trong việc giữ vững bản chất và nền tảng tư tưởng của Đảng; ví dụ thể hiện qua sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của không ít cán bộ, đảng viên như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI đề cập.
Nguyên tắc tập trung dân chủ và thực hiện dân chủ rộng rãi trong Đảng
Trong xây dựng Đảng, tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cơ bản. Đối với Đảng ta, từ Đại hội II trở về trước, nguyên tắc này được gọi là nguyên tắc dân chủ tập trung; từ Đại hội III trở lại đây đổi lại là nguyên tắc tập trung dân chủ.
Điều lệ Đảng được thông qua từ Đại hội IX ghi rõ 6 nội dung của nguyên tắc tập trung dân chủ. Nhưng vấn đề dân chủ trong Đảng không phải chỉ thu gọn trong điều khoản về nguyên tắc tập trung dân chủ, mà còn được xác định trong một số điều khoản khác của Điều lệ Đảng; đặc biệt trong điều khoản về quyền của đảng viên, mà Đại hội III của Đảng xác định rõ là “quyền dân chủ của đảng viên”, để người đảng viên thực sự là “người chủ trong Đảng”.
Từ khi đổi mới đến nay, việc nhận thức và thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng đã có những chuyển biến rõ rệt. Chẳng hạn việc ban hành quy chế làm việc của cấp ủy các cấp, từ Ban Chấp hành Trung ương đến chi ủy, đảng ủy cơ sở, đã xác định rõ trách nhiệm và quyền hạn của mỗi cấp lãnh đạo, để tránh sự tùy tiện khi thay đổi nhân sự, để mọi đảng viên có thể giám sát công việc của cấp ủy đảng.
Tuy vậy, trong xây dựng Đảng còn tồn tại không ít hiện tượng lệch lạc về tập trung cũng như về dân chủ. Hiện nay, do lệch lạc nhiều hơn về phía tập trung quan liêu, chuyên quyền, độc đoán, nên đã hạn chế dân chủ, hoặc dung dưỡng dân chủ hình thức.
Hội nghị Trung ương 9, khóa IX (tháng 01-2004) do đó đã quyết định phải xây dựng và thực hiện tốt Quy chế dân chủ trong đảng, để không chỉ mọi đảng viên, mà tất cả các tổ chức đảng, ở mọi cấp, đều thấy rõ quyền hạn và trách nhiệm phải thực hiện dân chủ trong đảng, đồng thời để có căn cứ thực hiện sự giám sát trong đảng.
Đổi mới phương thức lãnh đạo, công tác cán bộ của Đảng và chống những nguy cơ bên trong
- Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng
Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nhất là đối với Nhà nước để đưa đường lối đổi mới vào cuộc sống phải theo những quan điểm, nguyên tắc nhất định; chỉ như vậy mới bảo đảm công việc đổi mới triển khai theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa.
Cần tiến hành xây dựng và thực hiện quy chế làm việc của các tổ chức đảng, giữa các tổ chức đảng với nhau và giữa tổ chức đảng với các cơ quan nhà nước. Đồng thời, các cấp uỷ đảng còn phải xây dựng chương trình hoạt động trong cả nhiệm kỳ và hàng năm một cách sát thực, trên cơ sở điều kiện cụ thể. Hệ thống các cơ quan nhà nước cũng cần xây dựng và thực hiện Quy chế làm việc và chương trình hoạt động tạo nên sự kết hợp giữa Đảng và Nhà nước, để thực hiện có hiệu quả sự lãnh đạo của Đảng.
- Đổi mới đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ
Để đổi mới đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ, từ Đại hội VI đến nay, Đảng ta coi việc đổi mới tư duy về cán bộ và công tác cán bộ có tầm quan trọng hàng đầu. Có tư duy đúng, lại phải có cách làm đúng và kiên quyết thực hiện những biện pháp đã đề ra mới đi đến kết quả mong muốn.
Trong điều kiện hiện nay, cần xác định rõ và làm tốt hơn một số vấn đề chủ yếu sau: Những quan điểm, nguyên tắc định hướng cho việc đổi mới đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ; Đổi mới nhận thức về các mặt chủ yếu của công tác cán bộ: xác định tiêu chuẩn, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, sử dụng, quản lý, chính sách cán bộ; ...
- Phòng, chống những nguy cơ bên trong đối với một Đảng Cộng sản cầm quyền
Những nguy cơ bên trong đã được Hồ Chủ tịch và Đảng ta chỉ ra từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới ra đời. Bài viết “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” (03-02-1969) và những điều dặn dò trong Di chúc là di huấn của Người chống lại những nguy cơ có thể ảnh hưởng đến sự sống còn của Đảng.
Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận cán bộ đảng viên đã được các Đại hội Đảng, đặc biệt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI đánh giá một cách xác đáng; xác định rõ những nguyên nhân khách quan, chủ quan.
Việc khắc phục các tệ nạn, xử lý nghiêm minh, không bao che dung túng cho những kẻ thoái hóa, biến chất đòi hỏi tiến hành các biện pháp quyết liệt, đồng bộ: thực hiện tốt những biện pháp đã đề ra, sau đó có thể bổ sung các biện pháp mới. Phải quyết liệt thực hiện cho được những biện pháp triệt để đối với kẻ giặc nội xâm đang phá Đảng từ trong. Xây dựng các tổ chức đảng từ trên xuống thật sự trong sạch, vững mạnh; trong đó tổ chức đảng ở cấp cao nhất phải thực sự là tấm gương chống thoái hóa, biến chất để toàn Đảng noi theo. Các cấp ủy đảng, các cán bộ lãnh đạo chủ chốt, nhất là những người đứng đầu các tổ chức đảng từ trên xuống dưới phải nêu gương trên hai phương diện: bản thân giữ được trong sạch, trong sáng; kiên quyết chống lại các tệ nạn tiêu cực với bản lĩnh của người cộng sản./.
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Sự thật, HN, 1987, tr.124.
2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, HN, 2011, tr.88
PGS, TS. Nguyễn Thanh Tuấn
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Theo Tạp chí Cộng sản
Tâm Trang (st)