nhung-ngay-ben-bac-p3
Bức họa bảo vệ Bác về đến cột mốc 108, ngày 28/1/1941 tại Pác Bó (Cao Bằng)

Bác Hồ với Lớp huấn luyện Việt Minh đầu tiên

Sau 30 năm xa đất nước, Bác Hồ về Cao Bằng chọn vùng núi Pác Bó sát biên giới Hà Quảng làm nơi dừng chân đầu tiên. Tại Nậm Quang, chúng tôi được dự một lớp huấn luyện chính trị do Bác đặt chương trình và trực tiếp chỉ đạo. Các đồng chí Phùng Chí Kiên, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp biên soạn chương trình và trực tiếp giảng dạy. Chương trình gồm ba mục lớn: Tình hình thế giới và tỏng nước; Tổ chức các đoàn thể cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh; Các điều tra, tuyên truyền, tổ chức huấn luyện và đấu tranh cách mạng.

Học viên ở phân tán trong nhà dân. Bác chỉ thị cho cả lớp học phải rèn luyện thông qua việc giúp dân. Bác nói: Rèn luyện tốt khi gặp biến ta có thể lanh lẹ ứng phó. Nhất là các cậu cử, cậu tú, không chịu rèn luyện rồi thì ra không thành người chiến sĩ cách mạng mà lại thành quan cách mạng!

Người địa phương (dân tộc Nùng), sống rất nghèo khổ nhưng luôn có cảm tình với cách mạng. Từ những ngày đầu của lớp học, Bác đã căn dặn chúng tôi kỹ lưỡng về năm điều nên làm và năm điều nên tránh đối với dân.

Năm điều nên làm là:

-  Giúp dân những công việc thiết thực hàng ngày.

- Tìm hiểu phong tục tập quán, nghiêm túc chấp hành điều kiêng.

- Học tiếng địa phương, dạy hát, dạy chữ, gây cảm tình tốt với dân.

- Tùy nơi, tùy lúc mà tuyên truyền cách mạng cho thích hợp.

- Làm cho dân thấy mình là người đúng đắn, chăm công việc, trọng kỷ luật, do đó dân càng tin và giúp ta.

Năm điều nên tránh là:

- Tránh việc gì làm thiệt hại đến dân, làm bẩn, làm hỏng ruộng vườn, nhà cửa của dân.

- Tránh năn nỉ mua hoặc mượn thứ gì cho kỳ được.

- Tránh sai lời hứa.

- Tránh phạm đến phong tục, tập quán, tín ngưỡng của dân.

- Tránh lộ bí mật.

Thực hiện tốt và đầy đủ các điều Bác dạy, lớp học chúng tôi đã thực sự góp phần xây dựng cơ sở cách mạng ở địa phương, được nhân dân tin yêu ngay từ đầu.

Các bài giảng đều được Bác duyệt rất kỹ. Sau một bài lại rút ngay kinh nghiệm cho bài sau. Buổi nào Bác cũng dự, nghe giảng với anh em hoặc nghe thảo luận; rồi Bác hỏi học viên có hiểu không để cải tiến phương pháp giảng dạy và học cho thiết thực. Qua đó, Bác hiểu rõ được trình độ tiếp thu của mỗi người.

Đặc biệt Bác rất quan tâm rèn luyện cho cán bộ ta có đức độ và tác phong công tác tốt. Căn cứ vào tình hình sinh hoạt, học tập của chúng tôi, ngày nào Bác cũng nhắc nhở chúng tôi nghiêm khắc giữ đúng năm điều nên làm và năm điều nên tránh, tìm hiểu và tôn trọng phong tục, tập quán địa phương.

Lớp học chúng tôi là lớp huấn luyện Việt Minh đầu tiên của nước ta, kết thúc vào ngày cuối năm Canh Thìn (26/01/1941). Chúng tôi vô cùng xúc động. Buổi ấy lần đầu chúng tôi được nhìn lá cờ đỏ sao vàng năm cánh. Lớp học ngắn ngày nhưng mỗi chúng tôi đều cảm thấy mình lớn lên và có hướng đi rõ ràng.

Lê Quảng Ba kể
(Trích trong sách Bác Hồ sống mãi với chúng ta,
Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005)

Là người cách mạng thì phải học

Vào một buổi sáng tháng 5 – 1945, đồng chí Văn (tức Võ Nguyên Giáp) đến giao cho tôi nhiệm vụ nấu nước để tiếp bộ đội. Gần chiều tối rồi mà vẫn chưa thấy bộ đội đến. Tôi nhìn ra ngoài sân bỗng thấy một đoàn người đi vào. Đi trước là một ông cụ già mặc quần áo người Nùng. Thấy tôi ông cụ liền cất tiếng chào hỏi. Tôi đáp lại: “Bẩm người không dám”. Ông cụ liền nói: “Không phải bẩm ngài đâu, đồng chí ta cả đấy, đi đánh Tây, đuổi Nhật thôi!”. Từ hôm đó, ông Cụ cùng đồng chí Đại Toàn và hai đồng chí nữa ở nhà tôi.

Ở nhà tôi, ông Cụ làm việc liên tục, rất ít khi nghỉ ngơi, thường thường cứ 4 giờ sáng là ông Cụ dậy và đánh thức mọi người dậy tập thể dục. Tối đến, ông Cụ làm việc cho tới khuya mới chịu đi nghỉ. Tuy bận nhiều việc, nhưng ông Cụ vẫn dành thì giờ để nói chuyện với gia đình và bà con trong bản. Ông Cụ thường gọi lên cảnh khổ của nhân dân ta dưới ách Nhật, Tây và cho rằng muốn thoát khỏi vòng nô lệ của Nhật, Tây thì chỉ còn cách là đứng lên đánh đuổi bọn chúng, để giành lấy độc lập, tự do.

Bộ đội đến đông, để cung cấp đủ gạo cho bộ đội, tôi vận động chị em thanh niên đến nhà tôi xay, giã hai ngày liền. Nhân lúc chúng tôi nghỉ ngơi, ông Cụ mời chị em lên nhà và hỏi chuyện, động viên chúng tôi xay, giã gạo nuôi bộ đội cũng tức là tham gia đánh giặc Tây, đuổi Nhật. Ông Cụ lại hỏi chúng tôi:

- Chị em có đồng bạc trắng thường giữ bằng cách nào để khỏi mất?

Có chị nói: “Thưa Cụ cất vào trong hòm ạ” Lại có chị nói: “Thưa Cụ cất vào trong bao vải rồi buộc vào lưng ạ”. Ông Cụ dặn dò:

- Các chị em đều nói đúng cả. Bây giờ, cán bộ, bộ đội đến đông chị em chúng ta phải giữ bí mật bảo vệ cán bộ, bộ đội như thế nào cho cẩn thận như cất giấu đồng bạc trắng vậy. Muốn thế, ai hỏi gì các anh chị phải nhớ ba không: Không biết, không thấy, không nghe…

Cụ tươi cười nhìn chúng tôi và hỏi tiếp:

- Bây giờ ta còn có vua quan không?

Nghe ông Cụ hỏi, tôi nhớ ngay đến câu nói của ông Cụ khi mới đến nhà tôi: “Không phải bẩm ngài đâu, đồng chí ta cả đấy, đi đánh Tây, đuổi Nhật thôi!”. Tôi tự thấy mình chưa hiểu gì lắm về cách mạng. Là cán bộ trong Ban Chấp hành Phụ nữ cứu quốc nhưng tôi chỉ biết làm những công việc cụ thể của đoàn thể giao. Sự hiểu biết còn nông cạn và ấu trĩ. Tuy vậy trả lời câu hỏi của ông Cụ đối với tôi không khó lắm. Được ông Cụ khuyến khích, sau giây phú im lặng, mọi người phát biểu sôi nổi. Chị thì nói rằng có, người nói rằng không…

Ông Cụ liền giảng giải:

- Từ bây giờ làm cách mạng, thay cũ đổi mới, sẽ không có vua, quan nữa, nhân dân ta tự làm chủ xã hội.

Rồi Cụ nói tiếp: “Muốn vậy, chúng ta phải đoàn kết cùng một lòng đánh đuổi giặc Nhật, ví như nhiều chiếc đũa đem bó lại thì khó bẻ gãy đấy, nhưng rời từng chiếc một thì rất dễ bẻ”.

Được gần gũi Cụ, nghe Cụ giảng giải, tôi càng hiểu thêm nhiều điều mới lạ.

Tôi được đồng chí Lý (tức Kháng) giao nhiệm vụ quản lý và phân phát gạo cho các đơn vị bộ đội. Tôi không biết chữ, không thể ghi chép được. Đồng chí Kháng bảo tôi phải đi học và vận động mọi người, nhất là chị em còn trẻ họp bàn về việc học tập văn hóa. Không có chữ, không có văn hóa thì làm việc gặp nhiều khó khăn lắm.

Nghe đồng chí Kháng nói, tôi cũng nghĩ như vậy, nhưng sợ bây giờ nhiều tuổi rồi không biết có học được không. Ông Cụ đang làm việc nghe thấy tôi nói vậy bèn nói luôn: “Học chữ dễ thôi. Đan dậu khó thế các chị còn đan được nữa là học chữ. Phải học mới biết, không học thì biết sao được, là người cách mạng thì phải học”.

Được ông Cụ dạy bảo, khuyên nhủ, được đồng chí Kháng giao nhiệm vụ, tôi vận động chị em về họp bàn việc học tập. Tôi nhắc lại lời dạy bảo của ông Cụ, chị em thêm phấn khởi, tin tưởng và quyết tâm học. Hôm sau, lớp học đã được khai giảng ở Nhà Cứu quốc học, hươn hai mươi chị em đã vui vẻ đến lớp.

Nói đến việc học tập, ông Cụ rất khéo động viên, dạy bảo. Một hôm, nhân lúc nghỉ ngơi, ông Cụ hỏi nhà tôi bao nhiêu tuổi rồi. Nhà tôi nói là 38 tuổi, tuy chưa già nhưng yếu. Ông Cụ liền nói: “Ông Chủ nhiệm này, càng già càng phải hăng hái tham gia mọi việc ách mạng, phải học tập văn hóa, học kinh nghiệm công tác, học ở mọi người, mọi lứa tuổi để làm việc được tốt hơn, không khôn hết được đâu”.

Ở nhà tôi được một thời gian ngắn thì ông Cụ chuyển lên lán Nà Lừa. Sau Đại hội Quốc dân ở ngoài Đình Tân Trào thì bộ đội ở trong làng cũng rút dần đi hết để tiến về tỉnh, về xuôi giành chính quyền.

Vào một buổi chiều cuối tháng 8, ông Cụ cho người xuống báo tin mời nhà tôi lên chơi. Sáng hôm sau, ông Cụ và các đồng chí đã chuyển đi… Biết tin tôi cứ bùi ngùi, nhớ thương một con người đáng kính, hết lòng vì nước, vì dân…

Nước giành được độc lập, tin vui tràn khắp núi rừng bản làng. Ở huyện, không khí nhộn nhịp, vui tươi, náo nức đi rước ảnh Chủ tịch nước do huyện tổ chức. Nhìn thấy ảnh, tôi mới biết ông Cụ già mà gia đình tôi có dịp gần gũi, người mà tôi thường lên thăm ở lán Nà Lừa chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Lòng tôi tràn ngập sự xúc động và niềm vui sướng, tự hào.

        Lương Thị Khanh kể
(Trích trong sách Bác Hồ sống mãi với chúng ta,
Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005)

Hạn phúc đến bất ngờ

Vào khoảng 8 giờ tối hôm ấy (ngày 23-8-1945), tôi cùng với một số đồng chí trong Ủy ban nhân dân lâm thời của xã đang dự cuộc họp của phụ nữ ở nhà bà Hai Vẽ, cô Sự, em gái tôi đến gọi phải về ngay, nhà có khách.

 Tôi và anh Lương vội vàng chạy về ngay. Về đến cổng nhà tôi thì chúng tôi bị đồng chí bảo vệ ngăn lại và hỏi một cách hòa nhã.

 - Các đồng chí là ai?

 Tôi vội vàng trả lời.

 - Báo cáo đồng chí tôi là người trong gia đình ạ!

 - Hôm nay có các đồng chí ở Chiến khu về, các đồng chí đứng chờ tôi một chút.

 Nói rồi đồng chí ấy chạy vào gọi người nhà ra nhận. Chúng tôi được mẹ tôi ra đón. Vừa đặt chân vào trong sân, nhìn thấy trong nhà người ngồi đông, anh Khánh (tức Hoàng Tùng) cùng Ông Cụ già đang ngồi nói chuyện với nhau ở chiếc bàn nhỏ gian giữa. Còn nhiều đồng chí khác ngồi ở gian bên này. Nhà đã thắp đèn sáng trưng. Với tính háo hức của tuổi trẻ, chúng tôi reo lên:

 - Chào các đồng chí, các đồng chí kể chuyện chiến khu cho bọn em nghe đi!

Anh Khánh thấy vậy liền chạy ra kéo chúng tôi ra góc sân nói nhỏ:

- Các đồng chí ở Chiến khu mới về còn mệt, cần yên tĩnh nghỉ ngơi.

Sau đó, anh giao trách nhiệm cho chúng tôi bố trí tự vệ địa phươngbảo vệ bên ngoài cho chu đáo. Sau khi anh Lương đi, anh Khánh cho tôi biết thêm có đồng chí cán bộ từ Chiến khu về sẽ còn ở lại nhà tôi vài ba ngày nữa. Anh Khánh đề nghị việc bố trí ăn uống gia đình cố gắng làm cho chu đáo. Được anh Khánh giao nhiệm vụ, tôi đi bố trí lực lượng bảo vệ ở đầu làng và cuối làng, khi trở về nhà tôi mới có dịp quan sát kỹ hơn những người ngồi trong nhà. Người đang làm việc trên chiếc bàn nhỏ là một ông cụ đã có tuổi, mặc bộ quần áo nâu, tóc hoa râm, râu thưa, chân đi đôi giầy vải của người dân tộc, vóc người gầy yếu, nước da ngăm đen hình như vừa qua một cơn sốt. Tôi đoán chắc đây là đồng chí cán bộ lãnh đạo. Ông Cụ xem ra bận lắm, đang chăm chú ghi chép điều gì trên cuốn sổ tay nhỏ. Những người ngồi trên chiếc giường gian bên thì trẻ hơn. Mọi hoạt động và lời nói của họ hết sức nhẹ nhàng, trật tự và tỏ ra rất kính trọng Ông cụ. Trên chiếc sập đặt giữa nhà, nơi mà Ông Cụ sẽ nghỉ, tôi thấy có chiếc mũ lá, một chiếc túi vải, chiếc gậy để tựa bên cạnh sập, đó chắc là hành lý của Ông cụ.

Không khí trong gian nhà rất yên tĩnh, trang nghiêm. Tôi rón rén pha nước và rót mời Ông Cụ uống. Mãi đến lúc đó, Cụ mới chịu ngừng tay bút, ngẩng đầu nhìn tôi, tôi thấy đôi mắt của Cụ trong sáng lạ thường. Cụ hỏi tôi:

 - Chú là người thế nào với bà chủ nhà đây?

 - Dạ là con ạ!

 - Gia đình chú có mấy người?

 - Thưa Cụ, nhà cháu có bốn người ạ. Mẹ cháu, em gái cháu và hai vợ chồng cháu. Cháu còn ông nội, ông nội cháu ở với anh cả cháu ở nhà bên.

 Ông Cụ gật đầu rồi lại mải miết làm việc cho đến khuya mới chịu đi ngủ.

 Cụ nghỉ trên chiếc sập cổ kê gian giữa, anh Khánh cùng các anh em khác ngủ hai gian bên còn tôi ngủ trên chiếc chõng tre ở ngoài hiên cho tiện việc bảo vệ và lúc đó trời vẫn còn nóng.

Sáng hôm sau, Cụ dậy sớm ra sân đi lại hít thở không khí. Sau đó, Cụ vào trong nhà đem báo ra đọc. Lúc ấy, Cụ vẫn còn đang phải uống thuốc nên tôi còn nhớ anh Khánh nhờ mẹ tôi mua một con gà nhỏ về hầm, rồi Cụ rắc thuốc vào nước gà hầm để uống.

Trưa hôm ấy, nhà tôi chuẩn bị bữa cơm khá tươm tất. Mẹ tôi dọn hai mâm lên giường, mời Cụ cùng anh em đi xơi cơm, nhưng Cụ không bằng lòng. Cụ bảo cứ trải chiếc chiếu xuống nền gạch, ngồi vòng tròn theo hai mâm, nồi cơm để ở giữa ai ăn thì tự ra xới lấy. Đây là lần đầu tiên thay đổi tập tục cũ của gia đình tôi.

Chiều và sáng hôm sau, Cụ phải làm việc nhiều với các đồng chí cán bộ cao cấp của Đảng từ Hà Nội đi ô-tô lên báo cáo tình hình. Về sau tôi mới được biết trong số cán bộ cao cấp của Đảng đến nhà tôi làm việc với Bác Hồ mấy ngày đó có các đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh...

Trong hai ngày Cụ ở trong nhà tôi, người ra vào đông, nhưng vẫn hết sức bí mật và yên tĩnh.

Vào khoảng 4 giờ chiều ngày thứ Ba (ngày 25-8-1945), Cụ vẫy tay gọi tôi lại rồi bảo:

 - Nhà ta còn có cụ ông phải không?

 Tôi vội thưa:

 - Dạ, thầy cháu mất rồi, còn có ông nội cháu thôi.

 Cụ nói:

 - Bây giờ chú đi mời cụ và những người trong gia đình vào đây tôi nói chuyện.

Tôi vội đi mời ông tôi, mẹ tôi, anh tôi, vợ tôi và em gái tôi. Lúc đó, gia đình tôi đang chuẩn bị bữa cơm chiều, thấy nói Cụ mời lên, đều lên ngay.

Cụ thấy ông tôi chống gậy liền ra đỡ vào trong nhà và bảo gia đình quây quần xung quanh. Sau mấy câu chuyện Cụ hỏi về làm ăn sinh sống từ trước tới nay rồi Cụ nói:

 - Chúng tôi về đây với gia đình, được gia đình hết lòng giúp đỡ, tôi xin cám ơn sự giúp đỡ của gia đình. Bây giờ chúng tôi phải đi công tác, chúc gia đình mạnh khoẻ. Có dịp nào đó, tôi sẽ trở lại thăm cụ và gia đình.

 Để tạm biệt, Cụ bắt tay ông tôi và cả gia đình từ lớn đến bé. Tôi theo tiễn Cụ ra ô-tô.

 Cụ vui vẻ chào mọi người như thân thuộc từ lâu. Khi Cụ sắp lên xe, tôi và các đồng chí giải phóng quân ở lại đều tới bắt tay.

 Khi xe chạy rồi, nhìn theo xe lòng tôi xao xuyến mãi. Sáng ngày 2-9-1945, cán bộ và nhân dân các làng Sù, Gạ chúng tôi được về vườn hoa Ba Đình dự lễ ra mắt của Chính phủ lâm thời. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lễ đài đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập, tôi chăm chú nhìn thấy khuôn mặt Chủ tịch quen quen. Một số anh em tự vệ cùng làng được dịp bảo vệ Cụ đứng gần tôi cũng chăm chú nhìn rồi nói nhỏ với nhau:

 - Thôi đúng rồi, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là ông Cụ hôm nọ đã về làng mình! Chỉ khác hôm nay Cụ mặc bộ quần áo kaki mới, còn vẫn vầng trán ấy, cặp mắt và chòm râu ấy.

Sau mít-tinh, trên đường về, cán bộ và nhân dân hai làng Gạ, Sù bàn tán sôi nổi, ai cũng khẳng định chính Chủ tịch Hồ Chí Minh là ông Cụ đã về làng mình dạo trước.

 Tôi về nhà phấn khởi kể chuyện với ông tôi và mẹ tôi. Nghe kể xong, ông tôi sung sướng quá, nói:

 - Ừ, thoáng qua tao đã biết Ông Cụ là người khác thường lắm. Nước mình có vị Chủ tịch gần dân như vậy thật là hồng phúc cho quốc gia lớn lắm.

 Câu nói của ông tôi cứ làm tôi suy nghĩ mãi. Thật vinh dự cho gia đình tôi, hạnh phúc đã đến với gia đình tôi bất ngờ quá.

 Bẵng đi hơn một năm sau, một hôm, chị Lê Thị Thanh là cán bộ của Trung ương hoạt động bí mật ở vùng ven sông Hồng từ thời kỳ tiền khởi nghĩa, chị Thanh lại thân với mẹ tôi nên cũng thường qua lại nhà tôi, từ sau khi Bác Hồ về Thủ đô, chị chịu trách nhiệm việc ăn uống của Bác, chị đến chơi nhà tôi, bảo tôi:

 - Ngày mai cậu ở nhà có khách về chơi.

 Tối hôm ấy, tôi gặp một số đồng chí phụ trách các ngành và đoàn thể ở xã thuật lại lời chị Thanh. Với kinh nghiệm hoạt động bí mật trước đây, chúng tôi đoán chị Thanh nói như vậy chắc có cán bộ ở Trung ương hay thành phố về xã mình kiểm tra phong trào nên tôi hẹn các anh Thanh (Y), Cát, Sưởng sớm mai đến nhà tôi cùng tiếp khách.

 Như lời hẹn, sáng hôm sau các anh đến uống nước, hôm đó anh tôi lợp lại nhà ngang. Chúng tôi đang ngồi nói chuyện thì chú em tôi ngồi trên nóc nhà nhìn thấy ô-tô đỗ trên đê lối xuống nhà tôi bèn báo tin cho mọi người biết.

 Khoảng 9 giờ sáng ngày 24-11-1946, (tôi nhớ trong dịp Đại hội văn hóa toàn quốc đang họp) được tin báo, chúng tôi vội ra cổng đón đã nghe tiếng reo to:

 - Cụ Hồ về, Cụ Hồ về!

Với dáng nhanh nhẹn Bác thoăn thoắt đi vào trong sân, vừa đi Bác vừa để ý quang cảnh xung quanh, giờ đây trông Bác khỏe, da dẻ hồng hào. Bác mặc bộ quần áo kaki màu vàng đã bạc. Trông Bác đẹp như một ông tiên. Thoáng nhìn thấy tôi, Bác đã gọi:

 - Chú Hai!

 Bỗng Bác dừng lại ở giữa sân, hỏi đồng chí đi bên cạnh:

 - Có phải ngôi nhà này trước đây mình đã về không nhỉ? Đồng chí cán bộ báo cáo với Bác:

 - Thưa Bác đúng đấy ạ!

 Bác hỏi tôi:

 - Này chú cái ao đằng trước đâu rồi?

 Bác vẫn nhớ cái ao nhà tôi, nhưng nay vì đống rạ to che khuất nên Người không trông thấy. Tôi vội trình bày để Bác rõ. Bác gật đầu, rồi niềm nở nhìn và hỏi chuyện mọi người trong gia đình, bỗng Bác hỏi:

 - Thế cụ ông đâu nhỉ?

 Tôi vội vàng thưa với Bác:

 - Dạ ông cháu ở bên nhà anh cháu ạ.

 - Chú đi mời cụ về đây.

 Tôi vừa mừng lại vừa lo. Mừng vì ông tôi được gặp Bác, nhưng lại lo vì ông tôi già cả lẫn cẫn nhỡ có thất thố điều gì với Bác thì ân hận. Vì lúc đó ông tôi đã trên 80 tuổi.

Khi thấy ông tôi chống gậy về, vừa đặt chân lên hiên nhà thì Bác đã bước ra. Trông thấy Bác, với sự xúc động mãnh liệt và để tỏ lòng tôn kính cao độ, ông tôi chắp hai tay vái Bác, Bác tươi cười vội đỡ tay dìu ông tôi lên và nói:

 - Không không, bây giờ cách mạng rồi, chúng mình đều là anh em, không còn như chế độ thực dân phong kiến trước đây nữa.

 Ông tôi nói:

 - Xin vâng lời dạy của Cụ.

 Khi đã đông đủ gia đình, Bác bảo cả gia đình chụp ảnh với Bác để làm kỷ niệm. Cả gia đình tôi rất sung sướng đứng lặng đi trước vinh dự ấy.

Chụp xong ảnh, Người dặn:

 - Tôi sẽ ăn cơm trưa với gia đình, gia đình cứ coi tôi như người trong nhà, nhà ăn thế nào, tôi ăn thế.

 Mẹ tôi vội đi làm cơm, chị Thanh đi chợ về mua thêm con gà, chị rẽ vào thăm cụ lang Bệu, nhân mời cụ xuống chơi nhà tôi cùng tiếp Bác Hồ. Cụ lang Bệu là một gia đình cơ sở cách mạng ở làng Vẽ (Đông Ngạc), trước khởi nghĩa, anh Khánh, chị Thanh, chị Sáu, vẫn thường ăn ở, qua lại, có lần đồng chí Lê Đức Thọ đã đến đấy họp. Gia đình cụ lang rất tốt, chăm sóc và bảo vệ cán bộ thật chu đáo.

 Bác ngồi trên ghế tràng kỷ uống nước hỏi chuyện anh em chúng tôi. Bác hỏi chuyện từng người một, phụ trách công tác gì, hiện nay công tác đó ra sao. Các anh Thanh (Y), Sưởng, Cát lần lượt được Bác hỏi chuyện và báo cáo tình hình công tác với Bác. Bác hỏi chuyện rất cởi mở, nghe xong bao giờ Bác cũng suy nghĩ rồi bày cho cách làm.

 Lúc đó, được tin Bác về, một số cán bộ của quận Lãng Bạc phụ trách phong trào ở xã tôi vội đến nhà tôi để chào Bác cũng được Bác hỏi chuyện từng người như cán bộ xã. Gần trưa, một lần nữa Bác nhắc chúng tôi đi mời đông đủ cán bộ lãnh đạo chính quyền, các ngành, đoàn thể của xã đúng 2 giờ chiều đến gặp Bác.

Lúc ấy, cơm vừa chín, mẹ tôi bảo người nhà bưng mâm lên để mời Bác. Bác bảo:

 - Chú nào chưa ăn cơm thì đi ăn cơm với Bác.

 Khi nhìn vào mâm cơm thấy bày biện nhiều thứ khác với lần trước Bác đã ăn với gia đình. Bác liền gọi chị Thanh đến hỏi:

 - Tôi đã bảo gia đình làm cơm bình thường như mọi ngày thôi mà lại làm cỗ à! Nay cô làm thế này, mai tới nơi khác cô sẽ bảo nhân dân giết lợn, giết bò để đãi tôi chăng?

 Chị Thanh lo quýnh lên, không trả lời được. Mẹ tôi vội trình bày với Bác:

 - Thưa Cụ, đất lề quê thói, mỗi khi nhà có khách chúng tôi cũng phải làm cơm cho tươm tất hơn ngày thường để tỏ lòng kính trọng ạ.

 Bác bảo dọn cơm cả ra mời các cụ, cả gia đình và những người có mặt ngồi quây quần cùng ăn cơm với Bác.

Trưa hôm đó ăn cơm uống nước xong, mọi người đã đi cả, Bác lên sập nằm nghỉ chợp mắt chừng 15 phút, trông đồng hồ gần 2 giờ chiều thì Bác dậy ra rửa mặt để chuẩn bị tiếp khách.

 Bác ngồi uống nước, nhìn đồng hồ chờ đợi. Lúc này các ông, các bà và các đồng chí cán bộ xã còn hẹn nhau tập trung ở đình để cùng đến. Thấy đoàn cán bộ xã đến chậm giờ, Bác cười phê bình ngay:

 - Sao các chú, các cô đến chậm thế?

 Bác hỏi chuyện, nghe cán bộ địa phương báo cáo tình hình rồi Bác căn dặn tỉ mỉ từng việc suốt gần hai giờ liền, khoảng 4 giờ chiều mới đứng dậy tạm biệt mọi người.

 Thấy Bác đứng dậy cáo từ, tôi vội đi gọi mọi người trong gia đình tập trung để tiễn Bác. Lúc này nhân dân trong xã đã biết việc Bác Hồ về nhà tôi từ sáng nên nhiều người đã ra đê để được đón Bác. Trong đó có cụ Đồ Trấn, cụ là nhà nho đã từng đi thi hương đỗ tam trường lúc này mặc áo the dài, quần trắng chờ ở bờ đê để đón Bác Hồ.

 Thấy Bác từ trong nhà đi ra, cụ Đồ đã vái từ xa, Bác chạy đến chỗ cụ và nói:

- Xin cụ đừng vái như vậy, bây giờ thời dân chủ, chúng ta đều là anh em một nhà cả.

Bác dừng lại một phút ở trên đê để chào những người ra tiễn và những người ra đón, trước khi lên xe Bác còn vẫy tay mãi.

Không ngờ tiễn Bác chưa đầy một tháng, chúng tôi đã phải cùng nhân dân Thủ đô ta cầm súng đứng lên chống Pháp. Cả nước đã bước sang giai đoạn cách mạng mới.

Lần thứ ba, Bác Hồ lại về thăm Phú Gia vào sáng mồng 1 Tết Đinh Dậu (tức ngày 31-1-1957). Bác đến chúc Tết các gia đình cơ sở cách mạng của Trung ương Đảng từ thời kỳ tiền khởi nghĩa. Lúc đó ở địa phương vừa hoàn thành cải cách ruộng đất thắng lợi.

 Bác về lần này gia đình tôi không được đón, khi biết tin thì Bác đã về nội thành rồi.

Ngay từ sau ngày được Bác đến thăm, gia đình tôi cũng đã thấy được vinh dự tột bậc nên thường họp mặt ôn lại lời Bác dạy. Ông tôi, mẹ tôi thường nhắc nhở chúng tôi, rồi chúng tôi lại nhắc nhở con cháu chúng tôi trong cuộc sống phải cố gắng phấn đấu góp phần cống hiến công sức cho cách mạng, tu dưỡng đạo đức cách mạng để xứng đáng với sự dạy dỗ và ân cần của Bác.

 Qua 38 năm phấn đấu, gia đình tôi cũng thấy tự hào đã làm được những việc tốt dù chỉ bé nhỏ. Trong thời địch tạm chiếm, mẹ tôi đã nuôi cán bộ hoạt động bí mật, trong đó có đồng chí Nguyễn Bá Đoán - Bí thư Quận ủy 4, mẹ tôi mới được nhận Huy chương Kháng chiến hạng Hai. Tôi tham gia công tác suốt trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nay sức yếu được nghỉ, con trai lớn của tôi là Công Ngọc Chung cầm súng diệt Mỹ và cháu đã hy sinh vì Tổ quốc ngày 25-6-1968.

 Bằng chứng nhận "Gia đình liệt sĩ gương mẫu" của Nhà nước tặng cho đánh dấu bước phấn đấu của gia đình tôi trong thời gian đã qua. Từ nay gia đình chúng tôi còn phải tiếp tục phấn đấu và truyền lại cho con cháu mãi mãi ghi sâu, thực hiện lời dạy của Bác Hồ, phấn đấu góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Phú Thượng, ngày 23-8-1983.
 Công Ngọc Kha kể, Đỗ Thỉnh ghi,
Trích từ sách: Những lần đón Bác, Ban Lịch sử Đảng
và Phòng Văn hóa thông tin huyện Từ Liêm, Nxb. Hà Nội, 1984)

 Đức Hiếu (Tổng hợp)
Còn nữa

Bài viết khác: