Lịch sử cách mạng Việt Nam hiện đại đã khẳng định con đường dân chủ mà Bác lựa chọn cho dân tộc ta từ những năm 20 của thế kỷ trước là đúng đắn. Mô hình dân chủ do Bác Hồ và Đảng ta thiết kế đã từng bước tỏ rõ sức sống và triển vọng phát triển của nó trên Tổ quốc thân yêu của chúng ta, nhất là trong 25 năm đổi mới. Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là con đường thuận lòng dân, hợp thời đại và đúng quy luật phát triển của lịch sử nhân loại nói chung và lịch sử dân chủ nói riêng.
1. Sức hấp dẫn của những giá trị dân chủ tư sản.
Đau xót chứng kiến nỗi thống khổ, cảnh lầm than của nhân dân dưới ách thống trị của thực dân Pháp, cũng như nhiều sĩ phu và thanh niên trí thức yêu nước lúc bấy giờ, Nguyễn Tất Thành đã sớm có ý chí đuổi Pháp, giải phóng đồng bào. Rất khâm phục các sĩ phu dũng cảm tìm đường đấu tranh cứu dân, cứu nước nhưng người thanh niên Nguyễn Tất Thành cũng sớm nhận ra những hạn chế trong con đường của các vị ấy… Cụ Phan Chu Trinh yêu cầu thực dân Pháp thực hiện cải lương, việc này "chẳng khác nào xin giặc rủ lòng thương". Cụ Phan Bội Châu hy vọng Nhật giúp ta đuổi Pháp cũng chẳng khác gì “đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau”. Cụ Hoàng Hoa Thám thực tế hơn, đã trực tiếp đấu tranh chống Pháp, nhưng còn nặng cốt cách phong kiến(1), mà con đường theo lập trường phong kiến thì đã hết thời…
Vào tuổi mười ba, nhận thấy sức hấp dẫn của những từ Tự do, Bình đẳng, Bác ái mà người Pháp đã tuyên truyền, Người muốn tìm hiểu xem cái gì ẩn dấu đằng sau những từ ngữ mỹ miều ấy. Sức hấp dẫn của các giá trị văn minh dân chủ phương Tây đã khiến không ít người nghĩ rằng Anh có thể giúp ta, có người lại cho rằng có thể cậy nhờ nước Mỹ. Nguyễn Tất Thành thấy, cần phải ra nước ngoài xem cho rõ. Người đã nung nấu ý chí ra nước ngoài, xem nước Pháp và các nước khác làm ăn ra sao, nhất là xem họ “tổ chức và cai trị như thế nào”(2) rồi sẽ về giúp dân, giúp nước. Độc lập cho Tổ quốc, tự do, dân chủ và hạnh phúc cho nhân dân, đó là mục đích, “ham muốn tột bậc" của Người. Với mục đích và ý chí đó, Người đã rời Sài Gòn đi ra nước ngoài vào ngày 5 tháng 6 năm 1911. Như vậy, sức hấp dẫn trong buổi đầu tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành không phải lá cờ của Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu… mà chính là lá cờ cách mạng dân chủ tư sản ở phương Tây.
2. Dân chủ tư sản, từ những điều mắt thấy…
Nguyễn Tất Thành đã đi nhiều nước, đến nhiều nơi, tiếp xúc nhiều nền văn hóa, chính trị và đã dần hiểu rõ thực chất của nền văn minh tư sản, nền dân chủ tư sản dưới các hình thức khác nhau của nó. Đến Pháp, Người nhận thấy, hóa ra cũng có những người Pháp tốt và ở Pháp cũng có những người nghèo như ở Việt Nam. Người Pháp ở Pháp tốt và lễ phép hơn người Pháp ở Đông Dương. Ở Pháp, những sinh hoạt dân chủ như lập hội, mít-tinh, tranh luận trong các hội thảo, các câu lạc bộ chính trị, nghệ thuật… là chuyện của các gia đình, của đàn ông, phụ nữ, người trẻ, người già, nhưng những ai dám vạch tội ác của thực dân, dám đấu tranh cho quyền độc lập dân tộc, thì sẽ bị cảnh sát mua chuộc, dụ dỗ, dọa dẫm và cấm đoán. Đến các thuộc địa của Pháp, Người thấy rằng, những người Pháp thực dân thì rất hung ác và vô nhân đạo. Người thấy nhiều người Pháp hết sức căm phẫn và thấy nhục nhã khi biết những tội ác của thực dân Pháp ở các thuộc địa. Người nhận ra rằng, trong cuộc chiến đấu để giải phóng đồng bào, giành độc lập cho Tổ quốc, chúng ta không cô độc, bên cạnh chúng ta còn có những người bạn Pháp dân chủ, chân chính… Đến Mỹ, quê hương của bản Tuyên ngôn độc lập nổi tiếng, thăm tượng nữ thần tự do, Nguyễn Tất Thành đã viết: “Ánh sáng trên đầu thần Tự Do tỏa rộng khắp trời xanh, còn dưới chân Tượng thần Tự Do thì người da đen đang bị chà đạp. Bao giờ người da đen được bình đẳng với người da trắng? Bao giờ có sự bình đẳng giữa các dân tộc? Và bao giờ người phụ nữ được bình đẳng với nam giới?”(3). Đến Ý, Thụy Sỹ, Người thấy Thụy Sỹ là một nước nhỏ, đường phố sạch sẽ, nhân dân có trình độ văn hóa khá cao; nước Ý có nhiều thành phố đẹp, nhiều lâu đài nguy nga, nhưng ở đây người thường dân thì cực khổ vì giá sinh hoạt đắt đỏ và thuế khóa nặng nề. Nói chung, ở các nước tư sản, ở trong nền dân chủ tư sản, tầng lớp trên sống một đời hết sức xa hoa và nhân dân thì sống một đời nheo nhóc(4)…
Vậy là, từ ách thống trị dã man, tàn bạo của thực dân Pháp ở Đông Dương, từ nỗi thống khổ của đồng bào, từ những điều tận mắt trông thấy mà đau lòng ở những thuộc địa, nơi Người đã đặt chân tới, cũng như nếm trải, thấm thía những sự thật ở Pháp và các nước tư bản khác, Nguyễn Tất Thành đã phát hiện ra những mặt trái của nền dân chủ và văn minh phương Tây. Sau sự kiện yêu sách 8 điểm gửi Hội nghị Véc-xây đòi những điều sơ giản nhất về dân chủ cho nhân dân Việt Nam của Người bị chính những kẻ nhân danh dân chủ từ chối thì những nhận xét của Người đối với nền dân chủ tư sản càng rõ rệt hơn. Người nhận rõ thực chất của nền dân chủ tư sản là “dùng chữ tự do, bình đẳng, đồng bào để lừa dân, xúi dân đánh đổ phong kiến. Khi đánh đổ phong kiến rồi thì nó lại thay phong kiến mà áp bức dân”, “tiếng là cộng hòa và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa”(5).
Nghiên cứu lịch sử cách mạng và “cách cai trị” của nhiều nước phương Tây, nhất là của nước Pháp, nước Mỹ, nước Anh, Nguyễn Ái Quốc đã nhận rõ sự “không đến nơi” của cách mạng tư sản, “sự giả dối” của các tuyên ngôn dân chủ, nhân quyền tư sản. Cho dù, cách mạng tư sản, “cách cai trị” của tư sản, nhất là cách mạng Pháp và cách mạng Mỹ có ý nghĩa nhất định đối với cách mạng Việt Nam nhưng con đường ấy, mẫu hình ấy không thể đem lại độc lập thật sự cho dân tộc và tự do, dân chủ, hạnh phúc thật sự cho dân chúng số nhiều. Vì thế, Nguyễn Ái Quốc chính thức đoạn tuyệt với học thuyết dân chủ tư sản, từ chối nền dân chủ tư sản dưới các hình thức của nó. Người chỉ rõ, cách mạng Mỹ và cách mạng Pháp đã dạy chúng ta rằng, làm cách mạng thì không nên sợ phải hy sinh, và đã hy sinh làm cách mạng thì nên làm cách mạng cho “đến nơi”, nghĩa là làm cách mệnh rồi thì chớ để chính quyền trong tay số ít, chính quyền phải thuộc về dân chúng số đông.
3. V.I.Lênin và con đường giải phóng …
Đứng trong hàng ngũ đấu tranh của công nhân Pháp, dưới ảnh hưởng mạnh mẽ của Cách mạng Tháng Mười, Nguyễn Ái Quốc tham gia Đảng Xã hội Pháp và tham gia các hoạt động công nhân ủng hộ nước Nga Xô-viết. Lúc đầu, “về cảm tính” Người thấy mình có mối tình đoàn kết với cuộc cách mạng Nga và người lãnh đạo cuộc cách mạng ấy, nhưng Người biết rất ít về V.I.Lênin và Cách mạng Tháng Mười. Tháng 7-1920, Người đọc Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa của V.I.Lênin. Trong văn kiện này, V.I.Lênin phê phán mọi luận điểm sai lầm của những người cầm đầu Quốc tế II về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa, lên án mạnh mẽ tư tưởng sô vanh, tư tưởng dân tộc hẹp hòi, ích kỷ, đồng thời nhấn mạnh nhiệm vụ của các Đảng Cộng sản là phải giúp đỡ thật sự phong trào cách mạng của các nước thuộc địa và phụ thuộc, nhấn mạnh sự đoàn kết giữa giai cấp vô sản các nước tư bản với quần chúng cần lao của tất cả các dân tộc để chống kẻ thù chung là đế quốc và phong kiến.
Tác phẩm của V.I.Lênin đã giải đáp cho Nguyễn Ái Quốc con đường giành độc lập cho dân tộc và tự do thật sự cho đồng bào. Sau này, khi kể lại sự kiện quan trọng đó, Người đã nói: "Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!"(6). Như một lẽ tự nhiên, rất đơn giản và rõ ràng, sau khi đọc Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa của V.I.Lênin, Người đã bỏ phiếu tán thành Quốc tế III, tin theo V.I.Lênin và quyết định lựa chọn con đường Cách mạng Tháng Mười. Thời điểm đánh dấu bước ngoặt quan trọng này là tháng 12 năm 1920. Từ đây, Nguyễn Ái Quốc trở thành người cộng sản, một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và Nguyễn Ái Quốc đồng thời cũng là người cộng sản đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Vậy là, từ hành trình khảo sát, nghiên cứu thực tiễn chính trị và lý luận hằng chục năm ở nhiều nước, Nguyễn Ái Quốc đã đi đến kết luận dứt khoát. “Cách mạng có nhiều thứ”, “chủ nghĩa”, “học thuyết” cũng có nhiều nhưng chỉ có Cách mạng Tháng Mười Nga là thành công “đến nơi” và Chủ nghĩa Mác-Lênin là “chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất”(7).
Vậy là, trong thời đại ngày nay, muốn cứu nước, giải phóng dân tộc, muốn nước độc lập, dân được tự do, ấm no, hạnh phúc không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản. Muốn có dân chủ hoàn bị, triệt để thì Tổ quốc phải độc lập và phải tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đất nước không có độc lập, thống nhất thì mọi thứ dân chủ chỉ là giả dối, chỉ là trò bịp bợm. Nước được độc lập mà nhân dân không được hưởng ấm no, tự do, hạnh phúc, sung sướng thì độc lập ấy không có ý nghĩa gì. Chỉ có con đường cách mạng vô sản, chỉ có chủ nghĩa xã hội mới có thể đem lại ấm no, tự do, hạnh phúc thật sự, dân chủ thật sự, dân chủ rộng rãi, dân chủ đến nơi. Nhưng để đi đến mục tiêu ấy thì mỗi nước tùy theo điều kiện của mình mà có thể có những bước đi khác nhau. Người khẳng định, “tính chất thuộc địa và phong kiến của xã hội cũ Việt Nam khiến cách mạng Việt Nam phải chia làm hai bước. Bước thứ nhất là đánh đổ đế quốc, đánh đổ phong kiến, thực hiện “người cày có ruộng”, xây dựng chính trị và kinh tế dân chủ mới… Bước thứ hai là tiến lên chủ nghĩa xã hội, tức là giai đoạn đầu của chủ nghĩa cộng sản”(8).
4. Nền dân chủ vô sản non trẻ đầy sức sống ở Nga…
Được Luận cương của V.I.Lênin soi sáng, Nguyễn Ái Quốc tích cực hoạt động truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lênin về nước, chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của chính đảng cách mạng ở Việt Nam. Người tích cực nghiên cứu xây dựng đường lối cách mạng và từng bước phác thảo về một chế độ dân chủ ở Việt Nam sau khi cách mạng thắng lợi.
Nước Nga đã làm cách mang thành công, nước Nga được nhiều người yêu nhưng cũng nhiều kẻ ghét. Có kẻ cho nước Nga là địa ngục, có người bảo nước Nga là một thiên đường. Cuối năm 1923, Nguyễn Ái Quốc đến Nga hoạt động trong Quốc tế Cộng sản và trực tiếp quan sát, nghiên cứu việc xây dựng nền dân chủ mới - dân chủ vô sản. Không gặp được V.I.Lênin, V.I.Lênin đã mất, nhưng Nguyễn Ái Quốc nhận thấy nhân dân và đất nước Nga đã hồi sinh. Nước Nga là một đất nước đang xây dựng có nhiều ưu điểm nhưng chưa kịp sửa chữa hết những khuyết điểm. Nước Nga còn thiếu thốn mọi thứ, vết thương chiến tranh còn nhiều nhưng những vết thương đang được hàn gắn nhanh chóng và khắp nơi nhân dân phấn khởi, hăng hái làm việc. Do đó, đối với Người, nước Nga chưa phải là thiên đường nhưng nhất định không phải là địa ngục!
Ở đất nước của V.I.Lênin, Nguyễn Ái Quốc không chỉ nghiên cứu lịch sử cách mạng, con đường, phương pháp và những kinh nghiệm cách mạng trong giai đoạn “giành chính quyền” mà Người còn rất chú ý tìm hiểu cách thức, kinh nghiệm tổ chức xây dựng chế độ dân chủ mới. Người nhận thấy, ở nước Nga mọi người đều ra sức học tập, nghiên cứu để tiến bộ. Chính phủ giúp đỡ, khuyến khích nhân dân học tập. Ruộng đất thuộc sở hữu Nhà nước nhưng thực tế do nông dân sử dụng. Mọi người làm chung và phân phối theo lao động. Những người ốm đau được chăm sóc không mất tiền. Trẻ em, phụ nữ được Nhà nước, xã hội, nhà máy chăm sóc chu đáo. Trẻ em được ưu ái trong nuôi dưỡng, học hành. Những gì tốt nhất đều để dành cho trẻ em… Do đó, nếu nước Nga chưa phải là thiên đường cho tất cả mọi người thì nước Nga đã là một thiên đường cho trẻ em (9)… Đó là kết quả vận dụng lý thuyết dân chủ xã hội chủ nghĩa vào điều kiện nước Nga. Đó là những ưu việt của một nền dân chủ mới dưới ánh sáng khoa học của học thuyết dân chủ cách mạng Mác-Lênin. Dân chủ đã trở thành hiện thực sinh động, nhân dân Nga đã sáng tạo nên một nền dân chủ mới đầy sức sống và bước đầu thụ hưởng những giá trị dân chủ đích thực của chính mình. Những thành công “đến nơi” của cách mạng Nga, những ưu việt thực chất của nền dân chủ mới ở Nga đã trở thành mẫu hình quan trọng đầy tính gợi mở để Nguyễn Ái Quốc từng bước xây dựng mô hình dân chủ cho cách mạng Việt Nam.
5. Thiết kế mô hình và nguyên tắc vận hành của nền dân chủ ở Việt Nam…
Thiết kế xây dựng mô hình và nguyên tắc vận hành của nền dân chủ mới là một trong những vấn đề cơ bản của cách mạng nên đây cũng là một quan tâm lớn đặc biệt của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Điều này đã được Bác thể hiện trong rất nhiều bài viết, bài nói, trong các giai đoạn khác nhau, trong các văn kiện chính thức của Đảng, Nhà nước cũng như trong những chỉ đạo thực tiễn, khi Bác ở nước ngoài cũng như khi Người về nước, trong quá trình vận động chuẩn bị thành lập Đảng, chuẩn bị giành chính quyền cũng như trong quá trình xây dựng, vận hành chính quyền mới, nền dân chủ mới. Theo Bác, nền dân chủ ở nước ta cần phải được xây dựng trên những nội dung cơ bản sau:
- Cơ sở lý luận, nền tảng tư tưởng của nền dân chủ: Chủ nghĩa Mác-Lênin, vì đây là “chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất”.
- Mục tiêu của nền dân chủ: Nước được độc lập, nhân dân được hưởng ấm no, tự do, hạnh phúc, sung sướng. Ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành, ốm đau có thuốc… “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”(10).
- Mô hình dân chủ cộng hòa, trong đó,
+ Nhân dân là chủ thể mọi quyền lực. Theo Hồ Chí Minh, dân chủ nghĩa là “dân là chủ”(11), “dân làm chủ”(12), “quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Nền dân chủ xây dựng ở Việt Nam là nền dân chủ “tất cả mọi quyền lực đều là của nhân dân”. Hồ Chí Minh viết: Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến chính phủ do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”(13). Dân và nhân dân ở đây được hiểu với nội dung rất cụ thể và rộng lớn: gồm cả cộng đồng người, nhân dân, đồng bào, quần chúng nhân dân, công nhân, nông dân, trí thức, phụ nữ, thanh thiếu niên, thiếu nhi, học sinh, sinh viên, các bậc phụ lão, đồng bào các dân tộc, tôn giáo, kiều bào ta ở nước ngoài. Những bọn tay sai cho đế quốc, thực dân, bọn phản bội lợi ích của Tổ quốc thì không thuộc nhân dân, đó là bọn phản nhân dân.
+ Nền dân chủ toàn diện, cụ thể, trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, nền dân chủ phải là: Về chính trị, “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ”(14); xây dựng Nhà nước dân chủ pháp quyền của dân, do dân, vì dân; xây dựng Đảng và các tổ chức chính trị xã hội trong sạch, vững mạnh, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân. Về kinh tế, xuất phát từ “chỗ bắt đầu đi của chúng ta” là “nước nông nghiệp lạc hậu”, nên dân chủ trên lĩnh vực kinh tế cần: tôn trọng, bảo đảm phát triển nền kinh tế nhiều thành phần với nhiều hình thức sở hữu, “công tư đều được chiếu cố, chủ và thợ đều có lợi”(15); trong đó, “kinh tế quốc doanh lãnh đạo nền kinh tế quốc dân và Nhà nước phải bảo đảm cho nó phát triển ưu tiên để tạo nền tảng vật chất cho chủ nghĩa xã hội và thúc đẩy việc cải tạo xã hội chủ nghĩa”(16); dưới các hình thức, người lao động làm chủ tư liệu sản xuất, làm chủ trong quản lý kinh tế, làm chủ việc phân phối sản phẩm lao động”(17), “làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm không hưởng – những người già yếu, tàn tật sẽ được nhà nước giúp đỡ chăm nom”. Về văn hóa - xã hội, xây dựng một nền văn hóa “dân tộc, khoa học, đại chúng”, mọi người Việt Nam đều hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, có kiến thức để xây dựng đất nước; xây dựng đời sống mới trên tất cả các lĩnh vực trong cả nước đến hoạt động sống hằng ngày ở gia đình và cộng đồng dân cư; xây dựng đạo đức công dân, yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học và bảo vệ của công…
- Nguyên tắc xây dựng và hoạt động của nền dân chủ:
+ “Đảng lãnh đạo… công nông liên minh, nhân dân lao động làm chủ nước nhà, xây dựng nhân dân dân chủ chuyên chính…”(18), nghĩa là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Nhà nước, đoàn thể đối với dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại đến dân phải hết sức tránh. Dựa vào dân, đem tài dân, sức dân để làm lợi cho dân, mưu cầu hạnh phúc cho dân. Nhân dân đối với đoàn thể và Chính phủ của mình thì phải giúp đỡ, theo đúng kỷ luật, làm đúng chính sách, đôn đốc, kiểm soát, phê bình để Chính phủ và đoàn thể làm tròn phận sự mà nhân dân giao phó.
+ Để có dân chủ thật sự, “tư tưởng phải được tự do”. Tự do tư tưởng là, “đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý”, “khi tìm ra chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý”. Và cần lưu ý rằng, “chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân”, “ra sức phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, tức là phục tùng chân lý”(19).
+ “Chế độ ta là chế độ dân chủ nhân dân; chúng ta cần mở rộng dân chủ đối với nhân dân, đồng thời cần tăng cường chuyên chính với kẻ địch của nhân dân. Có tăng cường chuyên chính với kẻ địch thì mới bảo vệ được tự do và dân chủ của nhân dân ta”(20).
+ “Dân chủ là của quý báu nhất của nhân dân”, để xây dựng nền dân chủ thì phải phát huy dân chủ, thực hành dân chủ rộng rãi. Dân chủ vừa là mục tiêu vừa là động lực của phát triển. “Có phát huy dân chủ đến cao độ thì mới động viên được đông đảo lực lượng của nhân dân đưa cách mạng tiến lên”(21). “Thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn”(22). Trong đó, trước hết cần đặc biệt chú ý thực hành dân chủ, phát huy dân chủ trong Đảng và dân chủ ở cơ sở, ở nông thôn…
Tóm lại, với Bác Hồ, yêu nước gắn với yêu thương và kính trọng nhân dân. Ngày 5-6-1911, rời Tổ quốc đi ra nước ngoài, với Người, mục đích rất cụ thể: tìm đường cứu nước, cứu dân, tìm kiếm con đường để nước được độc lập, dân được tự do, ấm no, hạnh phúc, sung sướng. Đây là mục đích và cũng là “tiêu chí” để Người tìm kiếm, khảo sát, phân tích, đánh giá các lý thuyết giải phóng, các chế độ chính trị, các cuộc cách mạng, các nền dân chủ trên thế giới. Nghiên cứu lịch sử cách mạng và “cách cai trị”của nhiều nước trên thế giới, Bác nhận rõ cách mạng tư sản là “không đến nơi". Trong thế giới bấy giờ chỉ có cách mạng Nga do đảng của V.I.Lênin lãnh đạo là thành công “đến nơi”. Do đó, để đi tới độc lập cho Tổ quốc, ấm no, tự do và hạnh phúc cho đồng bào, cách mạng Việt Nam phải đi theo con đường Chủ nghĩa Mác-Lênin và tấm gương Cách mạng Tháng Mười. Đó là con đường xây dựng, phát triển nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, con đường độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội.
Lịch sử cách mạng Việt Nam hiện đại đã khẳng định con đường dân chủ mà Bác chính thức lựa chọn cho dân tộc ta từ những năm 20 của thế kỷ trước là đúng đắn. Mô hình dân chủ do Bác Hồ và Đảng ta thiết kế đã từng bước tỏ rõ sức sống và triển vọng phát triển của nó trên Tổ quốc thân yêu của chúng ta, nhất là trong 25 năm đổi mới. Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là con đường thuận lòng dân, hợp thời đại và đúng quy luật phát triển của lịch sử nhân loại nói chung và lịch sử dân chủ nói riêng.
Chính vì vậy, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng tiếp tục khẳng định: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm dân chủ được thực hiện trong thực tế cuộc sống ở mỗi cấp, trên tất cả các lĩnh vực…”(23). Đảng ta coi đây vừa là mục tiêu, động lực, vừa là con đường, giải pháp cơ bản để từng bước thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đây là sự tiếp tục con đường dân chủ theo Tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện mới./.
(1), (2), (4), (9) Trần Dân Tiên – Những mẫu chuyện về cuộc đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, NXB Trẻ, 2004, tr 10-11; tr 41; tr 40; tr 58-62.
(3) Http://bee.net.vn/channel/1984/201004/Toi-xin-cat-loi-ca-muon-man-cua-hau-the-ve-Nguoi-1750687/
(5),(7) Hồ Chí Minh, Tuyển tập, tập 1, NXB CTQG, H, 2002, tr 274; 388.
(6) Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn báo chí, NXB Thanh Niên, H, 2005, tr 260.
(8), (15), (18) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, NXB CTQG, H, 1996, tr 210; 361; 217.
(10), (17), (22) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, NXB CTQG, H, 2000, tr 512; 568; 249.
(11), (14) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, NXB CTQG, H, 1995, tr 515.
(12), (19), (20) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, NXB CTQG, H, 1996, tr 375; 216; 313,314.
(13) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, NXB CTQG, H, 1995, tr 698.
(16), (21) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, NXB CTQG, H, 1996, tr 590; 593.
(23) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB CTQG, H, 2011, tr 85.
Nguồn: Tạp chí nghiên cứu, hướng dẫn công tác tổ chức xây dựng Đảng của Ban Tổ chức Trung ương
Kim Yến (st)