1. Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 số 62/2014/QH13 được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Khoá 13 thông qua vào ngày 11/12/2014. Có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/ 2015.

Theo quy định thì hệ thống tổ chức Tòa án nhân dân sẽ có thêm Tòa án nhân dân cấp cao, đây là điểm mới nổi bật trong Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014.

Ngoài ra, còn có nhiều điểm mới khác, như là:

- Các Tòa án nhân dân được tổ chức độc lập theo thẩm quyền xét xử.

- Tòa án có trách nhiệm bảo đảm cho những người tham gia tố tụng thực hiện quyền tranh tụng trong xét xử.

- Tòa án nhân dân xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính và thực hiện các quyền hạn khác theo quy định của luật tố tụng.

- Cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân tối cao gồm:  Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Bộ máy giúp việc; Cơ sở đào tạo, bồi dưỡng.

- Số lượng thành viên Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao không dưới 13 người và không quá 17 người.

Luật này thay thế Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2002.

2. Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014 số 63/2014/QH13 được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Khoá 13 thông qua ngày 24/11/2014. Có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2015.

Với 6 chương, 101 điều, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014 đã tiếp tục khẳng định rõ hơn vị trí của Viện kiểm sát nhân dân là thiết chế Hiến định trong bộ máy nhà nước, có nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, đồng thời có nhiều nội dung mới so với Luật hiện hành…

Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014 quy định Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp. Khi thực hiện chức năng công tố, Viện kiểm sát nhân dân có các quyền hạn như:

- Trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; tiến hành một số hoạt động điều tra để làm rõ căn cứ quyết định việc buộc tội đối với người phạm tội;

-  Điều tra các tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, các tội phạm về tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp theo quy định của luật;

- Quyết định việc truy tố, buộc tội bị cáo tại phiên tòa;

- Hủy bỏ các quyết định tố tụng trái pháp luật khác trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm...

3. Nghị định số 41/2015/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 05/5/2015 quy định về xét tặng danh hiệu "Thầy thuốc Nhân dân", "Thầy thuốc Ưu tú". Nghị định này có hiệu lực từ ngày 20/6/2015.

Danh hiệu “Thầy thuốc Nhân dân” được xét tặng cho thầy thuốc đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Thầy thuốc Ưu tú” và đạt các tiêu chuẩn sau:

-  Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương.

-  Có phẩm chất đạo đức tốt, tận tụy với nghề, hết lòng thương yêu người bệnh, được nhân dân, người bệnh và đồng nghiệp tin cậy, kính trọng.

-  Có tài năng và có nhiều thành tích xuất sắc trong phòng bệnh, chữa bệnh, phát triển khoa học kỹ thuật về y tế, có nhiều cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ và nâng cao sức khỏe của nhân dân….

-  Có thời gian trực tiếp làm công tác chuyên môn kỹ thuật trong ngành từ 20 năm trở lên; đối với cán bộ quản lý y tế thì phải có thời gian công tác trong ngành từ 25 năm trở lên trong đó có 15 năm trở lên trực tiếp làm công tác chuyên môn kỹ thuật.

Danh hiệu “Thầy thuốc Ưu tú” được xét tặng cho các thầy thuốc đạt các tiêu chuẩn sau:

- Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương.

- Có phẩm chất đạo đức tốt, tận tụy với nghề, hết lòng thương yêu người bệnh, được nhân dân, người bệnh và đồng nghiệp tín nhiệm.

- Có tài năng trong công tác phòng bệnh, chữa bệnh, phát triển khoa học kỹ thuật về y tế

- Có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác phòng bệnh, chữa bệnh, phát triển khoa học kỹ thuật về y tế, đạt tiêu chuẩn sau: Đã được tặng ít nhất 01 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ hoặc đã được tặng ít nhất 03 Bằng khen cấp Bộ, tỉnh hoặc đã được 02 lần tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp Bộ, tỉnh và 01 Bằng khen cấp Bộ, tỉnh hoặc đã được 06 lần được tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở và ít nhất 02 Bằng khen cấp Bộ, tỉnh.

- Có thời gian, trực tiếp làm công tác chuyên môn kỹ thuật trong ngành từ 15 năm trở lên; đối với cán bộ quản lý y tế thì phải có thời gian công tác trong ngành từ 20 năm trở lên, trong đó có 10 năm trở lên trực tiếp làm công tác chuyên môn kỹ thuật.

4. Quyết định số 11/2015/QĐ-TTg của Chính phủ ban hành ngày 03/4/2015 quy định về miễn, giảm tiền sử dụng đất khi công nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân đối với đất ở có nguồn gốc được giao (cấp) không đúng thẩm quyền trước ngày 15/10/1993 tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 01/6/2015.

Mức miễn, giảm tiền sử dụng đất theo Quyết định 11/2015/QĐ-TTg được thực hiện như sau:

- Mức miễn, giảm tiền sử dụng đất trong hạn mức giao đất ở đối với hộ gia đình, cá nhân được giao đất không đúng thẩm quyền trước ngày 15/10/1993 cụ thể là:

+ Miễn tiền sử dụng đất trong hạn mức giao đất ở đối với hộ gia đình, cá nhân tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hải đảo.

+ Giảm 50% tiền sử dụng đất theo mức thu quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 8 Nghị định 45/2014/NĐ-CP trong hạn mức giao đất ở đối với hộ gia đình, cá nhân tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn.

- Đối với phần diện tích vượt hạn mức giao đất ở (nếu có) thì hộ gia đình, cá nhân nộp tiền sử dụng đất theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 8 Nghị định 45.

5. Thông tư số 04/2015/TT-NHNN của Ngân hàng nhà nước ban hành ngày 31/3/2015 quy định về Quỹ tín dụng nhân dân do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/6/2015.

Thông tư có những điểm đáng chú ý sau:

- Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh xem xét, cấp Giấy phép đối với quỹ tín dụng nhân dân có trụ sở chính trên địa bàn.

- Thời hạn hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân tối đa là 50 năm.

- Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động.

- Mục tiêu chủ yếu là tương trợ giữa các thành viên thực hiện có hiệu quả các hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ và cải thiện đời sống.

- Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động trong địa bàn một xã, một phường, một thị trấn (có thể hoạt động liên xã nếu đáp ứng điều kiện tại Khoản 3 Điều 8 Thông tư này)

6. Thông tư số 53/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành ngày 21/4/2015về sửa đổi, bổ sung Thông tư số 127/2013/TT-BTC ngày 06/9/2013 của Bộ Tài chính quy định chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí cấp giấy đăng ký và biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 06/6/2015.  

Thông tư sửa đổi một số chỉ tiêu quy định trong Biểu mức thu lệ phí cấp giấy đăng ký và biển số phương tiện giao thông. Cụ thể, trường hợp cấp lại, đổi giấy đăng ký và biển số xe ô tô con không hoạt động kinh doanh vận tải hành khách và xe máy chuyển từ khu vực phải nộp lệ phí với mức thu thấp về khu vực phải nộp lệ phí mức thu cao, tổ chức, cá nhân phải nộp lệ phí theo mức thu cấp mới.

Ngoài ra, xe ô tô con hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bao gồm: Xe ô tô con của các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh vận tải hành khách được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; Xe ô tô con cho thuê tài chính đối với các tổ chức, cá nhân được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô./.

Kim Yến (Tổng hợp)

Bài viết khác: