Nguyễn Tất Thành đi tìm đường cứu nước. Tranh minh họa của Bảo tàng Hồ Chí Minh
tại Huế (1950)
Tôi đã theo đuổi chuyên đề về thời niên thiếu của Bác Hồ ở Huế gần ngót 30 năm, nhưng cho mãi đến cuối năm 2004 tôi mới có được tư liệu thành văn đầu tay chính thức về sự kiện này.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là cựu học sinh Trường Pháp Việt Đông Ba và cựu học sinh Quốc Học Huế. Ta biết được thông tin đó qua ký ức hay hồi ký của những bạn học cũ của Bác như cụ Lê Thiện, cụ Lê Thanh Cảnh, hay hồ sơ mật thám Pháp thực hiện từ sau năm 1920. Do đó có nhiều suy đoán, diễn giải không thống nhất.
Tư liệu thành văn đầu tiên này (the first documented fact about Ho Chi Minh’s youth) là bức thư của ông Chouquet - Hiệu trưởng Trường Quốc học Huế viết ngày 7 tháng 8 năm 1908 phúc đáp thư yêu cầu số 526 đề ngày 4 tháng 8 năm 1908 của Silvain Lévecque - Khâm sứ Trung Kỳ về lai lịch Nguyễn Sinh Côn (tên của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc theo học tại Trường Pháp Việt Đông Ba và Trường Quốc học Huế).
Nội dung bức thư:
“ Hué, le 7 Aout 1908.
Le Directeur du Collège Quochoc,
À Monsieur le Résident Supérieur en Annam
Hue.
Monsieur le Résident Supérieur,
Comme suite à votre lettre No 526 du 4 Aout
Courant, j’ai l’ honneur de vous faire connaitre qu’ il
sera possible de recevoir au Quốc-học le nommé
NGUYỄN SINH CÔN, originnaire de Nghệ An, élève de l’ éco
le Franco-annaite de Thua-thiên.
Signé
Chouquet” (1)
Dịch nghĩa:
Huế ngày 7 tháng 8 năm 1908,
Tiếp theo thư số 526 đề ngày 4 tháng Tám năm nay của Ngài, tôi hân hạnh báo cho Ngài rõ sẽ tiếp nhận vào Trường Quốc học học sinh có tên Nguyễn Sinh Côn, gốc người Nghệ An, học sinh trường Pháp - Nam tỉnh Thừa Thiên (2) .
Ký tên Chouquet
Tư liệu Nguyễn Sinh Côn, học sinh Trường Quốc học đề ngày 7-8-1908
Theo con dấu đóng bên lề trái ngay trên bức thư cho biết Tòa Khâm nhận được lá thư nầy vào ngày 8.8.1908. Người duyệt lá thư ghi thêm bên lề ngay phía dưới con dấu của Tòa Khâm mấy chữ “Le né Nguyen Sinh Con est admis comme élève de Quoc Hoc” (Học sinh có tên Nguyễn Sinh Côn được thu nhận làm học sinh Quốc Học).
Lá thư có giá trị lịch sử nầy do ông Chánh Đạo tìm được tại Trung tâm lưu trữ Hải ngoại của Pháp (Centre des archives d’Outre-mer [CAOM] (Aix-en-Provence), trong tủ tư liệu thuộc Toàn quyền Đông Dương (GGI), hộp Khâm sứ Trung Kỳ (RSA) mã số R.1.
Lá thư thay cho một công văn của Hiệu trưởng Trường Quốc học Chouquet gởi Khâm sứ Trung kỳ Silvain Lévecque nói về học sinh Nguyễn Sinh Côn, giúp cho các nhà nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định được mấy thông tin lịch sử sau đây:
1. Bức thư khẳng định trước khi Nguyễn Sinh Côn vào Trường Quốc học đã học trường Tiểu học Pháp Việt Đông Ba.
2. Tháng 8 năm 1908, Nguyễn Sinh Côn còn là học sinh Quốc học, chứng tỏ Nguyễn Sinh Côn học Quốc học trong niên khoá 1908-1909.
3. Cuộc chống thuế của đồng bào Thừa Thiên Huế chính thức diễn ra từ ngày 9 đến ngày 13 tháng 4 năm 1908. Đến ngày 7 tháng 8 năm 1908 (theo thư của Hiệu trưởng Chouquet) Nguyễn Sinh Côn vẫn sẽ được tiếp nhận là học sinh Quốc học. Điều đó chứng tỏ rằng Nguyễn Sinh Côn không bị đuổi (not expelled) ra khỏi Trường Quốc học vì đã tham gia biểu tình chống thuế hồi tháng 4 năm 1908.
Lá thư của Hiệu trưởng Chouquet gởi cho Khâm sứ Trung kỳ Silvain Lévecque về một phần nhân thân của học sinh Nguyễn Sinh Côn hồi tháng 8.1908 có thể xem là tư liệu thành văn thuộc loại đầu tay ra đời sớm nhất liên quan đến tiểu sử của Bác Hồ./.
Chú thích
(1) Phóng ảnh nguyên văn lá thư
(2) Tức Pháp Việt Đông Ba
Theo Nguyễn Đắc Xuân
Huyền Trang (st)