Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh dường như chưa bao giờ ngừng viết báo. Người đã để lại một khối lượng tác phẩm báo chí đồ sộ, xuất sắc với hơn 2.000 bài viết thuộc nhiều thể loại, bằng nhiều thứ tiếng khác nhau...

50 năm và hơn 2.000 bài báo

Theo nhà báo Hữu Thọ, nếu tính từ năm 1919 đến 1969, Bác Hồ đã có 50 năm cầm bút. Bài báo đầu tiên của Người có tựa đề “Vấn đề bản xứ” đăng trên Báo Nhân đạo của Đảng Cộng sản Pháp (ngày 2-8-1919) nói về thân phận của dân nước thuộc địa và bài báo cuối cùng là “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” như một Di chúc về giáo dục đạo đức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng cầm quyền, đăng trên Báo Nhân Dân của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3-2-1969, chỉ mấy tháng trước lúc Người đi xa.

nha-bao-ho-chi-minh-1
Bác Hồ đọc Báo Vệ Quốc quân - một trong những tờ báo tiền thân của Báo Quân đội nhân dân.

Với nghề báo, Bác đã phải trải qua quá trình học hỏi, rèn luyện vô cùng gian khổ. Vị lãnh tụ tương lai bắt đầu tập viết cho các báo Pháp khi vốn tiếng Pháp, văn Pháp còn ít ỏi. Chuyện kể rằng, khi gặp Giăng Lông-ghê, cháu ngoại Các Mác, Chủ nhiệm Tòa báo Dân chúng, Nguyễn Ái Quốc đã bộc bạch tâm nguyện của mình: Viết báo có khó không? Tôi muốn viết nhưng không biết phải viết như thế nào? Giăng Lông-ghê trả lời: Anh cứ viết ra những điều anh suy nghĩ về một vấn đề gì đó ở Đông Dương, ở Việt Nam. Anh viết xong tôi sẽ đọc và sửa chữa giùm... Từ đó, Nguyễn Ái Quốc học viết báo, làm báo. Người đã vượt qua nhiều khó khăn bằng cách tự học và học tập những nhà báo Pháp dày dạn kinh nghiệm. Những bài báo đầu tiên, Người viết ngắn. Mỗi lần có tin hoặc bài ngắn của mình được đăng, Người so sánh bản thảo mình viết với bản in trên báo để học tập xem các nhà báo đàn anh đã biên tập, sửa chữa bài ở những điểm nào. Khi đã thuần thục, Nguyễn lại viết dài hơn. Cứ như vậy, tùy theo từng đề tài, Người có thể viết dài, rút ngắn. Thời kỳ này, ban ngày Bác đi làm, tối tham gia mít tinh, biểu tình, vận động cách mạng, đêm về ngồi cặm cụi viết báo. Nhờ nghị lực phi thường và ý chí mạnh mẽ, bút lực của Người tiến bộ nhanh chóng. Tên tuổi Nguyễn Ái Quốc và nhiều bút danh khác đã xuất hiện ngày càng nhiều trên các báo, tạp chí uy tín, như: Đời sống Công nhân, Dân chúng, Nhân đạo, Người bình dân, Diễn đàn An Nam...

Năm 1921, Nguyễn và một số người yêu nước thành lập Hội liên hiệp thuộc địa và năm sau lập ra Báo Người cùng khổ, cơ quan ngôn luận của hội. Nguyễn Ái Quốc đã viết tới 38 bài cho Người cùng khổ, trong đó có nhiều bài viết và bức vẽ là mẫu mực cho đến ngày nay về cả văn phong và bút chiến. Giăng La-cu-tuya, một nhà văn, nhà báo nổi tiếng ở Pháp, tác giả nước ngoài đầu tiên viết tiểu sử Hồ Chí Minh, đã khẳng định: “Sự đóng góp của Nguyễn Ái Quốc cho tờ Người cùng khổ rất to lớn. Ngày nay đọc lại các bài viết của ông (đăng trên báo ấy) vẫn thấy vô cùng hứng thú. Văn phong của Nguyễn là văn phong của một nhà luận chiến tài ba”.

nha-bao-ho-chi-minh-2
Tranh của Nguyễn Ái Quốc đăng trên Báo Người cùng khổ.

Khi về Quảng Châu (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc thành lập Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội và tổ chức ra Báo Thanh niên, cơ quan ngôn luận của hội. Báo Thanh niên số 1 ra ngày 21-6-1925, đến tháng 4-1927 ra được 88 số bằng tiếng Việt tại số nhà 13A, đường Văn Minh, Quảng Châu, với nhiều bài chính luận sắc bén của Nguyễn Ái Quốc. Việc xuất hiện Báo Thanh niên đã mở đường cho nền báo chí cách mạng Việt Nam và theo phát hiện thú vị của nhà báo Phan Quang thì việc chọn khởi đầu của báo vào ngày 21-6 là có chủ ý. Hôm đó vào ngày chủ nhật, là ngày hạ chí. Ngày hạ chí là ngày dài nhất trong năm ở bắc bán cầu. Từ đó, ông Phan Quang đưa ra giả thiết, phải chăng khi chọn ngày hạ chí để cho ra mắt Báo Thanh niên, Nguyễn Ái Quốc muốn gửi gắm vào đấy một niềm tin, một thông điệp mang ý nghĩa tượng trưng: Nhân dân Việt Nam lúc này đang ở trong đêm dài nước mất nhà tan, với con đường cách mạng mà Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội khởi xướng và cùng với Báo Thanh niên, rồi chúng ta sẽ mau chóng đến những ngày sáng sủa, tràn trề ánh sáng như ngày hạ chí?

Sau ngày nước nhà giành được độc lập, với trọng trách của mình, Hồ Chí Minh tiếp tục coi trọng và phát huy tác dụng của báo chí. Bác là người trực tiếp đặt tên cho Báo Quân đội nhân dân và trong số 1 của tờ báo này ra ngày 20-10-1950, Người đã căn dặn những nhà báo - chiến sĩ: “Nói những điều thật thiết thực, đúng đường lối chính trị, ít tếu, viết ngắn, giản dị, vẽ dễ hiểu, trình bày rõ ràng, ít tiếp sang trang khác”. Bác chỉ đạo thành lập Báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Đảng và trong 18 năm (1951-1969), Người đã viết hàng trăm bài đăng trên Báo Nhân Dân với hơn 20 bút danh khác nhau.

“Hồ Chí Minh, một nhà chiến lược, nhà lãnh đạo, đồng thời là nhà văn hóa, nhà báo. Suốt cuộc đời Hồ Chí Minh là người luôn chiến đấu trên mặt trận văn hóa, báo chí với một văn phong đa dạng nhiều sắc thái mà nổi bật lên tính quần chúng, cách suy nghĩ và biểu đạt dân gian, dễ hiểu, đi sâu, vang vọng trong lòng người, gợi mở những tư tưởng lớn lao, thúc đẩy những việc làm tốt đẹp, bằng những lời lẽ giản dị, giàu hình tượng, nói lên được điều lớn bằng những dòng chữ nhỏ...”.

(Phạm Văn Đồng, tác phẩm: Hồ Chí Minh - Một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp).

 

Kể từ bài báo đầu tiên đăng trên tờ Nhân đạo đến bài báo cuối cùng đăng trên Báo Nhân Dân, Hồ Chí Minh đã có tròn nửa thế kỷ viết báo, làm báo. Hơn 2.000 bài báo là số lượng thống kê bước đầu và chắc chắn chúng ta sẽ còn phải tìm hiểu, khai thác để tiếp tục phát hiện ra các tác phẩm khác trong di sản báo chí Người để lại.

Nhà báo vĩ đại và đặc biệt

Hồ Chí Minh là nhà báo đi nhiều nơi, làm nhiều nghề, viết bằng nhiều thứ tiếng. Người viết báo bắt đầu bằng tiếng Pháp, sau đó tiếp tục bằng tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Trung Quốc, cuối cùng mới viết bằng ngôn ngữ mẹ đẻ là tiếng Việt. Bác còn là nhà báo kiêm nhiệm đặc biệt. Khi làm Chủ nhiệm Báo Người cùng khổ, Bác đồng thời còn là chủ bút, họa sĩ biếm họa, thợ rửa ảnh, thủ quỹ, phát hành, bán báo...

nha-bao-ho-chi-minh-3
Bác Hồ đến dự và nói chuyện tại Đại hội III Hội Nhà báo Việt Nam (1962). Ảnh tư liệu.

Điều vĩ đại và đặc biệt ở nhà báo Hồ Chí Minh không chỉ nằm ở những tác phẩm báo chí đồ sộ, đề tài đa dạng, văn phong vừa độc đáo, vừa gần gũi, dễ hiểu mà Người còn đưa ra các tư tưởng, phương pháp báo chí mới mẻ, tiến bộ, phù hợp với phong trào báo chí cách mạng, báo chí hiện đại trên thế giới. Bác không phải là nhà lý luận báo chí nhưng những phát biểu của Người về báo chí rất thiết thực, khoa học và luôn thời sự. Không riêng những người làm báo mà các nhà lý luận, tư tưởng, văn hóa, thông tin có thể nghiên cứu và tham khảo tư duy báo chí của Người. Đọc các tác phẩm báo chí của Bác, những người làm báo hôm nay vô cùng ngưỡng mộ về một phong cách báo chí Hồ Chí Minh rất độc đáo, hiệu quả, vừa mới mẻ lại gần gũi, vừa đa dạng lại luôn hấp dẫn. Phong cách ấy thể hiện rất rõ ở ngôn ngữ báo chí mà Người đã sử dụng một cách tài tình. Với mỗi đối tượng cụ thể, Bác có cách thể hiện bằng ngôn ngữ riêng cho phù hợp. Nhà văn hóa  Hà  Huy  Giáp từng viết: “Hồ Chủ tịch rất chú trọng cách viết. Người rất cẩn trọng ngay đến cách dùng một từ nhỏ, một dấu chấm câu, cách bố cục một bài viết. Hồ Chủ tịch là một nhà ngôn ngữ nghiêm khắc. Cũng như Lê-nin, Người dùng rất ít chữ mà là những chữ đúng nhất, cần thiết nhất, để một viện sĩ hàn lâm đến người nông dân đều có thể hiểu được”.

Khi đã là lãnh tụ tối cao của Đảng và dân tộc, giữa bộn bề công việc, Bác vẫn viết báo và thường xuyên quan tâm chăm lo, phát triển sự nghiệp báo chí nước nhà. Ngày 17-8-1952, trong buổi nói chuyện tại một hội nghị ở Việt Bắc, Bác nêu rõ 4 vấn đề cơ bản trước những cán bộ báo chí: Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết cái gì? Viết như thế nào? Và đưa ra cách giải quyết cho từng vấn đề.

Là nhà báo bậc thầy và sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh có nhiều chỉ dẫn rất thiết thực và cụ thể với những người làm báo. Tại Đại hội III của Hội Nhà báo Việt Nam tháng 9-1962, Bác cũng thẳng thắn phê bình những khuyết điểm của báo chí nước nhà bấy giờ: “Bài báo thường quá dài, “dây cà ra dây muống”, không phù hợp với trình độ và thời gian của quần chúng”; “Thường nói một chiều và đôi khi thổi phồng thành tích, mà ít hoặc không nói đúng mức đến khó khăn và khuyết điểm của ta”; “Đưa tin tức hấp tấp, nhiều khi thiếu thận trọng”; “Thiếu cân đối, tin nên dài thì viết ngắn, tin ngắn thì viết dài, tin để sau thì để trước, nên trước thì để sau”; “Lộ bí mật, có khi quá lố bịch”; “Khuyết điểm nặng nhất là dùng chữ nước ngoài quá nhiều và lắm khi dùng không đúng”…

Những lời dạy và nhắc nhở của Bác đã hơn nửa thế kỷ nhưng hôm nay vẫn đầy tính thời sự. Đó là tầm vóc, phong cách báo chí vượt thời gian của nhà báo vĩ đại và đặc biệt - Hồ Chí Minh./.

 

CON SỐ - SỰ KIỆN

Kể từ tờ Thanh niên ra đời ngày 21-6-1925 đến nay, cả nước đã có hơn 700 cơ quan báo chí. Trong đó có hơn 80 báo điện tử và khoảng 2.000 bản tin cùng hàng nghìn trang điện tử (website) có tính chất, cách thức hoạt động gần giống như trang báo hoặc tạp chí điện tử.

NGỌC KHOA (tổng hợp)



 

TRẦN HOÀNG

Theo Báo Quân đội nhân dân

Huyền Anh (st)

Bài viết khác: