Ngày “địa ngục trần gian” Côn Đảo giải phóng, mọi người đang chuẩn bị làm lễ chiến thắng nhưng trên toàn đảo không có ảnh Bác Hồ. Trong giây phút đó, một người chiến sĩ đã xung phong nhận nhiệm vụ vẽ ảnh Bác bằng nét bút của mình.
Thật may mắn, khi hỏi thăm những cựu chiến binh từng bị giam giữ ở Côn Đảo, chúng tôi đã tìm gặp được người chiến sĩ năm xưa, tên ông là Dương Ngoạn (87 tuổi) ở tại khối phố 5, thị trấn Núi Thành, huyện Núi Thành, Quảng Nam.
Vẽ Bác để soi mình lí tưởng cách mạng
Ông Ngoạn sinh ngày 14/7/1928, tại huyện Núi Thành, Quảng Nam, là anh cả trong gia đình có 6 anh em đều tham gia cách mạng.
Ngày 20/6/1946, do sớm giác ngộ và dũng cảm trong liên lạc thư tín ở địa phương nên ông Ngoạn được kết nạp Đảng. Từ đó, ông hăng hái tham gia hoạt động chiến đấu cho đến ngày bị bắt đày đi Côn Đảo, nếm trải hơn 12 năm “chuồng cọp”.
Người ta không chỉ biết đến ông là một người lính kiên trung, bất khuất trong chiến đấu mà còn là người đã có “giây phút lịch sử” trong cuộc đời vẽ nên ảnh Bác Hồ.
Ông Ngoạn kể, cuối tháng 5 năm 1956, trước khi lên đường đổi vùng chiến đấu, cha đã gọi ông Ngoạn đến và trao tấm ảnh Bác với lời căn dặn: “Con cất đi, đây là tấm ảnh Bác Hồ duy nhất nhà ta có được. Hãy đặt nó lên ngực áo của con, Bác sẽ luôn bên cạnh che chở, chỉ cho con con đường và suy nghĩ sáng suốt nhất.”
Vâng lời cha, ông Ngoạn đón tấm ảnh trong niềm vui sướng, nước mắt ngấn lệ. Ông gói ảnh trong một chiếc túi rút màu đỏ, đặt lên ngực gài khuy áo cẩn thận.
Trong đêm tối, mặt trăng lên cao sau rặng dừa, ông Ngoạn lên đường chiến đấu với niềm tin có Bác trong mình. Ông nhủ lòng: “Đất nước rồi sẽ toàn thắng, có Bác Hồ luôn ở cạnh bên con dìu dắt mỗi bước đi…”
Không may, đêm ngày 2/9/1956, đang trên đường làm nhiệm vụ về Huyện ủy được nửa đường, ông Ngoạn địch bắt. Chúng bắt cởi hết áo, quần và mọi thứ đồ mang theo, tìm kiếm kĩ, phát hiện tấm ảnh Bác bỏ ở túi áo ngực của ông.
Ông Dương Ngoạn và "Hồi kí Hoa xương rồng trên cát" - tự kể về mình trong chiến tranh
Ngay lập tức chúng đưa ông Ngoạn về nhà lao Hội An tra hỏi: “Ai trao ảnh ông Hồ Chí Minh cho mày?”. Ông Ngoạn điềm tĩnh, dứt khoát bảo: “Bác là người được cả dân tộc yêu quý, suốt đời hi sinh cho dân tộc. Tôi yêu quý Bác nên để ảnh Bác trong người là chuyện bình thường, có chi đâu mà các ông thắc mắc hỏi” .
Thấy ông Ngoạn “cãi lí” đúng, chúng thẳng tay đánh ông những trận đòn dã man. Sau đó chúng đày ông đi các nơi như: Tam Kì, Đà Nẵng, Huế, Quảng Trị và cuối cùng là ra Côn Đảo để giam giữ.
Mặc cho những đòn roi, bị nhốt trong “chuồng cọp” với đủ hình thức tra tấn dã man ông Ngoạn vẫn kiên trung bất khuất với lí tưởng cách mạng. Cũng chính tại đây, ông được tín nhiệm bầu làm trưởng phòng giam, đại diện trại 7.
Trong một lần bọn lính cho ra ngoài lao động, ông tình cờ thấy nhiều lông gà trong nhà bếp và nhanh tay lấy một nắm để làm thành cây bút, chờ cơ hội một ngày được vẽ ảnh Bác.
Giây phút lịch sử vẽ ảnh Bác Hồ
Đêm 30/4/1975, từ chiếc radio phát lên giọng nói: “Đây là đài phát thanh giải phóng Sài Gòn Gia Định...” Lúc này, cố vấn Mỹ, quản đốc, tỉnh trưởng và bọn lính cai ngục đã bỏ chạy hết vào núi trốn do biết tin Sài Gòn đã hoàn toàn giải phóng, chính phủ Dương Văn Minh đầu hàng cách mạng Việt Nam.
Thời cơ đã đến, mọi người không ai bảo ai chạy mở cửa tù thoát ra ngoài tập trung tại cửa tù số 7. Tại đây đã thành lập Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam toàn Côn Đảo, ông Ngoạn được cử làm Trưởng Ty thông tin.
Đảo ủy cho tịch thu kho vải, lấy hết vải đỏ, xanh, trắng, vàng để tổ chức may cờ Mặt trận Giải phóng Miền Nam Việt Nam treo khắp các công sở. Nhưng cả đảo không có ảnh Bác Hồ. Sắp chuẩn bị lễ mừng giải phóng mà không có ảnh Bác sao được!
Ngay lúc ấy, ông Ngoạn xin được vẽ ảnh chân dung Bác. Khi nghe lời từ sâu trái tim người chiến sĩ, Đảo ủy liền lập tức đồng ý. Ông Ngoạn rất mừng vì được dịp vẽ ảnh Bác Hồ, điều ông canh cánh bên lòng suốt 21 năm trời. Ông nhủ lòng: “Đây thật sự là trách nhiệm cao cả với Đảng, nặng nề nhưng đầy vinh quang.”
Giữa trời đảo tự do mà ông Ngoạn vẫn không tài nào ngủ được. Hết nhắm mắt, gác tay lên trán lại gối đầu lên tay. Ông cố nhớ lại hình ảnh Bác lúc trước khi lên đường ra trận cha đã trao cho mình tấm ảnh Bác đã bị tịch thu khi ông bị bắt.
Sau hai ngày một đêm miệt mài, ảnh Bác đã được ông Ngoạn vẽ xong. Các đồng chí trong Ban lãnh đạo Đảo ủy đến xem, mọi người ai cũng gật đầu bằng lòng. Mọi người trầm trồ khen ngợi: “Giống Bác quá!”. Nhiều người tuổi đời còn nhỏ, chưa được gặp Bác cũng khen ngợi như tận sâu trong lòng đã có Bác vậy!
Thế rồi, không biết tự bao giờ, trong hàng trăm con người kéo tới xem ảnh Bác tự đặt bát hương rồi thắp nhang.
Sáng ngày 7/5/1975, Côn Đảo tổ chức lễ mừng chiến thắng và chào mừng bộ đội giải phóng, quần chúng đi tham sự rất đông. Có ảnh Bác Hồ lớn càng khiến không khí tưng bừng, trang nghiêm hơn bao giờ hết.
Ngày 16/6/1975, tàu Hải quân quân khu V đưa mọi người về Đà Nẵng. Ảnh chân dung Bác Hồ do ông Ngoạn vẽ được bố trí hai người kiệu đi, dẫn đầu đoàn tù lên bờ. Mọi người ra đón những người con kiên trung về đất mẹ trong niềm vui mừng khôn xiết.
Ngày nay, bức ảnh chân dung Bác Hồ do ông Ngoạn vẽ được trưng bày tại Bảo tàng cách mạng Đà Nẵng./.
Tùng Lâm
Theo khampha.vn
Thanh Huyền (st)