Một lần đi cùng với nhà văn Hoàng Quảng Uyên, người có nhiều thành công trong sáng tác về Bác Hồ tới thăm Pác Bó (Cao Bằng), ông hỏi tôi: "Họa sĩ có thể cho biết có bao nhiêu bức tranh Bác Hồ với Pác Bó quê tôi?".
Tôi trả lời nhà văn: "Nếu về số lượng các bức tranh sáng tác về Bác ở nơi đây thì tôi chưa có điều kiện thống kê được, nhưng những bức tranh tiêu biểu của hội họa Việt Nam về chủ đề này thì tôi có thể nói ngay với nhà văn được".
Tác phẩm đầu tiên mà tôi rất nhớ là bức "Bác Hồ về Nước", tranh sơn dầu của họa sĩ Trịnh Phòng, vẽ năm 1969, tái hiện hình ảnh Bác từ nước ngoài sau hơn 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước về tới biên giới địa đầu Tổ quốc. Nơi Bác đặt chân đầu tiên trên mảnh đất Việt Nam là vị trí cột mốc biên giới 108 Việt Nam - Trung Quốc, thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Bức tranh gồm 6 nhân vật đi cùng Bác, có mặt ở vị trí chân núi với cây cỏ, những hòn đá tự nhiên, phía sau là khoảng trời rộng và một phần núi mờ xa…
“Bác Hồ về Nước'' - Tranh sơn dầu của Trịnh Phòng.
Theo tư liệu lịch sử thì các nhân vật đó gồm các ông: Lê Quảng Ba, Phùng Chí Kiên, Đặng Văn Cáp, Thế An và Phạm Văn Lộc. Hôm đó là ngày 28/1/1941, tức ngày mồng 2 Tết Tân Tỵ (trước đây ghi là 8/2/1941; sau này xác định 8/2/1941 là ngày Bác chuyển vào hang Pác Bó để làm việc). Bức tranh này chủ yếu dựng lại bối cảnh Bác Hồ về đến biên giới.
Trong bức tranh, hình Bác ở vị trí trung tâm với nhóm hai người quần áo chàm sẫm dân tộc Tày. Hai nhân vật khác quần áo kiểu người Hoa cho thấy đó là những cán bộ cách mạng từ Trung Quốc về Nước cùng với Bác. Bác trong trang phục quần áo chàm hòa quyện với khung cảnh đất trời nơi đây. Bức tranh gam màu xanh lam, xanh chàm nhẹ, trong sáng và cũng là gam màu chủ đạo trong cảm xúc về miền núi nói chung và sắc xanh chàm của bà con miền núi nơi đây. Một khóm cây màu hoa Đào diễn tả không gian, thời gian của một mùa Xuân. Con đường núi như chưa rõ hình hài, khiến ta liên tưởng đó là con đường Bác đang mở về quê hương.
Thực tế thì đất trời Cao Bằng lúc đó là hoa Mơ trắng. Nhưng tác giả bức tranh muốn thể hiện đó là khung cảnh chung của miền Bắc, đó là hoa Đào. Ta có thể hiểu đó là mùa Xuân đang ở phía trước của con đường cách mạng mà Bác đang đi. Bức tranh hiện được phiên bản và có mặt ở nhiều bảo tàng trong nước. Khung cảnh của bức tranh tương đồng với nhà thơ Tố Hữu viết về Bác trong bài thơ "Theo chân Bác":
Ôi sáng Xuân nay, Xuân 41
Trắng rừng biên giới nở hoa mơ
Bác về... Im lặng. Con chim hót
Thánh thót bờ lau, vui ngẩn ngơ..."
“Nắm đất quê hương'' - Tranh sơn dầu của Phạm Công Thành.
Ngoài bức tranh tiêu biểu ấy, còn có một số bức tranh khác cùng đề tài này như bức "Nguyễn Ái Quốc về đến biên giới", tranh bột màu của Tô Dự (1986); "Nắm đất quê hương", tranh sơn dầu của Phạm Công Thành (1990). Bức tranh của họa sĩ Phạm Công Thành tập trung gần như đặc tả Bác đang cầm nắm đất trên tay, cái nhìn như vừa trực tiếp, vừa xa xăm khiến người xem cảm nhận được suy tư của Bác trong giờ khắc thiêng liêng Người vừa về đến Tổ quốc. Với bức tranh này ta có thể liên tưởng đến những câu thơ tiếp theo của Tố Hữu:
Bác đã về đây, Tổ quốc ơi!
Nhớ thương, hòn đất ấm hơi Người
Ba mươi năm ấy, chân không nghỉ
Mà đến bây giờ mới tới nơi!..
Trong phạm vi đề tài Bác Hồ với Pác Bó, có nhiều bức tranh đã trở thành điển hình trong hội họa Việt Nam. Bức "Bác Hồ làm việc tại Pác Bó cũng của họa sĩ Trịnh Phòng, vẽ năm 1971 theo phong cách tả thực: Bác trong sắc phục áo chàm đang chăm chú ngồi làm việc bên bàn đá, xung quanh là cây lá xa gần, dòng suối với lô nhô những mỏm đá, khóm cây bình dị. Bức tranh cũng được vẽ trong gam màu xanh chủ đạo rất chính xác với cảnh vật nơi Bác ngồi, nhằm dựng lại một khoảnh khắc rất thực về hình tượng Bác Hồ mà như trong thơ Bác đã cho thấy: Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng/Cuộc đời cách mạng thật là sang.
''Bác Hồ làm việc tại Pác Bó'' - Tranh Sơn dầu của Trịnh Phòng.
Tôi đã có dịp cất công chụp phiên bản 2 bức tranh của họa sĩ Trịnh Phòng tại Bảo tàng Pác Bó, Bảo tàng Hồ Chí Minh (TP Hồ Chí Minh), Bảo tàng Cách mạng Việt Nam và xem trong các ấn phẩm, bộ sưu tập của Hội Mỹ thuật Việt Nam.
Bức tranh "Bác Hồ ở Pác Bó" (1984) của họa sĩ Trọng Kiệm thể hiện Bác ngồi trong tư thế suy tư, ung dung, tự tại. Bác với cảnh sắc cây rừng, những mỏm đá nhô lên trong lòng suối Lênin. Bức tranh sơn dầu nhưng được vẽ với bút pháp gần với tranh khắc, chắc nịch, nhất quán, tạo được hình ảnh rất cô đọng và ấn tượng.
Bức tranh sơn dầu "Đầu nguồn suối Lênin" (1990) của họa sĩ Lương Xuân Trình vẽ Bác đang ngồi trên một tảng đá ở vị trí xa xa trong gam màu xanh đen nhẹ chủ đạo. Mặt suối trong, phẳng, tĩnh lặng, những tảng đá nhấp nhô, khóm cây rừng yên ả soi bóng dưới lòng suối. Hình ảnh Bác như không bao giờ bứt khỏi không gian cảnh sắc suối Lênin.
Bức tranh sơn mài "Ông Ké cách mạng" của họa sĩ Thế Vỵ vẽ Bác đang chăm chú ngồi bên lán Khuổi Nặm đọc tài liệu, bên phải là một phụ nữ trong trang phục người Tày phục vụ Bác. Đây là địa điểm có ý nghĩa lịch sử quan trọng, Bác tổ chức họp Hội nghị Trung ương 8, quyết định những vấn đề chiến lược, xây dựng phong trào Việt Minh (5/1941), giải phóng dân tộc.
"Ông Ké cách mạng" - Tranh sơn mài của Thế Vỵ.
Khung cảnh bức tranh là gam màu nâu đỏ của chất liệu sơn mài truyền thống. Hình ảnh Bác Hồ trong nét vẽ chắc và chi tiết, mấy tảng đá dát màu vỏ trứng, phía đầu hồi lán Khuổi Nặm dát màu vàng sáng… nổi bật trên nền màu cây rừng, cảnh vật trầm, ấm với những nét gợi tả, không đi sâu vào chi tiết, đủ làm nổi bật hình Bác giữa không gian. Bức tranh vẽ gần với thủ pháp trang trí, rất cô đọng, ấn tượng và hoàn thành trong thời gian khá dài, từ 1965 đến năm 1995.
Ngoài ra, các họa sĩ nổi tiếng như Trần Văn Cẩn, Phan Kế An, Nguyễn Văn Tỵ đều có những bức vẽ màu nước hoặc phác họa hoàn chỉnh, diễn tả Bác ngồi bên suối với các góc nhìn và cảnh vật xung quanh khác nhau, gợi được hình ảnh Bác giữa khung cảnh thiên nhiên Pác Bó bình dị mà trầm hùng, đem đến cho người xem những xúc cảm chân thực về Bác Hồ với nơi đầu nguồn cách mạng. Đây cũng là địa danh được nhiều họa sĩ tập trung sáng tác nhất về Bác trong hội họa Việt Nam.
Hà Huy Chương
Theo vnca.cand.com.vn
Minh Thu (st)