Thực hiện những chỉ dẫn của nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh về văn hóa, nhất là sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhận thức về vai trò, vị trí văn hóa trong Đảng, trong xã hội đã được nâng lên; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa đã lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội.

Non sông Việt Nam đã sinh ra Hồ Chí Minh và chính Người đã làm rạng danh dân tộc ta, đất nước ta, đồng thời trở thành một biểu tượng của nhà văn hóa kiệt xuất, dù đã từ biệt cõi nhân sinh, trở về với thế giới người hiền hơn 40 năm.

Hồ Chí Minh- Nhà sáng tạo văn hóa kiệt xuất

Hồ Chí Minh không chỉ tìm đường cứu nước giải phóng dân tộc, thực hiện khát vọng độc lập, tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho đồng bào, Người còn gắn cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam với phong trào cách mạng thế giới. Khởi xướng cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, chống chủ nghĩa đế quốc, giành độc lập, tự do cho nhân dân Việt Nam và các dân tộc thuộc địa khác, Hồ Chí Minh không chỉ gắn bó sâu sắc với dân tộc mình, không chỉ đấu tranh và lãnh đạo cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam để thực hiện khát vọng “đổi người nô lệ thành người tự do”, mà còn mong muốn và đấu tranh để mọi người dân dù là ai, thuộc màu da, quốc tịch nào, cũng đều được hưởng những quyền làm người cao cả nhất, đó là quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Quên mình cho hết thảy, tấm gương đạo đức, sự nghiệp chính trị phi thường, đồng thời cũng là một sự nghiệp văn hóa cao cả của Người là minh chứng sinh động rằng: “Hồ Chí Minh không còn với chúng ta theo nghĩa vật chất. Nhưng Người rất gắn bó với chúng ta về mặt đạo lý, tinh thần”[1].

Là một nhà hoạt động thực tiễn và sáng tạo văn hóa kiệt xuất, vượt tầm thời đại, tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, sự nghiệp văn hóa Người để lại là hiện thân tinh thần, tài năng và tâm hồn nghệ thuật của nhân dân Việt Nam, hiện thân của tinh thần yêu tự do tha thiết. Những trước tác Hồ Chí Minh để lại cho thấy Người là nhà văn hóa biết và sử dụng thành thạo nhiều ngôn ngữ của các quốc gia; viết sách, làm báo bằng tiếng mẹ đẻ, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Anh, từng làm nhiều thơ bằng chữ Hán, viết kịch và rất nhiều những bức thư cho bạn bè, đồng bào, đồng chí, v.v.. Đọc những tác phẩm của Người, mỗi người đều nhận thấy trong đó khát vọng về tự do, công lý, hòa bình, khát vọng về mối quan hệ nhân văn giữa người và người, giữa con người với thiên nhiên, môi trường, giữa các dân tộc với nhau. Dù được sáng tác vào những thời điểm rất khác nhau, và dù thế giới có đổi thay, thời gian có biến đổi, song vẫn có một số điều quan trọng trong các trước tác của Hồ Chí Minh không hề thay đổi - “Đó là lý tưởng xã hội chủ nghĩa, các tư tưởng nhân đạo chủ nghĩa, tự do, dân chủ và công bằng xã hội, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà yêu nước vĩ đại, người theo chủ nghĩa quốc tế đã cống hiến trọn đời mình cho những lý tưởng đó”.

Văn hóa Hồ Chí Minh là sự thống nhất giữa chủ nghĩa yêu nước, tấm gương đạo đức cách mạng ngời sáng và tinh thần quốc tế trong lĩnh vực văn hóa. Trân trọng mọi giá trị văn hóa mà nhân loại đã sáng tạo ra, chắt lọc trong đó những giọt tinh túy để phục vụ sự nghiệp nhân văn “giải phóng con người” cao cả, trong khi chống chủ nghĩa thực dân, chống thực dân Pháp, Hồ Chí Minh vẫn rất yêu mến nền văn hóa Pháp, nền triết học ánh sáng thế kỷ XIX, trích dẫn Tuyên ngôn về dân quyền và nhân quyền của cách mạng Pháp 1791; trong khi chống chủ nghĩa đế quốc, chống đế quốc Mỹ xâm lược, Hồ Chí Minh vẫn trân trọng cách mạng Mỹ, vẫn trích dẫn Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ 1776, và dù từng bị giam cầm khổ ải ở Trung Quốc, ở Hồng Kông, Hồ Chí Minh đã không chỉ chịu ảnh hưởng sâu sắc của nền văn minh Trung Hoa, mà còn làm nhiều thơ chữ Hán, trong đó nổi bật nhất là tác phẩm Nhật ký trong tù. Những tác phẩm, những nét đặc biệt, những tư tưởng và hoạt động văn hóa của Hồ Chí Minh, trong đó coi văn hóa là một mặt hợp thành toàn bộ đời sống xã hội đã khẳng định văn hoá tồn tại và phát triển trong mối liên hệ biện chứng với các yếu tố kinh tế và chính trị, chịu sự quy định của kinh tế và chính trị, thể hiện tính vững chắc của mục đích, tính kiên định trong bảo vệ mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH. Đồng thời tư tưởng của Người, sự tận tâm vì nước, vì dân cũng cho thấy sự trung thành đối với nhân dân và tinh thần bất khuất của lòng dũng cảm, tinh thần ham hiểu biết, sự thông thái và trên hết là chủ nghĩa nhân bản tỏa ra từ Người đã làm cho “thế giới tri thức của thế kỷ XX được phong phú hơn bởi Bác Hồ là một phần của thế giới ấy”.

Văn hóa là sức mạnh nội sinh của sự phát triển

Sớm thấy vai trò và sức mạnh của văn hóa, sớm đưa văn hóa vào chiến lược phát triển và bảo vệ đất nước, Hồ Chí Minh không chỉ sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam trong sạch, vững mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có đức và có tài; xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân rộng rãi, xây dựng và chăm lo phát triển các lực lượng vũ trang cách mạng luôn “trung với nước, hiếu với dân”, v.v.. lãnh đạo nhân dân Việt Nam làm nên thành công trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc Tháng Tám năm 1945, sáng lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mà còn khẳng định: "Văn hóa – nghệ thuật cũng là một mặt trận". Và cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị, theo Người “văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Vì vậy, “văn hóa phải làm cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập, tự do. Đồng thời, văn hóa phải làm thế nào cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích riêng”[2] và trong mọi thời điểm, văn hóa luôn là sức mạnh nội sinh của sự phát triển bền vững.

Khát khao xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, phồn vinh và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Người, Đảng và Chính phủ đã thực hiện chiến dịch tiêu diệt “giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”, đã cổ vũ và động viên nhân dân xây dựng “đời sống mới”, xây dựng và phát triển những thuần phong, mỹ tục mới trong nhân dân, từng bước nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân… Đưa văn hóa đi sâu vào quần chúng, dùng văn hóa như một sức mạnh vật chất, góp phần biến đổi phong hóa, cải tạo con người, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: nâng cao dân trí, nâng cao trình độ văn hóa cho nhân dân lao động sẽ giúp nhân dân ta có điều kiện đẩy mạnh công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế, phát triển dân chủ, thiết thực đánh thắng mọi kẻ thù. Cũng theo Người, nhiệm vụ cao cả của những người cách mạng là “phụng sự kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân”, là phải đặt lợi ích của kháng chiến, của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, trước hết, song để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng CNXH thành công, thì “có 4 vấn đề phải chú ý đến, cũng phải coi trọng ngang nhau: Chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa". Ngòi bút của lãnh tụ Hồ Chí Minh, của nhà văn hóa Hồ Chí Minh “chiến đấu trên mặt trận văn hóa, báo chí, với một văn phong đa dạng nhiều sắc thái, mà điểm nổi bật là tính quần chúng, cách suy nghĩ và diễn đạt dân gian, dễ hiểu, đi sâu vang vọng trong lòng người, gợi mở những tư tưởng lớn lao, thúc đẩy những việc làm tốt đẹp, bằng những lời lẽ bình dị giàu hình tượng, nói lên được điều lớn, bằng chữ nhỏ”[3] đã góp phần thiết thực vào việc xây dựng nền văn hóa mới và con người Việt Nam trong thời đại mới.

Không chỉ nói: Chính phủ là công bộc của dân, “nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân rét, Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân dốt, Đảng và Chính phủ có lỗi”, cán bộ, đảng viên phải thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng, xứng đáng là người lãnh đạo, người đày tớ thật trung thành của nhân dân… những lời tâm huyết Hồ Chí Minh căn dặn trong bản Di chúc lịch sử thấm đẫm tinh thần tận trung với nước, tận hiếu với dân của Người, thấm đậm tính nhân văn sâu sắc của nhà văn hóa Hồ Chí Minh. Với ý nghĩa đó, theo Hồ Chí Minh cuộc cách mạng mà nhân dân ta phải tiếp tục tiến hành khi cả nước thống nhất, non song liền một dải chính là đi lên CNXH, là phải “thay đổi triệt để những nếp sống, thói quen, ý nghĩ và thành kiến có gốc rễ sâu xa hàng ngàn năm… Chúng ta phải biến một nước dốt nát, cực khổ thành một nước văn hóa cao và đời sống tươi vui hạnh phúc”, vì vậy, “Đảng phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân"... Nội dung của Di chúc thể hiện rõ tầm nhìn của một người anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất luôn lấy “ích quốc, lợi dân”, luôn chăm lo cho con người, vì con người; chăm lo phát triển kinh tế, văn hóa - giáo dục, bảo vệ môi trường; coi việc chống lại cái cũ kỹ, những thói hư, tật xấu, xây dựng cái mới mẻ tốt tươi; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân lao động... là một cuộc chiến đấu không kém phần gian khó và là mục tiêu, lẽ sống của cuộc đời mình.

Tinh thần khoan dung văn hóa, hiện thân của văn hóa hòa bình, tấm gương nỗ lực học tập và phấn đấu vươn lên của Hồ Chí Minh trong hoạt động và sáng tạo văn hóa, trong sự gương mẫu về thực hành đạo đức cách mạng là những minh chứng sinh động khẳng định: Hồ Chí Minh không chỉ là nhà văn, nhà thơ tinh tế, viết bằng nhiều thứ tiếng; là nhà báo có ngôn ngữ súc tích, mẫu mực; là người có trái tim bao la như vũ trụ, có lòng yêu thương vô hạn đối với con người; là tấm gương về đạo đức, tự coi quyền lực là sự ủy thác của nhân dân... mà Người còn kết hợp được những phẩm chất của cá nhân mình với những phẩm cách, cốt cách của tâm hồn Việt, cùng lương tri và phẩm giá của thời đại để “đạt tới sự hài hòa giữa cá nhân, dân tộc và nhân loại” để trở thành một nhà văn hóa kiệt xuất được UNESCO vinh danh.

Tiếp tục xây dựng văn hóa và con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới

Hồ Chí Minh đã đi xa, nhưng: “Người làm cách mạng và làm cách mạng không chỉ giải phóng con người khỏi áp bức bóc lột mà cái cao quý nhất là để giải phóng con người thoát khỏi nền văn hoá nô dịch và xây dựng nền văn hoá mới của dân tộc”[4] và xây dựng nền đạo đức mới, đạo đức cách mạng XHCN. Văn hóa đạo đức Hồ Chí Minh là văn hóa hành thiện, cổ vũ mọi người làm điều thiện, sống với nhau có tình, có nghĩa, luôn thực hiện 8 chữ vàng “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, kết hợp hài hòa lợi ích chung với lợi ích riêng, sống trung thực, giản dị, khiêm tốn, nói đi đôi với làm, ít lòng ham muốn về vật chất...Với ý nghĩa đó, khẳng định những giá trị nhân văn cao quý trong sự nghiệp văn hóa và con người Hồ Chí Minh, tướng Vanluy thừa nhận: “Hoàn toàn xả thân vì nhiệm vụ, không một chút lợi riêng tư, dưới con mắt những người chung quanh và những người đối thoại, Hồ Chí Minh là một người vô cùng đức độ”[5]. Vì vậy mà thắng lợi của cách mạng, vinh quang của quyền lực không làm lu mờ tấm gương đạo đức của Người.

Văn hoá do cơ sở kinh tế quyết định, nhưng nó ảnh hưởng ngược trở lại kinh tế. Sáng tạo văn hoá và tấm gương đạo đức của nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh toả sáng, đã không chỉ hấp dẫn mà còn nuôi dưỡng và gieo hạt giống cho công cuộc giải phóng nước nhà, cho sự nhiệp đấu tranh thống nhất đất nước và kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH. Từ “Năm điểm lớn xây dựng nền văn hóa dân tộc: 1. Xây dựng tâm lý: tinh thần độc lập tự cường. 2. Xây dựng luận lý: biết hy sinh mình, làm lợi cho quần chúng. 3. Xây dựng xã hội: mọi sự nghiệp có liên quan đến phúc lợi của nhân dân trong xã hội. 4. Xây dựng chính trị: dân quyền. 5. Xây dựng kinh tế”[6] đã nêu, có thể thấy từ rất sớm, Hồ Chí Minh đã nhận thức việc xây dựng nền văn hóa dân tộc phải đặt trong mối quan hệ qua lại với các mặt khác của đời sống dân tộc như: tâm lý, luận lý, xã hội, chính trị, kinh tế. Điểm thứ 2 trong 5 điểm lớn như Hồ Chí Minh chỉ ra chính là sự xây dựng tư tưởng đạo đức, lối sống đẹp “biết hy sinh mình, làm lợi cho quần chúng” của mỗi người. Đây cũng chính là nội dung quan trọng nhất của đạo đức cách mạng mà mỗi cán bộ, đảng viên hướng tới, và để đạt được điều đó, phải “thực hành đời sống mới là cần, kiệm, liêm, chính; nếu không giữ đúng cần, kiệm, liêm, chính thì sẽ trở thành hủ bại, biến thành sâu mọt của dân; nêu cao và thực hành cần, kiệm, liêm, chính là nhen lửa cho đời sống mới”…

Trong đó, phải bắt đầu từ việc “sửa đổi những việc rất cần thiết, rất phổ thông trong đời sống của mọi người, tức là sửa đổi cách ăn, cách mặc, cách ở, cách đi lại, cách làm việc”; phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân… Xây dựng văn hóa phải gắn liền với từng bình diện ấy, phải gắn liền với việc “đánh bạt những tư tưởng công thần, địa vị, danh lợi của chủ nghĩa cá nhân, làm cho tư tưởng của chủ nghĩa tập thể thắng lợi, tức là phát huy tinh thần cần kiệm xây dựng của nghĩa xã hội, bảo vệ của công, chống tham ô, lãng phí”[7], làm cho văn hóa trở thành phẩm chất tốt đẹp, đặc trưng riêng có và ý nghĩa tích cực của những lĩnh vực đời sống đó. Đó cũng chính là sự định hướng để hun đúc nên tình yêu đất nước, niềm tự hào dân tộc, ý chí tự chủ, tự cường; đồng thời là cơ sở nền tảng bảo đảm cho sự đoàn kết, đồng thuận dân tộc, điều kiện để tạo nên sức mạnh bảo vệ độc lập dân tộc, chống lại mọi sự xâm lược, phá hoại từ bên ngoài…

Thực hiện những chỉ dẫn của nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh về văn hóa, nhất là sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhận thức về vai trò, vị trí văn hóa trong Đảng, trong xã hội đã được nâng lên; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa đã lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội. Văn hóa được chú trọng và việc phát huy mọi nguồn lực để đầu tư cho văn hóa cũng đã cho thấy sự gắn kết giữa phát triển văn hóa với nhiệm vụ phát triển kinh tế và xây dựng Đảng. Vai trò của văn hóa ngày càng thể hiện rõ và có tác động lớn trong đời sống kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng con người Việt Nam mới XHCN... Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII vẫn còn một số hạn chế, khuyết điểm, đó là sự xuống cấp về đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đang tác động đến đời sống tinh thần của xã hội; căn bệnh “vô cảm” trong xã hội xuất hiện; hệ giá trị văn hoá truyền thống bị đảo lộn, trong khi những giá trị mới tốt đẹp chưa được khẳng định, mất cân bằng giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần; thành tựu sáng tạo văn học, nghệ thuật chưa nổi bật…

Trên tinh thần đó, Nghị quyết số 33-NQ/TW khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đã kế thừa và bổ sung, phát triển quan điểm của nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh, của Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, trong đó chú trọng nội dung “hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam, tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật; đề cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước” đã cho thấy tính tất yếu, tầm quan trọng của quan điểm và việc làm mà Hồ Chí Minh đã chú trọng từ những ngày đầu của nền dân chủ cộng hòa.

Với ý nghĩa đó, tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh thiết thực nhất là toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta chú trọng coi “văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội” và “chăm lo xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật, mọi người Việt Nam đều hiểu biết sâu sắc, tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc... Xây dựng và phát huy lối sống "mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người"; hình thành lối sống có ý thức tự trọng, tự chủ, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ môi trường; kết hợp hài hòa tính tích cực cá nhân và tính tích cực xã hội; đề cao trách nhiệm cá nhân đối với bản thân, gia đình và xã hội. Khẳng định, tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, tích cực, cao thượng; nhân rộng các giá trị cao đẹp, nhân văn”[8]. Tiếp tục đưa nội dung giáo dục đạo đức con người, đạo đức công dân vào các hoạt động giáo dục của xã hội. Giải quyết các mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hoá, xã hội; giữa lợi ích của cá nhân và lợi ích của cộng đồng; giữa lợi ích của con người và lợi ích của môi trường; giữa lợi ích của hiện tại và lợi ích của tương lai… nhằm xây dựng văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện./.

TS. Văn Thị Thanh Mai

[1] Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb.KHXH, H,1990, tr.158-159

[2] Hồ Chí Minh: Báo Cứu quốc, 25/11/1946

[3] Phạm Văn Đồng: Hồ Chí Minh - một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp, Nxb.Sự thật, H, 1990, tr.70

[4] Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Sđd, tr.135-136

[5] Tài liệu lưu Bảo tàng Hồ Chí Minh

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 1995, t 3, tr 431

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t 10, tr 159

[8] Nghị quyết số 33-NQ/TW khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước".

Theo http://tuyengiao.vn/

Khúc Thị Lan Hương (st)

Bài viết khác: