QĐND - LTS: Với mong muốn giúp bạn đọc hiểu biết đầy đủ, sâu sắc hơn về lịch sử ra đời, chặng đường xây dựng và phát triển, bản chất tốt đẹp và truyền thống vinh quang của báo chí cách mạng Việt Nam; cũng như vai trò, trách nhiệm xã hội của báo chí và người làm báo Việt Nam trong tình hình mới, nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925/21-6-2015), Báo Quân đội nhân dân giới thiệu vệt bài chuyên luận của các chuyên gia, nhà quản lý với chủ đề: “90 năm Báo chí cách mạng Việt Nam: Vinh quang và trách nhiệm”.
Hồ Chí Minh - Người khai sáng, người thầy của báo chí cách mạng Việt Nam
Hồ Chí Minh là người khai sáng, đặt nền móng và trực tiếp tham gia giáo dục, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ báo chí. Nói như GS Đỗ Quang Hưng, Bác là “người khơi nguồn một dòng báo, một sự nghiệp”. Đó là dòng báo chí cách mạng và sự nghiệp báo chí cách mạng. Tất nhiên, sự nghiệp báo chí Hồ Chí Minh được bắt đầu sớm hơn, với những bài viết cho tờ Luy-ma-ni-tê của Đảng Cộng sản Pháp và đặc biệt tờ Le Paria (Người cùng khổ) do Bác trực tiếp làm chủ bút và chủ nhiệm. Song về danh nghĩa, đây là cơ quan ngôn luận của “Hội Liên hiệp thuộc địa” nên không thể coi là tờ báo đầu tiên của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Sự ra đời của tờ Thanh Niên ngày 21-6-1925 không chỉ là một mốc son lịch sử, mà đã thể hiện năng lực tổ chức, năng lực làm báo bậc thầy của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Tờ báo phát hành tổng cộng 208 số, mỗi số 400-500 bản, công nghệ in ấn thô sơ, trình bày còn đơn giản nhưng đã xứng đáng với vai trò là vũ khí tuyên truyền sắc bén của những người cộng sản Việt Nam. Đây là mốc đánh dấu sự chuyển biến từ phong trào yêu nước sang phong trào cộng sản của các tổ chức cách mạng trong nước, dưới sự chỉ đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Người đã khéo léo dùng tờ Thanh Niên để tuyên truyền, giác ngộ lý tưởng cộng sản trong tầng lớp thanh niên yêu nước. Ảnh hưởng của tờ Thanh Niên do Bác Hồ sáng lập đã khiến những tên thực dân chóp bu phải lo ngại. L.Mac-ty, Chánh mật thám Pháp ở Đông Dương, đã nhận xét trong cuốn “Góp phần vào lịch sử các phong trào chính trị ở Đông Dương” xuất bản năm 1933 tại Hà Nội: “Ông Nguyễn Ái Quốc đã không ngần ngại dành suốt 60 số đầu của tờ báo để chuẩn bị tinh thần cho người đọc, chỉ nói về lòng yêu nước, để đến số 61 ra ngày 12-9-1926 ông mới để lộ ý định của ông khi viết rằng, chỉ có một Đảng Cộng sản mới bảo đảm hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khai sáng, đặt nền móng và trực tiếp tham gia giáo dục,
bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ báo chí. Ảnh tư liệu
Nhà nghiên cứu Đỗ Quang Hưng nhận xét: Báo Thanh Niên đã xác lập “một phong cách làm báo cách mạng rất Việt Nam” và “đặt ra cả nền móng có tính nguyên tắc cho sự ra đời và phát triển nền báo chí của nước Việt Nam mới”. Cách đánh giá này cũng phù hợp với quan điểm của Tiến sĩ Sờ-ten Tôn-nét-son (Thụy Điển) khi ông khảo sát tờ Việt Nam độc lập do Hồ Chí Minh sáng lập năm 1941: “Tờ báo chẳng những giản dị, dễ hiểu, dễ đọc mà còn rất đậm chất văn chương nhiệt huyết. Kinh nghiệm và sự cống hiến của Hồ Chí Minh đã nhanh chóng tạo nên sức cổ động của những bài báo trong tờ Việt Nam độc lập”.
Ảnh hưởng của những tờ báo do Bác Hồ sáng lập không chỉ có ý nghĩa trực tiếp trong việc chỉ đạo cuộc đấu tranh cách mạng của dân tộc, mà còn khơi nguồn mạnh mẽ cho nền báo chí cách mạng nở rộ. Trong sự kìm kẹp khủng bố của kẻ thù, một loạt tờ báo của các tổ chức Đảng đã ra đời: Tranh đấu, Cờ vô sản, Đỏ, Sóng Cách mệnh, Lao động... Nhiều tờ báo trong số đó đã vượt lưới thép của kẻ thù đến tận Trường Phương Đông ở Mát-xcơ-va, nơi các lãnh tụ trẻ tuổi của Đảng như: Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập... đang miệt mài học tập lý luận cộng sản và rèn luyện năng lực của những nhà cách mạng chuyên nghiệp, tạo niềm tin sâu sắc về ngọn lửa cách mạng trong nước.
Nền báo chí cách mạng Việt Nam ngay từ buổi đầu non trẻ đã tạo được dấu ấn và ảnh hưởng sâu sắc trong phong trào quần chúng. Trong bối cảnh một đất nước hơn 90% dân số mù chữ, các tờ báo cách mạng đã tập hợp được đội ngũ những người có trình độ văn hóa nhất định và cả những quần chúng lao khổ. Văn phong giản dị, nội dung thiết thực, dễ hiểu, dễ nhớ, báo chí cách mạng trở thành người bạn tin cậy, dẫn dắt phong trào. Có được điều đó, phải kể đến nỗ lực không mệt mỏi của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong việc xác lập “một phong cách làm báo cách mạng rất Việt Nam”. Người ý thức sâu sắc vai trò của báo chí trong việc tuyên truyền, cổ động và tổ chức hoạt động cách mạng như lời dạy của Lê-nin. Cho nên quá trình rèn luyện tri thức và thực tiễn của một nhà cách mạng vĩ đại cũng là quá trình Bác tự trau dồi nghề nghiệp để trở thành một nhà báo dày dạn kinh nghiệm. Bài học này được Người áp dụng với những học trò của mình. Không phải ngẫu nhiên, những nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam sau Hồ Chí Minh cũng đồng thời là những nhà báo lớn như: Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Hồ Tùng Mậu…
Những năm sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ báo chí. Kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, trong điều kiện ngặt nghèo, Đảng và Bác Hồ vẫn chủ trương mở lớp viết báo Huỳnh Thúc Kháng giữa Chiến khu Việt Bắc. Dù bận trăm công nghìn việc, Bác đã hai lần gửi thư cho lớp học. Bức thứ nhất Bác viết vào tháng 5-1949, khi lớp học vừa bắt đầu, nội dung như một bài giảng cô đúc về nghiệp vụ báo chí và người làm báo. Bắt đầu từ nhiệm vụ, mục đích, tôn chỉ, đối tượng phục vụ của báo chí cách mạng, đến yêu cầu về nội dung và hình thức của tờ báo.
Từ những vấn đề khái quát, Bác nêu bật yêu cầu có tính nguyên tắc trong hoạt động, rèn luyện của người làm báo. Đó là “gần gụi quần chúng”, viết về quần chúng và viết cho quần chúng đọc, quần chúng hiểu; “phải biết ít nhất một ngoại ngữ” để “học hỏi kinh nghiệm bên ngoài”, luôn biết lắng nghe, rèn luyện, cầu tiến bộ. Người quan tâm tỉ mỉ đến từng chi tiết tưởng như rất nhỏ, với thái độ đầy yêu thương và trách nhiệm: “Nghe nói có ba cô học viết báo, đó là điều đáng mừng cho báo chí ta. Lớp học này là lớp học viết đầu tiên, tôi mong các chú, các cô thi đua nhau học và hành cho xứng đáng là người tiên phong trên mặt trận báo chí”.
Khi cuộc kháng chiến chống Pháp đã thắng lợi, Hồ Chí Minh luôn quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ báo chí, đáp ứng yêu cầu tình hình mới. Đại hội lần thứ II (1959) và lần thứ III (1963), Hội Nhà báo Việt Nam đều vinh dự được đón Bác đến thăm và có bài phát biểu quan trọng. Không phải là những diễn văn động viên, cổ vũ thông thường của người đứng đầu Đảng, Nhà nước với một tổ chức hội chính trị-nghề nghiệp, bài phát biểu của Bác tại hai kỳ đại hội thực sự là những định hướng quan trọng về chuyên môn nghiệp vụ báo chí của một người làm báo bậc thầy.
Đánh giá về vai trò của Bác với sự nghiệp báo chí và văn hóa - văn nghệ dân tộc, đồng chí Trường Chinh từng khẳng định: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà báo cách mạng, là người thầy vĩ đại, là người sáng lập và dìu dắt nền báo chí cách mạng Việt Nam. Cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác đều gắn liền với công tác báo chí. Cho nên, Bác tự nhận mình là một người có nhiều duyên nợ với báo chí và những lời dạy của Bác về công tác báo chí là cả một kho tàng vô giá về lý luận báo chí cách mạng Việt Nam, thể hiện rõ đường lối báo chí vô sản của Đảng ta, khắc sâu trong tâm trí những người làm báo chúng ta”.
Một điều đặc biệt là tầm vóc bậc thầy về nghề báo của Hồ Chí Minh không tồn tại trong những giá trị đóng khung sẵn có, mà luôn rộng mở, trau dồi, vươn tới những nhận thức mới. Quá trình rèn nghề của Bác đã là một bài học sâu sắc cho những người làm báo cách mạng Việt Nam. Hơn thế, điều chúng ta cần quan tâm là một tinh thần học hỏi không ngừng, thái độ khiêm tốn, cầu thị của một tầm vóc văn hóa lớn. Quan điểm làm báo của Bác là quan điểm “mở”, phù hợp với sự phát triển đi lên của đời sống xã hội, mặc dù cốt lõi của nó vẫn là dựa trên những nguyên lý bền vững.
Hiện thực cuộc sống luôn biến chuyển. Tầm vóc văn hóa Hồ Chí Minh biểu hiện ở chỗ luôn bắt nhịp được với sự vận động ấy, chỉ ra bản chất của nó. Người coi trọng nguyên tắc nghề nghiệp, nhưng một trong những nguyên tắc quan trọng nhất lại là không được đóng khung trong những tín điều cứng nhắc, không coi kinh nghiệm của mình là giá trị bất biến mà phải học hỏi không ngừng.
Sự nghiệp báo chí Hồ Chí Minh là di sản to lớn, tạo nền tảng quan trọng cho sự phát triển nền báo chí cách mạng, góp phần làm phong phú nền văn hóa dân tộc. Người làm báo là để làm cách mạng, nhưng bằng sự say mê, nhiệt thành của một trái tim cộng sản cộng với tài năng thiên bẩm và bề dày văn hóa, Hồ Chí Minh đã trở thành một nhà báo tầm vóc quốc tế, người thầy mẫu mực của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Quan điểm của Hồ Chí Minh về báo chí và phong cách làm báo năng động, chuyên nghiệp, sâu sát đời sống của Người là hành trang quý giá cho các thế hệ nhà báo hôm nay học tập, để ngày càng vững vàng, sắc bén hơn trên mặt trận công tác tư tưởng-văn hóa của Đảng, đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân./.
PGS, TS. ĐỖ CHÍ NGHĨA (*)/ Theo http://www.qdnd.vn
Thu Hiền (st)
(*) Tổng biên tập Báo Đại biểu nhân dân