Hệ thống Trợ năng

Thứ năm, 13/02/2025

nhung-ngay-ben-bac-p5
Bác Hồ và Thủ tướng Phạm Văn Đồng
chụp ảnh với anh chị em bảo vệ và phục vụ Tết âm lịch năm 1963

Những ngày được gần Bác

Vào khoảng tháng 10 năm 1945, tôi cùng một số đồng chí được giao nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ. Gần Bác, mới thấy Bác hồi này thật là vất vả. Cách mạng đang ở thời kỳ trứng nước, lại gặp biết bao khó khăn trở ngại. Trăm công nghìn việc Bác đều phải lo: Nào đối phó với thầy, tớ bọn Tưởng Giới Thạch, nào lãnh đạo Tổng tuyển cử đầu tiên của nhân dân ta, xây dựng lực lượng vũ trang để bảo vệ Tổ quốc, chống đói, chống dốt, xây dựng đời sống mới, v.v… Mặc dầu bận rộn ngày đêm, Bác vẫn chú ý chăm sóc anh em cảnh vệ chúng tôi. Thấy anh em chúng tôi trình độ văn hoá còn thấp. Người liền đặt chương trình cho chúng tôi học, giáo viên thì phân công người khá dạy người kém. Bác lại dạy cả cách đọc báo, nghiên cứu tài liệu và trực tiếp giảng dạy lý luận cách mạng cho chúng tôi.

Hồi này chúng tôi rất căm bọn quân Tưởng sách nhiễu dân mình, nhưng được Bác giảng giải, nên hiểu rằng chưa thể diệt lũ giặc này. Riêng đối với bọn “Việt quốc” tay sai bọn Tưởng thì tôi vẫn cho rằng quét ngay đi. Một hôm, trong buổi học thời sự tôi hỏi Bác:

- Thưa Bác, tại sao chúng ta cứ để mãi cái bọn bán nước giết người độc ác ấy? Cháu tưởng Bác cứ ra lệnh là chỉ một đêm chúng cháu sẽ quét sạch chúng.

Bác cười, chỉ gian phòng làm việc rồi hỏi tôi:

- Bây giờ có con chuột nó vào phòng, các chú lấy gạch đá ném hay khéo tìm cách bắt nó, hoặc đuổi nó đi?

- Dạ, lấy gạch đá ném sẽ vỡ mất các đồ quý trong phòng ạ.

Bác kết luận:

- Đối với bọn phản cách mạng hiện nay cũng thế, nó lú nhưng chú nó khôn. Muốn làm được việc lớn thì phải biết trông xa, nhìn rộng.

Hiểu được rõ vấn đề, từ đấy chúng tôi không thắc mắc nữa.

Bác làm việc rất nhiều mà ăn uống chẳng có gì! Vẫn cơm gạo đỏ, rau muống, Bác ăn chung với các anh em cảnh vệ và cơ quan. Mãi sau chúng tôi mới được nấu riêng cho Bác ăn. Năm ấy lúa mùa bị lụt mất nhiều, lại phải cung cấp gạo cho quân Tưởng Giới Thạch, nên đầu năm 1946, nạn đói lại đe doạ. Để giải quyết tình hình, một mặt Bác kêu gọi tăng gia sản xuất, tiết kiệm, một mặt Bác đề ra phong trào “Bớt bữa cứu đói”, Bác tự bớt bữa ăn vào chiều thứ Bảy.

Thế là những ngày thứ Bảy, Bác chỉ ăn một bữa trêm! Đêm đêm nhìn Bác làm việc rất khuya, tôi tự nhiên ứa nước mắt. Tôi ước mình có tài gì mà giúp Bác giải quyết được công việc một chút thôi thì cũng thoả lòng. Nhưng ngoài công tác cảnh vệ, tôi chỉ còn có cách gom giấy cũ làm phong bì, mở dán công văn thôi!

Tính Người rất dễ xúc động. Người ngủ trên một căn gác nhỏ và thường thường cứ bốn giờ sáng, Người dậy làm việc. Sáng hôm ấy, ngoài trời gió bão vun vút đập vào cửa kính, ngồi trong nhà còn thấy lạnh, thế mà đã có tiếng trẻ em rao hàng! Người mở cửa ngó nhìn cho tới khi em bé đi khuất mới khép cửa lại. Tôi thấy nước mắt của Người đọng trên hàng mi.

Làm việc, ăn uống như vậy, giấc ngủ chả mấy khi yên, lại phải đổi chỗ luôn để đối phó với bọn Tưởng và bọn phản cách mạng. May mà sức khoẻ của Bác hồi này lại tốt. Bác tập luyện rất kiên trì. Sáng dậy hoặc buổi tối trước khi đi ngủ, bao giờ Bác cũng tập luyện theo phương pháp thông thường, rồi chuyển sang tập quyền. Bác thích bài “Thái cực quyền”. Ai đã được tập qua “Thái cực quyền”, tất hiểu cái khó nhọc khi đi hết 108 thế võ. Bề ngoài trông rất mềm dẻo nhưng thật ra gân cốt phải vận động rất nhiều, nhất là tư tưởng phải tập trung.

Nhớ lại hồi đó cũng có lắm cái thích. Những đêm trăng, Bác cháu thường tập luyện trên sân thượng của toà nhà Bắc bộ phủ. Có lúc trăng lên giữa đỉnh đầu bóng cây Hoàng lan đu đưa trước gió, Bác lướt đi những đường quyền vừa mềm mại, vừa nhanh mạnh. Nhìn Bác đứng các thế võ, tôi có cảm giác Bác là một ông tiên đang dậy võ, mà tôi là đồ đệ đang học đạo.

… Sau ngày toàn quốc kháng chiến, các cơ quan ta về đóng ở vùng núi Hà Đông. Tôi nhớ vào dịp Tết năm ấy, Trung đoàn Thủ đô đang đánh giặc rất hăng ở Liên khu I, Hà Nội. Để động viên toàn dân kháng chiến, cổ vũ các chiến sĩ đánh giặc, Bác tới Đài phát thanh đọc lời chúc Tết. Khi về tới giữa đường, bỗng nhiên ô tô bốc cháy ở đầu máy. Đồng chí lái xe vừa phanh lại, chúng tôi nhảy xuống đỡ Bác ra, rồi chạy đi tìm nước. Nhưng nhìn quanh khắp cánh đồng khô cạn, nứt nẻ, chẳng tìm đâu ra nước! Đang lúng túng chưa có cách gì chữa cháy, tôi đã thấy Bác nhanh nhẹn lấy hai bi-đông nước uống để sau ô tô ra đổ vào chỗ đầu máy đang bốc cháy. Mất hơn một bi-đông thì lửa tắt.

Qua kinh nghiệm này, từ lần sau, mỗi khi đi đâu, bằng phương tiện gì, tôi đều dự phòng những việc có thể xảy ra rồi dự kiến cách đối phó. Như vậy, khi gặp điều không hay sẽ ứng cứu được dễ dàng.

Đầu năm 1947, trước thế giặc hung hãn, để tiện cho việc lãnh đạo kháng chiến, các cơ quan lãnh đạo của ta lại trở về vùng Tuyên - Thái, nơi căn cứ địa trước Cách mạng Tháng Tám.

Sinh hoạt ở đây càng gian khổ hơn so với thời còn ở Hà Đông và Sơn Tây.

Nhớ những ngày đầu tới châu Tự Do (Sơn Dương) bộ phận đi với Bác rất gọn nhẹ, tất cả chỉ có tám người vừa làm cảnh vệ, vừa liên lạc, cấp dưỡng. Chúng tôi làm một chiếc lán dài ngăn đôi, một nửa để Bác ở và làm việc, một nửa chúng tôi ở và làm luôn phòng ăn, phòng họp.

Công tác cảnh vệ lúc này thật lắm thứ: Phòng giặc, phòng gian, phòng cả thú rừng nữa. Anh Hoàng Hữu Nam (Thứ trưởng Bộ Nội vụ lúc bấy giờ) gửi biếu Bác hai mẹ con con chó béc-giê để canh nhà. Nhưng chưa được bao lâu thì một đêm hổ đến vồ cả hai mẹ con nó đi mất.

Sinh hoạt hồi này kham khổ, hàng ngày toàn cơm gạo đỏ, ăn với rau tàu bay luộc hoặc xào. Thỉnh thoảng có chút thịt thì băm nhỏ, trộn hai phần thịt, một phần muối, một phần ớt rồi cất đi ăn dần. Bác gọi vui là món “thịt hộp Việt Minh”.

Đến bất cứ đâu, hễ tạm thu xếp xong chỗ ăn ở, Bác lại đưa chúng tôi vào chương trình học chính trị, văn hoá, Bác rất coi trọng việc phổ biến cho chúng tôi am hiểu tình hình thời sự.

Nhớ một đêm, chúng tôi ngồi quanh bếp lửa, sinh hoạt như thường lệ. Sau khi nghe phổ biến tin chiến sự và chủ trương của Đảng, chúng tôi đang trao đổi ý kiến thì Bác tới, Người ngồi lên một gốc củi rồi hỏi chúng tôi có thắc mắc gì không?

Một đồng chí trong chúng tôi hỏi Bác:

- Thưa Bác, chúng cháu nghĩ mà vẫn chưa rõ tại sao ta phải đánh trường kỳ, vì đánh trường kỳ thì hại người, hại của lắm!

Bác phân tích cho chúng tôi nghe rõ các mặt lợi hại rồi lấy một ví dụ:

- Sức ta bây giờ như trai mười sáu, mà thế giặc bây giờ như một lão già qủy quyệt, độc ác. Nếu ta cậy sức đánh bừa thì sao chắc thắng được? Phải vừa đánh vừa nuôi cho sức mình lớn khỏe lên. Khi sức ta đã hai mươi, mà giặc đã suy yếu, già cỗi, ta mới lừa thế quật nó ngã, như vậy có chắc thắng không?

Bác kết luận:

- Vì vậy nên kháng chiến trường kỳ mới nhất định thắng lợi. Sau đó, Bác bảo chúng tôi:

- Các chú ở đây mỗi người một tên, khó gọi mà dễ lộ bí mật. Để dễ gọi, dễ giữ bí mật và cũng để tỏ rõ quyết tâm kháng chiến của chúng ta, từ nay Bác đặt cho các chú tên mới theo câu Bác vừa nói, các chú có đồng ý không?

- Dạ! Chúng tôi phấn khởi xin Bác đặt tên cho.

Bác chỉ lần lượt từng đồng chí trong tiểu đội và gọi tên mới. Từ đó tám anh em chúng tôi có tên mới là: Kháng, Chiến, Trường, Kỳ, Nhất, Định, Thắng, Lợi.

Tới giữa năm 1947, tình hình các mặt trận đã tạm thời ổn định. Bác đề ra cho các cơ quan phải sản xuất để tự túc một phần. Muốn vậy, cần phải có địa điểm ở tương đối tốt.

Mỗi khi chúng tôi đi tìm địa điểm, Bác thường dặn những điều cần thiết.

Nghe nhiều lần và cũng học theo Bác, tôi tự sắp lại như một bài vè cho dễ nhớ.

Trên có núi

Dưới có sông

Có đất ta trồng

Có bãi ta vui

Tiện đường tới Trung ương

Thuận lối sang bộ Tổng

Nhà thoáng, ráo, kín đáo

Gần dân, không gần đường.

Chỉ có mấy câu ấy thôi, nhưng thực hiện được thật là khó. Núi đẹp thì thiếu sông, được nơi kín đáo lại không thoáng, ráo, không gần dân. Tuy vậy gắng sức vẫn tìm ra được nơi vừa ý, vừa giữ được bí mật vừa tăng gia sản xuất tốt, vừa sơn thủy hữu tình.

“Phủ Chủ tịch” hồi này cũng không còn là chiếc lán dài nữa. Chúng tôi làm riêng cho Bác một cái nhà lầu. Tầng dưới Bác làm việc ban ngày, tầng trên để Bác ngủ và làm việc ban đêm, như vậy tránh được thú dữ và ẩm thấp.

Gọi là “nhà lầu”, thật ra nó bé lắm. Bác giao hẹn: Chiều cao chỉ hơn một đầu một với của Bác một chút, chiều ngang Bác đưa tay sang phải, sang trái vừa chạm đến, để tiện lấy được các vật dùng để ở vách.

Bác bảo làm như vậy đỡ tốn công sức lao động, tiện giữ bí mật. Trên sàn chỉ cần một cái bàn con để Bác ngồi viết, xem sách là đủ.

Đồ dùng riêng của Bác thật là giản dị. Chỉ có cái chăn, cái màn, vài bộ quần áo và đôi dép cao su chúng tôi mua ở Phố Châu. Nếu được lệnh di chuyển đi đâu, chúng tôi chỉ việc đem cái màn và mấy bộ quần áo cuộn vào cái chăn của Bác thành một gói, thế là xong. Về văn phòng thì có ít sách, ít tài liệu đựng trong chiếc túi, đi đâu Bác đeo lấy; chúng tôi chỉ mang chiếc máy chữ xách tay.

Dạo này, sớm chiều Bác vẫn tập võ thuật. Bác còn hay tham gia đánh bóng và bơi lội nữa. Bác chơi bóng chuyền rất vui. Bác búng bóng, phát bóng chắc chắn, nhưng tuổi già nên thường chỉ đỡ được những quả nhẹ và ở phía trước. Do đó, hễ bên kia bị thua là cánh trẻ họ cứ nhằm Bác mà bỏ nhỏ. Những lúc ấy, Bác thường cười và kêu lên:

- A, nó truy “tủ”!

Bác cháu cười vang cả khu rừng.

Những lúc bơi lội, chúng tôi thường bơi quanh Bác để giúp Người những khi qua dòng nước mạnh. Bác thường đùa, chỉ vào mình và chúng tôi mà nói:

- Đây là “bà già” còn đây là các tàu bay khu trực.

Nhờ tập đều như vậy, nên mỗi khi đi công tác qua sông, qua suối, bất kể ngày đêm, Bác vẫn cùng chúng tôi bơi qua một cách dễ dàng. Những lúc đi công tác gặp lũ to, suối lớn, cũng ít khi Người chịu dừng lại.

Cuối Thu năm 1947, cuộc sống của Bác cháu chúng tôi đã khá chu đáo. Quanh nhà đã có vườn rau, dàn mướp, đàn gà, sân bóng, xà đơn, xà kép. Bác còn bảo mua đàn về cho các đồng chí ta học nhạc, học hát cho vui.

Thỉnh thoảng, Bác lại cho chúng tôi tới làm giúp dân ở các xóm quanh đó, bày cho bà con biết cách làm ăn theo kỹ thuật miền xuôi, hoặc cho thuốc chữa bệnh, tham dự các buổi họp của dân… Đồng bào và chúng tôi đoàn kết vui vẻ lắm.

Giữa lúc ấy thì địch nhảy dù xuống thị xã Bắc Cạn. Giặc bắt đầu cuộc tiến công ồ ạt vào căn cứ địa Việt Bắc. Chúng cho Binh đoàn Bô-phrê từ Lạng Sơn lên chiếm Cao Bằng, Binh đoàn Com-muy-nan từ Việt Trì ngược sông Lô lên chiếm Đoan Hùng, Tuyên Quang, Chiêm Hoá, với âm mưu hội quân ở Bắc Cạn, tạo thành một cái ô bọc lấy Việt Bắc, rồi cụp ô lại, khép chặt vòng vây, dưới đánh lên, trên đánh xuống, nhảy dù vào những nơi nghi cơ quan của Đảng và Chính phủ ta để lùng bắt, phá cho được đầu não của cuộc kháng chiến. Chúng hy vọng sau đó sẽ chuyển sang thời kỳ “bình định” nốt các vùng khác.

Sau khi Bác đã bàn bạc với Trung ương Đảng, với Bộ Tổng tư lệnh để đối phó với tình hình rồi, Người cho lệnh rời cơ quan.

Tôi hỏi Bác về tình hình, Bác bảo:

- Chúng mạnh về hai gọng kìm, gọng kìm mà gãy, thì cái ô cụp xuống sẽ thành ô rách! Chỉ tiếc là ta chưa có đủ chủ lực để chặn bàn tay của chúng thò vào trong ô, nên Bác và các chú cũng sẽ vất vả ít lâu đấy!

Tôi chưa hiểu nhưng cũng không tiện hỏi thêm.

Đêm ấy, chúng tôi xếp ra vừa tám gánh. Trời tối, mưa trơn, gió bấc hun hút. Bác, quần áo xắn gọn, tay chống gậy, khăn mặt vắt vai, chờ người đến dẫn đường là đi.

Ngày hôm sau, trước lúc lên đường, Bác bảo: “Rút kinh nghiệm đêm qua hành quân thiếu công tác chính trị nên mệt, hôm nay các chú đi gần Bác, Bác kể chuyện cùng nghe”.

Lúc đầu Bác kể chuyện vui, chuyện thời sự, sau Người bảo:

- Các chú cần phải hiểu và thuộc Kiều, Chinh phụ ngâm mới được, đó là những áng thơ hay của nước mình.

Chúng tôi vâng lời. Người bắt đầu dạy. Tiếng Bác đọc trước, tiếng chúng tôi học theo sau, giọng ngân nga trầm bổng, làm cho đôi chân bước quên cả mỏi.

Sau hai đêm vất vả, chúng tôi về tới địa điểm và bố trí cơ quan làm việc trong một khu rừng. Ở đây ít lâu thì tin chiến thắng Bông Lau trên đường số Bốn, chiến thắng Sông Lô, Đoan Hùng, Đình Cả, dồn dập bay về. Lúc này, nhớ lại lời Bác nói trước khi đi, tôi thấy sáng ra. Tôi nghĩ: “Gọng kìm chưa gẫy nhưng không mạnh nữa rồi!”.

Thu dọn, bố trí chỗ ở vừa xong. Bác lại cho chúng tôi đi gặt giúp dân. Lúc này, dân đang gặt gấp để cất giấu thóc lúa phòng địch nhảy dù đốt phá.

Một đêm, khoảng mười hai giờ, Bác đi họp về gần tới cơ quan, bỗng nghe tiếng vó ngựa dồn dập từ phía sau vọng đến. Bác bảo:

- Chừng lại có việc gấp rồi!

Lát sau, một đồng chí cán bộ cao cấp của Bộ Quốc phòng cùng đồng chí bảo vệ, từ trên mình hai con ngựa ướt đẫm mồ hôi nhảy xuống báo cáo với Bác, và đưa thư của anh Văn (tức đồng chí Võ Nguyên Giáp) xin ý kiến Bác.

Thì ra tình báo của ta vừa bắt được tin địch ngày mai nhảy dù chiếm khu vực này, phối hợp với Binh đoàn Bô-phrê từ Bắc Cạn kéo về, tiến hành càn quét vùng Thái Nguyên, Tràng Xá.

Bác viết thư trả lời anh Văn, dặn dò và cho đồng chí cán bộ bộ đội trở về. Bác lại dùng điện thoại nói với các cơ quan gần đấy. Sau đó, Người ra lệnh cho chúng tôi thu xếp chuyển cơ quan. Thu xếp xong, vừa ba giờ sáng.

Bác ra lệnh đi cả ngày, đi phân tán thành từng tổ hai ba đồng chí. Tôi được đi với Bác. Tới giữa một cánh đồng thấy có một cái lều bỏ trống, Bác bảo vào nghỉ một chút cho đỡ mệt rồi sẽ đi. Đêm qua, Bác đã làm việc ở hội nghị rất khuya. Hôm nay, Bác lại làm việc cả ngày cả đêm, Bác cần phải nghỉ một chút để lại sức. Dù chỉ còn hai giờ nữa là sáng mà chỉ có hai Bác cháu, Bác vẫn cắt gác. Bác bảo: “Chú đi ngủ, rồi dậy gác từ năm giờ đến sáu giờ”. Bác đã bảo là phải nghe nên tuy áy náy tôi cũng phải tuân lệnh. Mệt quá nằm xuống, tôi thiếp đi luôn. Mãi đến năm giờ mười, Bác mới gọi tôi dậy thay gác.

Trời sáng dần. Tôi ngồi ngoài cửa nhìn Bác ngủ. Kỳ này Bác khoẻ lắm! Nước da hồng hào, gân ở bắp chân nổi lên cuồn cuộn. Bác đi bộ một đêm bốn mươi cây số là chuyện thường. Nhưng râu tóc so với ngày tôi mới được gần Bác thì bạc đi nhiều rồi.

Thương Bác suốt ngày vất vả, tôi định để Bác ngủ tới sáu giờ ba mươi sẽ gọi. Nhưng đúng sáu giờ Bác đã dậy.

Lúc này trời có sương mù nên cũng đỡ ngại địch nhảy dù sớm, Bác cháu tiếp tục lên đường. Dọc đường, tôi phàn nàn:

- Giá có lấy một tiểu đoàn bảo vệ thì Bác đỡ vất vả.

Bác ngạc nhiên hỏi tôi:

- Sao chú lại nghĩ vậy! Nếu ta có lực lượng thì để đánh giặc chứ! Có đánh được giặc mới bảo vệ được mình.

Sau đó Bác giải thích cho tôi rõ: Vì phong trào chiến tranh du kích chưa cao, nên ta còn phải phân tán bộ đội ra xây dựng cơ sở du kích trong các tỉnh. Khi nào chiến tranh du kích đã phát triển, lúc ấy ta sẽ rút dần bộ đội về, thành lập các lực lượng chủ lực bấy giờ mà chúng còn mò sâu vào vùng tự do của ta như thế này, chúng sẽ biết!

Cả ngày hôm ấy, Bác cháu đi miết về đến Quảng Nạp. Đến đây được tin khoảng trưa hôm đó địch đã nhảy dù xuống khu vực cơ quan vừa di chuyển.

Đang chờ nghe tin các nơi, thì địch đã nhảy dù xuống Cù Vân, Đại Từ và Binh đoàn Bô-phrê chia một cánh quân tới chiếm Quán Vuông, Chợ Chu, phối hợp càn quét khắp vùng này. Bác ra lệnh cho các cơ quan chuyển sâu lên phía thượng nguồn sông Đáy.

Về địa điểm mới được mấy ngày thì được tin giặc đã bị đánh đau khắp các ngả nên đã phải rút khỏi Thái Nguyên, chạy về Hà Nội. Chiến dịch Việt Bắc 1947 là một thất bại lớn đầu tiên của giặc Pháp. Chúng tiến công ta, nhưng phải bỏ lại hàng ngàn xác chết, bị bắt sống hàng trăm tên mà không đạt được mục đích gì.

Và từ đấy, thế giằng co giữa ta và địch đã xuất hiện ở chiến trường chính, căn cứ địa của ta ngày càng vững vàng; lực lượng ta ngày càng lớn mạnh. Nhà ở của Bác, chúng tôi xây dựng chu đáo hơn. Vườn rau, nương sắn, Bác cháu trồng cũng tốt tươi, đẹp đẽ hơn…

Ngọc Châu ghi theo lời kể của các đồng chí K.M.T
 Trích trong sách Chúng ta có Bác Hồ, Nxb. Lao động, H.1999

Bác ở thế này là được rồi

  Đồng chí Phạm Lê Ninh, Trưởng phòng, Cục Cảnh vệ, Bộ Công an , bảo vệ Bác Hồ từ năm 1954 đến năm 1962 kể lại câu chuyện sau:

Những ngày đầu tiếp quản Thủ đô, Văn phòng Trung ương bố trí nơi làm việc tạm thời của Bác ở khu Đồn Thủy cũ. Ít ngày sau Văn phòng mời Bác về ở một biệt thự. Đó chính là Dinh của Phủ Toàn quyền Pháp ở Đông Dương, được xây từ những năm đầu thế kỷ XX. Cùng đi với Bác hôm đó có anh Bảy, anh Kiên, anh Vũ Kỳ và một số đồng chí phục vụ, bảo vệ.

Sau khi đi dạo quanh ngôi nhà một lượt, Bác nói với chúng tôi:

- Ngôi nhà đẹp đấy. Các chú hãy quét dọn sạch sẽ, sửa chữa lại làm nơi vui chơi cho các cháu thiếu nhi. Bác không ở đây đâu. Bây giờ các chú cho Bác xem những nhà khác ở khu vực này.

Các đồng chí phục vụ hướng dẫn Bác đi qua khu vườn rất rộng ở phía trái ngôi nhà. Bác ung dung vừa đi vừa ngắm cảnh, nét nặt bình thản, ánh mắt vui vui. Đến dãy nhà trước đây dành cho những người phục dịch trong Phủ Toàn quyền, Bác xem khắp lượt, rồi chỉ một căn nhà nhỏ nhất nói với các đồng chí cùng đi.

- Các chú hãy sắp xếp cho Bác ở nhà này.

Đó là căn nhà mái bằng, cách Nhà sàn hiện nay một cái ao, khoảng một trăm mét. Trước là nơi ở của người thợ điện. Nhà có ba phòng, mỗi phòng rộng khoảng mười mét vuông.

Căn nhà của Bác diện tích như vậy, nhưng được sắp đặt ngăn nắp. Một phòng Bác ở, phòng kia làm việc. Mùa Đông nhà Bác có phần ấm áp. Mùa Hè các đồng chí phục vụ đặt một chiếc quạt bàn nhưng phòng nhỏ, trần thấp nên buổi trưa và chiều vẫn nóng. Bác ít dùng quạt bàn. Người ưa dùng chiếc quạt lá cọ ở vườn ép và phơi khô. Ngày hè oi ả, có lúc thấy Bác làm việc, trên vầng trán rộng của Người lấm tấm mồ hôi, chúng tôi xin phép được thay nhau quạt cho Bác, nhưng Bác bảo: "Bác tự làm được các chú cứ để mặc Bác".

Dịp ấy, Bác đi công tác vắng, các đồng chí bên Bộ Ngoại giao công tác ở nước ngoài gửi biếu Bác một chiếc máy điều hòa nhiệt độ. Các anh quyết định cho lắp máy điều hòa vào phòng của Bác, định khi Bác về sẽ xin phép sau.

Sau một tuần đi công tác, Bác về. Sau khi thăm hỏi mọi người, Bác nói:

- Các chú này, hôm nay nhà mình có mùi gì lạ quá.

Biết không giấu được Bác, anh Vũ Kỳ và các đồng chí phục vụ xin lỗi Bác, rồi trình bày rõ lý do về chiếc điều hòa nhiệt độ. Đầu giờ làm việc chiều hôm ấy, Bác gọi anh Vũ Kỳ lên và ân cần bảo:

- Chiếc máy điều hòa nhiệt độ tốt đấy, các chú có thể đem đến cho quân y viện hoặc Trại điều dưỡng thương binh. Hôm trước Bác đến thăm thấy các chú ấy ở nóng lắm. Còn Bác thì chưa cần, Bác ở thế này là được rồi.

Thế là ngay trong buổi chiều hôm ấy, chiếc máy điều hòa nhiệt độ được đưa ra khỏi căn phòng của Bác.

Bác Hồ là người luôn luôn dành những tình cảm và sự quan tâm chăm sóc của mình đối với các đồng chí thương bệnh binh, những người đã vì độc lập tự do của dân tộc mà hy sinh một phần thân thể của mình trên chiến trường. Những món quà và tình cảm của Bác đã động viên các đồng chí rất nhiều trong cuộc sống, lao động và học tập, giúp họ thực hiện tốt lời dạy của Người "Thương binh tàn nhưng không phế".

Trích theo sách: Chuyện kể của những người giúp việc
Bác HỒ, NXB. Thông tấn, H, 2003, tr 181

 Đức Hiếu (Tổng hợp)
Còn nữa

Bài viết khác: