Di tích Núi Chung

Di tich KL phan 3 anh 1
Núi Chung

Núi Chung xuất hiện vào kỷ Tân Sinh, cùng thời với các dãy Thiên Nhẫn, Đại Huệ. Các đỉnh núi thời kỳ này đều có đặc điểm là bị phong hóa, có hình dạng bát úp.

Núi Chung được nhân dân Kim Liên, Nam Đàn (Nghệ An) ví như cái chuông khổng lồ úp nghiêng. Núi có nhiều động. Các cụ già sống ở làng gần núi nhất (làng Tình Lý) nói: Núi Chung có 9 động, do tác động của thiên nhiên bào mòn và con người (động Ngang mới bị san ủi khi xây dựng Trường phổ thông trung học Kim Liên) nên hiện nay chỉ còn 5 động. Cả 5 động đều có chiều cao khiêm tốn. Động cao nhất đo được 48,68 m. Hai động thấp nhất là động Khoai và động Sét nằm sâu trong làng Ngọc Đình. Nơi đây có đền Thánh Cả, có chùa Đại nổi tiếng với cảnh trí thật đẹp, hiện đang có dự án tôn tạo lại.

Trên động Móng ở phía đông, gần làng Kẻ Móng (Vân Hội) có khoảng đất rộng 395 m2 rất đẹp. Tương truyền, thuở nhỏ, Bác Hồ thường lên đây để “Thâu vào tầm mắt muôn trùng nước non”.

Kim Liên có 7 làng đều ở xung quanh núi Chung. 4 làng ở cận kề (2 làng ở ngay chân núi, 2 làng có ruộng tiếp giáp); còn lại: Bắc giáp làng Hoàng Trù (qua Bàu Cự); phía đông giáp làng Vân Hội; phía nam giáp làng Tình Lý; phía tây giáp làng Ngọc Đình. Nhờ có vị trí đặc biệt nên núi Chung được xem là núi không của riêng ai. Tên của xã ngày trước đặt theo tên núi: Chung Cự (Chuông lớn). Mọi sinh hoạt văn hóa, tâm linh, rồi giao lưu kinh tế đều quy tụ ở núi Chung. Trên núi Chung có những ngôi mộ cổ, có đền nguy nga (đền Cả), chùa đẹp (chùa Đạt, còn có tên là Bảo Quang Tự), có nhà thánh tổng Lâm Thịnh, có chợ Cầu, có nhiều cây xanh, khoảng đất bằng phẳng thuận lợi cho sinh hoạt cộng đồng). Núi Chung là địa danh gắn bó mật thiết của nhân dân Kim Liên bao thế hệ. Thời cận đại, núi Chung là nơi đóng đại bản doanh đội Chung Nghĩa (quân Cần Vương) của lãnh tụ Vương Thúc Mậu. Đây là chỗ tế cờ và là nơi xuất phát các trận đánh giặc Pháp và tay sai của nghĩa quân.

Bác Hồ kính yêu của chúng ta, thuở nhỏ đã gắn bó với núi Chung qua những buổi thả diều, đánh trận giả, kéo co với bạn bè quanh Dăm Sim hoặc trèo lên các động cao, hoặc thăm các công trình văn hóa, tâm linh đẹp đẽ và hoành tráng trên núi. Vào những năm 1930-1931, núi Chung là nơi hội họp của chi bộ Đảng Cộng sản tổng Lâm Thịnh. Cờ đỏ búa liềm đã từng tung bay trên núi Chung làm nức lòng quần chúng và khiến kẻ thù khiếp sợ. Ngày nay, núi Chung được trồng nhiều cây xanh quý hiếm, có cây đã mọc cao 20m. Hệ thực vật ở đây đã phong phú… có đến 187 loài với 149 chi, 65 họ. Núi được làm nơi vui chơi của các cháu thiếu niên, nhi đồng; nơi tiến hành lễ hội, cắm trại, tham quan của học sinh trong xã, trong huyện, trong vùng. Nhiều dự án xây dựng các công trình văn hóa ở núi Chung đang được thực hiện và chắc chắn sẽ trở thành địa điểm hấp dẫn khách tham quan, du lịch khi về thăm quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Năm 1991, núi Chung đã được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Mộ bà Hoàng Thị Loan (thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh)

Di tich KL phan 3 anh 2
Bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh

Mộ bà Hoàng Thị Loan toạ lạc trên đỉnh núi Động tranh thấp trong một khu rừng rộng hơn 10ha, thuộc xóm 10 xã Nam Giang, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. 

Di tich KL phan 3 anh3
Toàn cảnh khu vực mộ bà Hoàng Thị Loan

Bà Hoàng Thị Loan sinh năm Mậu Thìn (1868) ở làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An là con gái đầu lòng của cụ Hoàng Xuân Đường và Nguyễn Thị Kép. Năm 1883, bà kết hôn với Nguyễn Sinh Sắc, chàng nho sinh nghèo, mồ côi được cụ Hoàng Xuân Đường nuôi cho ăn học. Bà Hoàng Thị Loan, người con gái đẹp người, đẹp nết, thông minh, giản dị cần cù, tảo tần vất vả giúp chồng ăn học và nuôi con khôn lớn, bà đã có công sinh thành và dưỡng dục 3 người con yêu nước Nguyễn Thị Thanh – tự Bạch Liên (sinh năm 1884), Nguyễn Sinh Khiêm – tự Tất Đạt (sinh năm 1888) và Nguyễn Sinh Cung – tự Tất Thành tức Chủ tịch Hồ Chí Minh (sinh ngày 19-5-1890) các con của bà đều là người giàu nghị lực, chí yêu nước thương nòi và làm nên việc lớn có ích cho nước, có lợi cho dân.

Năm 1895 bà đưa hai con trai của mình là Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung vào Huế giúp chồng học tập và nuôi con trưởng thành. Ngày 22 tháng Chạp năm Canh Tý (10-02-1901) bà mất tại Huế, thi hài của bà được bà con xứ Huế mai táng ở núi Tam Tầng bên dãy núi Ngự Bình – Huế.

Năm 1922, hài cốt của bà được con gái đầu lòng Nguyễn Thị Thanh đưa về táng trong vườn nhà tại Làng Sen.

Năm 1942 người con trai cả là Nguyễn Sinh Khiêm chuyển hài cốt của bà đặt ở Núi Động tranh thấp trong dãy Đại Huệ, thuộc làng Hữu Biệt (nay là xã Nam Giang) huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Đứng ở vị trí này, thấy bao quát cả một vùng rộng lớn bao gồm cả huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên, Thanh Chương, Đức Thọ, Hương Sơn là những nơi có nhiều di tích lịch sử, văn hoá nổi tiếng. Vị trí này cũng chỉ cách quê hương cụ Nguyễn Thị Kép (bà ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh) ở làng Kẻ Sía, xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên chưa đầy 2km. Đặc biệt từ vị trí này nhìn về phía Tây Nam khoảng 4km là xã Kim Liên gồm 7 làng: Kim Liên, Hoàng Trù, Ngọc Đình, Mậu Tài, Vân Hội, Nguyệt Quả, Tỉnh Lý đều ở quanh núi Chung, trông rất ngoạn mục.

Sau Cách mạng Tháng Tám, sau khi gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hà Nội (3/11/1946), ông Nguyễn Sinh Khiêm về mới chỉ cho bà con trong họ biết chính xác vị trí ngôi mộ bà Hoàng Thị Loan.

Ngày 5/7/1983, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Nghệ Tĩnh ra Nghị quyết 03/NQ.TU tôn tạo, nâng cấp khu mộ bà Hoàng Thị Loan. Ngày 19/5/1984, Đảng bộ, nhân dân Nghệ Tĩnh và lực lượng vũ trang Quân khu IV tổ chức lễ khởi công. Chỉ một năm sau, công trình được hoàn thành. Ngày 16/5/1985, khu mộ được khánh thành, đón khách trong và ngoài nước đến tham quan, chiêm ngưỡng.

Để đáp ứng nhu cầu thăm viếng của du khách ngày càng cao, ngày 03/12/2001, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Nghệ An có Thông báo số 161.TB/TU "V/v bảo tồn, tôn tạo Khu Di tích lịch sử văn hoá Kim Liên gắn với phát triển du lịch". Ngày 11/8/2004, UBND tỉnh Nghệ An ra Quyết định số 3006/QĐ.UB.CN phê duyệt Dự án bảo tồn, tôn tạo Khu mộ bà Hoàng Thị Loan. Ngày 03/6/2011 tổ chức lễ khánh thành.

Di tich KL phan 3 anh 4
Cận cảnh mộ bà Hoàng Thị Loan

Khu mộ bà Hoàng Thị Loan được bảo tồn, tôn tạo rộng 65,2ha Khu mộ có 2 cổng: Cổng đón và cổng kết. Cổng đón để đón khách bắt đầu đi lên khu mộ, cổng kết là nơi tạm biệt khách khi kết thúc quy trình thăm viếng. Chiều dài từ cổng đón đến cổng kết dài 1.260m. Đoạn đường từ cổng đón lên đến mộ bà Hoàng Thị Loan có 269 bậc, từ mộ xuống đến cổng kết có 242 bậc. Trên đường lên và đường xuống được bố trí một số chòi nghỉ, diện tích mỗi chòi rộng 40m2. Đường lên và xuống có phong cảnh hữu tình, mỗi bên là thảm cỏ xanh chạy dọc theo sườn núi, một bên là dãy lan can màu xanh thẫm.

Từ cổng đón đi lên vài trăm mét có ngôi mộ cụ Hà Thị Hy (bà nội của Chủ tịch Hồ Chí Minh) cũng được tôn tạo lại. Đường đi lên từ mộ cụ Hà Thị Hy đến mộ bà Hoàng Thị Loan được đặt 33 đoá hoa sen bằng đá, tượng trưng cho 33 năm của cuộc đời Bà, mỗi đoá sen là một ngọn đèn toả sáng lung linh. Đường từ mộ Bà đi xuống đến cổng kết cũng được bố trí nhiều cây đèn đá.

Di tich KL phan 3 anh 5
Khu mộ Cố bà Hà Thị Hy

Sân chuẩn bị hành lễ trước mộ được mở rộng với diện tích là 200m2. Mặt sân và các bậc thang lên xuống được ốp bằng đá tự nhiên, lan can quanh sân được chạm trổ hình hoa sen, trông rất sinh động. Trong khu sân hành lễ có dựng hai tấm bia lớn bằng đá đen, một tấm khắc tiểu sử bà Hoàng Thị Loan, một tấm khắc nội dung quá trình bảo tồn, tôn tạo khu mộ.

Hài cốt bà Hoàng Thị Loan được giữ nguyên tại chỗ như khi ông Nguyễn Sinh Khiêm cát táng năm 1942. Ngôi mộ có hình dáng một bông hoa sen cách điệu. Mái che mộ có kiểu dáng mái đình làng cổ truyền, được cách điệu theo khung cửi dệt vải, lụa, một công cụ lao động tiêu biểu gắn bó với cuộc đời bà Hoàng Thị Loan. Phần mái chính giữa vượt cao hơn mái hai bên, tạo nên sự thông thoáng hài hoà giữa âm và dương. Phần đầu đao trên cũng tượng trưng cho con thoi dệt vải, lụa. Cạnh mộ có hai cụm hoa giấy do tỉnh Đồng Tháp và tỉnh Bình Trị Thiên trồng vào dịp làm Lễ khánh thành khu mộ lần thứ nhất (ngày 16/5/1985) nay được giữ lại, cắt tỉa nghệ thuật cho phù hợp với cảnh quan ngôi mộ vừa mới được tôn tạo.

Phía dưới chân núi Động Tranh có Công viên Đại Huệ rộng rãi, thoáng đãng. Cây ăn quả đặc sản trong công viên do các tổ chức của phụ nữ toàn quốc trồng lưu niệm. Dọc theo tuyến đường đi bộ trong công viên được trồng các loại cây có bóng mát do các địa phương biếu tặng.

Từ nhiều năm nay, mộ bà Hoàng Thị Loan đã đón hàng vạn lượt khách trong nước và bầu bạn quốc tế đến dâng hương, tưởng niệm với tấm lòng thành kính và biết ơn sâu sắc người mẹ đã có công sinh thành và nuôi dưỡng Chủ tịch Hồ Chí Minh một vĩ nhân được thế giới tôn vinh “Anh hùng giải phóng dân tộc - Danh nhân văn hoá thế giới”.

Cùng với Cụm Di tích Hoàng Trù, Di tích Làng Kim Liên, Di tích núi Chung và Khu mộ bà Hoàng Thị Loan là một quần thể Di tích lịch sử văn hoá đặc biệt. Khi được đến tận nơi rồi, cứ muốn nghe thêm những câu chuyện cảm động, say đắm cõi lòng. Khi xa rồi kỷ niệm đọng lại trong tâm trí về một nơi đã hội tụ và toả sáng chất văn hoá đậm đà sắc thái xứ Nghệ trong tâm thức người Việt Nam và cả bạn bè quốc tế./.

Kim Yến (Tổng hợp)

Bài viết khác: