ga-nguoi-thuong-binh-1

Ông Bảy Khoa hằng ngày giữ gìn và thắp hương tại Đền thờ Bác Hồ ở Châu Thới.

Những ngày tháng Năm này, nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi trở lại xã Châu Thới Anh hùng để gặp và tìm hiểu rõ hơn về một người suốt hơn 45 năm liền bảo vệ, gìn giữ Đền thờ Bác Hồ.

Đó là ông Nguyễn Văn Khoa (Bảy Khoa) người thương binh với dáng người nhỏ bé, da đen sạm nhưng rất gan dạ, kiên cường trong những năm chiến tranh bảo vệ quê hương, bảo vệ, giữ gìn Đền thờ Bác Hồ. Ông được nhiều cán bộ, nhân dân trong và ngoài tỉnh biết đến và trân trọng, quý mến, khâm phục.

Đền thờ Bác Hồ ở xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi cách trung tâm TP Bạc Liêu gần 20 km, được cán bộ, nhân dân trong xã xây dựng ngay sau khi Bác mất. Ban đầu Đền thờ Bác được xây dựng bằng vật liệu tre lá đơn sơ. Sau đó, cán bộ, nhân dân địa phương không sợ hy sinh, gian khổ, nhiều năm liền góp công sức tu bổ, xây dựng khang trang. Đặc biệt, việc xây dựng, giữ gìn Đền thờ Bác Hồ trong vòng vây dầy đặc đồn bốt Mỹ - ngụy, đây là một “kỳ tích”, một huyền thoại của Đảng bộ và nhân dân xã Châu Thới anh hùng…

Tấm lòng sắt son với Bác

Với tấm lòng kính yêu Bác vô hạn và khí phách của người con xã Châu Thới Anh hùng, ông Bảy Khoa nhớ lại: Cách đây hơn 45 năm, ngày 3-9-1969, khi nghe tin Bác Hồ vĩnh viễn đi xa, quân dân xã Châu Thới vô cùng bàng hoàng, đau đớn. Nghĩ đến tình yêu thương của Bác đối với nhân dân miền Nam ruột thịt, Đảng bộ và nhân dân Châu Thới có tâm nguyện chung là xây dựng Đền thờ Bác ngay tại quê hương để ngày đêm hương khói cho Người, củng cố thêm niềm tin vào con đường cách mạng mà Đảng và Bác đã lựa chọn. Sau một thời gian nhân dân góp sức xây dựng, sáng ngày 19-5-1970, lễ khánh thành Đền thờ Bác được tiến hành trong niềm hân hoan và trang nghiêm của gần hai nghìn người dân xã Châu Thới và các chiến sĩ huyện Vĩnh Lợi…

Trò chuyện với tôi, ông Bảy Khoa say sưa kể về những năm tháng đấu tranh với Mỹ - ngụy để xây dựng Đền thờ Bác Hồ đầy gian khổ, hiểm nguy nhưng rất kiên cường, niềm tự hào của cán bộ, nhân dân xã Châu Thới anh hùng.

Trong những năm tháng chiến đấu, xây dựng Đền thờ Bác Hồ ngay trong lòng địch đã khó, việc bảo vệ nơi hương khói cho Người còn khó hơn trăm lần, vì Mỹ - Ngụy luôn tìm cách phá hoại. Dù đã hơn 45 mùa Xuân Bác ngủ yên trong cõi vĩnh hằng, nhưng đối với ông Bảy Khoa – người Đội trưởng Đội Bảo vệ Đền thờ Bác Hồ năm xưa vẫn nhớ như in những ngày đầy gian khổ, cùng đồng đội đi nhặt những quả pháo lép, lấy trộm những quả lựu đạn của địch đem về chế tạo lại để dùng làm “chướng ngại vật” ngăn chặn giặc phá Đền thờ Bác.

Khi tôi hỏi về quê hương Châu Thới và huyện Vĩnh Lợi trong những năm kháng chiến ác liệt với giặc Mỹ xâm lược, ông Bảy Khoa ánh mắt như sáng lên niềm tự hào nhớ lại: Tại khu vực xã Châu Thới – quê hương ông, từ năm 1969 đến tháng 4-1975, có tới sáu đồn giặc đóng chung quanh Đền thờ Bác Hồ theo thế gọng kìm, gồm: Chi khu Vĩnh Hưng, đồn Bình Thới, đồn Bàu Sen, đồn Dù Phịch, đồn Giồng Bốm, đồn Xã Sín. Đồn gần nhất khoảng một km, đồn xa nhất khoảng ba km. Nhưng, tự hào thay, kể từ khi được xây dựng đến ngày giải phóng, Đền thờ Bác Hồ vẫn được quân và dân huyện Vĩnh Lợi bảo vệ, giữ gìn bằng cả trái tim và xương máu gần như nguyên vẹn trước nhiều trận càn quyét, đánh phá ác liệt của Mỹ - ngụy. Đội bảo vệ của ông Bảy Khoa gồm tám người không sợ hy sinh, đã trải qua nhiều trận “quần” nhau với bọn giặc đông hơn, có máy bay trực thăng yểm trợ.

Trong nhiều trận đánh ác liệt không cân sức với giặc, ông Bảy Khoa cho rằng, có một trận đánh “đẹp” nhất, nhớ đời nhất đối với ông và anh em Đội Bảo vệ Đền thờ Bác Hồ, đó là vào một ngày đầu tháng 3-1973, bọn địch đem bốn máy bay trực thăng từ hướng Sóc Trăng và thị xã Bạc Liêu bay xuống rất thấp để hỗ trợ lực lượng của chúng hòng tiêu diệt mục tiêu Đền thờ Bác ở Châu Thới.

Trước tình huống vô cùng gay go, ác liệt đó, ông Bảy Khoa khi ấy là Đội trưởng Đội Bảo vệ Đền thờ Bác Hồ đã dũng cảm và mưu trí, táo bạo chỉ đạo một tốp gồm bốn đội viên chạy ra đồng trống theo bốn hướng, nhằm “lôi kéo” máy bay địch. Ngay sau đó, bốn chiếc máy bay trực thăng của địch đã bị “kéo” ra đồng bắn đuổi theo bốn chiến sĩ… Nhờ tinh thần dũng cảm, mưu trí, sáng tạo của ông Bảy Khoa và bảy đội viên, Đền thờ Bác Hồ được bảo vệ an toàn, Đội bảo vệ của ông được cấp trên tuyên dương. Nhưng cũng trong trận chiến đấu không cân sức trên, ông Bảy Khoa bị thương cụt mất nửa bàn chân, sau này ông được xét công nhân thương binh hạng 4/4…

Qua trận chiến đấu ác liệt và anh dũng đó, ở xã Châu Thới và huyện Vĩnh Lợi đã phát động phong trào “Noi gương tinh thần chiến đấu dũng cảm của ông Bảy Khoa và Đội Bảo vệ Đền thờ Bác Hồ”. Cũng từ đó phong trào quyết tử để bảo vệ Đền thờ Bác Hồ không chỉ là khẩu hiệu, mà là hành động, là trái tim, tình cảm thiêng liêng của tấm lòng người dân xã Châu Thới nói riêng, Bạc Liêu nói chung đối với Bác Hồ vô vàn kính yêu cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Bắc – Nam sum họp một nhà.

ga-nguoi-thuong-binh-2
Nhiều đoàn khách quốc tế đến viếng thăm Đền thờ Bác Hồ tại Châu Thới.

Việc làm bình dị mà cao cả

Từ ngày thống nhất đất nước, sau nhiều lần tôn tạo, trùng tu, ngôi Đền nhỏ đơn sơ nay đã trở thành Khu Di tích lịch sử quy mô lớn. Đặc biệt, niềm vui, niềm tự hào lớn đối với người dân Châu Thới nói riêng, tỉnh Bạc Liêu nói chung - đó là năm 1998, Đền thờ Bác Hồ nơi đây đã được công nhận là Di tích lịch sử cách mạng quốc gia.

Năm 2012, tỉnh Bạc Liêu tổ chức lễ khánh thành trùng tu, mở rộng, nâng cấp Đền thờ Bác Hồ giai đoạn 1, kinh phí hơn 50 tỷ đồng, do T.Ư cùng địa phương đầu tư và nhân dân đóng góp. Hiện nay, Đền thờ Bác Hồ ở Châu Thới được đánh giá là Đền thờ Bác đẹp nhất ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long

Khi tôi hỏi về truyền thống gia đình, về cuộc sống của ông hiện nay, ông Bảy Khoa khiêm tốn, ngần ngại không muốn nói. Ông bảo rằng: “So với sự hy sinh của Bác Hồ, sự mất mát, sự hy sinh của nhiều gia đình huyện Vĩnh Lợi anh hùng, bản thân tôi cũng như gia đình tui may mắn, hạnh phúc hơn nhiều, vì còn được hưởng cuộc sống hòa bình hôm nay. Ở xã Châu Thới, có hàng trăm liệt sĩ, thương binh. Nhiều người ở lứa tuổi tôi mãi mãi nằm xuống vì quê hương, đất nước. Gia đình tôi có bảy anh em đều đi theo cách mạng đánh giặc khi mới chỉ 16 -17 tuổi. Người anh thứ sáu của tôi là Nguyễn Văn Dưỡng, hy sinh ngay chính tại mảnh đất Châu Thới vào năm 1971. Bản thân tôi và hai người anh nữa cũng là thương binh…”.

Nói về tấm lòng của mình đối với Bác Hồ, ông Bảy Khoa khẳng định: “Cả đời tôi, khi mới 15 tuổi, đã đi theo Đảng, Bác Hồ, không sợ gian khổ, hy sinh, chiến đấu với giặc để bảo vệ Đền thờ Bác Hồ, bảo vệ quê hương. Vì vậy, Bác luôn trong tâm khảm tôi…”.

Những việc làm bình dị mà cao cả của ông đã và đang được nhiều thế hệ trong và ngoài tỉnh, nhất là thế hệ trẻ khâm phục, quý mến và noi theo./.

Theo nhandan.com.vn

Huyền Anh (st)

Bài viết khác: