Làng Sen trời tháng 5 trong vắt không gợn mây, dòng người khắp nơi đổ về Kim Liên dự Lễ hội Làng Sen. Trong không khí rộn ràng ấy, ông Nguyễn Sinh Quế năm nay đã trên 80 tuổi, lại nhớ 2 lần vinh dự được đón Bác Hồ về thăm quê.

 "Xúc động lắm nhưng vì để đảm bảo an toàn, bí mật cho Bác nên tôi không thể chia sẻ niềm vui đó với ai, ngay cả với vợ mình. Tôi cùng với anh em trong UBND, lực lượng vũ trang xã để chuẩn bị "đón tiếp một phái đoàn quan trọng của Trung ương" về thăm....". Ông Quế tâm sự với phóng viên.

BOI HOI KY NIEM HAI LAN DON BAC VE THAM QUE ANH 1

 

Quê hương nghĩa nặng tình cao…

Lần đầu tiên là năm 1957, khi đó ông Quế đang làm Thường trực Đảng ủy xã Nam Liên. Năm đó, Bác Hồ có dịp về thăm quê hương lần đầu tiên sau hơn 50 năm xa cách.

Ông Nguyễn Sinh Quế bồi hồi nhớ lại: "Chiều ngày 15/6/1957, tôi mới nhận được lệnh chuẩn bị đón Bác về thăm quê. Xúc động lắm nhưng vì để đảm bảo an toàn, bí mật cho Bác nên tôi không thể chia sẻ niềm vui đó với ai, ngay cả với vợ mình. Tôi cùng với anh em trong UBND, lực lượng vũ trang xã để chuẩn bị "đón tiếp một phái đoàn quan trọng của Trung ương" về thăm. Để đảm bảo cho công tác an ninh, chỉ có một số người trong dòng họ Nguyễn Sinh và nhân dân 4 xóm của xã Kim Liên được đi đón. Tờ mờ sáng hôm ấy, mọi người được phân công đã tập trung đông đủ dưới gốc đa sân vận động. Đúng 8 giờ sáng chủ nhật ngày 16/6/1957, Bác Hồ về thăm quê. Đoàn xe ô tô đi vào, thấy một ông cụ râu dài nhoài mình ra cửa xe, tay vẫy chào người dân. Những người đi đón "phái đoàn cấp cao" vỡ òa trong tiếng reo: "Bác Hồ, Bác Hồ về thăm quê". Nghe tiếng reo, nhiều nông dân đang cày ruộng bỏ cày, phụ nữ bỏ gánh hàng ngoài chợ chạy về gốc đa để đón Bác. Lần đầu tiên được nhìn thấy Bác sau hơn 50 năm xa cách, nhiều người già không cầm nổi nước mắt". Trước bàn thờ tổ tiên và trước những kỷ vật thời trẻ, Bác đứng trầm ngâm, khóe mắt ngấn lệ. Bác đi về phía nhà mình. Chiếc cổng tre đã mở sẵn, mọi người mời Bác vào nhà, nhưng Bác dừng lại và nói: "Cổng ngày xưa ở đầu kia". Bàn chân của Bác đã trở về nhà theo dấu chân thuở còn niên thiếu. Bác đi vào gian nhà ngoài, nơi thờ cúng gia tiên và có treo bức chân dung cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Chỉ vào chiếc bàn thờ mới được làm lại, Bác nói với bà con: "Xưa nhà Bác nghèo, bàn thờ chỉ làm bằng tre, không có chân, mà chỉ dùng hai miếng gỗ đóng gá vào hai bên cột để đỡ bàn thờ lên, liếp bằng nứa, trên trải chiếu mộc". Dù đi xa đã lâu, Bác vẫn nhớ được những chi tiết, dù rất nhỏ. Bác nhìn lại chiếc võng bện bằng sợi đay, án thư đọc sách, vách tranh treo đèn đĩa thắp bằng dầu thực vật. Thăm ngôi nhà ngang ba gian. Bác cảm động nhìn thấy những đồ dùng quen thuộc gắn với những kỷ niệm của thời thơ ấu vẫn được giữ nguyên. Bác đi ra phía đầu hồi trái, nơi có căn nhà của ông thợ rèn Nguyễn Xuân Điền. Cụ Điền từ trong nhà bước ra chào Bác và hỏi: "Bác có còn nhớ tôi nữa không?". "Điền phải không?" Bác trả lời. Hai người bạn thời thơ ấu sau 50 năm xa cách ôm nhau khóc trong niềm xúc động vô bờ của tất cả những người dân có mặt ở đó. Bác hỏi thăm giếng Cốc, những di tích trên núi Chung và căn dặn: "Nước giếng Cốc trong và ngọt lắm, cố gắng giữ lấy mà dùng. Những di tích trên núi Chung nữa, phải giữ gìn và tôn tạo cho con cháu đời sau". Bác trở ra sân vận động của làng, mở đầu buổi nói chuyện với bà con bằng 2 câu thơ như được rút từ ruột gan: "Quê hương nghĩa trọng tình cao/ Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình...".

BOI HOI KY NIEM HAI LAN DON BAC VE THAM QUE ANH 2
Bức ảnh ông Quế (áo sẫm bên phải) chụp chung với Bác
 trong lần Bác về thăm quê năm 1961 được ông nâng niu, giữ gìn như một báu vật

“Bác đi rất nhiều năm nhưng về đến quê vẫn là tiếng Nghệ đặc sệt, giọng nói quê hương, chân đi dép cao su, áo quần gụ bên ngoài là chiếc áo kaki. Bác chỉ vào mấy cháu thiếu niên 13,14 tuổi bảo: Lúc Bác đi bằng từng này, khi trở về đã đầu bạc. Thường thường người đi xa lâu ngày thì mừng mừng tửi tủi, riêng tôi mừng chứ không tủi vì khi ra đi nước nhà còn nô lệ, tôi cũng là một nô lệ nhỏ, bây giờ về nước nhà đã được độc lập, nhân dân ta đã được tự do” - Ông Quế bồi hồi nhớ lại. Khi Bác về thăm quê hương cũng là khi Kim Liên bước vào giai đoạn cuối của sửa sai cải cách ruộng đất. Bác căn dặn Đảng bộ, chính quyền sửa sai cải cách ruộng đất cho tốt, nâng cao tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, đừng để "đèn nhà ai rạng nhà nấy". Bác nhắc nhở mọi người phải chăm sóc, giáo dục thiếu nhi, đừng để các cháu gầy gò, ốm yếu, đau mắt hột. Trước lúc ra về, Bác còn dặn: "Cán bộ và nhân dân Kim Liên làm tốt, Kim Liên xây dựng được xã kiểu mẫu, Bác sẽ về thăm lần nữa...". Ghi nhớ lời căn dặn của Bác, Đảng bộ và nhân dân Kim Liên đã cùng nhau đoàn kết tiến hành sửa sai nhanh chóng và đạt được nhiều thắng lợi lớn, luôn là lá cờ đầu trong các phong trào thi đua của huyện, của tỉnh. "Sau khi hoàn thành công cuộc cải cách ruộng đất, lãnh đạo xã được ra Hà Nội báo cáo với Bác. Bác đưa cho tôi một nắm hạt phượng để về ươm trong sân trường lấy bóng mát cho các em học sinh vui chơi", ông Quế kể. Quê hương mong một lần được báo công với Bác Giữ đúng lời hứa, bốn năm sau đó, ngày 9/12/1961 Bác về thăm quê ngoại Hoàng Trù và quê nội Kim Liên. Chuyến về thăm quê lần thứ hai này, Bác đã vào Đền làng Sen làm việc với Đảng uỷ và UBND xã Kim Liên. Sau đó, cũng dưới gốc cây đa như bốn năm về trước, nhiều người không chen được chân nên đã trèo lên cây đa để được tận mắt nhìn Bác cho rõ.

 Ông Quế: "Mỗi người dân quê Bác luôn cố gắng làm tốt phần việc nhỏ của mình. Đến nay, Kim Liên, Nam Đàn đã thay đổi, phát triển nhiều lắm rồi…Quê hương mong một lần được báo công với Bác"

Bác nói chuyện thân mật với nhân dân xã nhà và mong mọi người có trách nhiệm làm cho dân giàu, nước mạnh, nâng cao tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, xây dựng hợp tác xã ngày càng vững mạnh, góp phần xây dựng dân chủ xã hội ở miền Bắc, làm chỗ dựa vững chắc cho cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ thắng lợi, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Bác vào Đền Kim Liên trò chuyện và dặn dò cán bộ đảng viên: "Ngày nay nông dân đãtin tưởng vào Đảng, đã bỏ tất cả ruộng đất, trâu bò, nông cụ, vốn liếng vào HTX nông nghiệp. Đảng ta và nhất là các đồng chí trong Ban quản trị, Ban kiểm soát phải quản lý, tổ chức sản xuất thật tốt, làm cho sản xuất ngày càng phát triển, thu nhập của nhân dân ngày càng cao. Cán bộ đảng viên phải thực sự gương mẫu, phải thực sự bám đội, lội đồng để chỉ đạo sản xuất, tuyệt đối không được chè chén lãng phí, xà xẻo của công. Cán bộ, đảng viên phải đi sâu đi sát quần chúng nhân dân, phải lo cho dân từ tương cà mắm muối… Làm cán bộ phải đặt lợi ích của người dân lên trên hết. Việc gì có có lợi cho dân thì làm, việc gì có hại cho dân thì  tránh, không vì động cơ thành tích cá nhân mà quên mất lợi ích của của nhân dân. Cán bộ phải có cả đức lẫn tài, có đức mà không có tài thì cũng không làm được gì, cho nên phải tích cực học tập chuyên môn, lý luận, kỹ thuật để làm việc có ích cho nước cho dân". Ông Nguyễn Sinh Quế còn mãi bồi hồi xúc động về những tình cảm sâu đậm của Người đối với quê hương, tình cảm đó, có cái bình dị như mọi người bình thường, song bao quát vẫn là tình cảm của một vĩ nhân. Chia tay chúng tôi, ông Quế tâm sự: "Mỗi người dân quê Bác luôn cố gắng làm tốt phần việc nhỏ của mình. Đến nay, Kim Liên, Nam Đàn đã thay đổi, phát triển nhiều lắm rồi… Quê hương mong một lần được báo công với Bác"./.

Hoàng Lam - Nguyễn Duy
Theo dantri.com.vn
Minh Thu (st)

Bài viết khác: