Đã 56 năm trôi qua, nhưng với ông Nguyễn Tân Hòa (Tô Hiệu, thành phố Sơn La, Sơn La) ký ức về lần gặp Bác vẫn mãi vẹn nguyên trong tim.
Bác Hồ thăm đồng bào Tây Bắc 5/1959 (Ảnh tư liệu)
Đó là vào dịp kỷ niệm 5 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Hồ Chủ tịch lên thăm đồng bào các dân tộc, bộ đội, cán bộ khu tự trị Thái - Mèo. Chiều ngày 6 tháng 5 năm 1959, Bác và Đoàn công tác đến sân bay Nà Sản và lên thẳng Thuận Châu, thủ phủ Khu tự trị Tây Bắc lúc đó trong sự chào đón hân hoan của cán bộ, bà con các dân tộc nơi đây.
Ông Tân Hòa lúc đó là cán bộ Văn phòng Ủy ban Hành chính Khu tự trị được phục vụ Bác từ chiều ngày 6 đến trưa ngày hôm sau. Chỉ trong 24 giờ đồng hồ Bác ở lại làm việc, thăm hỏi bà con, nhưng với những người được gặp Bác dịp đó đã học tập được nhiều điều từ lời nói đến việc làm, tác phong làm việc của Bác.
Ông Tân Hòa nhớ lại bài học đầu tiên mà ông nhận được đó là tác phong "giờ nào việc nấy". Vào buổi tối ngày 6 tháng 5, lãnh đạo khu ủy - Ủy ban Hành chính Khu tự trị Thái - Mèo mở tiệc mời Bác và phái đoàn Chính phủ và sau đó có buổi biểu diễn văn nghệ chào mừng Bác đến thăm vào lúc 19 giờ.
Bác đã ăn cơm rất nhanh và khi đồng hồ chỉ 18 giờ 45 phút, Bác đến nơi các đại biểu đang dự tiệc và nói: "Này các chú ơi, hôm này các anh ở khu mời Bác và các chú đi xem văn công, sắp đến giờ rồi đó ta đi thôi kẻo muộn". Nghe theo lời Bác mọi người đứng dậy, rồi cùng Bác đi sang hội trường xem văn công mặc dù lúc đó bữa tiệc vẫn còn đang dở dang. Hành động này của Bác cho thấy tác phong làm việc rất giờ giấc của Bác.
Khi kể về lễ mít tinh buổi sáng mùng 7 tháng 5, với giọng kể hào sảng đầy xúc động ông Tân Hòa vẫn thấy như mới xảy ra ngày hôm qua vậy. Phải 6h30 phút mới bắt đầu, nhưng ngay từ sáng sớm khoảng một vạn người từ các vùng đã có mặt tại sân vân động huyện Thuận Châu ngóng chờ giây phút được gặp vị Chủ tịch kính yêu. Trong không khí hân hoan, những tiếng hô “Hồ Chủ tịch muôn năm" luôn vang lên không ngớt.
Chỉ trên quãng đường ngắn hơn 500 mét từ nhà nghỉ đến sân vân động, thông qua những hành động và lời nói của mình Bác Hồ đã nhắc nhở cán bộ phải biết tiết kiệm, tiết kiệm từ những việc nhỏ nhất, đặc biệt cán bộ địa phương phải thật hiểu về phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc.
Ông Tân Hòa còn tự hào hơn khi chính ông được cử đánh máy lại bài phát biểu của Bác tại Thuận Châu hôm đó. Trong bài phát biểu chỉ dài 1.440 từ Bác không chỉ khuyên đồng bào các dân tộc phải đoàn kết mà cán bộ địa phương cũng phải đoàn kết với cán bộ nơi khác đến và ngược lại để làm cho đời sống ngày càng ấm no và vui tươi hơn.
Bác căn dặn nhân dân thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, chăm lo việc học của con em, đặc biệt ra sức bảo vệ rừng cho tốt. Cán bộ, đảng viên và đoàn viên thanh niên phải đoàn kết chặt chẽ, gương mẫu cho đồng bào.
Mới đó đã 56 năm rồi, nhưng hình ảnh và những lời căn dặn của Bác vẫn sáng mãi trong tim, theo ông Tân Hòa trong suốt chặng đường sinh sống và làm việc trên mảnh đất Sơn La. Từ một cán bộ Văn phòng Uỷ ban Hành chính Khu đến năm 1962 ông là Trưởng phòng Lao động tỉnh Sơn La và năm 1964 ông chuyển sang làm Văn phòng Tỉnh ủy. Dù ở cương vị công tác nào ông cũng đều hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Và đến bây giờ đã ở cái tuổi 85 ông vẫn nhiệt tình tham gia nhiều hoạt động xã hội tại địa phương, khu phố, vẫn là thành viên tích cực của Hội Nhà báo Sơn La, Hội Khoa học kỹ thuật của Tỉnh...Hạnh phúc hơn với ông là các con, các cháu ông cũng học tập theo bố trở thành những cán bộ, đảng viên năng nổ, nhiệt tình, trách nhiệm trong công việc./.
Chương trình Các vấn đề xã hội (Đài TNVN)
Khúc Thị lan Hương (st)