Nh ng ngay thßng   bOn Bßc H   phan 9 anh
Bức họa Bác Hồ của họa sĩ Phan Kế An.

Bức ký họa Bác Hồ đầu tiên trên báo

Trong thời kỳ chống thực dân Pháp ở Việt Bắc, tờ Sự thật là tớ báo lớn nhất của chúng ta. Một hôm Tổng Biên tập Trường Chinh cho gọi tôi lên và bảo: “Cậu chuẩn bị lên gặp Cụ (thời bấy giờ cán bộ chúng tôi thường gọi Bác là Cụ chứ chưa gọi Bác như sau này) và vẽ một số chân dung Cụ để kịp cho số báo tới!” Thế là tôi đeo ba lô, xách thuốc vẽ, giấy bút lên đường.

Kể từ hôm đó tôi làm việc ở bên Người. Hằng ngày, Bác vẫn đưa các tài liệu ra nghiên cứu, rồi Người đọc các công văn, giấy tờ từ mặt trận gửi về. Khi thì Bác ra chỉ thị cho các đơn vị, địa phương… Tôi vẽ Bác trong nhiều tư thế, mặc dù trong một ngày làm việc Bác luôn luôn thay đổi địa điểm. Thỉnh thoảng Bác lại châm lửa hút thuốc và mỗi lần như vậy Bác đều mời tôi hút thuốc. Đến bữa tôi dùng cơm với Bác. Mâm cơm đơn giản và đạm bạc. Cùng dùng cơm với Bác ngoài tôi còn có chị Phương Mai. Mỗi bữa cơm người đều đem bình rượu thuốc ra dùng và bao giờ cũng chỉ uống một chén. Tôi rót thêm mời, Bác đều giơ tay và nói: “Mình chỉ dùng một chén khai vị thôi, mà An có uống thêm cũng đừng quá ba chén đấy nhé. Rượu chỉ tốt khi có chừng mực…!”. Chiều đến sau giờ làm việc Bác cùng anh em ra bãi cỏ bên cạnh nhà chơi bóng chuyền. Có lần bóng bật mạnh văng ra khỏi sân, tôi lao theo bóng, Bác liền chạy theo và kéo vai tôi lại nói: “Mấy bụi gai và nứa kia rất sắc, đừng qúa đà theo bóng mà nguy hiểm đó!”.

Thời gian hai tuần thấm thoát trôi qua. Tôi phải lên đường về lại cơ quan chuẩn bị số báo tới. Tôi chuẩn bị đồ đạc xong xuôi để lên đường. Bác ra tiễn tôi một quãng, Người không quên chìa hộp thuốc lá mời tôi. Tôi rút một điếu nhưng không châm lửa mà giữ trong lòng bàn tay.

Bác cười: “An trữ thuốc phải không?”.

Tôi rất ngạc nhiên và lúng túng. Thì ra Bác đã tinh ý nhiều khi thấy tôi chỉ rút thuốc của Bác mời mà không hút. Tôi đành thưa thật với Bác là tôi muốn dành một số thuốc của Bác để làm quà cho anh em và hẳn anh em cơ quan báo sẽ rất vui.

Bác lại hỏi: “Thế An để dành được bao nhiêu điếu rồi?”.

- “Dạ thưa, được 13 điếu!” - Tôi trả lời.

- “Thế tòa soạn có bao nhiêu người?” – Bác lại hỏi.

- “Dạ 30 người ạ!” – Tôi đáp.

Bác liền rút ra thêm 17 điếu nữa và đưa cho tôi rồi bảo: “An cứ hút điếu mình mời, còn đây là đủ số thuốc để làm quà cho anh em ở nhà đó!”. Tôi  nghẹn ngào mà không nói lên lời. Bác bận trăm công ngàn việc mà vẫn ân cần quan tâm đến từng chi tiết nhỏ cho anh em chúng tôi.

Về tới tòa soạn tôi đem tranh cho anh Trường Chinh xem. Anh Trường Chinh ưng nhất bức chân dung mà Bác đã chỉ cho tôi. Thế là bức chân dung này, bức vẽ Chủ tịch Hồ Chí Minh đầu tiên được in lên báo.

Phan Kế An kể
Trích trong sách Bác Hồ sống mãi với chúng ta,
Nxb. Chính trị quốc gia Hà Nội , 2005

Những ngày được sống bên Bác

Trong đời tôi, đã có thời gian tôi vinh dự được làm việc bên Bác. Và đây là những ngày được phục vụ Bác khi Bác đi thăm các nước Cộng hòa Xô Viết tại Liên Xô vào mùa Hè năm 1959.

Thật là một cuộc nghỉ hè cũng vào loại “xưa nay hiếm”. Có thể nói: 30 ngày nghỉ của Bác trên đất nước Xô Viết là 30 ngày… không nghỉ. Hầu như suốt một tháng Bác làm việc liên tục. Có ngày vừa đi bằng máy bay, vừa bằng ô tô, vừa bằng tàu biển. Bác đi thăm các xí nghiệp, cơ quan, công trường, nơi trưng bày mỹ thuật, khoa học, cung văn hóa, danh lam thắng cảnh… Hầu hết buổi tối đều có chương trình xem phim hoặc ca nhạc.

Ở Liên Xô, người ta quen thức khuya, dậy muộn, Bác thì cứ năm giờ sáng là dậy, sáu giờ bắt đầu chương trình làm việc mỗi ngày. Biết như vậy, các đồng chí Liên Xô (cùng đi với Bác) cũng đôn đốc nhau dậy sớm. Giờ nghỉ buổi trưa, Bác xem báo, nghe đài, đọc phần nhật ký mà anh em chúng tôi đã ghi hôm trước. Cuối buổi tối, Bác bảo ban anh em điểm lại công việc trong ngày và sắp xếp công việc cho ngày hôm sau. Chương trình đã đặt ra, dù gặp khó khăn, Bác vẫn kiên quyết thực hiện tốt.

Bác luôn đúng giờ và liên tục hoạt động, nhưng Bác vẫn ung dung, thanh thản. Khi tiếp xúc với các bạn nước ngoài, Bác bình dị và cởi mở. Tại những buổi chiêu đãi long trọng, có Bác dự bầu không khí trở lên thân mật, vui vẻ. Trong bữa cơm hằng ngày các đồng chí Liên Xô rất chú ý để sao cho hợp với tính tiết kiệm và giản dị của Bác.

Tuy đi nghỉ, Bác vẫn nhắc nhở chúng tôi theo dõi tin tức trong nước và thế giới. Mỗi lần chúng tôi báo cáo xong, Bác tóm tắt 10 ngày qua trên thế giới có những việc gì quan trọng. Hôm ấy, ngày 20-7, sau khi thăm thành phố Gôri, quê hương của đồng chí Xtalin, chiều về nhà nghỉ là buổi điểm tin. Bác nhắc lại cho chúng tôi nhớ một đoạn lịch sử của nước ta từ chiến thắng Điện Biên Phủ. Bác dạy: Nhân ngày 20-7 phải nhớ nhiệm vụ của chúng ta là đấu tranh chống bọn Mỹ cướp nước và bọn tay sai bán nước, giải phóng miền Nam, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, tiến tới thống nhất nước nhà. Bác căn dặn: Phải luôn luôn nghĩ đến đồng bào miền Nam ruột thịt.

Trong dịp đi thăm Liên Xô lần này, Bác đã đến Xí nghiệp Điện ảnh Mốtxphim tại Mátxcơva. Sau khi xem phim những hoạt động tại một vài trường quay và một số phân xưởng kỹ thuật sản xuất Bác đã dừng chân ở Phòng Trưng bày truyền thống. Theo đề nghị của các đồng chí Liên Xô, Bác đã ký tên vào sổ vàng dưới dòng cảm tưởng ngắn gọn bằng tiếng Nga “Rất lý thú”. Mấy hàng chữ ấy và chữ ký Hồ Chí Minh đã thành một niềm phấn khởi đặc biệt truyền nhanh đi khắp xưởng phim hôm ấy.

Trong khi thăm “Hội trưng bày những thành tựu Xô Viết trong 6 tháng đầu năm thứ nhất (1959) của Kế hoạch 7 năm”, Bác chăm chú nghe các chuyên gia điện ảnh Liên Xô trình bày tỉ mỉ một số vẫn đề kỹ thuật. Đứng trước màn bạc xoay tròn xung quanh phòng “Xiacôrama”, Bác nói: “Mình có cảm tưởng như cũng trực tiếp tham gia hoạt động với người trên màn ảnh”.

Khi Bác đến thăm gia đình của đồng chí Xuxlốp và đồng chí Brêgiơnhiép (lúc ấy đều là Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô) đang nghỉ hè tại Yanta, người con trai của đồng chí Xuxlốp chụp ảnh kỷ niệm cuộc gặp gỡ thân mật này bằng một máy ảnh mang nhãn hiệu “hỏa tốc”. Chụp xong ảnh có ảnh xem ngay. Bác chỉ vào cái máy ảnh cũ tôi đang dùng và Bác nói vui: “Máy ảnh của chú An chưa “hỏa tốc”, thì chú đưa ảnh sau vậy. Nhưng phải có ảnh tốt đấy và đừng quên gửi đủ ảnh cho mọi người trong ảnh nhé”. Nghe Bác nói mọi người đều cười vui vẻ.

Những ngày được sống và làm việc bên Bác là những ngày hạnh phúc và có ý nghĩa nhất trong cuộc đời công tác của tôi.

Vũ Năng An kể
Trích trong sách Muôn vàn tình thân yêu
Nxb. Văn hóa, Hà Nội, 1975

Bác Hồ người thầy vĩ đại về phong cách ngoại giao

Tôi nhớ mãi sự chỉ đạo sát sao của Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo trực tiếp trong việc vận dụng sắc bén và có hiệu quả tư tưởng Hồ Chí Minh. Từ Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến các bộ trưởng Ung Văn Khiêm, Xuân Thủy, Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Cơ Thạch… Tôi muốn ghi lại một số thu hoạch của bản thân trong công việc thường ngày ở một giai đoạn nóng bỏng trong quan hệ quốc tế của thời kỳ chống  Mỹ cứu nước, từ một không gian hẹp của mình tại một vụ hoặc một sứ quán.

Trong mọi việc ứng xử với nhiều tình huống tế nhị, ta đều quán triệt tư tưởng và lời dạy của Bác Hồ là không bao giờ “lửa đang cháy lại đổ thêm dầu”.

Trong thời gian ấy, Bác Hồ theo dõi chặt chẽ nhiều động thái ngoại giao của ta và quốc tế. Bác kịp thời biểu dương những hành động tích cực trong ngoại giao của cán bộ ta. Chúng tôi nhận được chỉ thị kèm theo điện của Bác cảm ơn học sinh Cu Ba đã lao động lấy tiền ủng hộ Việt Nam chống Mỹ cứu nước. Sáng sớm nhận điện, ngoài trời phủ đầy băng tuyết, Đại sứ Cu Ba tại Liên Xô đã tổ chức mít tinh trong phòng họp của Sứ quán bạn. Đại sứ đọc bức điện của Bác Hồ và nói thêm về tình hình mới ở Việt Nam. Toàn thể lưu học sinh Cu Ba và cán bộ, nhân viên sứ quán rất xúc động nghe thư điện của Bác. Bức điện đã cảm ơn tinh thần quốc tế của lưu học sinh Cu Ba và kết thúc bằng câu: “Gửi các cháu nhiều cái hôn và chúc các cháu học giỏi”.

Gặp cán bộ ngoại giao Bác thường dặn: “Các cô, các chú phải luôn rèn luyện phẩm chất chính trị, gìn giữ tư cách, phẩm chất của người làm công tác đối ngoại”. Bác đặc biệt quan tâm đến vấn đề nhân sự, nhất là việc bổ nhiệm các đại sứ. Chúng tôi nhớ về một việc đã làm Bác không vui. Một đồng chí Vụ trưởng, cán bộ lâu năm, đã được quyết định giữ chức Đại sứ tại một nước Đông Âu. Trước ngày đồng chí đó lên đường đi trình Quốc thư, Bác nhận được báo cáo về việc đồng chí đó đã tổ chức một bữa tiệc “khao” linh đình. Sau khi xác minh sự việc đó là đúng, Bác rất buồn khi nhân dân cả nước đang khổ, thì đồng chí này đã lãng phí như vậy. Vì vậy Bác quyết định đình chỉ công tác Đại sứ của đồng chí này. Bác phê bình, kiểm điểm để làm gương cho mọi người. Trong việc này, Bác tỏ ý không vui, Bác nói: “Kỷ luật phải nghiêm với bất kỳ ai!”.

Tôi nghĩ rằng, ngành ta nên tổ chức việc học tập, nghiên cứu, hội thảo về vận dụng đường lối quốc tế, rèn luyện phẩm chất, phong cách ngoại giao của Bác Hồ để bảo tồn và phát huy di sản vô cùng quý báu của tư tưởng Hồ Chí Minh vĩ đại.

Lê Trang kể
Trích trong sách Bác Hồ sống mãi với chúng ta,
Nxb. Chính trị quốc gia Hà Nội, 2005

Làm cán bộ là đầy tớ của nhân dân, không phải làm quan

Năm 1956, tôi được cử về Hà Nội tham gia Đoàn đại biểu các dân tộc thiểu số đi thăm Trung Quốc bốn tháng. Hết thời gian tham quan, về nước, hôm sắp sửa trở lại Đồng Văn, tôi được tin sẽ được đến thăm Bác ở Phủ Chủ tịch. Tin đấy làm tôi vui như người đói được ăn, người khát được uống. Rồi chúng tôi được đưa đến Phủ Chủ tịch. Bước chân lên thềm nhà cao rộng, đẹp đẽ, tôi hồi hộp vô cùng. Gặp Bác người tôi nóng ran lên vì xúc động, tôi nhìn Bác không chớp mắt. Hôm ấy tôi được tận mắt nhìn thấy Bác. Bác tươi cười hỏi thăm sức khỏe mọi người, rồi Bác hỏi ngay đến đời sống và tình hình làm ăn của các dân tộc miền núi. Bác hỏi:

- Đất đã cho ngô khoai tươi tốt, nuôi sống các cô, các chú, thế ngô khoai ăn xong, bây giờ các cô, các chú lấy cái gì mà trả lại cho đất nào?

Nh ng ngay thßng   bOn Bßc H   phan 9 anh 2
Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm với đại biểu nữ
 các dân tộc thiểu số tại Giàn hoa Phủ Chủ tịch (12/3/1961)

Tất cả chúng tôi im lặng trước câu hỏi của Bác, lúng túng không biết trả lời thế nào cho phải. Thấy vậy Bác nói: “Phải chăm bón, làm cho đất tốt thì người mới no, phải cải tiến kỹ thuật”. Bác cũng căn dặn chúng tôi phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, không được xa rời quần chúng; mình là đại biểu của các dân tộc thiểu số đã khổ cực nhiều rồi, nay được cách mạng, được Đảng soi đường chỉ lối ra khỏi cuộc đời tăm tối, được quần chúng tin yêu cử ra làm việc, thì không lúc nào được xa rời quần chúng; làm cán bộ là làm đầy tớ nhân dân chứ không phải làm quan… Tôi nhớ rất kỹ những lời dạy của Bác. Tôi nghĩ mình làm việc cho quần chúng thì ít, ngược lại quần chúng có thể giúp mình nhiều. Tôi nghĩ đơn giản thế này: “Giá như bây giờ mình thiếu ăn, mỗi nhà cho một ống thì thừa ăn ngay, nhưng mình bắt tay vào làm giúp quần chúng thì có được là bao!”. Tôi thấy những lời Bác dạy thật chí lý, chí tình, càng áp dụng vào thực tế càng thấy thấm thía.

Khi trở về Đồng Văn, tôi kể lại những điều mắt thấy, tai nghe về Bác với mọi người. Đây là lần đầu tiên đồng bào các dân tộc ở Đồng Văn chúng tôi được nghe chính người dân tộc mình kể chuyện về Bác Hồ, nên nói đến đâu bà con, anh em vui mừng đến đó. Đồng bào chúng tôi từ đó được hiểu rõ hơn về Bác, về Chính phủ. Thấy tôi kể nhiều chuyện Bác Hồ là người yêu thương các dân tộc, chỉ bảo các dân tộc làm ăn sinh sống, mệ tôi vẫn khuyên tôi:

- Thôi con cứ yên tâm mà đi làm việc cho nhân dân như Cụ Hồ bảo. Nhà có gì khó khăn, mẹ và em con sẽ có gắng vượt qua.

Có lời Bác dạy, lại được mẹ động viên, từ đó trở đi, tôi không thấy lòng mình băn khoăn nữa, mặc dù hoàn cảnh gia đình tôi còn nhiều khó khăn. Nhiều đêm phải đi công tác trong gió mưa lạnh buốt, nhớ những lời dạy bảo của Bác tôi lại ấm lòng vượt qua.

Năm 1958, tôi vinh dự được nhân dân bầu vào Quốc Hội khóa II. Sau kỳ họp thứ nhất, Bác mời những đại biểu của các dân tộc thiểu số ở lại. Tôi lại được gặp Bác một lần nữa. Vui mừng hơn lần trước vì lần này tôi được ngồi cạnh Bác. Bác quay sang hỏi chuyện tôi bằng tiếng phổ thông. Thấy tôi nói được ít, Bác hỏi:

- Cháu là người dân tộc nào?

- Thưa Bác, cháu là người Mông ạ!

Bác liền nói chuyện với tôi bằng tiếng Quan Hỏa là thứ tiếng tôi rất thạo. Khi chúng tôi ra về Bác không quên cho chúng tôi kẹo bánh để mang về làm quà cho người già và trẻ nhỏ.

Vừ Mí Kẻ kể
Trích trong sách Bác Hồ sống mãi với chúng ta,
Nxb. Chính trị quốc gia Hà Nội, 2005

 Đức Hiếu (Tổng hợp)
Còn nữa

Bài viết khác: