Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc, Hiệp định Giơnevơ được ký kết. Thành quả trực tiếp của thắng lợi này là miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, khôi phục, cải tạo kinh tế, văn hoá, xã hội và tiến lên xây dựng CNXH. Miền Nam tạm thời nằm dưới ách thống trị của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai.

1. Sau mấy năm hoà bình, khôi phục và phát triển về mọi mặt, miền Bắc đã có những thay đổi to lớn, đủ những tiền đề để chuyển sang một giai đoạn cách mạng mới. Trong điều kiện đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Hiến pháp năm 1946 - Hiến pháp dân chủ đầu tiên của nước ta, thích hợp với tình hình và nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ đó. Nó đã hoàn thành sứ mệnh của nó. Nhưng so với tình hình mới và nhiệm vụ cách mạng mới hiện nay thì nó không thích hợp nữa. Vì vậy mà chúng ta phải sửa đổi Hiến pháp ấy"(1).

Ngày 23-1-1957, tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khoá I, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Quốc hội sửa đổi Hiến pháp 1946. Đề nghị của Người đã được Quốc hội chấp thuận và một lần nữa, Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu làm Trưởng ban dự thảo Hiến pháp sửa đổi. Ngày 27-2-1957, trong phiên họp đầu tiên của Ban sửa đổi Hiến pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên những tư tưởng chỉ đạo như sau: “Bản Hiến pháp chúng ta thảo ra sẽ là một bản Hiến pháp phát huy tinh thần của Hiến pháp 1946, đồng thời phải phản ánh đầy đủ tình hình thực tế của chế độ ta do cuộc cách mạng phản đế, phản phong thắng lợi đã mang lại; phản ánh đúng đắn con đường đang tiến lên của dân tộc ta. Nó sẽ là một bản Hiến pháp của một nước dân chủ nhân dân tiến dần lên CNXH. Nó phải là một bản Hiến pháp bảo đảm được các quyền tự do dân chủ cho các tầng lớp nhân dân, trên cơ sở công nông liên minh và do giai cấp công nhân lãnh đạo. Nó phải thật sự bảo đảm nam nữ bình quyền và dân tộc bình đẳng” (2).

Sau một thời gian tích cực chuẩn bị, ngày 27-2-1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trình Bộ Chính trị, để bàn một số vấn đề cơ bản về Hiến pháp sửa đổi. Tháng 7-1958, dự thảo đã được đưa ra thảo luận trong các cán bộ trung cấp, cao cấp thuộc các cơ quan quân, dân, chính, Đảng. Trong báo cáo công tác của Ban Dự thảo Hiến pháp sửa đổi, ngày 9-12-1958, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá I, với mong muốn: Dự thảo một bản Hiến pháp xứng đáng với sự tiến bộ của nhân dân ta, của Tổ quốc ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Ban Dự thảo đã đưa ra trưng cầu ý kiến các đại biểu Quốc hội, cán bộ, các chính đảng, đoàn thể nhân dân, các cơ quan chính quyền. Tất cả có 500 người tham gia và góp 1700 ý kiến. Những ý kiến ấy đều thể hiện tinh thần tích cực đóng góp xây dựng Hiến pháp”(3).

Sau đợt thảo luận đó, dự thảo Hiến pháp được chỉnh lý lại và ngày 1-4-1959, đã công bố để toàn dân thảo luận, đóng góp ý kiến xây dựng. Những ý kiến đóng góp của nhân dân được Ban sửa đổi Hiến pháp tiếp thu, nghiên cứu, thảo luận kỹ càng và trên cơ sở của việc nghiên cứu và thảo luận đó, sẽ chỉnh lý lại bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi. Tháng 12-1959, tại kỳ họp thứ 11 của Quốc hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã báo cáo kết quả quá trình dự thảo Hiến pháp 1959. Sau khi xem xét, thảo luận về nội dung, Quốc hội đã thông qua bản Hiến pháp sửa đổi vào ngày 31-12-1959 và ngày 1-1-1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh công bố bản Hiến pháp mới.

2. Nói về ý nghĩa quan trọng của bản Hiến pháp sửa đổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Hiến pháp 1959 gồm: Lời nói đầu, 10 chương và 112 điều, đã "ghi rõ những thắng lợi to lớn của nhân dân ta trong những năm qua và nêu rõ nhiệm vụ cách mạng mới" của hai miền Nam-Bắc trong giai đoạn lịch sử mới. Khác với Hiến pháp 1946, ngay trong Lời nói đầu của Hiến pháp1959, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam được khẳng định và đó là bộ tham mưu lãnh đạo “toàn thể nhân dân ta đoàn kết một lòng đứng lên đánh giặc cứu nước”(4).

Ra đời trong điều kiện cách mạng Việt Nam đã có những thay đổi quan trọng về thế và lực, Hiến pháp 1959 thực sự là một cương lĩnh thể hiện rõ khát vọng không ngừng củng cố, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kiên định cuộc đấu tranh, vì một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Điều này được thể hiện rõ trong Lời nói đầu và Điều 1 của Hiến pháp: "Đất nước Việt Nam là một khối Bắc - Nam thống nhất không thể chia cắt" (5). Tư tưởng Bắc - Nam thống nhất thể hiện khát vọng và niềm tin tất thắng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào một ngày mai tươi sáng của dân tộc. Niềm tin đó được khẳng định bằng quyết tâm không gì lay chuyển được của Người và của cả dân tộc Việt Nam ngay từ khi thực dân Pháp nổ súng quay trở lại xâm lược Nam Bộ: "Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi"(6).

 Sự khác biệt giữa Hiến pháp tư sản và Hiến pháp XHCN của ta chính là ở bản chất của nhà nước. Từ điều kiện thực tế, Hiến pháp 1959 xác định rõ: Về hình thức chính thể, nhà nước ta vẫn duy trì chính thể “dân chủ cộng hoà”, nhưng “là một nước dân chủ nhân dân” (Lời nói đầu và Điều 2) làm nhiệm vụ lịch sử của chuyên chính vô sản. Tư tưởng này đã được Người khẳng định: "Do tính chất của Nhà nước ta, do chế độ kinh tế và xã hội của chúng ta, Nhà nước chẳng những công nhận những quyền lợi của công dân mà còn bảo đảm những điều kiện vật chất cần thiết để cho công dân thật sự được hưởng các quyền lợi đó"(7). Tiếp tục thực hiện tư tưởng quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân của Người, nên tính chất nhân dân trong Hiến pháp 1959 vừa là sự kế thừa, vừa là sự phát triển so với Hiếnpháp 1946: “Nhà nước ta là nhà nước dân chủ nhân dân dựa trên nền tảng liên minh công nông, do giai cấp công nhân lãnh đạo”(8). Với những điều được khẳng định trong phần chính thể, nếu Hiến pháp 1946 nhấn mạnh vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp (quyền lợi, đấu tranh giai cấp) nằm trong vấn đề dân tộc (bảo toàn lãnh thổ, giành độc lập hoàn toàn và kiến thiết quốc gia trên nền tảng dân chủ) thì đến Hiến pháp 1959, ngay trong Lời nói đầu, mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp đã được khẳng định. Chỉ có điều, cả vấn đề dân tộc và giai cấp đều gặp nhau ở mục tiêu: Độc lập dân tộc và CNXH - con đường mà Hồ Chí Minh và Đảng ta đã lựa chọn từ năm 1930.

Ra đời trong bối cảnh đất nước bị chia cắt làm hai, bởi một kẻ thù nham hiểm, tàn bạo, bởi một dã tâm muốn sự chia cắt đó trở thành vĩnh viễn, vì vậy, nhiệm vụ đấu tranh thống nhất nước nhà, bảo toàn “khối Bắc Nam thống nhất không thể phân chia”(9), đã không dừng lại ở quy định, đó còn là sự khẳng định, là mệnh lệnh thiêng liêng đối với mỗi người dân Việt Nam yêu nước.

Điểm hoàn toàn mới so với Hiến pháp 1946 của Hiến pháp 1959 là Chương II với 12 điều, quy định rõ về chế độ kinh tế của nước ta. Đồng thời, xác định đường lối kinh tế trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam với những chế định cụ thể về các hình thức, vai trò, địa vị pháp lý về sở hữu tư liệu sản xuất trong nền kinh tế quốc dân.

  Hiến pháp 1959 thể hiện rõ mục tiêu: "Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tiến dần từ chế độ dân chủ nhân dân lên CNXH bằng cách phát triển và cải tạo kinh tế quốc dân theo CNXH, biến nền kinh tế lạc hậu thành một nền kinh tế XHCN với công nghiệp và nông nghiệp hiện đại, khoa học và kỹ thuật tiên tiến"(10), để không ngừng nâng cao đời sống vật chất và văn hoá tinh thần của nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Tiếp tục tư tưởng "quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân" của Hiến pháp1946, Hiến pháp 1959 đánh dấu một bước phát triển mới trong việc thực thi quyền lực của nhân dân. Với các chế định cụ thể ở Điều 4,5,6,7,34,43,50.., Hiến pháp 1959 đảm bảo thực hiện quyền lực của nhân dân một cách chặt chẽ hơn như: "Tất cả quyền lực trong nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đều thuộc về nhân dân. Nhân dân sử dụng quyền lực của mình thông qua Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân". Đồng thời "Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và các cơ quan Nhà nước khác đều thực hành nguyên tắc tập trung dân chủ” (Điều 4). Các cơ quan đó bao gồm các đại biểu, những người có tài có đức được nhân dân bầu ra theo chế độ phổ thông đầu phiếu. Vì đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp đều do nhân dân bầu ra, nên "có thể bị cử tri bãi miễn trước khi hết nhiệm kỳ nếu tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân” (Điều 5). Nguyên tắc này đảm bảo quyền kiểm soát của nhân dân đối với các đại biểu đại diện cho mình khi những đại biểu đó tỏ ra không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của họ. Trên tinh thần cơ bản "nhân dân là chủ", Hiến pháp 1959đã quy định, thể chế hoá mối quan hệ giữa Nhà nước và nhân dân: "Tất cả các nhân viên cơ quan nhà nước đều phải trung thành với chế độ dân chủ nhân dân, tuân theo Hiến pháp và pháp luật, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân" (Điều 6).

Điều 43, 44, 50 quy định: "Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà", là cơ quan duy nhất “có quyền lập pháp”, có quyền “làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp. Làm pháp luật. Giám sát việc thi hành Hiến pháp... của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà”. Nội dung các điều đó cho thấy vị trí, vai trò của Quốc hội đã được tăng cường, được nâng cao trong tổ chức bộ máy quyền lực nhà nước và đã thay đổi căn bản so với chế định Nghị viện nhân dân trong Hiến pháp 1946.

Hiến pháp 1959 cũng quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Uỷ Ban Thường vụ Quốc hội (từ Điều 51đến Điều 60). Uỷ ban thường vụ Quốc hội với tư cách là cơ quan thường trực của Quốc hội, do Quốc hội bầu ra đã có những thẩm quyền rộng rãi và những thẩm quyền này theo Hiến pháp 1946 là do Chủ tịch nước thực hiện.

Chương V với các Điều (từ Điều 61 đến Điều 70) quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Đó là "người thay mặt cho nước Việt Nam dân chủ cộng hoà về mặt đối nội và đối ngoại", là người do Quốc hội bầu ra (được bầu trong nhân dân) chứ không phải là người được chọn trong Quốc hội. Các điều này là sự kế thừa và phát triển giữa Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1959. Trong Hiến pháp 1959, chức danh Chủ tịch nước vẫn kế thừa theo quy định của Hiến pháp 1946, nhưng Chủ tịch Nước phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội và không còn ở trong thành phần Chính phủ. Đây là một chức danh tiêu biểu, chủ yếu làm nhiệm vụ nguyên thủ quốc gia. Tuy nhiên, Chủ tịch Nước vẫn có những quyền tối cao: “Khi xét thấy cần thiết, có quyền tham dự và chủ tọa các phiên họp của Hội đồng Chính phủ” và “khi xét thấy cần thiết thì triệu tập và chủ tọa Hội nghị chính trị đặc biệt”(11) (Điều 66, 67).

Chế định Chủ tịch Nước theo Hiến pháp 1959, “là sự phát triển hợp quy luật khi đất nước đang xây dựng CNXH, phù hợp với những quan điểm quyền hành rộng rãi trong nhà nước XNCN không thể giao cho một cá nhân”(14), và đó thực sự là một tư duy lập hiến không bắt nguồn từ tính chủ quan, mà xuất phát từ thực tiễn cuộc đấu tranh cách mạng của dân tộc Việt Nam. Là người chỉ đạo việc thiết lập thiết chế Chủ tịch Nước của chế độ cộng hoà dân chủ nhân dân (mang những dấu ấn đặc thù của cách mạng Việt Nam), nhưng dù ở Hiến pháp 1946 hay Hiến pháp 1959, thì tư tưởng thống nhất quyền lực nhà nước của Hồ Chí Minh cũng đều nhất quán: “Chủ tịch Nước không ngang bằng với Quốc hội, không đứng trên Quốc hội, do Quốc hội thành lập ra, thực hiện quyền hạn do Quốc hội giao, không thể đi ngược lại ý chí của Quốc hội”(15). 

Hiến pháp 1959 (Điều 4) tiếp tục khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền lực của nhân dân và nhân dân sử dụng quyền lực của mình thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Song tại Hiến pháp 1959, tính chất, chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của Quốc hội và mối quan hệ của Quốc hội với các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước cũng đã có sự thay đổi so với chế định Nghị viện nhân dân trong Hiến pháp 1946. Đồng thời Hiến pháp 1959 cũng quy định rõ những biện pháp cụ thể, tạo cơ sở pháp lý cho việc thiết lập thiết chế chính trị dân chủ cần thiết, bảo đảm cho việc thực hiện đầy đủ hơn các quyền và nghĩa vụ công dân.

Từ việc nghiên cứu thực tiễn của cách mạng Việt Nam và hoàn cảnh ra đời của Hiến pháp 1959, mới thấy việc thay thế Nghị viện nhân dân trong Hiến pháp 1946 bằng Quốc hội không phải chỉ là sự thay đổi tên gọi của cơ quan quyền lực một cách thuần tuý. Sự thay đổi này cho thấy, trong tư tưởng Hồ Chí Minh và các nhà lập pháp Việt Nam: Nghị viện nhân dân trong Hiến pháp 1946 khẳng định một bước chuyển căn bản từ chế độ thuộc địa, thực dân phong kiến sang chế độ Dân chủ Cộng hòa, nhưng đến Hiến pháp 1959, việc tổ chức bộ máy nhà nước kiểu mới mà đại diện tập trung là Quốc hội đã thể hiện rõ tính thống nhất quyền lực và nguyên tắc tập quyền XHCN đã được áp dụng.

Xét về mặt cơ cấu, tổ chức bộ máy nhà nước, từ Hiến pháp 1946 đến Hiếnpháp 1959 đã có sự điều chỉnh lớn, nhưng vẫn thể hiện rõ tư tưởng quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với các chế định ghi trong hai bản Hiến pháp 1946 và 1959, cơ cấu, tổ chức bộ máy nhà nước đều quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh, đều thể hiện rõ bản chất một nhà nước kiểu mới - nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân. Trong nhà nước đó, tính giai cấp, tính dân tộc, tính nhân dân được hoà quyện chặt chẽ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: Bản Hiến pháp mới, là kết tinh bao nhiêu thắnglợi của nhân dân ta từ Cách mạng Tháng Tám tới nay và đã được đông đảo nhân dân tham gia ý kiến - sẽ là một mẫu mực về tổ chức đời sống của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà về mọi mặt kinh tế, chính trị, văn hoá và xã hội. Việc Quốc hội thông qua Hiến pháp mới, “rất thích hợp với những thắng lợi mới, tiến bộ mới của nhân dân ta” là một sự kiện vô cùng quan trọng trong đời sống mọi mặt của nhân dân ta. Sau khi được ban hành, Hiến pháp 1959 đã thực sự đặt cơ sở cho việc thi đua xây dựng và phát triển chế độ XHCN ở miền Bắc, khuyến khích đồng bào miền Nam đấu tranh bền bỉ để đòi tự do, dân chủ và thống nhất nước nhà dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam. /.

Chú thích:

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.CTQG, H.1996, t.9, tr.585

. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.322

3. Văn phòng Quốc hội, Hiến pháp 1946 và sự kế thừa, phát triển trong các Hiến pháp Việt Nam, Nxb.CTQG, H.1998, tr.158

4. Tuyên ngôn độc lập năm 1945 và các Hiến pháp Việt Nam (1946, 1959, 1980, 1992), Nxb.CTQG, H.2005, tr.27

5. Chủ tịch Hồ Chí Minh với Quốc hội và Hội đồng Nhân dân, Nxb.CTQG, H.2001, tr.485

6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.246

7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.593

8,9. Tuyên ngôn độc lập năm 1945 và các Hiến pháp Việt Nam (1946, 1959, 1980, 1992), Sđd, tr.29

10. Chủ tịch Hồ Chí Minh với Quốc hội và Hội đồng Nhân dân, Nxb.CTQG, H.2001, tr.487

11. Tuyên ngôn độc lập năm 1945 và các Hiến pháp Việt Nam (1946, 1959, 1980, 1992), Sđd, tr.29

12. Bùi Ngọc Sơn: Chủ tịch Hồ Chí Minh với thiết chế Chủ tịch nước ở Việt Nam, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 5-2005, tr.6

 Ths. Văn Thị Thanh Hương

Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia

Theo ditichhochiminhphuchutich.gov.vn
Kim Yến (st)

Bài viết khác: