Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi tham ô, lãng phí là kẻ thù của nhân dân, là thứ “giặc nội xâm”. Người nói: Tham ô, lãng phí, quan liêu, dù cố ý hay không cũng là đồng minh của thực dân phong kiến, là một thứ “giặc nội xâm”, nó “làm hỏng tinh thần trong sạch và ý chí khắc khổ  của cán bộ ta. Nó phá hoại đạo đức cách mạng của ta là cần, kiệm, liêm, chính”1.

          Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Hồ Chí Minh luôn giành sự quan tâm  đối với vấn đề chống tham ô lãng phí, quan liêu và thực hành tiết kiệm. Sự quan tâm đó thể hiện đặc sắc tư tưởng đạo đức của người cộng sản và của cách mạng Việt Nam. Người đã để lại tấm gương sáng trong, mẫu mực về sự giản dị và tinh thần cần, kiệm, liêm , chính, chí công vô tư; đồng thời là hình ảnh tiêu biểu về sự quyết tâm chống những thói hư tật xấu, chống tham ô, lãng phí và thực hành tiết kiệm.

          Ngay khi mới giành được chính quyền và xây dựng chính quyền cách mạng, Hồ Chí Minh đã rất chú trọng bồi dưỡng dạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ: Giáo dục, đào tạo công chức theo tinh thần “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, không tơ hào một đồng xu, hạt thóc của nhà nước, nhân dân. Người nhắc nhở: “Tuy nhiều người trong ban hành chính làm việc tốt và thanh liêm song cái tệ tham ô, nhũng lạm chưa quét sạch”2 và chỉ ra một số hành vi tham nhũng mà công chức nhà nước mắc phải như tham ô của công, đục khoét của dân, lợi dụng của chung và ăn hối lộ.

          Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng một trong những nguyên nhân trực tiếp của tham ô là bệnh quan liêu, biểu hiện ở chỗ cá nhân và cơ quan lãnh đạo, cơ quan quản lý từ cấp trên đến cấp dưới không sát sao công việc thực tế, không theo dõi giáo dục cán bộ, không gần gũi quần chúng, không kiểm tra đến nơi đến chốn. Do mắc bệnh quan liêu nên “có mắt mà không thấy suốt, có tai mà không nghe thấu, có chế độ mà không giữ đúng, kỷ luật mà không nắm vững. Kết quả là những người xấu, những cán bộ kém tha hồ mà tham ô3.

          Người cho rằng: “Đứng về phía cán bộ mà nói, tham ô là ăn cắp của công, đục khoét của nhân dân. Đứng về phía nhân dân mà nói, tham ô là ăn cắp của công, khai gian, lậu thuế ”4. Về bản chất, tham ô chính là lợi dụng quyền hành để ăn cắp của công làm của riêng và biểu hiện rất đa dạng: Trộm cắp của công, đục khoét của công, ích kỷ, hẹp hòi, thiếu trung thực. Lãng phí có thể là lãng phí sức lao động, lãng phí thì giờ, lãng phí tiền của, phô trương hình thức, dài dòng ba hoa. Tham ô, lãng phí là những bệnh có tác hại ghê gớm, là bạn đồng minh của thực dân, phong kiến, là bạn đồng hành của tệ quan liêu; nó làm băng hoại đạo đức cách mạng, là kẻ thù, thậm chí kẻ thù rất nguy hiểm của cách mạng. Trong bài “Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu” Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Tham ô là trộm cướp. Lãng phí tuy không lấy của công đút túi song kết quả cũng rất tai hại cho nhân dân, cho Chính phủ”5.

          Người coi những hành vi tham nhũng, tệ lãng phí, quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của cách mạng. Cũng trong bài “Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêuNgười viết: “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của chính phủ, là một thứ giặc ở trong lòng”6 Theo Hồ Chí Minh, đây thật sự là kẻ thù nguy hiểm  của cách mạng, không những nó phá hoại và làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển kinh tế - xã hội mà còn làm tha hóa đội ngũ cán bộ, đảng viên, làm suy giảm lòng tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, đối với cách mạng.

          Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh thì tham ô, lãng phí có liên quan đến phạm trù đạo đức cách mạng, cần phải coi đó là một tiêu chí để đánh giá đạo đức, tư cách người cán bộ cách mạng. Người kết luận: Những kẻ tham ô, lãng phí và quan liêu thì phá hoại tinh thần, phí phạm sức lực, tiêu hao của cải của chính phủ và nhân dân. Tội lỗi ấy cũng nặng như tội “Việt gian”, “mật thám”. Tham ô, lãng phí nếu không sớm được ngăn chặn sẽ phát triển từ hiện tượng nhỏ lẻ và trở thành quốc nạn, đe dọa sự tồn vong của chế độ mới mà nhân dân ta xây dựng.

          Vì thế, chống tham ô, quan liêu, lãng phí không thể hô hào, kêu gọi lòng tốt của mọi người một cách chung chung mà phải có kế hoạch cụ thể, có sự chuẩn bị. Đồng thời đòi hỏi có sự lãnh đạo chặt chẽ, đòi hỏi phẩm chất đạo đức trong sáng, trung kiên, không dao động trước những cám dỗ về vật chất, danh vị của người tham gia đấu tranh. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm chống tham ô, lãng phí là cách mạng và để cuộc đấu tranh đạt kết quả thì phải phát huy sức mạnh của mọi lực lượng trong xã hội và là trách nhiệm của mọi cấp, mọi ngành, đồng thời nhắc nhở mọi cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần phê bình và tự phê bình, phải thật thà tự kiểm điểm để làm gương mẫu, phải kiên quyết “nhổ cỏ”. Nghĩa là phải tự mình đấu tranh với mình, kiên quyết đấu tranh chống tham ô, lãng phí một cách hiệu quả, dựa vào quần chúng và đưa quần chúng vào vào cuộc đấu tranh: “Phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu ắt phải dựa vào lực lượng quần chúng thì mới thành công7. Điều này phản ánh sâu sắc quan niệm của Chủ nghĩa Mác- Lênin về vai trò của nhân dân trong sự nghiệp cách mạng. Những khuyết điểm, sai lầm, thói tham ô, lãng phí trong cán bộ, đảng viên, trong các tổ chức Đảng và chính quyền Nhà nước do nhiều nguyên nhân có thể không được phát hiện hoặc phát hiện không kịp thời nhưng không thể che chắn được hàng triệu con mắt của quần chúng nhân dân. Và sinh thời, Người luôn là tấm gương sáng về sự tu dưỡng đạo đức cách mạng, là con người hình mẫu: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, luôn luôn đấu tranh không khoan nhượng với căn bệnh tham ô, lãng phí và quan liêu.

          Thấm nhuần tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ những năm tháng kháng chiến, đấu tranh giành độc lập dân tộc, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm trong mọi tổ chức và hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đồng thời đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức, tinh thần tiết kiệm của Người trong mọi tầng lớp nhân dân.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã đề ra 7 nhiệm vụ trọng tâm phải thực hiện trong nhiệm kỳ, trong đó xác định: Đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí để thực sự ngăn chặn, đẩy lùi được tệ nạn này.

Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI đã tiếp tục thể hiện quyết tâm chính trị cao nhằm đấu tranh với tệ nạn nguy hiểm này. Hội nghị đã đánh giá đúng mức thực trạng công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí hiện nay: Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X, với quyết tâm, nỗ lực của các tổ chức Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và cả hệ thống chính trị, công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí đã có những chuyển biến tích cực cả về nhận thức, hành động và đạt được những kết quả bước đầu, nhất là trong phòng ngừa, công khai, minh bạch hóa, cải cách thủ tục hành chính, quản lý tài sản công. Trên một số lĩnh vực, tham nhũng, lãng phí đã từng bước được kiềm chế.

Tuy nhiên, công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí vẫn chưa đạt yêu cầu và mục tiêu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí. Muốn vậy, cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, giải pháp cụ thể:

Một là, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo thực hiện của các cấp chính quyền trong công tác thanh tra, kiểm tra và sự giám sát của cơ quan dân cử, của các tố chức đoàn thể theo đúng chức nâng, thẩm  quyền.

Hai là, hoàn thiện hệ thống pháp luật trên cơ sở quan điểm, đường lối của Đảng, yêu cầu có một hệ thống pháp luật đồng bộ, đầy đủ để điều chỉnh các quan hệ xã hội cơ bản.

Ba là, xây dựng được một hệ thống thang, bảng lương tương xứng, hợp lý với sự đóng góp, cống hiến của cán bộ, kiên quyết điều chuyển, sắp xếp lại hoặc đưa ra khỏi bộ máy của các tổ chức trong hệ thống chính trị những cán bộ, đảng viên yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức; cất nhắc những cán bộ có phẩm chất chính trị tốt, trung thực, có trình độ và năng lực vào những vị trí quan trọng trong cơ quan của Đảng, của Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội.

          Bốn là, tiếp tục thực hiện việc kê khai, minh bạch tài sản, nhà đất, thu nhập  của cán bộ, công chức.

          Năm là, thường xuyên tổ chức tổng kết kinh nghiệm đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và tăng cường hợp tác quốc tế  nhằm ngăn chặn, xử lý các hành vi tham nhũng, hoạt động tội phạm quốc tế khác.

Đất nước đang đứng trước những thời cơ lớn đồng thời phải đối mặt với những thách thức lớn, nghiêm trọng, thiết nghĩ việc tích cực phòng ngừa và kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí là đòi hỏi bức xúc của xã hội, là quyết tâm chính trị của Đảng ta nhằm xây dựng một bộ máy quản lý và lãnh đạo trong sạch, vững mạnh, khắc phục được một trong những nguy cơ lớn đe doạ sự sống còn của chế độ, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, đảm bảo sự nghiệp đổi mới tiếp tục đi lên và thực hiện thắng lợi mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh"./.

Tâm Trang (tổng hợp)

                   

1. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 4. NXB CTQG. HN. 2002. Trang 166.

2. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 4.  NXB. CTQG. HN. 2002. Tr.ang166

3. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 6. NXB. CTQG. HN. 2002. Trang 490

4. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 6. NXB. CTQG. HN. 2002. Trang.488

          5. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 6. NXB. CTQG. HN. 2002. Trang.489.

6. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 6. NXB CTQG. HN. 2002. Trang.490.

7. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 6.  NXB CTQG. HN. 2002. Trang  495.

Bài viết khác: