Phải tìm trong dân chứ       

Trên đường đi chiến dịch, đến một con suối nước sâu, chảy xiết… mấy chiến sĩ rất lo. Việc thì gấp làm sao bây giờ? Giá chỉ mấy anh em thì lội ào sang, chẳng ngại. Nhưng Bác Hồ? “Làm sao để bảo đảm cho Bác sang được an toàn?”

Anh em chia nhau xuống dò từng khúc suối xem mực nước nông, sâu, rồi bàn bạc sôi nổi. Có người nói: “Bảy người dàn hàng dọc cho Bác vịn mà sang”. Người khác bảo: “Đi kiếm dây rừng dăng qua suối để Bác qua”. Có anh hăng hái: “Để tớ cõng Bác sang”. Lại có anh ngần ngại: “Ta nghỉ lại một hai giờ, chờ nước rút bớt hãy qua”.

nhung ngay thang ben Bac phan 13 anh
Bác Hồ cùng đoàn cán bộ lội suối

 Giữa lúc đó thì Bác Hồ đi tới. Thấy thế, Bác nói:

- Các chú đã tìm hết lối sang suối chưa?

- Thưa Bác, chúng cháu tìm kĩ rồi, xem chừng chỗ này nông hơn, đá nhỏ, và nước không chảy xiết lắm.

Bác đứng nhìn bao quát quanh đó một lúc, rồi hỏi:

- Thế các chú chỉ tìm ở bờ nước thôi à?

Nghe hỏi, anh em đều ngạc nhiên: Tìm lối sang suối không tìm ở bờ nước thì tìm ở đâu? Anh em liền thưa:

- Thưa Bác, vâng ạ.

Bác cười:

- Phải tìm trong dân chứ!

Rồi Bác giải thích: Ở đây, hai bên bờ suối đều có ruộng nương của đồng bào, chẳng lẽ những ngày nước lũ, đồng bào lại không đi ruộng đi nương? Chỉ tìm lối sang ở bờ nước là không biết dựa vào dân.

Cả bảy chiến sĩ lúc đó mới vỡ lẽ. Một anh liền chạy đến cái bản ở cách đó không xa. Lát sau, anh chạy trở về, kêu to:

- Có cầu, có cầu!

Cả đoàn đi ngược theo dòng suối một quãng thì quả thấy một chiếc cầu tre rất chắc chắn gác qua ngọn cây hai bên bờ suối.

Theo Đình Thiện Thi
Theo sách kể chuyện Bác Hồ, tập 5, Nxb. Giáo dục

Gặp Bác Hồ tại Việt Bắc

… Lên đến Việt Bắc, tôi gặp Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên, cụ Hồ Đắc Di, Giám đốc Trường Đại học Y Dược khoa, Bác sĩ Tôn Thất Tùng, Thứ trưởng Bộ Y tế; là những người tôi đã biết từ trước tại Hà Nội. Tôi trình bày nguyên tắc làm Penicilline ở thể bột và hơi lo ngại vì thấy ở Việt Nam lúc ấy không có máy móc, dụng cụ để làm được bột Penicilline. Bác sĩ Tùng bảo: “Ở đây anh không có dụng cụ nhiều bằng ở Liên khu IV (cũ), nhưng anh được sự lãnh đạo và giúp đỡ của Chính phủ Trung ương, lại có tập thể chúng tôi giúp đỡ, nhất định anh sẽ đạt nhiều kết quả hơn ở Liên khu IV.

Sau hai ngày đường leo đèo, lội suối, cùng với ông Nguyễn Văn Huyên và Bác sĩ Tôn Thất Tùng, chúng tôi bước lên một nhà sàn. Trong nhà đã có 14 đến 15 người ngồi xung quanh bếp lửa nói chuyện với nhau rất vui vẻ. Tôi được giới thiệu và biết rằng những người đang ngồi đây là các vị bộ trưởng và thứ trưởng trong Chính phủ. Một lúc sau thì Bác đến. Mọi người đều đứng dậy vui vẻ chào. Bác bắt tay mọi người. Khi đến phía tôi, Bác chỉ cái cà vạt của tôi, vừa cười vừa nói:

- A! Chú Ngữ đã đến, không cần phải giới thiệu, nhìn cà vạt ở cổ thì biết ngay người mới ở ngoại quốc về.

 Sau đó, Bác bảo mọi người cùng ngồi, rồi mở cho xem một tập ảnh của Đoàn đại biểu đi Varsovie mới mang về tặng Bác. Bác giản dị và chân tình. Gặp Bác, tôi không thấy bối rối lo sợ, lúng túng như tôi tưởng tượng; trái lại, tôi có cảm tưởng thân mật như một người con đi xa về gặp cha vậy.

Sau bữa cơm trưa hôm đó, tôi lại được gặp riêng Bác, Bác bảo:

- Bộ đội ta cần rất nhiều thuốc để chữa vết thương, chú phải cố gắng giải quyết vấn đề thuốc. Nghe nói chú biết làm Penicilline. Chú có kế hoạch gì không?

- Dạ có. Tôi rút trong túi ra một bản kế hoạch đã chuẩn bị sẵn với sự tham gia ý kiến của Bác sĩ Tùng và Bác sĩ Di. Trong kế hoạch có đề ra việc thành lập một Phòng nghiên cứu Trung ương. Phòng ấy sẽ chỉ huy một số Phòng nghiên cứu ở địa phương. Các phòng địa phương sẽ huấn luyện và cung cấp nhân viên làm nước lọc Penicilline cho các trạm phẫu thuật ở tiền tuyến.

Bác chăm chú nghe tôi trình bày. Nghe xong, Bác chỉ tay vào đoạn cuối cùng, phần huấn luyện của bản kế hoạch và bảo:

- Chú nên chú trọng về phần này, phần này phải làm trước. Chú phải huấn luyện cho nhiều y tá đi phục vụ ngay cho tiền tuyến. Các phòng thí nghiệm cũng cần thiết, nhưng chú sẽ có thì giờ làm sau, chú cần bao nhiều thời gian để huấn luyện một y tá có thể làm được Penicilline?”.

- Thưa Bác, chừng một tháng. Tôi trả lời.

- Thôi, cứ cho là 3 tháng, cho rộng rãi. Còn vật liệu, chú cần những gì?

- Thưa Bác, cần nhất là chai, lọ; nếu có thì chai bẹt càng tốt; nếu không tạm dùng chai tròn cũng được, nhưng phải có hàng nghìn chai mới sản xuất kịp.

Bác liền cho mời đồng chí Hoàng Quốc Việt, Chủ tịch Tổng Công đoàn; ông Nguyễn Văn Huyên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục; ông Vũ Văn Cẩn, Cục trưởng Cục Quân y và ông Lê Văn Hiến, Bộ trưởng Bộ Tài chính tới. Bác nhắc các vị ấy giúp đỡ tôi để công tác chung có hiệu quả…

... Trên đường về, tôi ôn lại những lời Bác dạy. Tôi hơi tiếc vì Bác dạy chưa nên tổ chức Phòng nghiên cứu Trung ương vội, chỉ đào tạo cán bộ làm nước lọc Penicilline. Tôi tự nghĩ nếu có nghiên cứu mới thích thú, mới phát hiện được cái mới, chứ đào tạo cán bộ làm nước lọc Penicilline thì dễ quá. Nhưng tôi lại nghĩ lại, nếu tôi muốn nghiên cứu cao xa thì ở lại ngay Nhật Bản mà nghiên cứu, chứ đã về với kháng chiến thì tất nhiên phải góp phần vào kháng chiến, đưa sự hiểu biết của mình ra phục vụ cho bộ đội, cho nhân dân. Tôi kiểm điểm lại công việc tôi đã làm ở Liên khu IV, kiểm điểm lại chủ trương làm Penicilline bột với điều kiện kháng chiến khó khăn, phức tạp; nhưng không thực sự phục vụ trước mắt. Nếu có làm ra bột Penicilline, số lượng sản xuất trong một tháng có thể không đủ để chữa bệnh cho một người; vả lại Penicilline bột làm trong điều kiện kháng chiến chỉ là Penicilline vàng, nếu không có tủ lạnh thì không giữ được lâu. Như vậy sản xuất Penicilline ấy chẳng có ích lợi gì cho kháng chiến.

Tôi thấy rõ tôi mới ở ngoại quốc về mà được Bác giao cho nhiệm vụ như thế, thực tế hợp với khả năng của tôi và cũng là một vinh dự vô cùng to lớn. Bắt tay vào việc, mới thấy rằng không phải nghiên cứu gì cao xa, chỉ nghiên cứu làm được nước lọc Penicilline với điều kiện kháng chiến cũng là một vấn đề rất khó khăn, phức tạp. Về đến nhà, mở gói nấm để làm Penicilline ra xem lại thì thấy nấm không còn công hiệu nữa, những nấm khác ở ngoài đã lẫn lộn vào. Thật là một sự bất ngờ và rất đau đớn cho tôi. Trước khi đi tôi đã chú ý để giống nấm vào phòng sạch sẽ nhất ở Việt Bắc, là phòng mổ của anh Tùng, thế mà vẫn bị tạp nấm rơi vào. Có người bảo ở Việt Nam nhiều tạp nấm lắm, nên không nghiên cứu về nấm được. Ngay ở Viện Pasteur có đủ phương tiện như vậy, bọn Pháp cũng không đặt vấn đề nghiên cứu nấm được, huống là ở Việt Bắc.

Nhưng tôi đã hứa với Bác, đã có sự giúp đỡ của Chính phủ, và tôi tin tưởng ở sự tận tâm góp sức của các anh em đang làm việc với tôi lúc ấy. Chính vì vậy tôi đã quyết tâm loại cho kỳ được tạp nấm đã lẫn vào ống nấm Penicilline.

“Ôn lại quãng đời của tôi, tôi chưa có khi nào lo lắng, và chưa có khi nào tôi thấy một cách rõ rệt trách nhiệm của tôi đối với công tác nghiên cứu bằng lúc này. Hồ Chủ tịch và Chính phủ đang hàng ngày, hàng giờ mong đợi kết quả của tôi, hàng nghìn thương binh, bệnh binh đang chờ nước lọc Penicilline”.

“Ngày ngày tôi cấy hàng trăm cái nấm lấy ở ống giống ra để thử với vi trùng, nhưng ngày nào cũng như ngày nào, vi trùng đều mọc quanh cái nấm; chứng tỏ rằng nấm không còn tác dụng chống vi trùng nữa. Ròng rã suốt ba tuần lễ, tối nào trước khi đi ngủ cũng đầy hy vọng, mong chóng sáng để đọc kết quả thử nấm. Nhưng đến sáng lấy nấm ở tủ ấm ra xem thì lại thất vọng. Ở Nhật Bản, tôi đã bao nhiêu lần làm tinh khiết nấm và còn tinh khiết những nấm khó hơn nhưng không bao giờ bị thất bại cả; tôi nghĩ vẫn không thấy vì sao về Việt Nam lại thất bại. Các nấm mà tôi đã mất bao nhiêu công trình đưa từ Nhật Bản về đến Bangkok rồi đưa lên Việt Bắc, các nấm ấy bây giờ không còn giá trị nữa chăng? Bao nhiêu hy vọng phục vụ bộ đội được xây dựng trên ống nghiệm này sẽ tiêu tan cả chăng? Đã nhiều lần, tôi sắp viết thư lên báo cáo với Bác Hồ là nấm đã hỏng và chịu tội với Bác. Nhưng tôi nghĩ không thể làm như thế được. Tôi đã hứa với Bác, với các vị bộ trưởng; nhất định tôi phải làm kỳ được.

Đêm đến, vấn đề nấm đeo đuổi tôi mãi không ngủ được. Một hôm tôi ngủ dậy vào lúc 3 giờ sáng, lấy nấm ra xem ... Lúc này, gương mặt Giáo sư như bừng sáng. Giáo sư kể tiếp: “Tôi mừng đến trào nước mắt khi thấy tất cả các con nấm đều có công hiệu, vi trùng không con nào mọc được gần nấm cả. Bấy giờ tôi mới hiểu ra lý do thất bại của mình. Vì tủ ấm của tôi chỉ là một cái thùng sắt có đốt ngọn đèn dầu nhiệt độ không đủ, nấm lại bị lẫn với tạp nấm khác nên chỉ tác dụng trên vi trùng trong một thời gian ngắn, đến sau vi trùng mọc mạnh dần thì nấm không còn chống lại được nữa. Như thế là nấm chưa hoàn toàn mất, và lúc ấy tôi nắm được quy luật tác dụng của nấm trên vi trùng trong điều kiện tủ ấm của tôi. Nhất định thế nào cũng loại được tạp nấm ra, tôi theo dõi nấm mọc hàng giờ trong một đêm, một ngày. Sau một tuần lễ, tôi đã được nấm tốt trở lại, mạnh như cũ.

Xong giống nấm thì tôi nhận được 20 anh em y tá ở Quân y Cục gửi sang học làm nước lọc Penicilline. Cùng đi theo để học và để giúp đỡ các anh em y tá học tập có hai anh em sinh viên dược khoa là anh Tiến và anh Thiều. Tất cả đều chưa biết một tí gì về kỹ thuật nuôi cấy vi trùng và nấm. Nhưng tất cả đều có một lòng hăng hái vô cùng mãnh liệt. Sau một tuần lễ, anh em đã nắm được kỹ thuật căn bản và tôi đã chuyển dần anh em vào công tác nghiên cứu. Vấn đề nghiên cứu lúc bấy giờ là tìm một thứ nước để nuôi nấm. Nấm nuôi ở nước ấy phải nhả nhiều Penicilline và nước nuôi nấm ấy phải là một thứ nước dễ làm, để các anh em y tá có khả năng làm được và phải dùng nguyên liệu sẵn có trong nước.

Sau khi tìm ra được một thứ nước nuôi nấm rất tốt và rất rẻ tiền là nước thân ngô. Nguyên liệu dùng là thân ngô, sau khi đã bẻ bắp và trẩy hết lá. Nguyên liệu ấy ở đâu cũng tìm thấy và hoàn toàn không mất tiền mua. Những khó khăn về kỹ thuật đã được giải quyết xong. Nhưng còn một vấn đề cần bàn, cần giải quyết nữa mới thực hiện được chương trình; đó là vấn đề chai, lọ. Theo Chỉ thị của Bác, Tổng Liên đoàn Lao động tích cực giúp đỡ vấn đề này, các Xưởng Thủy tinh đều cố gắng thổi nhiều chai bẹt để sản xuất Penicilline. Tôi đã gửi mẫu chai bẹt đi nhiều nơi. Sau ba tháng, nơi nào cũng có báo cáo là chưa làm được. Các xưởng thủy tinh đang vấp phải một khó khăn về khuôn để thổi chai. Khuôn thổi chai là một cái khuôn gồm hai mảnh bằng gang. Các xưởng đã thử rất nhiều khuôn nhưng không có gang tốt nên chỉ thổi vài lần là khuôn lại vỡ.

Chiến dịch Biên giới 1950 đã đến mà vẫn chưa có một chai bẹt nào cả. Tất cả các anh em đã học xong, chỉ còn có chai bẹt nữa là có thể ra phục vụ ngay được. Một ngày chậm là hàng trăm thương binh không có thuốc. Tôi họp anh em y tá lại và đưa vấn đề ra bàn. Tôi nói: “Anh em công nhân ở xưởng thủy tinh đã cố gắng nhiều mà chưa làm được chai bẹt, nếu ta giải thích cho anh em biết công dụng của chai bẹt trong việc sản xuất Penicilline, nhất định anh em sẽ phát huy sáng kiến và giải quyết được vấn đề”. Tôi cử một anh xuống Xưởng Thủy tinh của Cục Quân y trực tiếp trình bày vấn đề cho anh em công nhân. Quả nhiên sau khi thảo luận sôi nổi, anh em công nhân Xưởng Thủy tinh đã có sáng kiến xếp gạch thành khuôn và thổi được chai.

Suốt ba ngày Tết Nguyên đán, anh em thổi chai không nghỉ, và đến mùng 8 Tết, anh em thổi được 800 chai mới. Đây là một bài học mà tôi luôn luôn nhớ, nêu rõ khả năng vô tận của giai cấp công nhân. Các anh em đã thực hiện khâu cuối cùng trong công tác làm nước lọc Penicilline, một khâu mà tôi không làm được vì tôi phải ở xa và rất xa tiền tuyến để huấn luyện cán bộ và nghiên cứu thêm để cải tiến phương pháp. Nước lọc Penicilline được đưa ra phục vụ cho thương binh một cách rộng rãi với những kết quả tốt đẹp là nhờ Cục Quân y đã giúp đỡ nhiều để tổ chức các Trạm Sản xuất được nước lọc Penicilline, nhờ các đồng nghiệp ở các Phân Viện trong khi dùng nước lọc Penicilline đã tận tình theo dõi thương bệnh binh, nhận xét tỷ mỷ kết quả của nước lọc Penicilline trên các loại vết thương. Nhưng căn bản là nhờ sự tận tâm phục vụ của anh em y tá phụ trách sản xuất nước lọc Penicilline. Có anh đã có sáng kiến viết những tài liệu nhỏ để phổ biến công hiệu và cách sử dụng nước lọc Penicilline để phối hợp với các y sĩ đem ra phổ biến cho đơn vị, có anh đã đào tạo ngay tại chỗ cho anh em y tá khác để nhân thêm nhiều những Trạm Sản xuất nước lọc Penicilline.

Nước lọc Penicilline đã đem lại những kết quả rất tốt đẹp, giúp ta giải quyết khó khăn về khan hiếm thuốc trong lúc biên giới chưa mở rộng và trong lúc địch tăng cường bao vây ta, đặc biệt bao vây về phương diện thuốc men. Có bác sĩ quân y đã tuyên bố: “Lần này chúng tôi không lo sợ về số thương binh đưa về nhiều, vì chúng tôi đã có nước lọc Penicilline thừa dùng để chữa cho thương binh”. Các Bác sĩ Đỗ Xuân Hợp, Hữu Chánh nhận thấy nước lọc Penicilline so với Sulfamide thì công hiệu hơn hẳn. Trong Chiến dịch Lý Thường Kiệt ở Nghĩa Lộ và Yên Bái, báo cáo của xưởng XFI cho rằng 80% thương binh đã trở về đơn vị sau khi dùng nước lọc Penicilline. Những vết thương trước phải điều trị lâu, ngày nay thời gian điều trị rút ngắn hơn. Có nhiều trường hợp so với trước thì rất dễ phải cưa tay, cưa chân; nhưng dùng nước lọc Penicilline không những vết thương lành liền mà còn làm cho thương bệnh binh chóng khỏi...

Trích trong sách Đặng Văn Ngữ
Cuộc đời và sự nghiệp, Nxb. Y học, Hà Nội, 2000

Các chú có cá ăn không      

Từ tháng 12 năm 1954, Bộ điều tôi về làm Hiệu trưởng trường Sĩ quan Lục quân. Ở đây, nhiều lần tôi được Bác về thăm trường.

Bác thường dặn dò chúng tôi phải dạy tốt, học tốt, cán bộ phải thật sự gương mẫu. Lần nào đến, Bác cũng đi xem xét từ nơi ăn ở đến nhà bếp, chỗ tăng gia, sau đó mới về gặp gỡ, nói chuyện với cán bộ, học sinh chúng tôi. Tôi biết rất rõ Bác thường đặc biệt quan tâm đến đời sống của bộ đội và nhân dân. Tấm lòng Bác dường như không bao giờ vơi lo âu về việc nâng cao đời sống của mọi người, hạnh phúc của toàn dân.

- Các chú có cá ăn không?

- Thưa Bác không ạ! – Một chiến sĩ trả lời rất hồn nhiên và chân thật. Có lẽ cũng bởi câu hỏi khá bất ngờ. Các chiến sĩ ta đã nói đúng sự thật với Bác, chưa được người chỉ huy “dặn” phải nói như thế nào (một số đơn vị thường hay làm như vậy).

Bác quay lại hỏi đồng chí Tư lệnh Hải quân:

- Tại sao ở cạnh biển mà Bộ không có cá ăn? Các chú chỉ huy có khuyết điểm.

Bác lại hỏi có rau ăn không, một chiến sĩ khác trả lời:

- Thưa Bác, tạm đủ ạ!

Sau đó, Bác chỉ tập hợp bộ đội để Bác nói chuyện. Câu đầu tiên, Bác lại hỏi:

- Bao nhiêu lâu các chú mới được xem văn công một lần?

Một cán bộ đứng lên:

- Thưa Bác, từ khi ra đảo chưa được xem lần nào.

Bác à lên một tiếng ngạc nhiên, rồi hỏi tiếp:

- Thế còn phim?

- Thưa Bác, năm sáu tháng mới có một tối.

Bác quay lại chúng tôi hỏi:

- Hôm nay có ông tướng đi cùng đây, ông nghĩ thế nào?

Tôi mạnh dạn thưa với Bác:

- Cháu sẽ sữa chữa khuyết điểm.

- Không, chú nói còn chung chung quá. Bao lâu, nói cho rõ.

- Thưa Bác, cứ sáu tháng lo cho anh em được xem một tối văn công và ba tháng một tối phim.

Bác cười. Còn tôi, hứa với Bác mà lại thấy lo làm sao thực hiện được để Bác vui. Bởi vì niềm vui của Bác có gì khác đâu, chính là được thấy bộ đội và nhân dân sống đầy đủ hạnh phúc, không bị thiếu thốn.

Buổi chiều ra thăm đảo Ngọc Vừng, Bác chuẩn bị bánh kẹo đem ra làm quà. Được tin Bác Hồ ra thăm đảo, nhân dân náo nức đón đợi rồi quây lấy xung quanh Bác. Bác mời bánh các cụ già và chia kẹo cho các cháu nhỏ. Không khí đảo Ngọc Vừng hôm đó đầm ấm không sao tả xiết. Tôi thấy Bác rất ân cần khi hỏi chuyện  từng người. Gió biển làm cho râu Bác bay bay. Nhìn Bác như thấy trẻ lại. có lẽ vì Bác rất vui.

Đại tướng Lê Trọng Tấn kể/Khánh Văn ghi

Theo sách kể chuyện Bác Hồ, NXB Giáo dục, tập 5

 Đức Hiếu (Tổng hợp)
Còn nữa

Bài viết khác: