Đến tận bây giờ, mỗi khi phát biểu trước công chúng, nữ Nghệ sĩ Nhân dân Nga Zinaida Kirienko vẫn thường kể về những kỷ niệm đối với đất nước Việt Nam, mảnh đất đã cho bà cái tên thứ hai: Zina Hồng.
Năm 1957, giữa lúc cuộc chiến tranh chống Mỹ đang diễn ra ác liệt nhất, một đoàn nghệ sĩ điện ảnh Liên xô sang thăm Việt Nam. Trong thành phần đoàn có một nữ nghệ sĩ lúc đó còn rất trẻ, vừa mới tốt nghiệp Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Mát-xcơ-va (VGIK), nhưng đã khá nổi tiếng qua các bộ phim như “Sông Đông êm đềm”, “Số phận con người”, “Trường ca về biển”... Zinaida Kirienko - tên nữ nghệ sĩ đó - sở hữu một vẻ đẹp Nga, điển hình, thuần phác: Khuôn mặt trái xoan với vầng trán thanh khiết, mái tóc vàng như những cánh đồng lúa mì, còn đôi mắt thì xanh buồn thăm thẳm như bầu trời phương Bắc... Bà được coi là một trong những nữ nghệ sĩ xinh đẹp và tài năng nhất của điện ảnh Liên Xô thời đó.
Vào vai nàng Natalia trong “Sông Đông êm đềm” (đạo diễn Sergei Gerasimov), ngược lại với một nàng Acxenhia nổi loạn, sẵn sàng phá phách tất cả để đạt được tình yêu, hạnh phúc, nàng Natalia của Zinaida Kirienko thì luôn nhẫn nại, dịu dàng và chan chứa tình yêu thương với chàng Ka - dắc Grigori Melekhov. Cái tình yêu dường như là định mệnh, bất biến, mạnh hơn mọi cuộc cách mạng, mọi cuộc chiến tranh... Chàng Grigori hào hoa, lãng tử, lang bạt kỳ hồ trải bao dâu bể cuối cùng lại quay về với Natalia mà thốt lên : “Natalia ơi, em thân thuộc, trong suốt như ánh trăng quê nhà vậy !...”
Tại Việt Nam, Đoàn đại biểu điện ảnh Liên Xô đi nhiều nơi và đến đâu cũng được chào đón nồng nhiệt. Họ đến thăm trận địa pháo của các anh bộ đội Việt Nam. Vào tận khu 4 bom đạn ác liệt. Đến hát trước “một biển người” (như lời bà sau này nhớ lại) trong ngày khánh thành công trình đại thủy nông Bắc Hưng Hải, biểu tượng của một đất nước Việt Nam vươn lên dựng xây trong lửa đạn. Nhưng bà nhớ nhất là kỷ niệm được gặp Bác Hồ. Vị Chủ tịch giản dị của nước Cộng hòa non trẻ cùng xem phim với các nghệ sĩ của hai nước. Rồi cùng trò chuyện thân mật. Người ân cần hỏi thăm Zinaida về công việc, về cuộc sống. Người bảo hai cái bím tóc của Kirienko khiến cô trông rất giống một cô gái Việt Nam. Và rồi Người đặt cho Kirienko một cái tên Việt Nam là Hồng, nghĩa là hoa hồng.
Hơn 20 năm sau, khi đất nước Việt Nam đã hoàn toàn thống nhất, bà lại có dịp quay lại thăm Việt Nam. Và bà rất hạnh phúc khi trên đường phố, rất nhiều người dân Việt Nam vẫn nhận ra bà và gọi toáng lên bằng cái tên trìu mến: “Chị Hồng! Chị Hồng!”. Hơn ba chục vai diễn trên màn ảnh của bà đã được coi là “di sản vàng” của điện ảnh Xô - viết. Có thể nói, hình tượng các người mẹ, người vợ, người yêu do bà thể hiện đã ăn sâu trong trái tim của nhiều thế hệ khán giả không chỉ Nga mà trên toàn thế giới. Khán giả yêu quý bà không chỉ vì tài năng , mà còn vì cuộc sống trong sạch không tì vết. Bà lập gia đình với người chồng là một nhân viên kỹ thuật trường quay tên là Valeri và đã trải qua hơn 40 năm chung sống cho đến tận khi ông qua đời, với con cái cháu chắt đề huề. Vào lúc đang ở đỉnh cao sự nghiệp bà đã từng có hơn 10 năm bị “đì”, không được đóng phim vì đã cự tuyệt lời gạ tình của một quan chức cấp cao trong Bộ Văn hóa Liên xô (cũ). Nỗi oan ức đó công chúng sau này mới được biết qua báo chí, chứ bản thân bà không hề hé răng oán thán.
Mùa Hè 2013 vừa qua, tại thành phố Iaroslav quê hương, người hâm mộ đã tổ chức một chương trình kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 của bà. Nhân dịp này, Hội Điện ảnh Liên xô đã dành tượng cho bà Giải thường Cống hiến trọn đời. Trong chương trình, bà vẫn lên hát, đọc thơ, đóng kịch... Khán giả vẫn kéo đến Nhà hát chật kín và dành cho bà những bó hoa, những tràng vỗ tay nồng thắm. Thật khó tin là người phụ nữ trên sân khấu kia, đẹp, ăn mặc hợp thời trang, tràn trề sinh lực và niềm vui sống đã đi qua 8 thập kỷ đường đời. Và trong khi trò chuyện, Zina Hồng vẫn trìu mến kể lại kỷ niệm ngày xưa về một Việt Nam xa xôi...
Theo danviet.vn
Kim Yến (st)