Bác Hồ thăm Đền Hùng năm 1962
Là công an thì phải luôn tỉnh táo
Niềm tự hào vô giá của đời tôi trong những năm phục vụ cách mạng là vinh dự có sáu năm được trực tiếp bảo vệ Bác Hồ. Nhưng khi được đến bên Người thì tôi lại thấy mình quá nhỏ bé và non yếu về năng lực. Chính Bác đã dạy tôi làm công tác bảo vệ với bao điều mới lạ. Bác uốn nắn từng động tác, chỉ bảo từng việc làm mà sách vở, nhà trường chưa hề nói tới. Những tình huống mà các đồng chí đi trước trao đổi kinh nghiệm cho tôi cũng chưa lường hết được. Tôi thấm thía những lời dạy của Bác, nhưng có lẽ sâu sắc nhất không bao giờ quên đó là những lần tôi đã làm Bác không hài lòng.
Lần thứ nhất xảy ra đúng vào hôm tôi được nhận nhiệm vụ bảo vệ tiếp cận Bác. Buổi chiều, đồng chí Kháng, Cục trưởng đưa tôi đến đơn vị, nhưng Bác đi họp Bộ Chính trị ở Hồ Tây chưa về. Khoảng 4 giờ chiều thì xe Bác về. Những đồng chí có trách nhiệm ra tận xe đón Bác. Tôi là người đầu tiên có mặt. Đồng chí Ninh bảo vệ tiếp cận Bác ngồi ghế trước, xuống xe nhanh nhẹn mở cửa sau cho Bác xuống. Thấy Bác tay xách cặp, tay cầm chiếc gậy tre, tôi vội vàng đỡ chiếc cặp đen cho Bác. Nhưng bỗng ngỡ ngàng vì tay Bác cầm cặp vội rụt lại. Bác nhìn tôi và hỏi: “Chú ở đâu đến?”. Hiểu ý Bác, đồng chí Ninh vội giới thiệu tôi với Bác. Nghe xong Bác quay lại nhìn tôi như thấu hiểu và âu yếm: “Chú Kháng lẽ ra phải đưa chú đến để Bác biết mặt trước đã chứ, các chú làm công an mà đơn giản quá”. Anh Kháng đến xin lỗi Bác về việc này. Nhưng còn tôi thì cứ ân hận mãi. Ngay ngày hôm sau khi cùng Bác lên xe đi công tác, Bác nhắc lại chuyện hôm qua và giảng giải về nguyên tắc bí mật, ý thức cảnh giác, những sơ hở mà địch thường lợi dụng… Càng nghe tôi càng sáng ra, lớn lên cả về trí tuệ và nghiệp vụ.
Một lần khác, tôi lại phạm phải sai lầm và được Bác dạy bảo đến nơi, đến chốn. Đó là những ngày máy bay Mỹ leo thang ném bom một số nơi thuộc ngoại vi Hà Nội, nhưng Bác vẫn giữ nếp tổ chức chiếu phim cho cán bộ, chiến sỹ, nhân viên và các cháy xem vào tối thứ Bảy hàng tuần. Lần đó, Bác chỉ lên “khai mạc”, xem một lúc rồi về làm việc ngay. Tôi theo Bác về nơi làm việc thường lệ của Người, gian nhà ở gần hầm tránh máy bay. Tôi ngồi ngay hành lang cạnh cửa hầm. Tôi đang miên man suy nghĩ thì nghe từ xa tiếng loa phóng thanh vọng đến, kêu gọi đồng bào chú ý sơ tán và các lực lượng vũ trang sẵn sàng chiến đấu. Tôi chú ý để nghe rõ hơn nhưng tim đập thình thịch và hai tai nóng bừng. Nhìn vào phòng Bác vẫn say mê đọc tài liệu. Tôi bắt đầu đứng dậy và đi lại, lòng rối bời. Toàn bộ Khu Phủ Chủ tịch đây đó vẫn còn đèn điện thắp sáng. Tôi quên bẵng cả việc trên Nhà khách đang có buổi chiếu phim. Bỗng tiếng loa phóng thanh từ xa lại vọng đến dồn dập hơn. Tiếp đó là tiếng còi báo động rú vang. Sau đó, là tiếng súng phòng không các loại vang rền. Tôi hoảng quá, chạy như lao vào phòng mời Bác xuống hầm ngay. Lòng tôi như lửa đốt, còn Bác thì vẫn ung dung, bình tĩnh. Hai Bác cháu xuống hầm, trong hầm đèn bật sáng, Bác tiếp tục đọc tài liệu. Khoảng 15 phút sau, tôi ra cửa hầm quan sát, nhưng lạ thay bốn bề đều yên lặng. Hà Nội đèn vẫn sáng, càng hoang mang hơn, tôi vội gọi điện thoại về trực ban tác chiến đơn vị, hỏi cả tác chiến Bộ Tổng Tham mưu thì đều được trả lời là từ tối đến giờ không có báo động gì cả.
Tôi vội mời Bác lên khỏi hầm. Bác bảo tôi hỏi xem Mỹ có ném bom ở đâu không? Phút giây bàng hoàng qua đi, tôi bắt đầu bình tĩnh trở lại và được biết trên Nhà khách Phủ Chủ tịch hôm nay chiếu phim thời sự quân và dân Hà Nội bắn máy bay Mỹ. Có lẽ cội nguồn của sai lầm hôm nay là ở đó? Trời! Tôi tự kêu lên trong suy nghĩ và vào nhận lỗi với Bác. Nghe tôi báo cáo xong, Bác nhìn tôi, mỉm cười độ lượng và phê bình: “Tại chú thiếu bình tĩnh đấy thôi, là công an thì phải luôn luôn tỉnh táo. Lúc có địch phải coi như không có địch, còn lúc không có địch cũng phải coi như có địch”.
Nghe Bác dạy, tôi nhận ra cái tính vội vàng, hấp tấp, thiếu bình tĩnh của mình. Cảm động và nghẹn ngào, thấy được lỗi nhưng ngập ngừng mãi tôi nói không lên lời. Một lúc sau tôi mới thưa với Bác: “Thưa Bác, cháu xin nhận lỗi và hứa sẽ sửa ngay ạ!”. Bác tiếp tục làm việc. Tôi ra khỏi phòng Bác với tâm trạng lâng lâng. Ngày hôm sau, tôi báo cáo lại toàn bộ sự việc này với lãnh đạo đơn vị và nghiêm khắc tự kiểm điểm.
Trong cuộc đời người lính không mấy ai tránh được những sơ xuất, sai lầm. Nhưng với tôi, những sai lầm, khuyết điểm đó là không thể tha thứ được. Tôi ghi nhận điều đó như một bài học, mãi mãi không bao giờ quên.
Nguyễn Tất Liêm kể
Trích trong sách Bác Hồ sống mãi với chúng ta
Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005
Tôi học được rất nhiều từ những ngày tháng bảo vệ Bác
Hơn 10 năm được đi bảo vệ Bác là hạnh phúc lớn của đời tôi. Những kỷ niệm về Người ở trong tôi nhiều không kể hết, nhưng ở đây tôi chỉ kể lại một số kỷ niệm…
Năm 1960, tôi được trực tiếp bảo vệ Bác Hồ thay cho đồng chí tiếp cận bảo vệ đi học một thời gian. Tôi vô cùng phấn khởi, xúc động nhưng cũng rất lo vì khả năng có hạn và cũng chưa được học đầy đủ về công tác này. Tôi không thể không lúng túng và bỡ ngỡ trong buổi đầu gặp Bác. Tôi nhớ buổi chiều hôm đó sau khi ăn cơm xong, Bác đi bách bộ quanh hồ trong Phủ Chủ tịch. Tôi không biết phải đi như thế nào cho phù hợp, tôi tỏ ra lo lẵng, cứ lẽo đẽo đi sau Bác khoảng chừng 40m. Tôi thấy thỉnh thoảng Bác ngoái lại nhìn tôi, dường như Bác hiểu và biết tôi còn lúng túng, lo ngại, Bác chủ động gọi tôi lại gần, vừa đi vừa hỏi chuyện. Bác hỏi về quê tôi, về gia đình tôi, về công việc và đời sống của nhân dân trong tỉnh… Tôi vừa đi gần, vừa trả lời những điều Bác hỏi. Tôi cảm thấy lòng mình ấm lại và yên tâm khi đi cạnh Bác, như đi cạnh một người cha. Bác vĩ đại nhưng lại giản dị, gần gũi, luôn quan tâm đến cuộc sống và công tác của những người quanh mình.
Là cảnh vệ trực tiếp bảo vệ Bác, chúng tôi không dám lơ là dù chỉ một phút. Dù vậy cũng không thể tránh hết những thiếu sót nhỏ. Bác biết, không trách mắng bao giờ, chỉ góp ý, phê bình nhẹ nhàng nhưng thấu đáo. Có lần chúng tôi đưa Bác đi thực tế. Đi bộ, tắt rừng, vượt đồi. Đi một lát, phát hiện ra lạc đường, anh em cảnh vệ toát mồ hôi. Bác biết lên hỏi: “Các chú nhầm đường phải không?”. Vừa trả lời, tim vừa đập thình thịch. Bác khoát tay: “Thôi được cũng mệt rồi, Bác nghỉ chút. Các chú xem lại thử”. Nghe Bác nói chúng tôi thở phào. Thái độ bình thản và gần gũi của Bác khiến chúng tôi yên tâm trở lại.
Lại một lần khác, khi Bác về thăm tỉnh Thanh Hóa. Chúng tôi theo Bác lên xe com măng ca tiến vào thị xã. Bác ngả mũ vẫy chào đồng bào. Thấy Bác hồng hào, khỏe mạnh mọi người sung sướng hô vang: “Hồ Chủ tịch muôn năm”. Một chị cán bộ người miền Nam không nén được xúc động, quên cả trật tự, cả hàng ngũ chạy xuống đường. Hai tay chị níu vào cửa xe, miệng hô to: “Bác ơi! Bác ơi!”. Chúng tôi thấy trên gò má chị, nước mắt chảy tràn. Bác với tay ra cửa xe đưa tay cho chị nắm, chị mừng quá ôm lấy tay Bác, không buông ra nữa, cứ để vậy chạy theo xe.
Thêm một người, một người nữa… rồi cả dòng người đổ ra. Thế là trật tự bị phá vỡ. Từng đợt sóng, biển người, cờ hoa… vây quanh xe Bác. Tình huống này làm cho các chiến sỹ cảnh vệ chúng tôi lo lắng. Chúng tôi nhảy ra khỏi xe, xuống đường giữ trật tự, trong lúc vội vàng, không may một đồng chí vấp cửa xe, ngã dúi…
Khi về địa điểm, Bác gọi chúng tôi đến bảo: “Các chú bình tĩnh, trước sự việc xảy ra không nên hoảng hốt. Vừa rồi các chú tỏ ra thiếu bình tĩnh. Các chú nên nhớ việc gì mà giữ được bình tĩnh thì giải quyết được sáng suốt”.
Những lời dạy bảo ân cần của Bác, chúng tôi xem như là kim chỉ nam trong suốt cuộc đời làm công tác bảo vệ của mình.
Phạm Văn Xoàn kể
Trích trong sách Bác Hồ sống mãi với chúng ta
Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005
Người lái xe phải đảm bảo an toàn
Tháng 9 năm 1954, lần đầu tiên tôi được lái xe chở các đồng chí bộ đội bảo vệ Bác đi từ Việt Bắc về Phú Thọ. Lần đó xe tôi chở bộ đội đi sau, xe chở Bác đi trước. Nhưng vì lý do bí mật nên tôi cũng không biết là mình được đi sau bảo vệ Bác. Mãi sau này đồng chí Kháng mới nói cho tôi biết.
Về đến Đền Hùng, Bác ra lệnh cho cả đoàn xe nghỉ ở đây, Bác đi bộ vào Đền Hùng. Không ngờ chuyến đi đầu tiên bảo vệ Bác lại là chuyến đi hết sức có ý nghĩa trong đời tôi. Sau này, đọc sách báo chúng tôi mới biết Bác về thăm Đền Hùng năm ấy không phải là vô tình. Tại Đền Hùng, Bác đã gặp gỡ và nói chuyện với Đại đoàn quân tiên phong trên đường về tiếp quản Thủ đô. Mấy năm kháng chiến ở rừng núi, cán bộ, chiến sỹ ta đã được rèn luyện, học được nhiều đức tính tốt. Về xuôi, nhất là về thành thị có nhiều phức tạp, nhiều thứ quyến rũ, dễ mắc thói hư tật xấu. Bác nhắc nhở để cán bộ, chiến sỹ cảnh giác, luôn giữ vững phẩm chất cách mạng của người cán bộ. Hôm đó, Bác căn dặn bộ đội:
- Bác cháu ta gặp gỡ ở đây tuy tình cờ nhưng lại rất có ý nghĩa. Ngày xưa, các Vua Hùng đã có công dựng nước, ngày nay Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước.
Một chuyến dừng chân để báo công và nhận nhiệm vụ mới trước anh linh của tổ tiên. Các thế hệ mai sau chắc sẽ luôn nhớ lời dặn dò của Bác.
Ngày 30/12/1954, anh Dương phụ trách đoàn xe Phủ Thủ tướng gọi tôi lên giao cho lái chiếc xe com măng ca và chỉ khi nào ông Nền gọi đi tôi mới được đi.
Tết năm 1961, anh Nền người lái xe chính cho Bác gặp tôi và nói:
- Hôm nay, ở trong này các anh ấy đi vắng hết, cậu vào đi với Bác một chuyến. Đó là lần đầu tiên tôi được lái xe đưa Bác đi. Lúc đó tôi thấy Bác nghiêm quá. Bác ngồi trong xe yên lặng không nói chuyện gì.
Ngày 5/3/1961, anh Vũ Kỳ gọi tôi lên giao nhiệm vụ tôi sẽ lái xe chính thức cho Bác. Anh Kỳ căn dặn tôi một số điều: Đi với Bác phải cẩn thận như thế nào? Nói năng ra sao?...
Sau đó, anh Nền giao cho tôi chiếc xe Pôbêđa. Sau này, các đồng chí có ý định đổi xe cho Bác nhưng Bác không đồng ý, Bác nói:
- Các chú đi nhiều chứ Bác đi mấy mà đổi xe.
Từ khi tôi vào lái xe chính thức cho Bác thì anh Nền được phân công đi sau bảo vệ. Trong thời gian lái xe cho Bác, tôi ít khi nghỉ trừ những lần bị ốm.
Một lần Bác đi công tác Hải Phòng, tôi để cho một xe đi sau vượt lên trước, thấy thế Bác hỏi:
- Xe họ tốt hay xe chú tốt?
Tôi trả lời:
- Xe mình tốt hơn ạ.
Bác lại hỏi:
- Thế sao họ đi nhanh hơn mình?
Tôi giải thích là xe tôi đi chậm để bảo đảm an toàn. Bác khen: “Chủ động tốc độ thế là tốt”.
Bác khuyên các đồng chí bảo vệ Bác cũng lên học lái xe để nếu có tình huống gì thì dễ xử trí. Bác cũng nhắc chúng tôi đã ngồi vào tay lái phải thật tỉnh táo, nhanh trí xử lý mọi việc và lúc nào cũng thật bình tĩnh. Có lần xe bị một trục trặc nhỏ, thấy tôi có vẻ cuống. Bác nhắc tôi bình tĩnh để tìm cách khắc phục. Bác ân cần, gần gũi như người trong một nhà.
Bác cũng có ý định học lái xe. Có lần xe tôi đưa Bác về đến nhà rồi mà Bác không xuống ngay, còn ở lại hỏi tôi các bộ phận của xe. Bác nói:
- Mỗi ngày Bác học một ít để biết lái xe.
Bác muốn học lái xe để biết. Còn chúng tôi, Bác nhắc ngoài nhiệm vụ lái xe còn phải chịu khó đọc sách báo để mở mang hiểu biết. Bác thường nhắc để báo ở trên xe cho chúng tôi đọc trong những lúc rảnh rỗi, những lúc chờ Bác đi họp… Bác nói phải nghĩ ra việc để làm.
Tôi lái xe phụ vụ Bác từ năm 1961 đến năm 1969 an toàn, không để xảy ra sơ xuất gì, một phần cũng chính nhờ vào sự quan tâm, động viên và rất hiểu tâm lý của Bác.
Nguyễn Văn Mùi kể
Trích trong sách Chuyện kể của những người
giúp việc Bác Hồ, Nxb. Thông tấn, 2003
Bác cho tôi chiếc áo trấn thủ
Mỗi ngày sống bên Bác là mỗi ngày tôi được thêm những bài học vô cùng quý báu. Bác chỉ bảo từng ly từng tí. Một kỷ niệm mà mỗi khi nhắc lại tôi thường bồi hồi xúc động, đó là chuyện Bác cho tôi chiếc áo trấn thủ.
Mùa Đông năm ấy, Việt Bắc rét hơn mọi năm. Chúng tôi sống trong hang đá, lại càng rét. Sáng ra sương muối xuống dày đặc, làm cóng buốt chân tay. Khi mới về công tác với Bác, tôi chỉ có một bộ quần áo vải mộc. Mấy hôm liền, tôi đi công tác, ngực bị lạnh, làm tôi ho luôn.
Hôm ấy vào đưa thư cho Bác. Tôi đã cố nhịn ho nhưng không sao chịu được.
Thấy tôi ho, Bác hỏi:
- Chú ốm à, chú Thắng?
- Thưa Bác, không ạ!
Bác nhìn tôi:
- Sao trông người chú khác thế?
- Không ạ. - Chưa nói xong tôi đã ho rũ ra…
Bác liền đứng dậy:
- Chú không có áo rét à?
Bấy giờ cán bộ còn nghèo. Tôi ngần ngừ định không nói thật, nhưng rồi không dám dối Bác. Trả lời xong, tôi quay ra thì Bác gọi lại và đến đầu giường lật tấm chăn mỏng, lấy ra chiếc áo trấn thủ màu ngả vàng, Bác vẫn thường mặc, đưa cho tôi, Bác nói:
- Chú mặc tạm cái này cho đỡ lạnh. Mùa Đông cốt nhất phải giữ ngực cho ấm.
Tôi không dám cầm. Mùa rét, Bác cũng chỉ có một chiếc áo trấn thủ và một chiếc áo khoác ngoài. Mà Bác đã già rồi, ít chịu được rét. Thấy tôi chần chừ, Bác bảo:
- Chú mặc đi, cho đỡ rét.
- Thưa Bác...
- Chú cứ mặc vào.
Nhìn đôi mắt trìu mến của Bác, tôi không dám từ chối nữa. Bác giúp tôi cài cẩn thận từng cúc áo một. Có chiếc áo của Bác, ngực tôi ấm dần. ấm bằng hơi ấm của bông và cả bằng tình thương của Bác. Nhờ có chiếc áo trấn thủ tôi dần dần khỏi ho.
Tôi giữ gìn chiếc áo Bác cho rất cẩn thận. Chỉ những lúc thật rét mới mặc.
Tôi có ý định giữ chiếc áo đó làm kỷ niệm, nhưng tôi không thực hiện được ý định. Một năm, tôi về nhà ăn Tết, dân tộc Dao chúng tôi sống du canh du cư, làm ăn thất thường, nên đời sống đói khổ. Trời rất rét, bố tôi vẫn chỉ có một manh áo mỏng. Thương bố quá, tôi đã biếu bố chiếc áo trấn thủ. Chiếc áo trấn thủ đã sờn, nhưng là chiếc áo ấm đầu tiên trong đời bố tôi được mặc. Bố tôi vui lắm. Nếu biết là chiếc áo của Bác Hồ cho, chắc bố tôi sẽ vui sướng biết chừng nào! Nhưng vì nguyên tắc bí mật, tôi không dám nói.
Bố tôi mặc được mấy năm chiếc áo vẫn còn tốt.
Theo phong tục người Dao, khi chết, người ta chôn theo tất cả những đồ quý giá của người đó lúc sống đã dùng. Bố tôi chết, gia đình cũng đã bỏ chiếc áo trấn thủ chôn theo. Chiếc áo trấn thủ Bác cho đã làm ấm ngực tôi, sưởi ấm ngực bố tôi, nay bố tôi đã mất, chiếc áo lại theo xuống suối vàng mãi mãi sưởi ấm cho linh hồn bố tôi. Phải chăng đó cũng là một niềm vinh hạnh cho gia đình chúng tôi.
Triệu Hồng Thăng kể
Trích trong sách Bác Hồ sống mãi với
chúng ta, Nxb CTQG, H.2005
Đức Hiếu (Tổng hợp)
Còn nữa