LTS: Trong dịp toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đẩy mạnh các hoạt động chào mừng kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 /19-5-2015), khá nhiều trang mạng nước ngoài và blog cá nhân dẫn đăng một số bài viết với nội dung cố tình bôi nhọ, hạ thấp giá trị tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh.

Thực chất của những luận điệu đó là nhằm xuyên tạc tư tưởng và những cống hiến to lớn của lãnh tụ Hồ Chí Minh với sự nghiệp cách mạng và xây dựng Quân đội nhân dân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”. Báo Quân đội nhân dân giới thiệu vệt bài với nhiều luận cứ khoa học, tư liệu lịch sử, nhằm vạch trần những thủ đoạn xuyên tạc, bội nhọ nêu trên.

Bài 1: “Bạo lực cách mạng” vì độc lập, tự do thiêng liêng của Tổ quốc

“Nếu không bị uy hiếp, chúng ta không cần có tự vệ”

Đầu tháng 5-2015, Đài BBC tiếng Việt và Đài RFA đều dẫn đăng một bài viết bịa đặt trắng trợn nhiều chi tiết lịch sử, viện dẫn những ý kiến của nhiều thành phần bất hảo, phản động, rồi hồ đồ “kết luận”: Chính tư tưởng về “bạo lực cách mạng”, nhất là quan điểm “bạo lực cách mạng triệt để” và “niềm say sưa bạo lực” của Hồ Chí Minh đã tạo nên đội quân cộng sản hiếu chiến, kích động chiến tranh và tạo ra sự hy sinh không cần thiết trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược…

Cần khẳng định rằng, đó là những luận điệu bịa đặt trắng trợn, không chỉ ảnh hưởng đến giá trị tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh mà còn xúc phạm đến danh dự, tình cảm của con người và dân tộc Việt Nam. Lịch sử nhân loại ghi nhận Hồ Chí Minh là nhà văn hóa lớn, sứ giả của hòa bình và tình hữu nghị, lãnh tụ của cách mạng Việt Nam, của các dân tộc Việt Nam. Nhân loại cũng ghi nhận Hồ Chí Minh là nhà quân sự thiên tài với những tư tưởng cách mạng, tư tưởng quân sự mang tầm thời đại. Chính Người đã kế tục, phát triển những nội hàm về “bạo lực cách mạng” sát với thực tiễn cách mạng Việt Nam, biến nó trở thành kim chỉ nam cho hoạt động đấu tranh giải phóng dân tộc, giúp quân và dân ta đi hết thắng lợi này, đến thắng lợi khác, đánh đuổi giặc ngoại xâm, mang lại hòa bình cho dân tộc và thúc đẩy hòa bình thế giới. Đó là những tư tưởng quân sự mang tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc.

tu-tuong-nhan-van-phat-sang
Bác Hồ với bà con nông dân. Ảnh tư liệu.

Do yêu cầu cách mạng, đặc biệt là do phong cách giản dị của Hồ Chủ tịch, nên Người không đề tên một bài nói, bài viết nào của mình bàn về chủ nghĩa nhân văn nói chung, hay tư tưởng nhân văn quân sự nói riêng. Nhưng chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh đã toát ra từ toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng, tư tưởng và sự nghiệp mà Người đã tạo dựng. Thực tiễn cho thấy, mọi nhận thức và hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo lĩnh vực quân sự của Hồ Chí Minh đều toát lên những giá trị nhân văn cao cả, không chỉ chúng ta mà những người từng là đối tượng tác chiến ở bên kia chiến tuyến cũng phải thừa nhận. Đó là cơ sở vững chắc phủ nhận luận điệu cho rằng, “Hồ Chí Minh là người đam mê, say sưa bạo lực, đã gây nên sự hy sinh không cần thiết trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ”...

Đối với Hồ Chí Minh, việc phải tiến hành vũ trang là để tự vệ, bảo vệ chính dân tộc, nhân dân mình trước sự tấn công của các đội quân xâm lược mà lại là các đội quân có quân số đông, được trang bị vũ khí đầy đủ, hiện đại hơn, được huấn luyện chu đáo, chuyên nghiệp. Cuộc chiến tranh mà chúng ta buộc phải tiến hành là “chiến tranh chính nghĩa”, “chiến tranh tự vệ”; chiến tranh là giải pháp cuối cùng, còn một phút có thể tranh thủ, hy vọng đẩy lùi chiến tranh vẫn cứ tận dụng. Đây là điều mà Hồ Chí Minh đã nhiều lần khẳng định trước toàn thế giới và được nhân loại có lương tri ủng hộ, giúp đỡ rất to lớn, có hiệu quả. Như vậy, việc dụng binh là việc nhân nghĩa, trừ ác diệt tà để cứu nước, cứu dân theo tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh, hoàn toàn trái ngược với tư tưởng sùng bái, đam mê bạo lực.

Như chúng ta đã biết, sau Cách mạng Tháng Tám chưa đầy một tháng, với âm mưu cướp nước ta một lần nữa, ngày 23-9-1945, thực dân Pháp tiếp tục nổ súng, gây hấn ở Nam Bộ, buộc nhân dân ta phải bước vào cuộc chiến tranh tự vệ mới. Trong bài nói chuyện tại Trường Cán bộ tự vệ Hồ Chí Minh (7-1-1946), Người giải thích: “Nếu không bị uy hiếp, chúng ta không cần có tự vệ. Tự vệ là vệ lấy mình, lấy gia đình mình, rồi đến thành phố mình, nước mình. Ta phải ngăn ngừa mọi sự uy hiếp”. Như vậy, vũ trang tự vệ theo tư tưởng của Người hoàn toàn đối lập với vũ trang xâm lược của các lực lượng hiếu chiến với mưu đồ nô dịch, thống trị dân tộc khác. Vũ trang tự vệ là hoạt động quân sự chính nghĩa của một dân tộc yêu chuộng hòa bình, không bao giờ muốn chiến tranh. Do vậy, nó được sử dụng để giành và bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân trước sự xâm lược của ngoại bang, nên nó thể hiện rõ tính chất nhân văn, nhân đạo. Bởi vậy, khi thực dân Pháp lộ rõ mưu đồ cướp nước ta một lần nữa, Hồ Chí Minh đã vạch rõ: “Là nạn nhân của một cuộc xâm lược có chủ định từ trước, chúng tôi buộc phải tự vệ chống lại một đối phương đang thực hiện phương pháp của một cuộc chiến tranh tổng lực, như những cuộc bắn phá dã man làng mạc và dân thường” (1).

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam là cuộc chiến tranh tự vệ bắt buộc để bảo vệ chính quyền non trẻ, bảo vệ quyền tự quyết dân tộc, bảo vệ danh dự và nhân phẩm của một dân tộc. Tuy nhiên, cuộc chiến tranh đó chỉ để đánh bại ý chí xâm lược của một số kẻ hiếu chiến. Theo Hồ Chí Minh, “Nhân dân Việt Nam đã bị chính sách vũ lực, chính sách xâm lăng của một vài người đại diện Pháp ở Đông Dương xô đẩy vào một cuộc chiến tranh tự vệ thảm khốc” (2) và “Chính sách vũ lực mà các nhà đại diện Pháp ở Đông Dương vẫn áp dụng từ trước tới nay, đã buộc dân tộc Việt Nam phải võ trang tự vệ” (3). Người viết: “… Chúng tôi không muốn chiến tranh, nhưng chúng tôi quyết tự vệ đến giọt máu cuối cùng. Chúng tôi quyết không chịu mất nước làm nô lệ thực dân lần nữa. Mong Chính phủ, Nghị viện và nhân dân Pháp hiểu cho. Mong các nước dân chủ trên thế giới hiểu cho” (4). Với tinh thần tự vệ và ý chí tự lực, tự cường cao cả, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã làm nên chiến thắng ngày 7-5-1954 lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu.

Cuộc chiến tranh tự vệ chống đế quốc Mỹ mà nhân dân Việt Nam tiến hành, chẳng những có giá trị nhân văn, nhân đạo đối với dân tộc Việt Nam, mà còn đối với khu vực và thế giới. Người chỉ rõ: “Nhân dân Việt Nam chúng tôi phải kiên quyết đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược để tự vệ, để bảo vệ những quyền dân tộc thiêng liêng nhất của mình, đồng thời góp phần giữ gìn hòa bình ở Châu Á và thế giới” (5). Với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, cuộc chiến tranh tự vệ của nhân dân ta đã giành thắng lợi hoàn toàn, đúng như dự báo của Hồ Chí Minh là: “Đế quốc Mỹ đang tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo nhất trong lịch sử chống nhân dân Việt Nam. Sử dụng quyền tự vệ thiêng liêng của mình, toàn thể nhân dân Việt Nam đã kiên quyết chống lại để bảo vệ độc lập, tự do và đã liên tiếp giành được những thắng lợi to lớn và nhất định sẽ giành được thắng lợi cuối cùng” (6).

Phương thức đấu tranh cuối cùng

Suốt quá trình lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hướng tới một nền hòa bình cho dân tộc Việt Nam và xây dựng tình hữu nghị với nhân dân Pháp, Mỹ. Bằng rất nhiều sách lược khôn khéo, kể cả nhân nhượng cần thiết, Hồ Chí Minh muốn tránh cuộc chiến tranh Pháp - Việt lần thứ hai (1945-1954) và cuộc chiến tranh Việt - Mỹ (1954-1975), nhưng đều bị đối phương cự tuyệt. Nhân dân Việt Nam buộc phải kháng chiến chống đế quốc Pháp và đế quốc Mỹ. Tuy nhiên, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo kháng chiến, Hồ Chí Minh vẫn kiên trì theo đuổi khả năng hòa bình, sớm kết thúc chiến tranh. Người đã nhiều lần viết thư bày tỏ lập trường hòa bình, hữu nghị của dân tộc Việt Nam. Trong thư gửi Tổng thống Pháp (18-1-1947), Hồ Chí Minh viết: “Tôi xin nói để ngài rõ là dân tộc Việt Nam chỉ mong được độc lập và thống nhất trong khối Liên hiệp Pháp. Tôi rất đau lòng trông thấy những người đáng lẽ là bạn bè anh em với nhau, mà nay phải tàn sát lẫn nhau. Chúng ta có thể và chúng ta phải đi tới hòa bình để cứu sống cho bao thanh niên Pháp - Việt” (7). Đây là tư tưởng, quan điểm hết sức nhân văn, nhân đạo của Người, cũng vì sự nhân văn, nhân đạo cao cả để cứu toàn thể dân tộc Việt Nam khỏi ách nô lệ. Hồ Chí Minh đã tỏ rõ lập trường và lòng tin vào thắng lợi của mình: “Chúng tôi muốn hòa bình. Chúng tôi muốn nước chúng tôi độc lập và thống nhất... Bọn quân phiệt thực dân đã bắt buộc chúng tôi phải tiếp tục chiến đấu, chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng, chúng tôi lấy câu châm ngôn hiên ngang của các bạn làm châm ngôn của chúng tôi: “Thà chết không làm nô lệ”. Chúng tôi chiến đấu vì công lý. Chúng tôi sẽ tồn tại; chúng tôi sẽ chiến thắng” (8).

Khi Mỹ thay chân Pháp trực tiếp dấn sâu vào cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, Hồ Chí Minh đã nói thẳng với Tổng thống Mỹ Ken-nơ-đi rằng: “Việt Nam xa cách Hoa Kỳ hàng vạn dặm. Nhân dân Việt Nam và nhân dân Hoa Kỳ không thù oán gì nhau. Ông có lý do gì mà gây nên cuộc chiến tranh xâm lược ở miền Nam Việt Nam, hoang phí hàng tỷ đô-la của nhân dân Hoa Kỳ để ủng hộ một chính quyền thối nát độc tài… Ông có quyền gì mà bắt buộc hàng vạn thanh niên con em người Hoa Kỳ sang giết hại người miền Nam Việt Nam vô tội rồi họ cũng bị chết trong cuộc chiến tranh phi nghĩa, bẩn thỉu ấy?” (9). Trả lời phóng viên của tuần báo Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Cho tới khi hàng vạn người đã bị giết hại một cách tàn nhẫn và hàng chục vạn người khác bị giam cầm chết dần chết mòn trong các nhà tù và trại tập trung của bọn Ngô Đình Diệm, đồng bào chúng tôi ở miền Nam mới thấy không có con đường nào khác, ngoài con đường chiến đấu để bảo vệ đời sống của mình và gia đình mình. Họ đau đớn phải lựa chọn giữa hai con đường, hoặc là cầm vũ khí chiến đấu hoặc là bị tiêu diệt” (10).

Trong tình thế bất đắc dĩ buộc phải sử dụng đến sức mạnh quân sự thì tư tưởng chủ đạo của Hồ Chí Minh là phải giảm tối đa sự đổ máu không chỉ của quân dân ta mà ngay cả kẻ địch. Hồ Chí Minh đã thể hiện đầy đủ lòng nhân ái, khoan dung của một người cộng sản, một người yêu nước chân chính, một lãnh tụ cách mạng có tầm nhìn xa ngay từ việc xác định kẻ thù. Hồ Chí Minh hướng cuộc đấu tranh của nhân dân ta vào kẻ thù phản động nguy hiểm nhất. Trong quá trình tiến tới và nổ ra cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, Hồ Chí Minh cùng với Đảng lãnh đạo nhân dân tập trung đánh vào những tên phản động đầu sỏ, cô lập và trung lập quân Nhật, để vua Bảo Đại thoái vị, không gây nên cảnh "nồi da xáo thịt", giảm bớt những hận thù. Trong cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược nước ta lần thứ hai (1945-1954), Hồ Chí Minh đã phân biệt rất rõ thực dân phản động Pháp với chủ nghĩa thực dân nói chung, tập trung đánh vào bọn phản động.

Tính nhân văn, nhân đạo của Hồ Chí Minh trong phương thức, hình thức đấu tranh “bạo lực cách mạng” đã làm cho tập đoàn cầm quyền hiếu chiến của nước Mỹ bị cô lập đến cao độ. Họ không chỉ bị đồng minh lảng tránh mà còn bị nhân dân Mỹ phản đối gay gắt trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Bọn phản động, tay sai của Mỹ ở miền Nam Việt Nam thực tế đã không có chỗ đứng trong nhân dân, bị tiến công liên tục và cuối cùng bị sụp đổ./.

XUÂN BỘ VÀ TẤN TUÂN

Bài 2: Yêu thương, khoan dung, cảm hóa con người để muôn đời tắt lửa chiến tranh

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 522.

(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 5, tr.14.

(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 5, tr.41- 42.

(4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 5, tr.138.

(5) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 14, tr.661.

(6) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 15, tr.492.

(7) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 5, tr.36.

(8) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 5, tr.155.

(9) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 5, tr.494 - 495.

(10) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 11, tr.114-115.

Theo Báo Quân đội nhân dân

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: