Đến làng Tân An, xã Quảng Thanh (Quảng Trạch) bên dòng Gianh lịch sử, hỏi nhà Nguyễn Đình Phong, không ai là không biết. Họ hào hứng nói đến bộ sưu tập tranh về Bác, về Đảng, về biển đảo quê hương mà ông Phong đang cất giữ.
Sinh năm 1944 tại Quảng Phong, mới học hết lớp 6, Nguyễn Đình Phong đã phải bỏ học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn rồi vào làm việc ở Tập đoàn sản xuất Miền Nam (nay là Nông trường Lệ Ninh) với công việc chính là chăn bò và ươm cây giống. Năm 1961, tham gia đắp đê khoanh vùng Hạc Hải tại Hoa Thủy (Lệ Thủy).
Với sự nhiệt tình, hăng hái của tuổi trẻ, ông hoàn thành vượt mức kế hoạch, được tặng hoa hồng, giấy khen của xí nghiệp. Cầm tấm Giấy khen trên tay, chàng thanh niên trẻ không cầm được nước mắt vì xúc động, ông Phong bồi hồi nhớ lại. Đến năm 1962, ông tham gia học lái máy kéo ở Văn Điển, Thanh Trì, Hà Nội, năm đó HTX Đại Phong vinh dự được Bác Hồ tặng một chiếc máy cày hiệu DT54, đây là chiếc máy cày đầu tiên của tỉnh, ông vinh dự là người đầu tiên thực tập trên chiếc máy cày màu đỏ ấy. Thực hiện chủ trương cơ giới hóa nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp tặng Quảng Bình 2 chiếc máy cày DT54, ông là lái chính của một trong hai chiếc đó.
Sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ, giặc Mỹ leo thang ném bom phá hoại miền Bắc, nơi ông làm việc thường xuyên bị máy bay Mỹ đánh phá, sau những mùa cày, ông hăng hái tham gia làm đường và san lấp hố bom cùng thanh niên xung phong. Tại trận địa, ông đã viết đơn bằng máu tình nguyện vào Nam chiến đấu, một đồng chí của Tỉnh ủy trả lời "mặt trận của chú là sản xuất, vũ khí của chú là máy cày, chú lật một đường cày là lập một chiến công".
Ông ngộ ra, tiếp tục bám làng, bám máy, hăng hái tham gia sản xuất. Từ đó, con "trâu sắt" đã cùng ông rong ruổi khắp các cánh đồng 2 huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy, ông không nhớ hết bao nhiêu vùng đất đã đi qua, bao nhiêu cánh đồng đã được cày xới. Người ta gọi ông là "kỵ sỹ cày" hay “kiện tướng cày”. Thời đó, mỗi chiếc máy quý vô cùng, người ta phải ngụy trang thật kỹ để tránh máy bay địch phát hiện, đánh phá.
Để cày một cánh đồng, ngoài ông ra cần ít nhất 3 người, một người ngồi cùng ông làm phụ lái, hai người cầm cờ trắng đứng hai đầu cánh đồng chừng... 500m. Khi có lệnh báo động máy bay, người cầm cờ sẽ hạ cờ xuống, người phụ lái khẽ vỗ nhẹ vào vai, lập tức “kỵ sỹ cày” tắt máy, chiếc DT54 trở thành cái... lều vịt giữa đồng, khi máy bay bay qua lại nổ máy cày tiếp. Hành trình đó cứ lặp đi lặp lại. Năm 1968, trong lúc đang cày gần một trận địa pháo cao xạ, bị máy bay địch đánh trúng, máy cày lật nhào, bị văng ra ngoài, ông lịm đi. Sau khi xuất viện, sức khỏe ông giảm sút, mắt mờ đi, tai gần như điếc hẳn. Ông về nghỉ mất sức, đành xa chiếc DT54 màu đỏ từ đó.
Ông Nguyễn Đình Phong bên phông tư liệu trước nhà.
Năm 1969, cả dân tộc nghẹn ngào tiếc thương khi biết tin Bác Hồ kính yêu đã vĩnh viễn ra đi. Ông khóc vì thương Bác và ông quyết làm một điều gì đó để tỏ lòng thành kính với Bác. Ông xúc động nhớ lại: "Hồi đó tivi chưa có như bây giờ, chỉ có nghe đài mà ông thì không nghe được, đành phải hỏi người khác, người ta cũng nói sơ qua về đám tang Bác, về chiến trường, có khi họ nói cả những điều ông đã biết". Ông bắt đầu tìm sách báo để đọc.
Trong lúc đọc, thấy có những hình ảnh về Bác rất đáng quý, ông liền giữ lại. Ông nghĩ phải làm một việc gì đấy cho đời sau con cháu có thể học tập tấm gương đạo đức của Bác, kể từ đó, ông bắt đầu công việc của mình một cách kiên trì, âm thầm, lặng lẽ. Hơn 45 năm qua, ông đã có trong tay một bộ sưu tập khổng lồ về cuộc đời hoạt động của Lãnh tụ Hồ Chí Minh với hàng ngàn bức ảnh khác nhau. Với mỗi bức ảnh, ông cẩn thận chú thích cụ thể, phóng to, ép plastic và tỉ mỷ đính vào các phông vải kích thước 10m*1,5m.
Nhiều người biết được việc làm cao cả của ông, họ hết sức ủng hộ, giúp ông trong việc sưu tầm, nhưng cũng có lúc nhìn thấy bức ảnh rất đẹp, rất quý, ông ngỏ ý xin lại nhưng người ta không cho, ông muốn mua nhưng người ta lại không bán, tiếc hùi hụi, đứng ngồi không yên, ông bèn nhờ con cháu chụp lại rồi in ra chứ nhất định không thể thiếu được.
Ngoài bộ sưu tập tranh ảnh về Bác, ông còn dày công sưu tập hình ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, về những chặng đường vẻ vang của Đảng, chân dung các vị Tổng Bí thư, về Quân đội nhân dân và cả những tư liệu khẳng định chủ quyền thiêng liêng của dân tộc đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ít ai biết rằng, để có được bộ sưu tập vô giá đó, với ông đó là cả một sự nỗ lực phi thường bởi đòi hỏi sự kiên trì, một ý chí thép, một lòng kính yêu Bác vô bờ bến và cả sự tốn kém. Chỉ riêng số tiền bỏ ra để ép plastic cho số ảnh khổng lồ trên là không hề nhỏ. Trong lúc bản thân ông lại bị bệnh nặng, không được hưởng chế độ nào.
Vậy là ông tiết kiệm, dành dụm được bao nhiêu ông lại dành cho việc sưu tầm. Cũng may, những người thân bên ông hết sức ủng hộ công việc thầm lặng mà cao đẹp ấy. Thấm thoắt đã gần nửa thế kỷ, bộ sưu tập càng dày thêm, ngôi nhà nhỏ trở nên chật hẹp cho việc lưu giữ hiện vật, ông đành cất kỹ vào tủ, khi nào có sự kiện hoặc có người muốn xem ông lại đem ra. Từ đấy, ngôi nhà nhỏ của ông trở thành điểm đến của nhiều nhà nghiên cứu, những người đam mê lịch sử ở địa phương, và ông chính là kho tư liệu sống của xã nhà. Nhà ông bên dòng Gianh thơ mộng với cái gió nồm hiền hoà của mùa khô, nhưng khi mùa lũ về, nước lên nhanh tưởng như nuốt trôi tất cả những gì trên con đường đi của nó, đã không ít lần ông chứng kiến sự giận dữ của thiên nhiên.
Còn nhớ năm 2010, cái năm sông Gianh vượt đỉnh lũ lịch sử, nước dâng cuồn cuộn, lập tức ông hô mọi người trong nhà cứu tập tranh ảnh, đưa lên gác xép. Khi hoàn thành cũng là lúc căn nhà nhỏ của ông bị nước nhấn chìm gần tới mái. Ông kịp giữ được bộ sưu tập của mình nhưng tài sản trong nhà bị nước nhấn chìm gần hết...
Chỉ vào từng tấm ảnh, ông nói rành rõi từng chi tiết cứ như mình là người chứng kiến từ đầu vậy. Ông am hiểu sâu sắc về lịch sử, văn học, địa lý, kể cả cổ sinh học. Bên cạnh việc sưu tầm, ông còn làm thơ, thơ ông dung dị, dễ đọc, dễ đi vào lòng người, đã có hơn 50 tập thơ có tên ông, ông cũng xuất bản được 1 tập cho riêng mình và đang “thai nghén” xuất bản tập thứ hai.
Khi được hỏi về tâm nguyện của mình, ông Phong chia sẻ: "Cả đời tôi dành sự kính trọng đối với Bác, với Đảng, với dân tộc, chỉ mong những điều mình làm không trở nên vô nghĩa, tôi muốn mở một triển lãm tranh nho nhỏ để mọi người có thể hiểu thêm về Bác, về con người và đất nước Việt Nam, mọi người đến xem triển lãm đã là phần thưởng vô giá đối với tôi chứ ngoài ra không có mục đích nào khác".
Nguyễn Thanh Định/Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Quảng Trạch
Theo baoquangbinh.vn
Thanh Huyền (st)