Quay phim Bác ở Chiến khu Việt Bắc

Năm 1951, Đoàn cán bộ miền Nam lặn lội vượt núi trèo đèo ra Bắc gặp Bác. Trong Đoàn có tôi và anh Đoàn là cán bộ điện ảnh. Yêu thương cán bộ miền Nam vất vả, sáu tháng trời ròng rã từ Nam Bộ mới ra tới nơi, Bác cho hai chúng tôi được ở cùng trong “Chủ tịch phủ” với Bác tại Chiến khu Việt Bắc. Thật là điều vui mừng cảm động ngoài mong ước của chúng tôi.

Quanh bếp lửa hồng, giữa một đêm đông giá rét, trong căn cứ chống Pháp, Bác Hồ tiếp anh em điện ảnh miền Nam chúng tôi trong một cuộc liên hoan ấm cúng có nhiều tiết mục văn nghệ. Hai đồng chí cần vụ với nhiều xoong chảo giả “làm máy quay phim”, đóng vai hai anh em điện ảnh miền Nam đi tìm Bác. Cuối cùng đã gặp được Bác. Họ mừng rỡ chuyển lời của đồng bào miền Nam kính chúc sức khỏe Bác. Bác lúc đó đang xem kịch. Bác đáp lời cảm ơn, thăm hỏi đồng bào miền Nam, hỏi thăm anh em đi đường có mệt không, có nguy hiểm vất vả không. Y như trong kịch mà Bác là một vai và cũng lại là cuộc sống thực.

Giữa rừng tre, “sàn mây vách gió”, Bác sống và làm việc thế nào, với chiếc máy quay và số mét phim có lúc ấy rất ít ỏi và hiếm hoi, chúng tôi đã ghi lại một số hình ảnh quý giá về Bác.

Có những lần chúng tôi xin Bác mặc chiến áo ka-ki “đại cán” độc nhất của Bác để quay một số cảnh cần thiết, nhưng Bác bảo:

- Đấy! Bác như vậy đấy, các chú cứ thế mà quay.

Trong thực tế hình ảnh của Bác với bộ quần áo nâu bình thường đã trở thành quen thuộc, gần gũi trên phim của chúng ta. Thậm chí có lúc đi nông thôn, Bác xắn quần ống cao ống thấp, chúng ta vẫn thấy đẹp, cái đẹp hồn nhiên, giản dị của một vị Chủ tịch luôn luôn gần gũi dân.

Thấy chúng tôi năn nỉ yêu cầu mãi, lắm lúc Bác cũng thương. Đôi lần Bác đành mặc chiếc áo ka-ki ấy cho chúng tôi quay.

Mặc dù được Bác chiều như vậy, nhưng không bao giờ chúng tôi lạm dụng điều đó. Chúng tôi muốn nói về một đoạn phim quay được về Bác trong những bữa cơm. Bác cầm đĩa thức ăn dành riêng cho Bác, chia đều cho các đồng chí chung quanh, không bao giờ Bác chịu ăn một mình. Chỉ một cảnh đó cũng đủ nói lên tấm lòng yêu thương của Bác. Đoạn phim này chúng tôi phải quay “chộp” mới ghi lại được. Vì đã có lần, chúng tôi đề đạt nguyện vọng tha thiết của đồng bào miền Nam mong muốn được biết về đời sống hằng ngày của Bác thì Bác bảo:

- Đời sống của Bác lúc này không quan trọng bằng đời sống của người dân.

Bữa cơm nào chúng tôi cũng thấy Bác chia đều thức ăn cho mọi người, liền nảy ra ý nghĩa phải lén quay cho được cảnh đó, ít ra cũng nói lên được tình cảm yêu thương “chia ngọt sẻ bùi” của Bác. Thế là bữa đó, chúng tôi ra ăn chậm hơn mọi người mà vẫn có phần Bác dành cho, vì lúc chia chúng tôi vắng mặt. Đó là một đĩa trứng tráng nhà bếp dành bồi dưỡng riêng cho Bác.

Một lần trên đường đi công tác, chúng tôi đề nghị:

- Thưa Bác, sau này có điều kiện, Bác cho phép chúng cháu được vào chỗ ở của Bác, tìm hiểu thêm để làm cả phim truyện nữa, có được không ạ?

Bác không trả lời đề nghị của chúng tôi mà nói sang chuyện khác.

Chúng tôi chỉ còn cách là dựa vào một số nhà điện ảnh quốc tế đến xin quay phim Bác. Bác nể các đồng chí nước ngoài nên bằng lòng. Thừa dịp, chúng tôi “ghé” luôn vào đấy để quay.

Trong thời gian được sống gần Bác, chúng tôi học được những bài học lớn về tinh thần vì dân vì nước về đạo đức cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, về đức tính giản dị, khiêm tốn, về lối làm việc khoa học… của Bác. Bác luôn luôn nhắc nhở chúng tôi về nếp sống giản dị, ngăn nắp, trật tự. Lúc nào Bác cũng nhanh nhẹn gọn gàng. Chúng tôi khi đi quay phim Bác cũng tập cho quen, nếu không sẽ bị lỡ. Bác còn nhắc nhở chúng tôi tập thể dục, dạy chúng tôi học võ cho người khỏe mạnh để làm việc tốt.

Thời gian hơn hai tháng được ở gần Bác, kể ra đã là quá nhiều đối với những người chưa được vinh dự gặp Bác lần nào. Riêng chúng tôi cảm thấy vẫn còn quá ngắn ngủi.

Sau đó Bác cho chúng tôi ra nước ngoài học thêm về điện ảnh. Trước hôm đi, Bác đang trồng bí. Bác nói:

- Các chú ra nước ngoài ráng học, Bác để dành bí cho mà ăn.

… Sau mấy năm đi học về, trước khi chúng tôi lên đường về Nam, Bác cho gọi đến dặn dò mọi điều. Bác bảo.

- Khi nào độc lập, Bác vào Nam, các chú dẫn các cô và các cháu đến thăm Bác. Bác nói thêm, nhưng các chú phải nói trước với chú Đ (cần vụ của Bác) không chú ấy không cho vào đâu!

Bác cho hai chúng tôi mỗi người một tấm ảnh có chữ ký và con dấu riêng của Bác. Mỗi chúng tôi được hôn Bác một cái. Bác nói.

- Đây là đồng bào miền Nam hôn Bác. Nhớ chuyển lời Bác hỏi thăm đồng bào. Bác tuy ở xa, nhưng lúc nào cũng nghĩ đến đồng bào miền Nam. Các chú đi đường phải cẩn thận, giữ bí mật và sức khỏe.

Nghe Bác dặn dò như người cha dặn đứa con trước lúc đi xa, miệng thì: “Dạ! dạ!”, mà nước mắt chúng tôi trào ra không sao cầm được.

Một hôm anh Đoàn nói với tôi: “Bây giờ tôi mới nghĩ ra, tại sao Bác cho chúng mình ảnh mà không đề ngay là tặng chú Đoàn hay chú Hiền có sướng hơn không. Thì ra Bác sợ chúng mình xen cá nhân chủ nghĩa vào!”. Nhiều người có cái may mắn được gần Bác, được Bác chăm sóc dạy bảo. Nhưng cũng còn biết bao nhiêu người mong ước được gặp Bác, dù chỉ là một giây thôi, mà chưa được gặp.

Ôn lại những kỷ niệm không bao giờ quên được về những ngày được ở bên cạnh Bác, chúng tôi vô cùng xúc động. Điều mà chúng tôi ân hận nhất là: Những hình ảnh mà chúng tôi quay được về Bác quá ít ỏi, không nói được bao nhiêu so với tầm vóc lớn lao của Bác.

Lê Minh Hiền kể:
Trích trong sách Muôn vàn tình thân yêu
Nxb. Văn hóa, Hà Nội 1975

Chữ "quan liêu" viết thế nào?

Năm 1952, trong một lần Bác Hồ đến thăm lớp "chỉnh huấn" chính trị cán bộ trung, cao cấp, anh em quây quần xung quanh nghe Bác kể chuyện, dặn dò.

Cuối buổi, Bác cầm một cái que nói: Các chú học đã giỏi, bây giờ Bác đố chữ này xem các chú có biết không nhé! Anh em hưởng ứng "Vâng ạ! Vâng ạ!".

Người nào biết tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Trung Quốc thì "nhẩm" lại kiến thức của mình, người không biết tiếng nước ngoài thì băn khoăn có chữ gì khó mà không đọc được nhỉ?

Bác vẽ một cái vạch ngang trên mặt đất rồi hỏi: Chữ gì nào? Tưởng chữ "Phạn", chữ "cổ đại" nào chứ chữ này ai mà không biết. Cả lớp hò lên: Thưa Bác chữ "nhất" ạ. Bác khen: Giỏi đấy. Rồi Bác lại gạch một gạch nữa dưới chữ nhất. Chưa kịp hỏi, anh em đã ồn lên: Chữ "nhị" ạ. Bác động viên: Giỏi lắm. Người gạch thêm một gạch nữa dưới hai gạch cũ. Chữ "tam" ạ... Bác cười: Khá lắm.

Rồi Người gạch thêm một gạch nữa dưới chữ "tam", chữ gì nào? "Các vị" đớ người ra, nhìn vào vạch đầu tiên thì vừa phải, vạch thứ hai dài hơn đã có hơi lệch một chút, vạch thứ ba dài hơn tí nữa cũng không được "song song" cho lắm, vạch thứ tư dài nhất, có vẻ đã "cong" lắm rồi... tiếng Pháp thì không phải. Tiếng Hán chữ "tứ" viết khác cơ! Bác giục: Thế nào, các nhà "Mác-xít"? Bác lại cầm que vạch một vạch, rồi hai vạch từ trên xuống dưới, ban đầu thì thẳng đứng, xuống đến vạch ngang thứ hai đã "queo". Vạch ba thì "quẹo", vạch bốn như một con giun, loằng ngoằng như cái đuôi chuột nhắt... Bác đứng dậy: Chịu hết à? Có thế mà không đoán ra... các chú biết cả đấy...

Để que xuống đất, Bác nói: Chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng đúng đắn... đến tỉnh đã hơi cong, đến huyện đã "tả hữu", đến xã đã sai lệch. Vì sao? Vì cán bộ không làm đúng, không nắm chắc chủ trương đường lối, không gần gũi dân, không chịu làm "đày tớ nhân dân" mà chỉ muốn làm "quan cách mạng". Cho nên chữ ấy là chữ "quan liêu". Các chú không học nhưng biết mà vẫn làm. Còn cái các chú học thì các chú lại ít làm...

Học viên cả lớp đứng im, không dám nhìn Bác.

Nguyễn Hồng Nhung kể
Trích trong cuốn Bác Hồ với chiến sĩ
 NXB Quân đội Nhân dân, H.1994.

Công an ta là bạn của dân

Hôm ấy, đồng chí Nguyễn Văn Luân Trưởng ty công an tỉnh Tuyên Quang gọi tôi lên trao nhiệm vụ chuẩn bị đi bảo vệ Lãnh tụ của Đảng đến thăm một số nơi trong tỉnh. Thật vậy tôi không ngờ mình lại có vinh dự lớn được Lãnh đạo tin cậy phân công đi bảo vệ Bác.

Bác và chúng tôi về đến Mỹ Lâm thì trưa. Lẽ ra vào cơ sở ăn cơm, nhưng vì có tiếng máy bay nên Bác bảo chúng tôi đem cơm ra bãi cỏ trong rừng ngồi ăn. Vừa ăn cơm Bác vừa vui vẻ hỏi tôi:

- Chú Long là công an, vậy thì ở Tuyên Quang ai là người mua nhiều “công trái quốc gia” nhất?

- Dạ thưa Bác, ở tỉnh cháu thì bà Hồ Xuân Viện mua nhiều nhất ạ.

- Vậy thì ai là người nghèo nhất, mà lại mua cố gắng nhất?

Bác hỏi thế tôi đành chịu. Thật là một thiếu sót lớn. Thực ra tôi chỉ nắm được những người giàu nhất chứ không nắm được người nào nghèo nhất mà lại cố gắng nhất. Tôi thật thà thưa với Bác:

- Thưa Bác cháu không nắm được ạ.

Bác hỏi:

- Công an của ta là bạn của dân phải không?

- Vâng ạ!

- Đã là bạn của dân thì chú phải nắm được ai là người nghèo nhất chứ? Người giàu nhất mua nhiều là chuyện tất nhiên, còn người nghèo nhất mua cố gắng nhất, đó là tấm lòng ủng hộ kháng chiến của họ.

Bác lại hỏi tôi:

- Vậy chú hay đi công tác qua vùng thị xã, chú có nghe thấy nhân dân kêu ca gì không và nêu nghe thấy chú có phản ánh lại cho Đảng chưa?

- Thưa Bác, phong trào nói chung đều tốt ạ. Nhân dân Tuyên Quang tuyệt đối tin vào kháng chiến, vào Đảng ạ!

- Như vậy là tốt.

Ăn xong, Bác ngồi ngay bên cạnh uống nước và trông cho chúng tôi ăn. Thấy Bác ăn ít chúng tôi nhìn nhau, không ai dám ăn hết thức ăn còn lại. Bác biết ý, liền bê bát canh chan cho mỗi người chúng tôi. Bác bảo:

- Ăn hết đi các chú. Ăn no mà đi đường cho khỏe. Đừng bắt chước Bác, bụng Bác chỉ chứa được có vậy thôi.

Chan canh xong, Bác quay sang nói với tôi:

- Chú Long này, Bác mới đi qua vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, thấy họ kêu ca về cách xây dựng làng kiểu mẫu của các chú nhiều lắm! Kiểu mẫu về nội dung chứ không phải kiểu mẫu về hình thức bên ngoài! Đồng bào là người dân tộc mà các chú bắt mở đường to, xoay hướng nhà ở thì ai nghe? Làm thế là đảo lộn phong tục của người ta đấy. Bác nghe dư luận như thế không biết có đúng không?

- Dạ thưa Bác đúng ạ!

Bác nói tiếp:

- Tất cả những vấn đề đó chú phải về báo cáo lại với Tỉnh ủy. Còn các chú công an là bạn dân thì phải đi sát dân. Dân có gì không bằng lòng với Chính phủ và có gì không bằng lòng các chú phải báo cáo lại cho Tỉnh ủy biết để có biện pháp khắc phục, sửa chữa.

Đối với tôi, chặng đường rừng ngắn ngủi được đi bên Bác, cho đến bây giờ và chắc chắn đến hết đời tôi vẫn là chặng đường kỳ diệu nhất. Vì chính trên chặng đường đó, tôi được hiểu thế nào là một công an cận vệ của Đảng và đầy tớ của nhân dân.

Vương Văn Long kể
Trích trong sách Bác Hồ sống mãi với chúng ta,
Nxb. Chính trị quốc gia Hà Nội, 2005

Nhớ mãi những ngày theo Bác Hồ ra nước ngoài

Nh ng ngay thßng   bOn Bßc H   phan12  anh1
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm chính thức Liên-Xô (tháng 7-1955). Ảnh internet

Mùa Hè năm 1955, tôi được đi phục vụ Đoàn đại biểu Đảng và Nhà nước do Bác dẫn đầu thăm hữu nghị chính thức Liên Xô, Trung Quốc, Mông Cổ. Để tiết kiệm, Bác chủ trương cả Đoàn đi ô tô từ Hà Nội đến biên giới Việt – Trung, đi xe lửa đến Nam Ninh (Trung Quốc) và từ Nam Ninh đi máy bay đến Bác Kinh. Tôi chưa đi máy bay lần nào. Thấy tôi mệt Bác nói: “… Từ Bắc Kinh trở đi, chú sẽ chuyển sang đi máy bay với Bác”. Tôi vô cùng xúc động trước sự quan tâm của Bác.

Tôi nhớ khi máy bay hạ cánh xuống Iếccút (một thành phố lớn ở Xibêri), lãnh đạo địa phương ra đón Bác tại sân bay. Lúc ngồi vào bàn làm việc, nhiều vị Liên Xô nói đã gặp Bác từ những năm 19 của thế kỷ XX, kể lại những kỷ niệm xa xưa khi làm việc với Bác. Bác vui mừng đứng dậy nói: “Thế là hôm nay chúng ta trúc mai sum họp một nhà”. Tôi lúng túng và thú thực với Bác: “Cháu không dịch được”. Bác cười bảo: “Chú như vậy là thật thà đấy”. Bác quay sang phía một người Liên Xô phiên dịch tiếng Pháp và Bác nói tiếng Pháp cho người này dịch.

Đến Mátxờcơva, sau nghi lễ đón tiếp trọng thể, thì Đoàn về Nhà khách. Bác nói: “Trời đã tối, nếu trong Đoàn ta không ai đi đâu thì cho lái xe người Liên Xô được về nghỉ ngơi với gia đình, sáng mai sẽ đến”. Sau khi các lái xe được Bác Hồ cho nghỉ, thì một đồng chí lãnh đạo trong Đoàn ta giao trách nhiệm cho tôi đi tìm một số cán bộ ta đang học tập ở Mátxờcơva đến gặp Bác và Đoàn. Tôi rất lo vì xuất thân từ một gia đình nghèo ở nông thôn miền Trung, khi giải phóng Thủ đô năm 1954, tôi về Hà Nội công tác, đi tìm người quen ở Hà Nội còn lạc đường, huống gì ở Thành phố Mátxờcơva lớn gấp nhiều lần ở Hà Nội. Tuy biết tiếng và địa chỉ nhưng tôi nghĩ không biết làm thế nào để tìm các đồng chí cán bộ ta. Tôi đang băn khoăn tìm cách khắc phục, thì lúc ấy Bác dừng đọc báo và nói: “Lần đầu tiên chú ấy đến Mátxờcơva”, một thành phố lớn như thế này khó tìm lắm. Thôi để đến ngày mai nhờ phía Liên Xô nhắn hộ cho”. Bác là người có tầm nhìn chiến lược, nhưng Bác không quên cả những việc nhỏ như vậy.

Nh ng ngay thßng   bOn Bßc H   phan 12 anh2
Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm Trường Đại học Tổng hợp MGU
 ngày 16 tháng 7 năm 1955. Ảnh internet

Ngày hôm sau, Bác và Đoàn đi thăm Trường Đại học Lômônôxốp xây dựng xong. Bác và Đoàn đến thăm khu vực vật lý địa cầu khá lớn của nhà trường. Vị Giáo sư Liên Xô giới thiệu với Bác. Vị này nói thao thao bất tuyệt và toàn những từ ngữ khoa học – kỹ thuật làm cho tôi vốn được đào tạo về dịch thuật chính trị, ngoại giao cũng chỉ hiểu một cách lõm bõm. Tôi thưa với Bác: “Cháu thấy rất khó dịch”. Bác nói: “Được để Bác dịch cho các chú nghe” và Bác đã dịch những ý chính cho Đoàn.

Tôi vô cùng khâm phục Bác, không những về ngôn ngữ mà về cả sự hiểu biết rộng của Bác.

Nguyễn Tiến Thông kể
Trích trong sách Bác Hồ sống mãi với chúng ta,
Nxb. Chính trị quốc gia Hà Nội, 2005

 Đức Hiếu (Tổng hợp)
Còn nữa

Bài viết khác: