hoa si Vu Khang va buc hoa BH  anh
Họa sĩ Vũ Tư Khang vẽ bức tranh Bác Hồ với công nhân mỏ

Con đường đến với nghệ thuật hội họa, tranh cổ động của người nghệ sĩ tự do này tuy tình cờ nhưng đã gắn bó với ông cả cuộc đời. Người họa sĩ có hoàn cảnh xuất thân nghèo khó, chỉ có đôi tay tài hoa và niềm đam mê, nhiệt huyết với nghệ thuật. Ông là một trong số những họa sĩ nhiều tranh chân dung Bác Hồ ở thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh.

Họa sĩ Vũ Tư Khang sinh năm 1945 tại xã Cẩm La – Thị xã Quảng Yên - tỉnh Quảng Ninh. Ông nguyên là phóng viên quân đội, báo Tiền tuyến quân giải phóng Bắc Quảng Trị (1968 – 1973), hiện nay là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Một ngày đầu tháng 5-2015, chúng tôi đến thăm họa sĩ Vũ Tư Khang. Ngôi nhà của ông đơn sơ, nằm trên con phố Trần Khánh Dư, TX. Quảng Yên, Quảng Ninh. Trong không gian nghệ thuật ấy, người họa sĩ già năm nay đã 75 tuổi kể: Tôi bắt đầu vẽ về Bác từ rất sớm, khi còn trong quân ngũ. Đó là các bức "Bác Hồ với thiếu niên nhi đồng” năm 1968; "Bác Hồ với bộ đội quân khu IV”, vẽ năm 1971… Lúc đó, những bức vẽ của tôi chủ yếu là vẽ minh hoạ cho các báo”.

Cơ duyên đến với nghề vẽ tranh cổ động, vẽ tranh Bác Hồ đối với họa sĩ Vũ Tư Khang thật tình cờ. Ông kể: Trong một lần tìm tài liệu vẽ tranh, ông tìm được một bức ảnh của Bác. Hình ảnh Bác với thần thái trang nghiêm, bác ái, hiền hòa. Và tôi cứ hình dung như người ta vẫn nói, Bác Hồ có cốt cách của một ông Tiên. Nhưng nhiều lúc, tôi hay mường tượng hình ảnh Bác gần gũi như ông nội của mình… Cứ hình dung như vậy, khi cảm xúc đến là tôi cầm cọ phác thảo hình hài ban đầu của bức vẽ ngay lập tức. Khi vẽ, tôi chọn những lối bố cục khác nhau để tranh không lặp lại. Nhưng hình tượng Bác thì luôn luôn không đổi ở chỗ từ dáng đứng, ánh mắt, nụ cười, vầng trán đều thể hiện vẻ thanh cao, gần gũi và giản dị. Những cái khác là bố cục, đường nét, màu sắc, cảnh và người xung quanh Bác. Nhưng vẽ gì thì vẽ, tưởng tượng hư cấu thế nào về bối cảnh đi chăng nữa, thì vẫn phải tập trung làm tôn lên vẻ đẹp hình tượng Bác Hồ. Riêng về chất liệu, tôi hay lựa chọn tranh khắc gỗ trên giấy dó và sơn khắc…

Đến nay, họa sĩ Vũ Tư Khang không thể nhớ được đã vẽ bao nhiêu bức chân dung Bác Hồ. Tranh cổ động, nhất là những bức tranh vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh có một sức lan tỏa mãnh liệt. Để tạo nên được khả năng kỳ diệu ấy chính là nhờ đôi tay, khối óc của những tác giả đã miệt mài và âm thầm hoàn thành tác phẩm đúng tiến độ. Theo họa sĩ Vũ Tư Khang, khả năng vẽ đẹp và nhanh của ông là do tình cảm kính yêu đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuy chưa một lần được gặp Bác Hồ nhưng họa sĩ Tư Khang tìm hiểu hàng ngàn tư liệu ảnh, sách, báo, thơ văn về Bác để thể hiện Bác qua tranh với một góc nhìn mới, sinh động hơn, giàu tính nhân văn hơn. Bên cạnh những bức "truyền thống” như: Bác ngồi đọc sách, duyệt công văn, câu cá, vui với các cháu thiếu nhi... được nhiều nghệ sỹ khai thác, họa sĩ Tư Khang đã "sáng tạo” thêm nhiều bức tranh "độc và lạ” như bức tranh: Bác Hồ đang đánh đàn ghita thể hiện sự gần gũi của Bác với công nhân lao động vùng Mỏ, Bác Hồ với các chiến sĩ, hay Bác Hồ với các cháu thiếu nhi…

Với ông, mỗi bức tranh vẽ chân dung Bác Hồ đem lại một cảm xúc khác nhau. Nhưng trên hết, khi nghĩ về Bác, mỗi chúng ta sẽ trong sáng hơn.

Đa số các bức tranh ông vẽ thường trực nằm trong sức ép của thời gian. Những bức vẽ khó nhất, đòi hỏi nhiều công sức nhất cũng chỉ trong khoảng một vài tuần. Trong số hàng ngàn bức vẽ của mình, ông Tư Khang vẽ nhiều bức tranh khổ lớn "kỷ lục” của dòng tranh cổ động. Ông kể, thời đó không có giàn giáo nên khi vẽ tranh lớn phải dùng bàn, ghế kê lên hết cỡ để đứng vẽ. Họa sĩ Tư Khang chia sẻ thêm: "Ngoài các bức vẽ về Bác Hồ, tôi còn vẽ  Bác trên chất liệu gỗ, hay lụa, đá…

Hiện tại, họa sĩ Vũ Tư Khang đang gửi 3 tác phẩm tâm đắc nhất của mình đi triển lãm tại Làng Sen, quê Bác Hồ. Đó là các bức tranh Bác Hồ thăm Đảo Cô Tô, Bác Hồ với các cháu nhi đồng, Bác Hồ thăm công nhân mỏ Quảng Ninh. Chia tay chúng tôi, họa sĩ Tư Khang chia sẻ thêm: "Còn sống ngày nào, tôi còn vẽ về Bác với tất cả lòng thành kính và sự quý mến của tôi và hàng triệu người dân Việt Nam đối với Bác”./.

Long Vũ
Theo daidoanket.vn
Kim Yến (st)

Bài viết khác: