nhung-ngay-ben-bac-p11
Bác Hồ trên đường đi Chiến dịch Biên giới. (Ảnh Tư liệu: TTXVN)

Theo Bác đi Chiến dịch Biên giới

 Năm 1950 chúng tôi được theo Bác đi Chiến dịch Biên giới. Ðoàn công tác theo Bác chỉ có một số người, rất gọn nhẹ. Tôi còn nhớ đó là các đồng chí Nhất Tiên Phong, Triệu Hồng Thắng, bác sĩ Chánh, đồng chí Ðịnh chụp ảnh, tôi - Tổ trưởng Tổ Bảo vệ và một số đồng chí bộ đội. Buổi tối trước ngày đi, Bác căn dặn chúng tôi:

- Chuyến đi này rất quan trọng. Thời gian không thể định được, nhưng ước khoảng trên dưới một tháng. Ðường đi rất vất vả, các chú phải cố gắng để làm tròn nhiệm vụ. Phải tuyệt đối giữ bí mật, nếu lộ ra sẽ hại tới việc lớn. Muốn vậy, từ việc chọn đường đi, tới nơi ăn, chốn ở, giao thiệp với dân, đều phải biết cách giữ gìn.

Chúng tôi đã chuẩn bị chu đáo cho chuyến đi dài. Nào gạo, thực phẩm, chăn màn, dụng cụ cấp dưỡng, thức ăn khô… Ðây là lần đầu Bác cho đi theo sáu người. Khi ra tới cửa rừng đồng chí Thắng đã dắt ngựa chờ sẵn, mời Bác lên nhưng Bác không đồng ý. Bác bảo:

- Chúng ta có bảy người, ngựa chỉ có một con, Bác cưỡi sao tiện.

Tôi cố nài Bác:

- Chúng cháu còn trẻ, Bác đã nhiều tuổi, đường xa, công việc nhiều xin Bác lên ngựa cho.

Bác nói:

- Các chú đều khỏe, còn trẻ cả, để đi đường xem các chú có theo kịp Bác không.

Cuối cùng Bác giải quyết:

- Thôi được, các chú mang theo ngựa để nó đỡ hộ ba lô, gạo. Trên đường đi ai mệt sẽ cưỡi ngựa.

Chặng đường đi qua đèo De và Ðiềm Mạc... Ðể quên đi nỗi mệt mỏi, vừa đi Bác vừa dạy chúng tôi đọc "Chinh phụ ngâm", đọc Truyện Kiều. Có lúc Bác kể những kinh nghiệm hoạt động cũ của Người cho chúng tôi nghe. Câu chuyện có sức lôi cuốn lạ thường, vui chân Bác cháu đi được chặng đường dài. Ðêm nghỉ và ngủ lại ở chợ Mới. Bữa cơm hôm ấy ngoài món lương khô chỉ có thêm một ít rau tàu bay luộc. Bác nói đùa:

- Rau tàu bay có khác, ăn vào nhẹ cả người, lại có mùi dầu xăng. Chúng tôi không ai nhịn được cười.

Sáng hôm sau đi theo đường quốc lộ, hết sức khẩn trương, cố gắng Đoàn đã vượt một chặng đường dài chừng 42km. Đến một lán để chờ phà ở Bắc Kạn thì Đoàn nghỉ lại. Sau một ngày đi bộ vất vả và mệt, Bác cháu nằm ngủ rất ngon lành. Bác nằm trên một ghế ghéo bằng cây, còn chúng tôi nằm quây quần ngay trên nền lán xung quanh Bác. Khoảng 4 giờ sáng hôm sau Bác đã dậy tập thể dục và xuống sông tắm.

Chặng đường xa, cả Đoàn có một con ngựa nhưng Bác rất ít khi lên ngựa, mà hay để tôi dùng ngựa đi tiền trạm. Bác đi bộ cùng anh em, hết sức dẻo dai. Để giữ bí mật Đoàn đi không ồn ào, không đón rước. Bác đội nón, lấy khăn che râu. Đến địa điểm nghỉ lại, Bác thường lánh ra một chỗ, khi nấu cơm xong chúng tôi ra mời Bác vào ăn.

Tối hôm đến bờ sông Bắc Kạn, tôi vào Tỉnh ủy gửi ngựa nhưng không nói là ngựa của Bác. Sáng hôm sau, Bác cho mời đồng chí Nông Quốc Chấn, Bí thư Tỉnh ủy Bác Kạn và đồng chí Chủ tịch tỉnh đến gặp Bác. Bác dặn dò công việc. Sau đó Đoàn đi tiếp qua sông chừng 2km thì nghỉ lại nấu cơm trưa. Từ đây, Đoàn được đi tiếp bằng ô tô do Bộ Quốc phòng đón. Sau mấy ngày đi bộ, giờ được đi ô tô, mấy Bác cháu có thời gian thư giãn đôi chút. Song bình xăng của xe chỉ chứa được 4 lít nên xe thường phải dừng lại để đổ xăng. Theo hướng Tĩnh Túc, đêm hôm ấy xe vượt đèo Giàng đến Phia Đèn thì nghỉ lại. Qua một chặng đường khá vất vả, chúng tôi dừng lại nấu cơm ăn. Muốn bồi dưỡng cho Bác, chúng tôi định thịt con gà giò mang theo để nấu cháo, nhưng Bác ngăn lại bảo đem cho đồng chí lái xe, còn Bác cháu lại ăn món rau rừng, thịt hộp.

Từ lúc lên Cao Bằng thấy dân bày rượu ra đường bán rất nhiều, Bác đùa với chúng tôi: Dân Cao Bằng các chú không có rượu chắc không làm được cách mạng.

Đường dài, Đoàn đi suốt đêm, qua Nguyên Bình tới Tà Sa, xe quay về, Bác cháu lại hành quân bộ từ 4 giờ sáng. Qua Khuôn Poóc, Khuôn Chỉ mua được một con vịt, Bác cháu dừng lại nấu cơm ăn. Dù mệt mỏi, Đoàn vẫn hành quân tiếp qua đèo Khau Lêu, xuống thôn Hào Lịch, xã Hoàng Trung, tới Lam Sơn nghỉ lại. Nơi đây cách quê tôi chừng 4 km.

Hôm sau qua Bế Triều, xã Ngũ Lão lên đèo Mã Phục, tôi đi tìm Trạm liên lạc của Bộ Quốc phòng, đưa giấy đi đường do anh Tô ký, tôi mới biết Đoàn Bác Hồ đi Chiến dịch mang mật danh “Thắng lợi”. Chặng đường dài hành quân vất vả cứ nghĩ đến hai chữ “Thắng lợi”, tôi lại thấy quên hết cả mệt nhọc, trong lòng thấy phấn chấn hẳn lên. Đi theo Bác, những lúc cảm thấy mệt muốn nghỉ Bác lại động viên, kể chuyện cho nghe. Càng đi càng thấy thêm yêu mến quê hương. Bác nói:

- Cao Bằng dất rộng, nhiều mỏ, công dân cần cù, chịu khó. Sau này, đuổi hết giặc nhân dân chịu khó về xây dựng quê hương thêm giàu đẹp.

Rồi Bác dặn:

- Từ đây tới Ban Chỉ huy mặt trận, đường tuy không dài lắm nhưng phải bảo đảm bí mật cao hơn, vì giặc tung do thám để dò tìm lực lượng ta, nhiều chặng chúng có thể phục kích, bắt cán bộ. Các chú phải cảnh giác, sãn sàng chiến đấu cao hơn.

Hôm ấy ra đi trời lại đổ mưa, đường trơn như mỡ, khi Đoàn lên tới nơi thì được anh Tô, anh Trần Đăng Ninh đã lên đây trước rồi… Tôi vào báo tin này cho các anh biết Bác đã lên, địa điểm Bác dừng là Tả Phây Nưa, Tả Phẩy Tẩu, thuộc huyện Quảng Uyên, cách thị trấn Quảng Uyên chừng 2 hoặc 3km. Anh Ninh đi vắng, anh Lê, Thư ký của anh Ninh nhận diện.

Sau khi liên lạc được với Ban Chỉ huy Chiến dịch, Bác ở lại làm việc phê chuẩn quyết tâm thư của Bộ Chỉ huy, gặp gỡ và đi thăm động viên các đơn vị. Ở Quảng Uyên hai ngày, Bác đi bộ tiếp xuống Phục Hòa, về gần Đông Khê, vị trí tiền phương của Ban Chỉ huy Chiến dịch, gặp anh em công binh đang làm cầu phao qua sông Bằng Giang, Bác khen:

- Các chú công binh khá lắm.

Hôm ấy sau khi làm việc với anh Văn, Bác nghỉ lại ở xóm Nà Lạn, xã Đức Long, Đông Khê, trong một cái lán dựng sẵn. Chiến lán nhỏ tạm đủ để Bác làm việc và ở, Bác dặn:

- Chúng ta sẽ ở đay một thời gian nên công tác giữ bí mật, giúp dân là rất cần.

Bác chỉ dẫn tỉ mỉ về bí danh của Đoàn công tác đặc biệt, cách tránh lửa khói ban ngày để phòng máy bay địch, nhất là cách tránh làm chết cỏ, làm mất dấu trên lối đi. Ở lâu, việc gì Bác cũng đem kinh nghiệm của Người ra chỉ bảo cho chúng tôi.

Nh ng ngay thßng   bOn Bßc H   phan 11 anh 2
Bác Hồ thị sát chiến trường ở mặt trận Đông Khê trong
Chiến dịch Biên giới năm 1950. Ảnh: Vũ Năng An.

Sáng hôm sau, tiếng súng mở màn Chiến dịch đã nổ từ sáng sớm, đó là ngày 16-9-1950, Bác lên núi đá Ngườm quan sát quân ta đánh vị trí Đông Khê. Tôi cũng được theo Bác đi lên quan sát trận đánh.

Đứng trên ngọn núi ở vị trí quan sát có thể thấy rõ toàn bộ các cứ điểm của địch, giống như ta đứng trước một cái sa bàn lớn. Đây là lần đầu tôi được chứng kiến một trận đánh lớn mà địch huy động nhiều máy bay tham chiến.

Khoảng 10 giờ sáng, quân ta lấy được ba đồn phìa Khóa, Yên Ngựa, Cam Phầy, mở đường ống phía Đông Nam tấn công vào đồn chính Đông Khê. Tin thắng trận liên tục được báo về nơi Bác. Tiếng súng, tiếng bom chuyển cả một vùng khói lửa bốc lên ngùn ngụt.

Sau hai ngày đêm quân ta chiếm được toàn bộ vị trí Đông Khê. Bộ đội truy kích bắt được rất nhiều tù binh đưa về Đức Long.

Sau khi bàn với Ban Chỉ huy Chiến dịch về chủ trương phát triển chiến thắng. Bác đi thăm thương binh tại bệnh viện dã chiến. Bác rất xúc động, không cầm được nước mắt nhưng cố nén để thăm hỏi anh em. Anh em thương bệnh binh cũng rất phấn khởi bởi thấy Bác già rồi mà vẫn ra mặt trận chỉ huy Chiến dịch. Trước khi về Bác đã tặng đồng chí thương binh nặng chiếc áo khoác của mình. Đi thăm Trại tù binh, Bác đóng giả một cụ già nông dân và Người cũng lại cởi tấm áo ngoài của mình cho một Đại úy thầy thuốc. Khi về có đồng chí ngạc nhiên hỏi tôi:

- Sao Bác lại cho nó?

Thấy nó bị lạnh, là tù binh nhưng là một bác sỹ, nó biết lẽ phải, lại đang bị thương.

Khi ở Thất Khê bác dặn tôi về Cao Bằng trước. Tôi mượn được chiếc xe đạp hỏng, dắt xe về thị xã, tôi tranh thủ về thăm nhà. Bố mẹ tôi mừng quá, ôm lấy tôi khóc rưng rức. Năm giờ sáng hôm sau tôi ra tới thị xã gặp được anh Hồng Kỳ, Chủ tịch tỉnh, cũng vừa kịp đón Bác đến. Trưa hôm đó Bác lên pháo đài Cao Bằng ăn cơm. Buổi tối Bác về nghỉ ở Lam Sơn và làm việc tại đây hai ngày.

Chiến dịch thắng lợi, kết thúc Chiến đi lịch sử như dự định của Bác. Người trở về Tân Trào cũng là lúc nhận được tin vui từ mặt trận báo về.

Võ Viết Ðịnh kể
Trích trong cuốn sách Chuyện kể của những người
 giúp việc Bác Hồ, NXB Thông Tấn, Hà Nội, 2003,

Theo lời Bác

Tháng 8 năm 1957, đơn vị chúng tôi đang tiến hành luyện quân để chuẩn bị bước vào Chiến dịch tiểu phỉ, trừ gian, bảo vệ cuộc sống yên vui cho đồng bào các dân tộc rẻo cao trong tỉnh. Bỗng một hôm tôi được Tỉnh ủy gọi đến trao nhiệm vụ bảo vệ đại biểu của Trung ương lên thăm Lào Cai. Tôi đoán mãi không biết chắc là đồng chí nào sẽ lên. Hôm cuối cùng, Tỉnh ủy mới cho tôi rõ là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hôm tỉnh tổ chức mít tinh để nghe Bác huấn thị, làm công tác bảo vệ nên tôi vinh dự được ngồi gần Bác. Bác nghe các đồng chí Thường vụ Đảng ủy báo cáo tình hình trong tỉnh, sau đó Bác hỏi:

- Các chú hãy nói cho Bác biết về một số tổ đổi công khá nhất, Lào Cai có bao nhiêu tổ đổi công khá?

Các đồng chí Tỉnh ủy đều lúng túng không trả lời đúng ý Bác muốn hỏi. Một đồng chí nói:

- Thưa Bác, nhân dân nói chung vẫn còn lạc hậu lắm ạ!

- Các chú đừng bao che như vậy! Các chú thử xem lại các chú lạc hậu hay nhân dân lạc hậu?

Lời lẽ phê bình của Bác làm cho tôi thấy rõ thêm bài học chống quan liêu, xa rời thực tế, phải tin tưởng ở quần chúng nhân dân. Hôm ấy, tôi vinh dự được ngồi với Bác, Bác hỏi:

- Chú lên đây công tác lâu chưa?

- Thưa Bác, cháu là người dân tộc thiểu số ở trên này ạ.

- Chú tham gia bộ đội từ bao giờ?

- Dạ cháu tham gia từ năm 1945.

- Như thế là tiến bộ!

Lời Bác khen cũng là lời Bác dạy, rất chân tình đã thấm sâu vào tâm trí tôi, nhắc nhở tôi phải luôn cố gắng trong mọi việc làm.

Sau khi Bác trở về Hà Nội, tôi lại cùng đơn vị bước vào đợt tập luyện tham gia cuộc vận động tiểu phỉ, bảo vệ trị an trên rẻo cao Sa Pa. Đây là một công tác phức tạp, khó khăn, không dựa vào quần chúng nhân dân thì không thể làm tốt được. Càng quan liêu, càng thất bại. Lúc đó lời Bác phê bình các đồng chí Tỉnh ủy trước đó lại sáng lên trong tôi.

Năm 1959, tôi được cử về Hà Đông dự Hội nghị công an vũ trang. Lần này Bác lại đến thăm và huấn thị cho Hội nghị. Nhưng thật không may cho tôi, tôi đi lạc, khi tìm được đến địa điểm thì Bác vừa huấn thị xong. Tôi ấm ức như vừa mất một vật gì quý giá. Được anh em truyền đạt lại đầy đủ những lời Bác dạy, tôi ghi nhớ nhất lời Bác căn dặn: “Phải cảnh giác cách mạng, phải học tập và rèn luyện để biết cách nhìn đúng đắn, để thấy rõ địch, ta. Phải quán triệt đường lối đấu tranh giai cấp của Đảng trong mọi việc”.

Năm 1961, Bác Hồ lên thăm Hà Giang tôi lại được làm nhiệm vụ bảo vệ Bác. Bốn năm, hai lần được bảo vệ Bác, lần này tôi vẫn lo lắng không kém lần trước. Trong buổi mít tinh khi nghe bác nói chuyện ai cũng lắng nghe như muốn thuộc từng lời Bác dạy. Tôi đinh ninh ghi lòng tạc dạ lời Bác: “Phải tăng cường đoàn kết dân tộc, đẩy mạnh sản xuất, xây dựng con đường làm ăn tập thể, làm cho miền núi tiến kịp miền xuôi”. Ba lần gặp Bác, tôi đều được nghe Bác dạy phải đoàn kết, tôi càng thấu hiểu sức mạnh của hai chữ này.

Hoàng Đình Lộc kể
Trích trong sách Bác Hồ sống mãi với chúng ta,
 NXB Thông Tấn, Hà Nội, 2005

Bác rèn luyện sức khỏe

Bác chú ý rèn luyện sức khỏe rất đều. Trong thể thao Bác thích các môn: Võ, bóng chuyền và bơi. Năm 1945, khi đang ở 12 Ngô Quyền, Bác nói:

- Chú có biết võ không? Chú xem có bài nào hợp với sức khỏe và tuổi của Bác thì hường dẫn cho Bác.

Tôi hướng dẫn Bác bài: Bát bộ liên hoa quyền, gồm bốn mươi chín động tác trong một tuần. Khi thuộc rồi hàng sáng Bác thường tập bài quyền.

Vì thích bóng chuyền và bơi nên Bác đề ra nguyên tắc chỗ ở của Bác trên Chiến khu nên cách nơi Chính phủ đóng khoảng 3km, phải có bãi để làm sân bóng và có suối để bơi. Tìm được chỗ ở như vậy cũng khó, chúng tôi phải xin phép Bác tìm sân, suối cách đó từ 500m đến 1km.

Sau mỗi ngày làm việc mệt nhọc, Bác cháu cùng nhau đánh bóng chuyền. Hôm nào không đủ người đánh bóng chuyền thì đi bơi. Tôi thường bố trí hai người khỏe để bảo vệ Bác.

Về mùa Hè, những lần Bác đi công tác phải qua sông, qua suối, chúng tôi đều chuẩn bị thuyền hoặc mảng để đưa Bác qua. Nếu nước lớn, chảy siết thì bác đi thuyền. gặp những hôm trời lặng, nước chảy từ từ thì Bác không chịu ngồi thuyền, ngồi mảng mà tự bơi. Chúng tôi cử một người bơi giỏi cùng bơi với Bác.

Sau này những thước phim tư liệu hiếm hoi ghi lại cuộc sống của Người trên chiến khu cho chúng ta thấy được hình ảnh Bác lội suối, băng rừng, đầu đội tấm áo vừa đi, vừa phơi cho khô. Hình ảnh của một vị Lãnh tụ thật gần gũi với nhân dân.

Về Hà Nội, điều kiện bơi và đánh bóng bị hạn chế nên năm 1959 chúng tôi đưa Bác ra Bãi Cháy nghỉ vài ngày. Sáng lấy ca nô đưa Bác ra đảo nghỉ ở đó đến tôi mới về, đem theo cả nồi niêu nấu ăn luôn. Những chuyến đi như thế này giúp Bác nghỉ ngơi, thư giãn và có điều kiện gần dân hơn.

Hoàng Hữu Kháng kể
Trích trong sách Chuyện kể của những người
giúp việc Bác Hồ, Nxb.Thông tấn, Hà Nội, 2003

 Đức Hiếu (Tổng hợp)
Còn nữa

Bài viết khác: