phan 4  anh 1
Bác Hồ làm việc với Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa. Ảnh Tư liệu

Bốn mươi ngày cùng về với Bác

Mùa Thu năm 1946, tôi và ba đồng chí nữa được vinh dự theo Bác về nước trên chiếc tàu Đumông Đuyếcvin, một chiếc tàu chiến của Hải quân Pháp. Bốn mươi ngày lênh đênh trên mặt biển, được sống gần gũi bên Bác tôi mới hiểu biết thêm về Bác, người đã dẫn dắt, rèn luyện và đào tạo tôi trở thành người trí thức chân chính, người cán bộ cách mạng.

Đều đặn mỗi ngày ba buổi: Sáng, chiều, tối, chúng tôi hội họp quây quần bên cạnh Bác, nghe Bác kể chuyện về tình hình thế giới, tình hình cách mạng trong nước, nhất là từ năm 1940 đến ngày Cách mạng Tháng Tám thắng lợi. Chúng tôi chăm chú theo dõi từng lời, từng ý và đề ra những thắc mắc của mình. Bác lại nêu lên để cho chúng tôi trao đổi, thảo luận và cuối cùng Bác nhận xét, phân tích, giải đáp. Các buổi sinh hoạt nhẹ nhàng, thoải mái với lời lẽ đơn giản, dễ hiểu của Bác là những buổi giáo dục thật sinh động và có sức hấp dẫn lạ thường. Bác đi từ sự việc nhỏ đến lớn, từ nhận thức lý luận liên hệ đến thực tiễn, từ tình hình thế giới dẫn dắt chúng tôi về với cách mạng trong nước, về với nhiệm vụ cụ thể của mình.

Những lời giáo dục của Bác được kết hợp với những câu chuyện cụ thể, những điều tai nghe mắt thấy đã có tác dụng nâng cao nhận thức của chúng tôi về lịch sử phát triển của cách mạng thế giới và trong nước, giúp chúng tôi thấy rõ ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin.

Đặc biệt đối với chúng tôi là những trí thức ở nước ngoài mới về, sắp sửa bước vào cuộc đấu tranh gian khổ, Bác chú ý đi sâu tâm tình, khơi gợi lòng yêu nước, củng cố niềm tin ở từng cá nhân, tin ở tập thể, ở cách mạng nhất định thắng lợi. Bác nói với chúng tôi: Ở nhà không có gì đâu, nước ta thiếu máy móc nguyên liệu, thiếu cả thợ lành nghề, tiền của ta lại ít. Song nước ta giàu về rừng núi, sông biển, đồng bào ta giàu về quyết tâm, dũng cảm và sáng tạo. Các chú về phải chịu thương, chịu khó làm ăn, đưa những cái đã học được ở nước ngoài về áp dụng thiết thực vào trong nước, giúp đỡ và hướng dẫn anh em trong nước cùng làm. Như vậy các chú có làm được không?

Lời nói thân yêu của Bác đã cảm hóa và chinh phục trái tim chúng tôi.

Ngoài những buổi sinh hoạt, Bác đôn đốc chúng tôi tranh thủ đi sát anh em thủy thủ, gây cảm tình với quần chúng. Đây là một vấn đề khó khăn cho tôi trong buổi đầu. Tôi chưa quen công tác vận động quần chúng, hơn nữa lại phải gần gũi những người lính nước ngoài thì lại càng phức tạp, lúng túng hơn. Tôi báo cáo xin ý kiến Bác. Bác vui vẻ, ân cần chỉ dẫn cách thức làm quen, đi sát anh em thủy thủ, phương pháp đi từ thăm hỏi tình hình sức khỏe, gia đình, công việc làm ăn đời sống đến việc khơi gợi lòng yêu nước, tính dân tộc rồi tính đến gây cảm tình của họ đối với nhân dân ta.

Ngày 20-10-1946, tàu cập bến Hải Phòng. Cán bộ và nhân dân khắp nơi nô nức, vui mừng đón Bác. Lòng tôi tràn ngập niềm vui sướng và cảm động khi trở lại mảnh đất của Tổ quốc thân yêu. Về đến nhà chẳng được bao lâu thì kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Bác giao cho tôi phụ trách công tác trong Ngành Quân giới. Bác bảo tôi: “Đây là một nhiệm vụ quan trọng và nặng nề. Chú cố gắng cộng tác với anh em ra sức xây dựng ngành quân giới, phục vụ cho bộ đội. Đó là một việc có ý nghĩa rất lớn đối với dân, với nước”. Và cũng từ đó tôi mang tên là Trần Đại Nghĩa.

Tại Đại hội Liên hoan Anh hùng Chiến sỹ thi đua toàn quốc lần thứ nhất, tôi được Bác tuyên dương công trạng và tập thể bầu là Anh hùng Lao động. Vinh dự to lớn đó thuộc về anh em cán bộ công nhân Ngành Quân giới, thuộc về nhân dân lao động, trong đó tôi nhờ sự chỉ bảo, dìu dắt của Bác, đã đóng góp một phần. Những lời dạy của Bác như một cẩm nang quyết định mọi thắng lợi trong công tác của tôi.

Trần Đại Nghĩa kể
(Trích trong sách Chúng ta có Bác Hồ
Nxb. Lao động, Hà Nội, 1999)

Những ngày tháng Chạp năm 1946

Ngày 18-12-1946

Từ 6 giờ 30, lính Tây mũ đỏ lại báo y tá Sở Công an Hàng Đậu. 11 giờ, tên Đại uý Sutiông trong Ban Liên kiểm Pháp ở Hà Nội, báo tin cho Ban Liên kiểm ta biết là lính Pháp sẽ chiếm đóng Nhà Tài chính và yêu cầu ta phá các ụ chiến đấu. Chỉ 3 tiếng sau, vào lúc 14 giờ, chúng đã cho xe thiết giáp và lính tới chiếm đóng luôn. 24 giờ 15, Liên kiểm Pháp lại trắng trợn báo tin cho ta:''Trong ngày 18-12, Công an Việt Nam không làm tròn nhiệm vụ gìn gìn an ninh trật tự. Nếu tình hình này còn kéo dài, thì bắt đầu từ ngày 20-12-1946 quân đội Pháp sẽ đảm nhiệm việc trị an ở thành phố Hà Nội''.

Đó thực chất là một tối hậu thư. Tối hậu thư của một kẻ tự cho mình là có sức mạnh, muốn làm gì thì làm... Những nét đăm chiêu xuất hiện trên gương mặt gầy của Cụ Hồ. Bác là việc nhiều hơn, thức khuya hơn. Có đêm hầu như không ngủ. Hơn tuần nay, các anh Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Võ Nguyên Giáp thường đến họp bàn với Bác. Khi đến từng người, khi đến cả 3 anh. Thấy Bác ngày một gầy yếu các anh nhắc chúng tôi phải chú ý bồi dưỡng thêm cho Bác. Đây cũng là vấn đề chúng tôi thường xuyên quan tâm nhưng từ ngày anh Nguyễn Lương Bằng được chỉ thị của Bác quay lại Việt Bắc để chuẩn bị cơ sở kháng chiến lâu dài thì việc chăm sóc sinh hoạt hàng ngày cho Bác cũng gặp khó khăn hơn. Vẫn vui vẻ, Bác động viên mọi người cố gắng ăn cho khỏe để còn kháng chiến trường kỳ''....

Sáng nay, Bác bảo tôi ra Bắc Bộ Phủ hỏi anh Hoàng Minh Giám về việc giao thiệp với Xanhtơni. Dọc đường thấy nhân dân tản cư rất đông, các khu phố đào đường đắp ụ ngăn không cho bọn Pháp tự do đi lại. Chính phủ tiếp tục kêu gọi dân chúng bình tĩnh. Bọn Tây càng làm già. Những phố Tây đều có lính Tây đứng gác. Chúng mang xe bọc thép đến, đặt cả súng máy giữa đường. Ở phố Khâm Thiên, chướng luỹ đồ sộ, chôn dựng đứng những cây gỗ to và cao. Sinh hoạt trong thành phố hầu như thay đổi hẳn. Các nhà đều đóng chặt cửa. Nhà ''khách'' Hoa kiều, nhà ''Tây đen'' (Ấn kiều) cũng chỉ hé mở... Ngoài đường ít gặp cụ già đàn bà trẻ em. Chỉ thấy thanh niên, cả trai lẫn gái đều hăng, nhất là tự vệ thành, người súng dài, người súng ngắn rất hiên ngang. Ở đầu phố Hàng Đào, trên bức tường, dán một tờ báo rất to, mỗi chữ bằng bàn tay, kêu gọi nhân dân sẵn sàng. Phía trước các nhà đều có khẩu hiệu: “Thề chết không làm nô lệ!”.

Qúa trưa về tới nhà, thấy các anh đang họp với Bác ở trên gác, tôi báo cáo nội dung anh Hoàng Minh Giám nói về tình hình Xanhtơni đang tìm cách trì hoãn việc nói chuyện với ta. Tôi cũng tường thuật lại không khí căng thẳng của Hà Nội, bất cứ lúc nào cũng có khả năng bùng nổ. Bác và các anh chú ý nghe. Bác hỏi tôi: Khẩu hiệu “Thề chết không làm nô lệ” có nhiều không? Khi nghe tôi trả lời ở mạn phố Hàng Đào, Hàng Ngang… hầu như nhà nào cũng có, thấy ánh mắt Bác như vui lên.

Đêm nay, Bác lại thức khuya. Ngọn đèn dầu tỏa một vùng sáng nhỏ. Bác ngồi xổm trên giường, mắt đăm chiêu nhìn vào mảnh giấy trước mặt. Phía Hà Nội, súng nổ nhiều hơn các đêm trước. Chiếc bút học sinh trong tay Bác, ngòi bằng sắt, bắt đầu viết những dòng đầu tiên của một lời hịch lịch sử. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.

Đêm nay, viết xong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Bác thanh thản ngả mình trên chiếc giường gỗ, dát tre. Khi tôi lại thu xếp tài liệu cất vào cặp cho Bác, đã nghe tiếng Bác thở đều đều.

Một giấc ngủ ngon đang đến với Bác.

Tôi trở ra đứng một lúc lâu cửa sổ, nhìn về phía Hà Nội, nơi đang có tiếng súng nổ và những đường đạn rực sáng bay ngang dọc trên bầu trời...

Tôi quay lại nhìn về phía giường Bác đang nằm sợ tiếng súng làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của Người. Nhưng không! Người con vĩ đại của dân tộc vẫn đang ngon giấc sau khi đã để lại cho các thế hệ mai sau một lời hịch bất hủ:

''Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.


Bút tích "Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến" 19/12/1946
của Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh TL)

Ngày 19-12-1946

Mới tờ mờ sáng, Bác đã gọi tôi chuẩn bị giấy bút để làm việc. Sớm nay trời lạnh, gió lùa qua khe cửa sổ làm rung rinh ngọn đèn dầu. Bác vẫn ngôi xổm trên giường, bảo tôi xích ghế lại gần, đọc cho tôi viết thư gửi cho Thủ tướng Lêông Blum. Bác đọc thẳng bằng tiếng Pháp. Đôi chữ tôi phải hỏi lại để viết cho thật đúng.

Bóng Bác mặc áo khoác in to trên tường, vẫn vững, không thấy động đậy. Ai mà nghĩ được là Cụ Hồ đang làm việc lúc này trong căn gác xép nhà ''cậu Tú'' ở Vạn Phúc nhỉ? Giờ này, bà con làng xóm đang yên giấc.

Viết xong, đọc lại một lần cho Bác nghe. Bác xem lại một lần nữa. Không có lỗi nào. Nhớ sáng ngày 27-8-1945, lần đầu tiên được làm việc với Bác ở 48 Hàng Ngang, Bác cũng đọc cho viết một lá thư bằng tiếng Pháp, khi đọc lại, Bác phải sửa cho 3 lỗi. Tôi thanh minh là bỏ lâu đi hoạt động bí mật nên quên nhiều. Bác cười bảo là ''hồi trước, Bác học chưa đỗ bằng chú lại bỏ học lâu hơn chú, sao Bác không quên?”. Rồi Bác kết luận ''Cái chính là chú không chịu tự học thêm''.

5 giờ rưỡi sáng, Bác bảo tôi đưa thư gửi Lêông Blum đến cho đồng chí Võ Nguyên Giáp, lúc này ở gần Cầu Mới, trong Villa des saules để anh Giáp góp thêm ý kiến và dặn anh Giáp sửa và gửi đi cho kịp.

Đưa thư cho anh Võ Nguyên Giáp xong, tôi tiếp tục ra Bắc Bộ Phủ để hỏi anh Hoàng Minh Giám về việc giao thiệp với Xanhtơni. Sau một đêm sôi động, sáng nay, phố đã lặng lẽ khác thường, cái lặng lẽ nghiêm trọng như sóng ngầm.

Sáng nay, bọn Pháp lại gửi tiếp cho ta ''tối hậu thư''' thứ ba, đòi ta phải đình chỉ mọi hoạt động kháng chiến, đòi tước vũ khí các lực lượng vũ trang nhân dân ta. Chúng đe dọa nếu trong vòng 24 giờ, không thực hiện những yêu cầu trên, quân Pháp sẽ hành động. Lập tức Ban Thường vụ Trung ương gửi một bức điện cho các đồng chí Bí thư tỉnh uỷ và Chỉ huy trưởng 12 Chiến khu trong cả nước: Quân Pháp đã hạ “tối hậu thư” đòi tước vũ khí của quân đội, tự vệ, công an ta. Chính phủ ta đã bác tối hậu thư ấy. Như vậy, chỉ trong vòng 24 giờ là cùng, chắc chắn quân Pháp sẽ nổ súng. Chỉ thị của Trung ương: ''Tất cả hãy sẵn sàng''.

12 giờ 30, tôi mới trở về Vạn Phúc. Tôi lên thẳng gác báo cáo tình hình với Bác. Người vừa ăn cơm xong, đang đi lại trong phòng, hình như chờ tôi. Khi nghe tôi báo cáo về việc Xanhtơni đã tỏ thái độ dứt khoát không tiếp ông Hoàng Minh Giám, phái viên của Chính phủ ta lúc đó, Bác hơi cau mày, Bác trầm ngâm một lúc, bước thêm mấy bước đến bên chiếc bàn có để bản thảo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến chiều nay sẽ thông qua Thường vụ, nói khẽ, như buột miệng, nhưng rõ ràng, dứt khoát: “Hừ! Thì đánh”.

Buổi trưa, Bác không nghỉ. Bác xem lại Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến và chuẩn bị cuộc họp đã hẹn vào buổi chiều.

14 giờ 30, các anh Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Võ Nguyên Giáp hầu như đến cùng một lúc, mặc dầu Bác đã có quy định là mỗi lần đến họp, mỗi người phải đến cách nhau ít nhất 5 phút. Nhưng có lẽ do tầm quan trọng của cuộc họp, trước sự thôi thúc của tình hình, các anh đã không chú ý điều đó.

Cuộc họp không kéo dài. Đồng chí Trường Chinh báo cáo về nội dung chủ yếu của đường lối kháng chiến toàn dân toàn diện và trường kỳ. Đồng chí Võ Nguyên Giáp báo cáo những vấn đề chính về tình hình và kế hoạch quân sự.

Sau khi trao đổi, Bác đã đi đến kết luận là tình hình không cho phép tiếp tục nhân nhượng nữa. Trước mưu đồ xâm lược đã rõ ràng của Pháp, chúng ta quyết định kháng chiến trong toàn quốc. Tuy gian khổ khó khăn nhưng cuộc kháng chiến trường kỳ của nhân dân ta nhất định thắng lợi. Về bản dự thảo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, đồng chí Lê Đức Thọ có đề nghị thêm vào 5 chữ, và được hội nghị nhất trí hoàn toàn.

Trong hội nghị đồng chí Trường Chinh được phân công chuẩn bị bản dự thảo về vấn đề ''Toàn dân kháng chiến'' (công bố vào ngày 22-12-1946). Đồng chí Võ Nguyên Giáp được phân công chuẩn bị đọc bản hiệu triệu ngay sau khi Hà Nội nổ súng. Giờ nổ súng được quyết định vào lúc 20 giờ ngày 19-12-1948, bằng việc công nhân Nhà máy điện Yên Phụ phá máy. Điện tắt là hiệu lệnh thống nhất chung cho toàn thành phố Hà Nội, đồng thời cũng là hiệu lệnh chung cho cả nước nhất tề đứng dậy đánh giặc, cứu nước.

Để cuộc tiến công được nổ ra đồng loạt chung trong cả nước, Hội nghị còn quyết định thông báo cho các nơi chú ý theo dõi Đài Tiếng nói Việt Nam. Khi nghe trên Đài phát đi câu ''Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý! Xin trân trọng mời đồng bào cả nước nghe Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh''. Đó chính là hiệu lệnh tổng tiến công mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc.

Do có sự chuẩn bị chu đáo, và đã có sự nhất trí từ trước về chủ trương, đường lối, nên cuộc họp chỉ diễn ra trong vòng 45 phút.

15 giờ 15 phút tan họp. Các anh lần lượt xuống thang gác ra về. Anh Trường Chinh thì trầm ngâm, suy nghĩ. Lúc anh em chào, anh mới giật mình, đáp ''À! Chào các đồng chí''. Không như mọi lần, bao giờ anh cũng chủ động chào trước, miệng cười rất hiền và tươi. Còn anh Lê Đức Thọ thì dáng vẫn cởi mở vỗ vào vai tôi, tươi cười là hỏi: ''Thế nào sửa soạn xong cả rồi chứ”. Rồi vội bước theo anh Trường Chinh.

Anh Văn, coi bộ bí mật lắm, đầu đội mũ cát hơi sụp xuống, kính đen đeo ngay từ trong nhà, áo pađơxuy khoác ngoài dài quá khổ, bước ra sau cùng, không nói năng gì và cũng vội đi xuống.

Bác ung dung bình thản tiếp tục ngồi viết một lúc nữa.

Viết xong, Bác tự thu xếp tài liệu vào cặp, rồi gọi tôi bảo: ''Các chú sửa soạn đi nhé, chiều tối nay chúng mình chuyển''.

Thế thôi! Thế cũng đủ hiểu.

Lúc đó là 18 giờ 45 phút.

Ngày 20-12- 1946

''6 giờ 45 phút tối qua, rời Vạn Phúc. Một số anh đi xe đạp đã chuyển trước. Anh Nguyễn Lương Bằng đưa Bác đi. Xe qua Thanh Oai, qua Kim Bài, ngã tư Vác, rẽ vào đường đất lên đê Xuyên Dương. Mặt đê đầy ổ gà, sống trâu, xe nhiều lúc như muốn nhảy lên.

Trời tối dần, đen kịt. Tiếng máy rì rì - Bỗng có tiếng hô: “Đứng lại!” Hai anh tự vệ đến hỏi giấy. Đêm khuya, trời tối gió lạnh. Họ không ngó vào xe, chỉ soi đèn pin vào giấy, đánh vần từng chữ tên cơ quan, rồi cho đi.

Lại lắc lư, nhấp nhổm. Mệt quá mà cũng không ngủ gật được. Tiếng máy rì rì giữa đêm khuya. Xe cứ chạy chậm trên đường đê tối mịt. Đến chỗ hẹn, tắt đèn, đỗ lại. Không ai nói gì. Nghe tiếng dế kêu ri rỉ. Vòm trời sao lấp lánh, lành lạnh. Anh Cả (tức là đồng chí Nguyễn Lương Bằng) xuống xe tìm người đón.

Anh Cả trở lại. Có người dẫn đưa đi. Bác im lặng xuống xe. Mình dắt Bác theo ánh đèn bão, lần từng bậc xuống đường làng lát gạch. Làng này chắc khá, đường rộng. Qua cổng xây, qua sân gạch rộng, rồi bước lên thềm nhà. Cái đèn bầu thủy tinh to, treo giữa nhà, soi rõ những hoành phi câu đối, sơn son thiếp vàng có cả những đĩa sứ cổ treo trên tường nữa.

Đêm, mấy lần Bác hỏi có nghe tiếng súng to ở phía Hà Nội không?

Đêm lịch sử 19-12 năm đó cả Hà Nội nhất tề đứng dậy đánh giặc, mở đầu cuộc trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi./.

 Vũ Kỳ kể
Trích trong sách Thư ký Bác Hồ kể chuyện,
Nxb, Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005

 Đức Hiếu (Tổng hợp)
Còn nữa

Bài viết khác: