Trong những ngày tháng 5 lịch sử này, một nữ cán bộ tình báo ở tuổi 80 đang sống lại với những kỷ niệm không thể mờ phai về thời khắc của những ngày đầu tháng 9 năm 1969, khi Bác Hồ kính yêu mãi mãi đi xa. Bà là Nguyễn Thị Mỹ Nhung, tên thường gọi là Tám Thảo.

Vào những năm 1967-1968, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta diễn ra vô cùng ác liệt, bà Tám Thảo là một phụ nữ trẻ, xinh đẹp, giỏi tiếng Mỹ, được tổ chức tình báo huấn luyện, hoạt động trong Cụm H.63 và cài vào làm việc trong văn phòng cố vấn Mỹ tại Bộ Tư lệnh Hải quân nguỵ đóng ở Bến Bạch Đằng (Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh), với vai trò là thư ký riêng của tên thiếu tá, cố vấn tình báo Mỹ.

Bà được giao nhiệm vụ lấy các tài liệu tuyệt mật trong văn phòng cố vấn tình báo Mỹ để nắm xem địch hiểu về ta như thế nào, đánh giá lực lượng, ý đồ của ta ra sao trước, trong và sau cuộc tổng tiến công Mậu Thân 1968; đồng thời lấy con số thật về thiệt hại của địch. Không chỉ đọc, ghi lại và viết báo cáo mà bà phải lấy những tài liệu nguyên bản.

nu-diep-vien
Bà Tám Thảo.

Tên thiếu tá tình báo Mỹ trẻ, đẹp trai, trưa và chiều vào giờ tan sở thường lái ô tô đưa Tám Thảo về nhà. Hắn thường lưu lại trò chuyện vui vẻ với bà dưới phòng khách. Trong túi xách lịch sự của bà Tám Thảo thường có tài liệu. Người Cụm trưởng tình báo đang bí mật ở trên gác (ông Tư Cang, Anh hùng LLVTND) chụp lại tài liệu bà lấy của địch, rồi lại để gọn gàng cho bà đem trả lại văn phòng cố vấn. Bà từng bị nhân viên phản gián Mỹ đưa về phòng điều tra của chúng trong Chợ Lớn để cho máy đo sự thật kiểm tra. Với sự bình tĩnh, bà đã vượt qua cuộc kiểm tra của chúng, và sau đó được tin dùng hơn. Nhờ đó cách mạng có được nhiều tài liệu tuyệt mật của địch.

Phục vụ cho Cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Cụm tình báo H.63 được cấp trên giao điều tra mục tiêu Bộ Tư lệnh Hải quân nguỵ. Bà đã khéo léo mời viên sĩ quan Mỹ chụp ảnh cùng với mình từ góc này đến góc khác bên trong vòng rào của Bộ Tư lệnh Hải quân nguỵ, rồi gửi ảnh để cấp trên nghiên cứu tình hình bên trong của Hải quân địch. Với thành tích phục vụ đợt Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, bà Tám Thảo được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.

Về câu chuyện bà Tám Thảo để tang Bác Hồ trong sào huyệt của địch, bà kể lại: Khi được tin Bác mất, đau đớn lắm nhưng bà không được khóc vì lúc đó bà đang khoác áo thư ký cho tên cố vấn tình báo Hải quân Mỹ. Nước mắt chực trào ra lại phải kìm nén. Nước mắt chảy ngược vào tim. Bà nhớ như in ngày hôm đó đi làm về bà đã nhào vào lòng ba mình (cũng là một cơ sở cách mạng), rồi khóc như mưa.

Bà biết, mặc dù kẻ thù ra sức đàn áp, nhưng đồng bào miền Nam vẫn bí mật lập bàn thờ Bác và càng sục sôi ý chí quyết tâm chiến đấu để thực hiện thành công ý nguyện thống nhất đất nước, Bắc Nam sum họp của Người. Nén đau thương, bà Tám Thảo đã nghĩ ra cách riêng để tang Bác, bằng cách mặc áo dài màu trắng trong một tháng trời, như một đứa con, cháu để tang người cha, người ông thân yêu. Gia đình bà thuộc hàng khá giả, lại có sạp bán vải, nên bà có cả một bộ sưu tập áo dài rất phong phú. Thấy bà chỉ mặc mỗi màu trắng, tên thiếu tá tình báo Mỹ tỏ ý thắc mắc. Tám Thảo giải thích mình muốn thử bộ sưu tập áo dài màu trắng và mặc như vậy đỡ nóng, nhẹ nhàng hơn. Hắn không biết rằng đó là cách người nữ chiến sĩ tình báo thể hiện tình cảm kính yêu, tiếc thương đối với Bác Hồ.

Sau ngày giải phóng miền Nam, bà được mang quân hàm thượng uý, rồi chuyển ngành về làm cán bộ tổ chức thuộc Sở Văn hóa Thông tin Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện nay, bà nghỉ hưu tại quận Phú Nhuận. Dù công tác hay đã nghỉ hưu, bà vẫn giữ vẹn nguyên cốt cách của một người cán bộ tình báo quốc phòng, vẫn luôn sống, làm việc theo lời Bác dạy./.

Bài, ảnh: THANH XUÂN

Theo Báo Quân đội nhân dân

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: