Những ngày đầu bảo vệ Bác ở Bắc Bộ Phủ

Sau cái Tết đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (Tết Bính Tuất - 1946), tôi được chuyển sang phụ trách Tiểu đoàn 1, bảo vệ Dinh Chủ tịch ở Bắc Bộ phủ. Bọn phản động thân Tàu bày ra nhiều trò, đòi được chia quyền lãnh đạo và phụ trách trong các bộ của Chính phủ. Mặt khác, bọn Mỹ - Tưởng và Anh - Pháp nhân nhượng với nhau bí mật ký hiệp ước Hoa - Pháp (28-2-1946) cho Pháp vào thay thế chúng, nhân danh quân đội Đồng minh, chiếm đóng nước ta. Pháp rục rịch kéo quân vào Hải Phòng, rồi lên Hà Nội.

Nh ng ngay thßng   bOn Bßc H   phan 6 anh 1
Bác Hồ với cận vệ Phan Văn Xoàn - Ảnh tư liệu năm 1959

Ngày 25-3-1946, tôi xuống nhận nhiệm vụ ở Bắc Bộ Phủ, thì ngày 27-3, Bác gọi đến phòng làm việc trong Bắc Bộ phủ để kiểm tra công việc. Bác dạo này so với hồi mới ở Việt Bắc về Hà Nội thì sức khỏe Bác sụt đi trông thấy. Bác mặc bộ đồ kaki cũ, đi giầy vải kiểu "păng túp" màu đen viền trắng, như trong bức tranh vẽ Bác của họa sĩ Tô Ngọc Vân, nhưng nét mặt điềm đạm và vững tin. Thấy tôi vừa xuất hiện ở cửa, Bác đã bảo:

- Chú Triệu vào đây. Nhận nhiệm vụ ra sao, nói Bác nghe xem nào!

Tôi báo cáo với Bác đủ cả bốn nhiệm vụ mà anh Trần Độ đã giao. Nghe xong, Bác gật đầu bảo thêm:

- Bác dặn thêm mấy việc nữa. Một là tổ chức ngay một lực lượng gồm những anh em trung kiên từ chiến khu về, lập thành một tiểu đội, quần áo như dân thường thôi, lúc nào Bác có việc đi ra ngoại thành hoặc đi đâu đó thì đi theo giúp đỡ Bác. Hai là, riêng cháu, chỉ huy bộ đội, phải thuộc kỹ các đường đi lối lại, ngõ ngách ra vào, rồi bố trí một kế hoạch tác chiến và hành động lúc có động. Phải chủ động đề phòng mọi bất trắc, từ bên ngoài cũng như bên trong Bắc Bộ phủ.

Sau đó, Bác bảo mở tấm bản đồ khu vực Hà Nội ra. Trong lúc bàn việc, Bác rất dân chủ, thoải mái và chăm chú nghe ý kiến tôi báo cáo. Khi tôi trình bày dự kiến kế hoạch tác chiến bảo vệ cơ quan, Bác góp ý rất thiết thực. Bác bảo trổ thêm một số cửa đi ra hướng ngoại thành, để lúc cần có thể thoát ra nhanh. Lại phải mở những đường phòng bị cơ động để khi có biến động quân đội và cơ quan nhà nước có thể rút ra an toàn và đi về nơi làm việc dự bị thuận lợi. Vạch xong chỗ mở các cổng mới xung quanh thành, Bác lần lượt đặt ký hiệu cho từng cửa 1, cửa 2, cửa 3, cửa 4, v.v.. Vì Bác sẽ dùng điện thoại nói rõ cửa nào khi Bác đi và về, không có ký hiệu, mật danh thì lộ bí mật hết.

Bác còn bày cách cho tôi là phải bố trí anh em canh gác các cổng, ai ở cổng nào phải để một thời gian lâu. Có như vậy anh em mới nắm được tình hình, nhất là nhận rõ số xe, hình dạng, màu sắc từng chiếc. Với cán bộ, nhân viên ra vào phải thuộc tên, nhớ mặt, để khi một người lạ xuất hiện là biết được ngay. Trong tình hình rối ren lúc đó, việc đi lại của Bác cũng hết sức giữ gìn, thận trọng. Bác bảo:

- Thận trọng không có nghĩa là cứ ngồi ru rú một chỗ. Có việc thì phải đi. Nhưng đi như thế nào cho khôn khéo, linh hoạt, được việc mà kẻ xấu không hay biết gì thì mới là tốt.

Thường thì lúc đi, Bác ra cổng này, lúc về Bác lại vào theo cổng khác. Bác còn quy định cho chúng tôi nền nếp báo cáo tình hình an ninh trong và ngoài khu Bắc Bộ Phủ vào ngày thứ Ba hàng tuần, từ 10 giờ đến 11 giờ, trước lúc Bác nghỉ ăn cơm trưa. Nền nếp đó chưa bao giờ Bác bỏ qua hoặc bận việc mà quên. Cũng có hôm, anh em quên, Bác gọi điện nhắc và phê bình ngay. Trường hợp không thu xếp được việc để nghe báo cáo vào giờ đó, Bác thường chủ động gọi điện báo hoãn hoặc gọi đến báo cáo với Bác sớm hơn. Mỗi bận lên làm việc với Bác về, Bác thường gửi theo một gói quà nhỏ cho anh em vệ binh, thường là thuốc lá, giấy viết thư, khăn mặt, v.v.. Mỗi lần xuống thăm anh em, thấy anh em thiếu thốn cái gì nhất, Bác lại báo cáo cho Bộ Quốc phòng, Sở Liêm phóng để giải quyết cho anh em. Bác hỏi han và nắm tình hình sức khoẻ đến từng cán bộ và đội viên. Ai đau ốm, Bác bảo y tế cho thuốc. Ai có khó khăn, thì được cơ quan cứu trợ. Anh em thấy ở Bác một tình thương cha con, Bác cháu rất đầm ấm.

Có một lần, Bác đến kiểm tra bộ đội bảo vệ Bắc Bộ Phủ. Đó là một sáng thứ Bảy vào đầu tháng 4-1946, Bác báo cho chúng tôi biết trước, qua anh Hoàng Hữu Nam lúc đó là Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Tôi cho anh em ăn mặc quân phục Vệ quốc đoàn còn mới, thống nhất, đẹp đẽ. Tất cả các động tác, hô nghiêm, chào, báo cáo... tôi đã cho diễn tập trước mấy lượt. Súng ống đạn dược lau bóng loáng cẩn thận.

Khoảng ba giờ chiều, được tin Bác đến, tất cả tiểu đoàn tập hợp, đứng thành hàng rào danh dự phía cổng thông từ Bắc Bộ phủ sang cơ quan Bộ Quốc phòng. Tôi cứ chắc mẩm, chưa bao giờ chiến sĩ đơn vị tôi lại đẹp và chỉnh tề như vậy, chắc là Bác phải vừa lòng... Đang nóng lòng chờ, thì có tin là Bác đã đến. Bác đi lối cổng phụ của doanh trại, đã vào tận trong khu nhà ở, kiểm tra nhà ăn, nhà ngủ, nhà bếp... Bác kiểm tra nếp sống của đơn vị rất tỉ mỉ. Anh em chúng tôi là những con người từ rừng núi mới về thành phố nên nơi ăn ở, tắm giặt, vệ sinh... còn nhiều sơ suất.

Bác kiểm tra và nhắc nhở cán bộ về tác phong tỉ mỉ, cụ thể, sâu sát trong lãnh đạo, chỉ huy và giáo dục chiến sĩ. Bài học này, ngay từ những tháng năm mới mẻ đó, chúng tôi đã được Bác ân cần dạy dỗ.

Khi chúng tôi đề nghị tập hợp anh em lại để nghe Bác huấn thị, Bác bảo:

- Thôi, chú bảo anh em ai nấy về nhà. Bác sẽ đến thăm từng nơi ăn, chốn ở.

Sau đó, Bác dặn anh Trần Độ, tôi được ngồi bên có nghe:

- Tinh thần anh em chiến sĩ mới bây giờ như tờ giấy trắng. Các chú giáo dục tốt hay xấu, như tô hồng hay bôi đen lên đó. Phải dành thời gian học cách giáo dục anh em, để cho mỗi chiến sĩ ta thành một người công dân mẫu mực.

Khoảng một tháng sau, Bác lại đến kiểm tra đơn vị. Lần này, Bác không hề báo trước. Khoảng bốn giờ rưỡi sáng. Trời đang rét. Mọi người đang co mình trong chăn chiên ngủ ngon. Bác đến gõ cửa buồng tôi. Bác đợi tôi tỉnh táo, mặc áo quần ấm áp, rồi nói:

- Chú cho báo động bộ đội, lệnh chuẩn bị chiến đấu theo phương án đã dự định.

Tôi chạy ngay xuống chỗ Đại đội 1. Tôi bảo cho gõ kẻng báo động. Bác đứng ngay trước bãi tập hợp, tay cầm chiếc đồng hồ quả quít theo dõi. Chúng tôi tập hợp khoảng 15 phút thì kiểm tra quân số và trang bị xong. Tôi đến báo cáo Bác. Bác bảo cho từng tổ vào vị trí chiến đấu. Sau đó Bác nhận xét:

- Hơi chậm. Nhưng ưu điểm là trật tự và yên lặng. Anh em nhớ chỗ, nhớ việc, thế là tốt. - Nhưng rồi Bác lại gọi tôi và cán bộ đại đội đến hỏi:

- Ở đây thì bảo vệ rất tốt. Nhưng ở bên nhà Chính phủ, trong Dinh Chủ tịch có bao nhiêu người canh gác?

Lúc ấy chúng tôi mới ngớ ra là phương án bảo vệ chưa đầy đủ. Tôi vội nhận thiếu sót:

- Dạ thưa Bác, chúng cháu mới chỉ chú ý bảo vệ bên này. Còn bên ấy thì... chưa có phương án ạ.

Bác nói vui, nhưng nét mặt rất nghiêm trang:

- Thế giả thử kẻ gian nó lọt được một tên sang bên ấy thì sao. Bác phải thức dậy, xắn tay áo đánh nhau với nó à?

Câu nói của Bác rất nhẹ nhàng nhưng chúng tôi cảm thấy như Bác đã phê bình rất nghiêm khắc. Sau đó, Đại đội 1 bổ sung lại phương án sẵn sàng chiến đấu đầy đủ, chặt chẽ hơn.

Tháng 3-1946, quân Tưởng Giới Thạch rút và bàn giao các cơ sở chiếm đóng cho quân Pháp theo thoả thuận giữa chúng. Tình hình trong thành phố có cả Tàu, cả Pháp, cả Nhật, bọn phản động thân Pháp, thân Tàu, rất rối ren, căng thẳng. Bác ngày ngày có ô tô đón ra làng Vạn Phúc (Hà Đông) làm việc.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Một lần nữa, Bác Hồ trở về Việt Bắc. Từ đó về sau, tôi còn rất nhiều lần được gặp Bác, được Bác trực tiếp hỏi han. Nhưng những kỷ niệm về ngày đầu làm nhiệm vụ bảo vệ Bắc Bộ phủ, được gần Bác, được Bác chỉ bảo dạy dỗ ngay từ những ngày đầu đứng trong hàng ngũ của quân đội, vẫn là những điều sâu sắc nhất mà suốt đời tôi không bao giờ quên được.

Nguyễn Triệu kể
 
Trích từ sách Có Bác trong tim
 Nxb QĐND, Hà Nội, 2001

 

Tôi học được phương pháp phê bình của Bác

Tháng 9 năm 1945, mấy hôm sau ngày Bác đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, anh Đặng Thai Mai, người trước đây đã giới thiệu tôi vào dạy học ở Trường Thăng Long, báo cho tôi biết ngày hôm sau lên làm việc ở Văn phòng Bác Hồ, tại Bắc Bộ phủ. Ngày hôm sau lên Bắc Bộ Phủ, tôi được giao nhiệm vụ làm việc ở Văn phòng Bộ Ngoại giao. Tại buổi họp đầu tiên với chúng tôi ở Bộ Ngoại giao, Bác phân công công việc theo khả năng của từng người, tôi được giao nhiệm vụ làm Tổng Thư ký (có thể hiểu là Chánh Văn phòng V, cụ thể là công tác văn phòng, quản trị và lễ tân. Bác nói ngắn gọn và rất rõ ràng. Mỗi việc Bác đều dặn điểm gì cần chú ý, cách làm nên như thế nào.

Đầu năm 1946, kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa I đã bầu ra Chính phủ liên hiệp chính thức, Bộ Ngoại giao chuyển sang cho Quốc dân Đảng. Bác chỉ thị tôi bàn giao văn phòng và trụ sở cho Bộ trưởng mới Nguyễn Tường Tam. Tôi được sang làm việc gần Bác hơn, tại Bắc Bộ phủ và tổ chức Văn phòng Chủ tịch phủ. Rất bình thường và cũng rất sâu sắc, phong cách sinh hoạt của Bác là tấm gương, là cách Bác dạy cán bộ được làm việc gần Bác một cách thiết thực nhất.

Bác thường hay gọi tôi vào cùng với Bác bàn bạc và viết những bài trả lời các nhà báo hoặc vô tuyến truyền hình đến phỏng vấn. Đầu tiên Bác nêu từng vấn đề xem tôi giải đáp ra sao, rồi Bác thêm ý kiến và sửa lại. Qua những lần được làm việc với Bác như vậy trình độ của tôi được nâng lên rất nhiều. Những ngày đó, tôi về nhà, tôi ôn lại quá trình làm việc với Bác, suy nghĩ lại những ý kiến và lời văn Bác đã uốn nắn, sửa chữa cho mình, tự rút ra những kinh nghiệm để có phương pháp làm việc tốt hơn.

Dần dần như vậy, qua một sự kiểm tra rất chặt chẽ, mà sau này tôi mới nhận ra, Bác giao cho tôi tự viết ra trước, rồi Bác xem lại và sửa. Đến giai đoạn này, tôi chú ý đến một tác phong rất nghiêm khắc của Bác, đó là yêu cầu chính xác về đánh máy, từng dấu chấm, phẩm, từng câu, yêu cầu đẹp mắt về bố trí trang đánh máy, cách trình bày công hàm hay văn kiện. Tôi vẫn còn nhớ như in những băn khoăn, dằn vặt trong tôi khi ngồi trước mặt Bác, thấy Bác trước khi ký văn bản phải thêm vào một vài dấu chấm, phẩy còn thiếu hay sửa lại một vài lỗi đánh máy mà hôm đó vì đọc vội nên để sót. Bác ký xong, đưa cho tôi và bảo: “Hôm nay chú đọc lại không được kỹ lắm”. Nét mặt Bác vẫn hiền hậu và thân mật.

Qua những lần được Bác chỉ bảo tôi luyện thêm được tác phong cẩn thận, nghiêm khắc đối với công việc. Sau một thời gian được Bác dìu dắt trong công tác, từng bước một tôi trưởng thành lên rất nhiều. Có lần Bác giao cho tôi viết một công hàm, theo cách đặc biệt mới: Bác nêu yêu cầu, rồi Bác bảo tôi đưa giấy có tiêu đề, Bác ký trước vào cuối trang, trao lại cho tôi làm và gửi thẳng đi không cần đưa cho Bác xem nữa.

Tôi bị lao phổi nặng, phải nghỉ công tác, xa Bác từ giữa năm 1947 đến giữa năm 1951. Một hôm có thư của anh Tô báo cho tôi biết là tôi sẽ làm Chủ nhiệm Biện sự xứ Nam Ninh thay anh Đặng Văn Cáp đã giữ trách nhiệm đó ngay từ khi biên giới hai nước được khai thông. Kèm theo thư anh Tô là bức thư của Bác gửi cho ông Trương Văn Dật, Chủ tịch tỉnh Quảng Tây ủy nhiệm tôi làm công tác thay anh Cáp. Tôi suy nghĩ: Anh Cáp là một đồng chí lão thành đã công tác, hoạt động bí mật lâu năm với Bác Hồ ở Quảng Tây thì hợp với công tác Chủ nhiệm Biện sự xứ Nam Ninh hơn tôi nhiều, cả về uy tín lẫn năng lực. Vì vậy tôi đem ý kiến đó bàn bạc với anh Cáp và cố thuyết phục anh về cùng trình bày và đề nghị lại với Bác Hồ.

Đến nơi chúng tôi được đưa vào gặp Bác. Bác ân cần hỏi chúng tôi về có việc gì. Tôi trình bày sự việc, theo dõi nét mặt Bác, thấy Bác nghiêm mặt dần dần. Sau khi, tôi nói hết Bác im lặng một lúc, rồi nhìn chúng tôi một cách rất nghiêm khắc, thoáng có chút giận, chỉ thoáng thôi, Bác hỏi: “Ý thức tổ chức, kỷ luật của các chú đâu? Ngay cả đối với thư ủy nhiệm của Bác”. Giọng nói của Bác bình thường, không có một chút gì là gắt gỏng cả. Hai anh em chúng tôi im lặng, nhìn nhau, nhìn nhau, không nói được gì thêm. Một lúc sau, Bác bảo: “Thôi các chú ra nghỉ trua, chiều vào Bác dặn mấy việc”.

Rất là lạ, chiều vào làm việc với Bác. Bác không nói câu nào về chuyện ban sáng nữa. Từ hi đó đến nay, rất nhiều lần tôi suy nghĩ về sự việc đó. Cùng với thời gian, qua thực tiễn công tác và được sự rèn luyện của Đảng, mỗi lần tôi lại tìm được một cách giải thích khác nhau về phương pháp phê bình của Bác.

Nguyễn Văn Lưu kể
Trích trong sách Chuyện kể của những người giúp việc Bác Hồ,
Nxb. Thông tân, Hà Nội, 2003

Tôi vẽ Bác Hồ

Đến Việt Bắc đã mấy hôm, nhưng tôi vẫn chưa được gặp Bác vì từ chỗ tôi đến hội trường Đại hội Đảng (lần thứ hai, 1951) cũng khá xa. Biết rằng đến Việt Bắc lần này thế nào cũng có dịp gặp Bác nên tôi đã chuẩn bị khá nhiều công cụ và chất liệu (bút, màu, sơn dầu v.v…) để vẽ Bác. Tôi tranh thủ lúc còn chờ đợi, làm một ít ký họa núi về núi rừng Việt Bắc, những cảnh mới lạ đối với một người từ Nam Bộ mới ra như tôi.

Một hôm, một đồng chí đến trạm liên lạc gọi tôi:

- Anh Châu! Chuẩn bị đi, Bác cho gọi anh đấy!

Các bạn, các bạn có thể tưởng tượng là tôi vui sướng như thế nào không? Bác gọi tôi! Thật là một điều tôi chưa hề dám mong đợi. (Sau này đến phục vụ Đại hội, tôi được biết là không riêng gì tôi mà từng đồng chí đại biểu, Bác cũng biết rõ và nếu thấy đồng chí nào vắng mặt là Bác hỏi ngay). Tôi vác ba lô, đồ vẽ theo đồng chí dẫn đường mà lòng nửa mừng, nửa lo: Phải cố gắng tranh thủ dịp này để vẽ chân dung Bác, vẽ Đại hội lịch sử này cho thật nhiều, thật tốt mới được! Tôi biết rằng đây là một dịp rất hiếm có trong đời một nghệ sĩ. Tôi cũng hiểu rằng mình được vinh dự này không phải vì bản thân có thành tích gì đặc biệt mà vì Bác thương đồng bào miền Nam gian khổ và anh dũng. Tôi bỗng thấy trách nhiệm của mình thật là nặng nề mà khả năng thì ít quá.

Hôm ấy, tại Hội trường, Đại hội sắp khai mạc, anh Phạm Văn Đồng đích thân dẫn tôi đến chào Bác. Bác thân mật hỏi:

- Chú Châu đã đến đấy à?

Rồi Bác bắt tay. Bằng giọng ấm áp, Bác hỏi thăm sức khỏe, công việc của tôi. Bác hỏi đến đâu tôi chỉ biết vâng vâng, dạ dạ đến đấy vì xúc động quá.

Bác lại hỏi:

- Chú đã vẽ được gì chưa?

- Dạ thưa Bác, cháu mới vẽ được ít thôi…

Tôi đưa Bác xem mấy ký họa tôi vẽ trong lúc chờ đợi. Bác động viên:

- Chú cố vẽ đi nhé! Nhưng phải nhớ học tập chính trị và rèn luyện tư tưởng cho tốt. Có tư tưởng chính trị tốt thì vẽ mới chóng tiến bộ được.

Tiếng Bác ấm cúng lạ thường. Tôi cứ đứng nhìn Bác mãi, bàn tay cầm mấy bức ký họa run run. Tôi nhìn Bác rất kỹ nhưng lòng xao xuyến quá.

Tôi dự định sẽ vẽ Bác hôm khai mạc Đại hội, lúc Bác đọc diễn văn. Hôm đó, Bác vừa bước vào, cả Hội trường đã đứng dậy vỗ tay vang dội rất lâu. Mấy lần Bác ra hiệu nhưng tiếng vỗ tay vẫn không ngừng lại. Trước mắt tôi là con người bấy lâu muốn gặp, con người mà tôi đã vẽ đến thuộc lòng thế mà lòng tôi không thể nào giữ được bình thản, bàn tay tôi cứ run lên. Tôi chỉ kịp ghi nhanh mấy nét chính để giữ lại không khí hôm ấy, mong sau đó sẽ dựng lại với bố cục lớn.

Mấy hôm sau, nhân đi thăm các đại biểu, Bác đến xem tranh tôi vẽ Đại hội. Tôi đánh bạo:

- Thưa Bác, cháu muốn Bác phê bình tranh vẽ của cháu ạ.

Bác xem tranh, lại nhìn sang anh Trường Chinh và anh Đồng và rồi cười nói.

- Chú Châu vẽ có cái lạ… không đề tên cũng nhận được người.

Tất cả chúng tôi đều cười vui vẻ trước câu nói dí dỏm của Bác. Được Bác động viên, tôi rất phấn khởi và thêm mạnh dạn trong ý định xin ở gần Bác để vẽ Bác.

Một hôm, Bác gọi cho tôi điếu thuốc thơm:

- Chú vào buồng bảo chú Chiến đưa cho nhé!

Tôi cảm ơn Bác và đi vào lấy điếu thuốc. Một lát sau, Bác vào ngả lưng trên chiếc giường con.

Tôi mạnh dạn nói:

- Thưa Bác, từ miền Nam ra đây, cháu rất mong được gặp Bác, được vẽ Bác thật nhiều để sau này mang về Nam cho đồng bào được thấy chân dung Bác. Cháu xin Bác cho cháu được ở gần Bác ít lâu để vẽ.

Tôi hồi hộp chờ ý kiến của Bác. Tôi biết Bác rất thương anh em miền Nam, nhưng nói xong, tôi vẫn lo, không biết nguyện vọng tha thiết của mình có được chấp nhận không.

Nghe Bác nói đồng ý, tôi vui mừng khôn xiết. Vô cùng cảm ơn Bác! Vô cùng cảm ơn đồng bào miền Nam đã cho tôi diễm phúc có một không hai này!

Bác bảo anh Chiến:

- Sau Đại hội, chú nhớ đưa chú Châu về chỗ Bác nhé! Đó là lần đầu tiên mà cũng là lần tôi được sống lâu nhất cạnh Bác. Khoảng gần bốn tháng. Thời gian đó là thời gian sung sướng nhất trong đời tôi.

Trước khi gặp Bác, cũng như mọi người, tôi đã biết Bác là một lãnh tụ rất mực anh minh, suốt đời hy sinh cho cách mạng, cho dân tộc, nhưng qua thời gian sống cạnh Bác, cứ mỗi ngày tôi lại được thấy, được biết rõ hơn tâm hồn cao cả của Bác. Bác chẳng những vĩ đại trong những việc quốc kế dân sinh mà còn vĩ đại cả trong những việc rất bình thường trong sinh hoạt hàng ngày.

Đối với bản thân, Bác không hề đòi hỏi, nhưng đối với người khác thì Bác lại chăm sóc từng li, từng tí, mặc dù Bác rất bận. Mỗi lần Bác đi công tác về, thật như mang cả một luồng ánh sáng ùa vào nhà làm rộn lên cả cái tập thể nhỏ bé của chúng tôi.

Những lúc nghỉ việc. Bác hay đến xem tôi vẽ. Có lần, xem một bức tranh, Bác nói:

- Bác có ý kiến, chú đồng ý không?

- Cháu xin Bác góp ý kiến…

Bác chỉ vào tranh:

- Chú vẽ nhà Bác chỗ này còn trống quá. Chú cho thêm con chó nhỏ của Bác vào đấy nhé. Thường ngày nó vẫn nằm đấy. Để Bác gọi nó lại cho chú vẽ nhé…

Nói xong, Bác vuốt ve con chó để nó nằm yên xuống cho tôi vẽ. Sợ mất thời giờ của Bác, tôi chỉ chấm màu vẽ qua một vòng tròn làm dấu để vẽ kỹ sau.

- Thưa Bác xong rồi ạ.

- Không, chú cứ vẽ nữa đi, để Bác ngồi giữ nó lại đây cho…

Ở gần Bác, tôi thấy như ở gần ánh sáng. Trên núi rừng Việt Bắc, tiết tháng hai, tháng ba thường có mây đen nhưng tôi không thể quan niệm được hình ảnh Bác lại có thể để chung với một cái gì u ám. Có một bức tranh tôi vẽ cảnh núi rừng chỗ Bác làm việc, một dốc núi, một chiếc cầu nhỏ bắc qua suối, những tia sáng rực rỡ xuyên qua kẽ lá dày đặc, in lên nền đá dốc và Bác đang đi qua cầu. Xem bức tranh này, Bác đọc câu thơ:

Rừng thông chen chúc cành lau

Bên cầu thấp thoáng người đâu đi về

Bác hỏi tôi:

- Chú có biết hai câu thơ đó ở đâu không?

Tôi trả lời là tôi chỉ nhớ hai câu thơ đó trong một tác phẩm văn học cổ điển nhưng không nhớ rõ tác phẩm nào. Bác bảo:

- Trong Chinh phụ ngâm đấy. Bác sửa đi một ít. Nguyên câu của nó là:

Ngàn thông chen chúc cành lau

Cánh duềnh thấp thoáng người đâu đi về.

Một lần khác, tôi đề nghị với Bác:

- Thưa Bác, xin Bác cho ý kiến nhận xét về tranh vẽ của cháu. Bác không trả lời thẳng cho tôi mà gọi tất cả anh em đến xem:

- Các chú thấy tranh của chú Châu thế nào?

Anh em mến tôi nên ủng hộ ngay:

- Vẽ giống lắm ạ!

Bác cười:

- Đấy ý kiến quần chúng khen được. Thế là được. Chẳng những Bác xem tranh mà khi nào thấy cảnh đẹp, Bác còn gọi tôi:

- Cảnh này là của chú đấy!

Thường thường Bác tự đi chọn chỗ làm nhà và cảnh chỗ Bác chọn rất đẹp. Sáng nào Bác cũng tập thể dục. Có lần tôi được thấy Bác tập võ. Giữa cảnh núi rừng hùng vĩ, nhìn Bác, với chòm râu bạc đi một đường quyền uyển chuyển nhẹ nhàng, tôi có cảm giác như mình đang lạc vào một cảnh tiên, gặp một ông tiên nào đó. Bác cũng thường nhân những lúc nghỉ, ngồi trên tảng đá bên bờ suối nhất là những buổi chiều tà. Bác hay gọi chúng tôi đến bên, nói chuyện với chúng tôi. Và chúng tôi như những đứa cháu nhỏ, ngồi ngoan ngoãn nghe ông nội kể chuyện, thỉnh thoảng lại hỏi Bác đôi câu. Thật là những giờ phút suốt đời không bao giờ quên được.

Tôi ở với Bác chỉ mấy tháng nhưng cũng nhiều lần dời nhà. Một lần thấy Bác trồng cây quít, tôi nói:

- Thưa Bác, mai ta dời đi chỗ khác rồi.

- Mình dời đi, nhưng vẫn có thể người khác đến. Chú tưởng trồng cây là vô ích à?

Quả là Bác luôn luôn chú ý đến người khác, nghĩ về lâu về dài.

Tuy sống trong rừng sâu, chỉ cần hàng ngày trông thấy Bác, tôi cũng đoán hiểu được tình hình bên ngoài. Mỗi lần quân dân ta chiến đấu thắng lợi, không những Bác rất vui mà Bác còn truyền cái vui cho tất cả mọi người.

Một buổi sáng, Bác đi xuống chỗ tôi vẽ:

- Chú Châu! Có tin mừng!

Bác cho chúng tôi biết tin quân dân miền Nam đã thắng to trên đèo Hải Vân, diệt được mấy chục xe địch.

Một lần sắp dời cơ quan. Bác hỏi tôi:

- Chú Châu xong chưa?

- Dạ xong.

- Chưa! Chưa xong, chú bỏ quên cái giá vẽ trên kia!

Bác phải lo biết bao công việc cho cả dân tộc, thế mà Bác vẫn lo cho chúng tôi từng người một, chẳng khác nào người cha lo cho con cái…

Diệp Minh Châu kể
Trích trong sách Chúng ta có Bác Hồ
Nxb. Lao động, Hà Nội 1999

 Đức Hiếu (Tổng hợp)
Còn nữa

Bài viết khác: