Trong những năm ở Việt Bắc lãnh đạo cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có gần 6 năm sống và làm việc tại nhiều địa điểm khác nhau trên mảnh đất Tuyên Quang. Tuyên Quang - Thủ đô kháng chiến - Thủ đô giải phóng – là nơi ghi dấu Người và Trung ương Đảng đã đưa ra những tư tưởng chỉ đạo, những quyết sách chiến lược đặc biệt quan trọng đưa cách mạng Việt Nam tới thắng lợi vĩ đại.

Đã gần 70 năm trôi qua, hàng vạn đồng bào các dân tộc của quê hương “Thủ đô kháng chiến” vẫn mong muốn có một công trình để xứng đáng tôn vinh những công lao to lớn của Bác với cách mạng, đặc biệt những tình cảm vô bờ bến mà Người đã dành cho các dân tộc tỉnh Tuyên Quang.

Đáp ứng mong mỏi của nhân dân Tuyên Quang, Đảng, Nhà nước đã đồng ý việc xây dựng Tượng đài “Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang” - công trình khởi công ngày 15-2-2012 và được khánh thành ngày 19-5-2015, đúng dịp kỷ niệm 125 năm Ngày sinh của Người. Đây là công trình lịch sử đặc biệt quan trọng, thể hiện tình cảm kính yêu, lòng biết ơn vô hạn của Đảng bộ, nhân dân Tuyên Quang và nhân dân cả nước đối với Bác Hồ. Đồng thời, công trình có ý nghĩa quan trọng giáo dục truyền thống yêu nước của các thế hệ người Việt Nam.

Từ Hà Nội đi Tuyên Quang bây giờ chỉ mất chưa đầy 3 giờ chạy xe. Nếu đi theo đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai thì quãng thời gian còn ngắn hơn nữa. Xe khách chạy Hà Nội - Tuyên Quang lúc nào cũng có. Thậm chí bây giờ nhiều người Tuyên Quang làm việc hay học tập ở Hà Nội thường đi xe khách lúc 4 giờ 30 phút và chỉ 6 giờ 30 phút đã có mặt ở Hà Nội để bắt đầu một ngày mới. Chúng tôi lên Tuyên Quang cùng hàng nghìn du khách các nơi đổ về đây để được tận mắt chứng kiến buổi khánh thành công trình đặc biệt quan trọng này - công trình “Tượng đài Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang”.

Chiều 19-5, dòng người đổ về Quảng trường Nguyễn Tất Thành ở trung tâm thành phố ngày một đông đúc. Thành phố đã lên đèn. Mọi người đều hướng về tượng Bác, về Đền thờ Bác với tình cảm thật thiêng liêng. Thế mới biết, tình cảm người dân nơi đây dành cho Người vô bờ bến. Vẫn nhớ mấy câu thơ của nhà thơ Tố Hữu đã nói hộ tình cảm người dân nơi đây: Mình về với Bác đường xuôi /Thưa giùm Việt Bắc khôn nguôi nhớ Người/ Nhớ Ông Cụ mắt sáng ngời/ Áo nâu túi vải đẹp tươi lạ thường!/ Nhớ Người những sáng tinh sương/ Ung dung yên ngựa trên đường suối reo/ Nhớ chân Người bước lên đèo/ Người đi rừng núi trông theo bóng Người...

thu-do-khang-chien-nho-bac-1
Tượng đài Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang tại Quảng trường
 Nguyễn Tất Thành, thành phố Tuyên Quang.

Đứng trên đỉnh núi Thổ Sơn nhìn xuống mới thấy, Tuyên Quang đẹp thật. Một phong cảnh sơn thủy hữu tình hiếm nơi đâu có được. Con sông Lô vắt ngang qua thành phố như một biểu tượng đã đi vào thơ ca. Con sông Lô từ bao đời nay vẫn hiền hòa chảy. Trước đây, giao thông chưa phát triển, sông Lô cùng sông Gâm là tuyến giao thông thủy thuận tiện nhất cho sự thông thương giữa miền xuôi với vùng trên của Tuyên Quang là Xuân Vân rồi ngược lên huyện Chiêm Hóa, Na Hang, những huyện cuối cùng của vùng đất này. Ngày Đại hội II của Đảng họp ở Chiêm Hóa năm 1951, đã có nhiều đại biểu ngược lên Chiêm Hóa trên chính tuyến giao thông thủy này. Cũng trên con sông Lô ấy, đã có biết bao chiến công của quân và dân ta đánh Pháp mà nổi tiếng nhất phải nhắc đến là chiến thắng Bình Ca. Thành phố Tuyên Quang với những con đường bao lấy các di tích lịch sử nằm uốn lượn bên bờ sông.

Tượng đài Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang là một công trình quy mô hoành tráng, xứng đáng với công lao trời bể mà Người đã lãnh đạo cách mạng trong những tháng ngày ở Tuyên Quang. Bố cục Tượng đài gồm 2 phần: Phía trước là nhóm tượng 7 nhân vật, trong đó tượng Bác Hồ ở vị trí trung tâm, chân dung thể hiện thời kỳ Bác Hồ về thăm và nói chuyện với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang tháng 3-1961. 6 nhân vật đại diện cho nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang quây quần bên Bác gồm: Lực lượng vũ trang, thiếu nhi, thanh niên, phụ nữ, công nhân và trí thức. Phía sau Tượng đài là phù điêu gồm 3 mảng với mảng chính là biểu tượng cây đa Tân Trào, di tích lịch sử của cách mạng Việt Nam - nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đọc bản Quân lệnh số 1 của Ủy ban Khởi nghĩa truyền lệnh xuất quân tiến sang giải phóng Thái Nguyên và tiến về giải phóng Thủ đô Hà Nội. Hai mảng phù điêu hai bên khắc họa một số hình ảnh hoạt động, sinh hoạt văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc Tuyên Quang, danh lam, thắng cảnh, kinh tế của tỉnh trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tượng đài “Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang” được nhiều kiến trúc sư đánh giá cao về phần mỹ thuật. Đây là một công trình đẹp, có nhiều nét khác biệt so với các công trình tượng đài Bác Hồ khác trong cả nước. Nhóm tượng và bố cục, tỷ lệ tạo khối đẹp, đường nét, hình khối, biểu cảm của nhân vật. Để xây dựng tượng đài Bác, những người thi công đã phải vận chuyển hơn 4.000 mét khối đá từ Thanh Hóa ra Ninh Bình để chuyển chất liệu tượng đài và phù điêu từ thạch cao sang đá, rồi đưa từ đó lên Tuyên Quang. Đây là loại đá đáp ứng đủ các yếu tố về chất lượng, thẩm mỹ và kết cấu.

Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tối 13-5-2015, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức Lễ trao giải thưởng đợt II giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Và thật vinh dự, tác phẩm “Tượng đài Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang” đã đạt giải A trong lĩnh vực sáng tác.

thu-do-khang-chien-nho-bac-2
Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh dưới chân núi Thổ Sơn. Ảnh: Hà My

Đồng nghiệp của chúng tôi, anh Vũ Quang Đán, Trưởng Phân xã của TTXVN tại Tuyên Quang kể rằng: Ngày nào anh cũng được chứng kiến, có nhiều người dân và du khách các nơi đến Tuyên Quang đều cố gắng đến trước Tượng đài Bác để chụp ảnh, dù lúc đó công trình chưa hoàn thành. Rất may mắn cho cơ quan Phân xã TTXVN tại Tuyên Quang là được nằm đối diện qua đường 17-8 với Quảng trường Nguyễn Tất Thành.

Tượng đài Bác được đặt trong quần thể của Quảng trường Nguyễn Tất Thành khiến không gian càng trở nên nghiêm kính, không chỉ có giá trị về văn hóa, nghệ thuật, mà còn bảo đảm được sự cân đối, hài hòa. Quảng trường Nguyễn Tất Thành được quy hoạch xây dựng với diện tích 8,5ha, có sức chứa hơn 20.000 người, gồm các hạng mục như: Khán đài, sân quảng trường, vườn hoa, đài phun nước, bãi đỗ xe, hệ thống giao thông nội bộ, điện chiếu sáng và các công trình phụ trợ khác. Sở dĩ Tượng đài Bác được chọn đặt ở Quảng trường Nguyễn Tất Thành bởi nó gắn với một sự kiện lịch sử. Năm 1961, khi Bác Hồ về thăm lại Tuyên Quang, Bác đã nói chuyện với Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Tuyên Quang tại chính nơi này.

Cùng trong Cụm Di tích Quảng trường Nguyễn Tất Thành - Tượng đài Bác là Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đền thờ Bác được xây dựng trên diện tích gần 3.000m2 gồm khu vườn, sân, đường vào. Để xây dựng Đền thờ Bác, nhiều nghệ nhân giỏi từ các làng nghề nổi tiếng đã được mời về thi công để bảo đảm tốt nhất chất lượng và mỹ thuật của công trình. Theo thiết kế, tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt trong đền thờ được đúc bằng chất liệu đồng, cao 1,72m, nặng 1,4 tấn do một công ty đúc đồng nổi tiếng của tỉnh Nam Định thực hiện. Tượng Bác và các ban thờ trong đền được bố trí theo phong tục truyền thống của người Việt. Đền có chuông thỉnh, bàn ghi lưu bút cho các đoàn du khách. Gian chính có bức đại tự “Chính Đại Quang Minh” và hai câu đối do Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu viết: “Ánh sáng rực Tuyên Quang hồng nhật soi dài muôn dặm đất/Khí thiêng trùm Việt Bắc đẩu tinh định hướng triệu con người”. Khu vực núi Thổ Sơn, nơi đặt quần thể di tích này cũng đã được cải tạo, đặc biệt là hàng loạt cây xanh được trồng mới rất đa dạng về chủng loại như chò chỉ, lim xanh, đinh, lim vàng, đa, thị, một số cây bản địa...

70 năm trước, người dân cả nước biết đến Tuyên Quang là quê hương cách mạng, là Thủ đô kháng chiến. Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang hiện có gần 500 di tích lịch sử cách mạng và kháng chiến. Còn ngày nay, Tuyên Quang đang được biết tới là một thành phố trẻ. Vùng căn cứ cách mạng xưa đang từng bước vươn lên về mọi mặt. Với sự đa dạng về nguồn khoáng sản, tiềm năng du lịch rất lớn, sự dồi dào về nguồn lực lao động hứa hẹn sẽ thu hút đáng kể sự đầu tư vào thành phố trẻ này. Những khu công nghiệp mới đã ra đời. Các nhà máy, xí nghiệp đang mọc lên, Tuyên Quang đã chuyển mình./.

Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang: Tượng đài “Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang” là nơi gửi gắm tình cảm sâu nặng, lòng thủy chung sắt son, sự biết ơn vô hạn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đối với Đảng và Bác Hồ kính yêu; thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với quê hương cách mạng, Thủ đô khu giải phóng, Thủ đô kháng chiến; có ý nghĩa to lớn trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, là sự nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn tu dưỡng, rèn luyện, nỗ lực phấn đấu không ngừng để xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng và nhân dân.

Ghi chép của NGUYỄN ANH TUẤN

Theo Báo Quân đội nhân dân cuối tuần

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: