Ý nghĩa thiêng liêng của món quà Bác tặng
Sau sáu năm công tác và học tập, tôi được cử đi dự cuộc liên hoan anh hùng, chiến sỹ thi đua toàn quốc lần thứ nhất. Trong đại hội, số đại biểu phụ nữ chúng tôi chưa nhiều. Bác càng quan tâm đối với những chị em là anh hùng, chiến sỹ thi đua. Trong buổi thứ ba, sau bản báo cáo của anh hùng Nguyễn Quốc Trị và Nguyễn Thị Chiên thì đến lượt tôi. Bước lên bục nói chuyện, chân tôi run run. Tôi quay lại nhìn Bác, Bác nhìn tôi mỉm cười khuyến khích.
Thế là tôi bình tĩnh lại. Mấy trăm con mắt nhìn vào tôi, không làm cho tôi bối rối nữa. Những ánh mắt yêu thương như nhắc nhở tôi ôn nghèo, kể khổ. Báo cáo xong, tôi còn đang bàng hoàng vì những tiếng vỗ tay, thì Bác từ trên ghế Chủ tịch đoàn bước đến gần tôi. Bác cầm tay và nói:
- Cô Chiên là anh hùng quân đội, Bác tặng khẩu súng lục. Còn cô là chiến sỹ giao thông Bác tặng cái đồng hồ. Cô sẽ dùng nó để đi những đường thư thật đúng hẹn.
Vừa nói, Bác vừa trao đồng hồ tận tay tôi. Là một người trong “đội hỏa tốc”, chuyên chạy những mật thư, những quân lệnh “tuyệt mật” và “thượng khẩn” tôi thường tính giờ theo lối ước lượng, xem sao trên trời, đo bóng cây mặt đất, nghe con chim kêu, con gà gáy, sai chệch thường không ít. Hình như đã có một lần tôi làm liên lạc sai hẹn đến mấy giờ. Rất băn khoăn, tôi ước mong mình có một cái đồng hồ. Mong ước ấy có đã lâu rồi, thế mà giờ đây lại thành sự thật. Tôi khóc vì vui sướng. Tôi là đứa con không cha từ bé. Bác đã làm sống lại tình cha con mà tôi tưởng suốt đời không bao giờ có được nữa. Nhìn Bác, tôi cứ tưởng mình là đứa con gái bé bỏng được người cha nhân từ săn sóc, yêu thương.
Từ ngày có cái đồng hồ, tôi càng biết quý những ngày, những giờ mình đang sống. Tôi cố học thêm chữ trong những lúc nghỉ ngơi. Những lúc mệt mỏi, định dễ dãi với mình một chút, tôi lại nghe tiếng đồng hồ nhắc nhở cố gắng học và làm.
Nguyễn Thị Điều kể
Trích trong sách Bác Hồ sống mãi với chúng ta
Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005
Suốt đời tôi nhớ Bác
Suốt cuộc đời tôi, những lúc khó khăn gian khổ hay vui sướng, vinh quang, tôi đều nhớ đến những hình ảnh và lời nói thân thương của Bác Hồ. Lần tôi được gặp Bác đầu tiên là năm 1950.
Ngày ấy, tôi là chỉ huy trưởng Mặt trận Bình-Trị-Thiên, nhận lệnh ra Việt Bắc báo cáo tình hình kháng chiến với Bộ Tổng tư lệnh. Dịp ấy, điều hạnh phúc nhất đã đến: Tôi được dự lễ mừng sinh nhật Bác tròn 60 tuổi, lại được ngồi ngay bên cạnh Bác. Bác ân cần hỏi chuyện về tình hình đời sống kháng chiến của đồng bào Bình-Trị-Thiên. Khi ăn cơm, Bác gắp thức ăn cho tôi. Ở bên cạnh Bác tôi cảm thấy thân thiết, tự tin hẳn lên. Tôi đưa ra tấm ảnh chân dung Bác, xin chữ ký để mang về làm kỷ niệm cho đồng bào, chiến sĩ. Bác cầm tấm ảnh rồi phóng bút ghi: “Kháng chiến nhất định thắng lợi!”, ký tên Hồ Chí Minh. Trao ảnh cho tôi, Bác ân cần:
- Chú về, cho Bác gửi lời thăm hỏi đồng bào và chiến sĩ trong đó…
Kỷ vật thiêng liêng ấy tôi lưu giữ suốt những năm kháng chiến, thôi thúc động viên tôi luôn luôn phấn đấu, rèn luyện hoàn thành tốt nhiệm vụ và tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng, đúng như những dòng Bác ghi trên tấm ảnh. Vừa qua, tôi đã gửi lại tấm ảnh gốc có bút tích của Bác cho Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên – Huế. Hiện tại, tôi chỉ lưu giữ bản sao, được phóng lớn hơn (xem ảnh).
Đến năm 1954, tôi được Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh giao nhiệm vụ làm Trưởng phái đoàn liên lạc Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam bên cạnh Ủy ban Quốc tế giám sát và kiểm soát việc thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ. Đồng chí Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp căn dặn: “Bác Hồ bảo, anh về làm việc ở Thủ đô thì phải “luôn luôn nhớ giữ nâu sồng kháng chiến”. Lời dặn giản dị ấy chính là nhắc nhở tôi phải cảnh giác trước lối sống nơi đô thị, không được sa ngã, không bị cám dỗ… luôn luôn giữ vững phẩm chất cách mạng. Ấy vậy mà trong một lần trở lại Việt Bắc, báo cáo với Bác công việc ở Hà Nội và tình hình công tác với Ủy ban Quốc tế, Bác hỏi: “Nghe nói chú mới mua một chiếc xe đẹp lắm phải không?”. Tôi giật mình trước câu hỏi của Bác, liền thưa: “Thưa Bác, do nhu cầu công tác, cần đi lại với Ủy ban Quốc tế, cơ quan phải sắm ô tô. Anh em bàn tính mãi, nếu mua xe cũ, phải mất 3.000 đồng Đông Dương. Mua xe mới thì mất 3.600 đồng, nên chúng cháu quyết định mua xe mới, vẫn tinh thần tiết kiệm, không dám xa hoa…”. Bác gật đầu, không nói gì thêm. Tôi hiểu, Bác không phê bình mà hỏi rõ ngọn ngành, thấy hợp lý nên Bác thông cảm.
Những cử chỉ, lời nói của Bác ngày ấy là sự nhắc nhở, chỉ bảo ân cần, độ lượng như tình cha con, tôi luôn ghi nhớ và vận dụng trong ứng xử suốt cuộc đời mình.
Đào Văn Sử (ghi theo lời kể của Đại tá Hà Văn Lâu,
nguyên Đại sứ Việt Nam tại Pháp)
Một chuyến thăm ba bài học
Sau hơn một tuần diễn ra trận chiến bảo vệ kho xăng Đức Giang, ngày 29-6-1966, Bác Hồ đến thăm một Đại đội thuộc Đoàn Thông tin Sông Điện, bộ đội Phòng không đóng ở Chùa Trầm (Hoài Đức). Cuộc đi thăm không báo trước. Khi chiếc xe con dừng lại ở lưng chừng dốc, một chiến sĩ nhận ra Bác reo to lên. Bác giơ tay ra hiệu không được làm ồn ào rồi bảo chiến sĩ đó đưa Bác vào đơn vị.
Với đôi dép cao su giản dị, Bác đi rất nhanh lên sườn đồi, bộ quần áo bà ba nâu bay trong gió. Sau khi dừng lại xem câu lạc bộ, Bác nhanh nhẹn đi xuống nhà bếp. Thấy đồng chí Hào, tổ trưởng anh nuôi đang bê một nồi cơm to từ trên bếp lò xuống, Bác vui vẻ hỏi:
- Mỗi bữa chú ăn được mấy bát?
- Thưa Bác, cháu ăn được ba bát ạ.
- Chú ăn được như vậy là tốt - Nói xong, Bác mở hộp thuốc lá lấy ra một điếu đưa cho Hào.
- Bác biếu chú, chú hút đi.
Rồi Bác lấy một điếu khác ra để hút. Thấy Bác có ý tìm đóm để châm lửa, Hào vội rút bao diêm trong túi ra định bật diêm cho Bác, Bác liền ngăn lại:
- Chú để dành diêm mà nhóm bếp. Cả bếp lò đang hồng thế kia tha hồ cho Bác cháu ta châm thuốc.
Chỉ một que diêm mà Bác đã cho chúng tôi bài học sâu sắc về tinh thần tiết kiệm.
Ở bếp bước ra, Bác hỏi cán bộ đại đội:
- Các chú có trồng rau không?
- Thưa Bác, chúng cháu chỉ trồng được rau muống dưới chân núi thôi ạ. Còn trên sườn đồi này nhiều sỏi, trồng không lên.
Bác kể lại kinh nghiệm hồi ở chiến khu và bảo:
Các chú xúc hết đá đi, xới đất, xuống ao bốc bùn đổ lên, rau sẽ xanh tốt. Có trồng có ăn, đỡ phần cung cấp của nhân dân.
Từ đó, trên vách đá men theo con đường trong đơn vị, các vườn rau đua nhau mọc lên xanh tốt. Đơn vị không chỉ tự túc rau ăn mà còn bán cho đơn vị bạn và nhân dân nữa.
Bài học thứ ba Bác dạy cho chúng tôi là con đường mòn và công tác dân vận. Khi đơn vị chưa đóng ở chùa Trầm, bà con trong vùng vẫn đi làm đồng theo con đường mòn qua núi. Từ ngày đơn vị đến, anh em đã tự động rào lại, cấm người qua lại. Thăm qua mấy nơi, Bác bảo tập hợp bộ đội lại để Bác nói chuyện, Bác căn dặn:
- Muốn làm tốt nhiệm vụ, các chú phải đoàn kết nội bộ tốt, đoàn kết chặt chẽ với nhân dân địa phương, chỉ có dựa vào nhân dân, đoàn kết với nhân dân mới bảo vệ được mình, che mắt địch và đánh thắng được chúng.
Chợt Bác chỉ tay ra phía đường cái và hỏi:
- Thế các chú cấm con đường này thì nhân dân đi lối nào?
- Thưa Bác, đi vòng theo các bờ ruộng ngoài kia ạ.
Bác nghiêm mặt:
- Như vậy là không được. Các chú cấm đường để bảo mật, phòng gian là đúng, nhưng phải đắp đường khác cho dân đi chứ. Có như vậy mới đúng là quân dân đoàn kết.
Bác dặn đơn vị phải làm ngay, đắp đường cho to, trồng cây hai bên và khi nào làm xong báo cáo cho Bác biết. Ngay hôm sau, đơn vị bắt tay vào làm đường, làm cả trưa hè nắng lửa, đốt đuốc làm cả đêm. Con đường hoàn thành trước hạn định. Các cụ trong làng đem cây ra trồng hai bên. Con đường quân dân đoàn kết ấy được đặt tên là “Đường Quyết Thắng”- Con đường mang ý Bác, lòng dân, con đường đi của chúng tôi: Vì nhân dân phục vụ.
Vũ Trọng Tâm kể
Trích trong sách Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân,
Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1984
Bác Hồ – cha của chúng con
Thật hiếm đôi vợ chồng nào trong cả nước có vinh dự, hạnh phúc nhiều lần được trực tiếp gặp Bác, bảo vệ Bác, được báo cáo với Bác, được nghe Bác trò chuyện, khuyên bảo, được Bác chụp ảnh cùng, tặng kỷ vật, được ăn cơm với Bác, được túc trực bên linh cữu Bác như cựu chiến binh, Đại tá Nguyễn Sáng, nguyên Tham mưu phó, Cục trưởng Cục Kinh tế Quân khu Ba cùng vợ là bà Lê Thị Định, nguyên đại biểu Quốc hội khoá II, Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình.
Ngày 10-1-1946, tôi được đồng chí Nguyễn Văn Nam – Chính trị viên, đồng chí Nguyễn Văn Bắc – Chi đội trưởng Chi đội 3 Giải phóng quân thị xã Thái Bình giao nhiệm vụ huy động lớp đào tạo tiểu đội trưởng cùng với bộ phận cảnh vệ Uỷ ban Hành chính kháng chiến tỉnh Thái Bình bảo vệ Bác và Chính phủ về thăm đê Đìa Hưng Nhân bị vỡ.
Không hiểu thế nào từ trưa, nhân dân thị xã đã chờ sẵn ở cổng. Khoảng 15h, Bác và các thành viên Chính phủ về tới Uỷ ban Hành chính kháng chiến tỉnh. Đồng chí Bùi Đăng Chi – Trưởng ban Tuyên huấn tỉnh “khẩn cấp” yêu cầu tôi chuẩn bị một chiếc bàn, chiếc ghế để Bác nói chuyện. Tôi cùng mấy đồng chí học viên lớp tiểu đội trưởng vào khênh chiếc bàn to cùng chiếc ghế đặt giữa cổng để Bác nói chuyện. Kê bàn xong thì Bác tới, tôi được đứng liền ngay sau Bác. Tất cả cán bộ, nhân dân trật tự lắng nghe từng lời Bác căn dặn. Nhìn Bác, vị Chủ tịch nước bộn bề công việc của người đứng đầu chính quyền cách mạng non trẻ, vẫn vượt đường xa về chia sẻ những thiệt hại do thiên tay gây ra với nhân dân Thái Bình, tình cảm tôi cứ trào dâng, nước mắt cứ tự nhiên chảy ra, “quên” cả nhiệm vụ bảo vệ. Một thanh niên mới trở thành anh bộ đội được một năm, tôi đã được gặp và bảo vệ Bác kính yêu.
Chỉ cần một lần được đứng cạnh Bác đủ để nhớ suốt đời, nhưng đâu ngờ ba tháng sau, tôi được bảo vệ Bác. Lần này gần hơn, lâu hơn!
Đó là ngày 28-4-1946, như đã hứa, Bác về thăm đê Đìa khi đê đắp xong. Tôi lại được đồng chí Nguyễn Văn Bắc giao cho khẩu súng ngắn Pạc-khoọc để làm nhiệm vụ bảo vệ Bác cùng với các đồng chí cận vệ. Tôi mặc quần soóc, đội mũ ca lô. Khoảng 9h Bác lên gác hai của Hội trí – thể dục (Sân vận động Thái Bình ngày nay) nói chuyện với hai cố đạo người Tây. Tôi đứng ngay sau ghế của Bác để bảo vệ Bác. Sau đó đồng chí Nguyễn Văn Ngọ – Bí thư Tỉnh uỷ Thái Bình mời Bác ra ban công nói chuyện với nhân dân. Lần này Bác về, sáng sớm dòng người đón Bác từ 12 phủ, huyện như trảy hội, kín cả sân bãi rộng. Cờ, băng, biển, biểu ngữ đủ màu sắc rợp trời. Tiếng hoan hô: “Cụ Hồ muôn năm!” vang như sấm dậy. Trời nắng và nóng, tôi được đồng chí Ngô Lãng – Phó ban Tuyên truyền tỉnh giao “thêm” nhiệm vụ cầm ô che cho Bác. Che cho Bác được mấy phút, đang nói, Bác quay lại nhắc tôi: “Chú che cho cụ Huỳnh!”. Tôi đáp: “Vâng ạ!”. Nhưng tôi vẫn chỉ che cho Bác. Một hai phút sau, Bác lại quay lại nhắc, lần này kiên quyết hơn: “Bác đã bảo chú che cho cụ Huỳnh!”. Tôi liền đứng vào giữa (ở phía sau) để che ô cho Bác và cả cụ Huỳnh Thúc Kháng. Hôm đó, Bác nhắc nhở cán bộ, nhân dân Thái Bình phải cố gắng hơn nữa để chiến thắng “giặc đói, giặc dốt” và bảo vệ chính quyền cách mạng.
Với tấm lòng biết ơn vô hạn, tỏ quyết tâm thực hiện lời kêu gọi của Bác, nhân dân Thái Bình biếu Bác một buồng chuối, quả bí đao, quả bí ngô và mười củ khoai lang to. Bác quay sang bảo tôi: “Chú bê quả bí lên cho đồng bào nhìn thấy quả bí ngô to”. Tôi liền bê quả bí lên ngang đầu mà không làm che Bác và cụ Huỳnh. Quả bí phải nặng tới chục cân. Tiếng hô: “Cụ Hồ muôn năm!” lại vang lên tưởng như không dừng nếu Bác không giơ tay lên cao vẫy chào tạm biệt.
Năm 1952, lúc đó tôi là Tham mưu trưởng “Mặt trận 5” được giao phụ trách 7 đồng chí cùng lên chiến khu Việt Bắc dự một lớp chỉnh huấn. Sau 15 ngày đường giao liên, chúng tôi đã có mặt ở khu vực Quán Vuông, huyện Sơn Dương ATK. Hôm khai mạc, cả lớp được đón Bác. Sau hai tháng học tập, trước khi lớp bước vào đợt “tự kiểm điểm”, “tổng tiến công vào chủ nghĩa cá nhân”, Bác đến động viên, quán triệt. Bàn nói chuyện của Bác đặt ở đỉnh đồi, học viên các tỉnh đứng xung quanh, đoàn Thái Bình ở xa đến sau nên phải đứng ở chân đồi cạnh đường mòn. Bỗng tự nhiên Bác xuất hiện ngay trước mặt, sau này tôi đoán ra chắc Bác nhìn thấy đoàn chúng tôi đều mặc quần áo nâu (các đoàn khác mặc nhiều màu như xanh, tím, vàng… vải ka-ki chiến lợi phẩm) nên Bác dừng lại trước đoàn Thái Bình và hỏi: “Các chú ở đâu?”. Tôi báo cáo: “Thưa Bác chúng cháu ở Khu tả ngạn vùng hậu địch”. Bác còn hỏi ra lâu chưa, có khoẻ không? Rồi tự nhiên Bác bảo đồng chí Hiệu trưởng Hồng Cương là Bác không lên đỉnh đồi mà sẽ đứng tại đây nói chuyện, cho anh em quay lại. Thế là tôi cùng 6 anh em Thái Bình được gần Bác nhất. Sau này các đoàn khác đùa vui bảo: “Thái Bình trâu chậm lại uống nước trong”. Tôi không hiểu sao đời mình lại có may mắn lạ kỳ đến thế!
Tôi không bao giờ nghĩ là mình sẽ được gặp Bác một lần nữa. Vậy mà hạnh phúc lại đến bất ngờ. Lúc đó tôi là Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Pháo binh 374 đóng ở Thậm Thình cách Đền Hùng 3 cây số. 3 giờ sáng ngày 18-8-1962, tôi nhận được công văn của đồng chí Nguyễn Khai – Uỷ viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương: “Đúng 7 giờ sáng nay (19-8) đồng chí Thủ trưởng Lữ đoàn lên Đền Hùng làm việc và đón Bác vào thăm đơn vị”. Ngay lập tức, tôi triệu tập Đảng uỷ lữ đoàn, các ban chỉ huy tiểu đoàn họp khẩn cấp bàn kế hoạch đón Bác. Cả đơn vị vừa phấn khởi, vừa “cuống” cả lên! Đêm đó tôi viết đi viết lại báo cáo với Bác mà không biết báo cáo những nội dung gì. Đúng giờ, lên Đền Thượng, tôi đã thấy phái đoàn ngồi quanh Bác trên chiếc chiếu hoa trước cửa Đền. Đồng chí Nguyễn Khai giới thiệu và nhường tôi ngồi cạnh Bác. Bác nói luôn: “Có gói mứt chuối đặc sản Phú Thọ, Bác cho chú, chú ăn ngay đi, ngon lắm đấy!”. Rồi Bác hỏi vui: “Lữ đoàn là cái gì hở chú?”. Tôi bối rối đành trả lời Bác: “Thưa Bác, lữ đoàn bé hơn sư đoàn và lớn hơn trung đoàn ạ”. Bác cười rất vui và bảo: “Chú này láu cá, láu cá”. Bên tháp cổ tôi tranh thủ báo cáo kế hoạch đón Bác với đồng chí Nguyễn Khai. Tôi nhìn vào thấy Bác nằm nơi cửa Đền Hùng giản dị trong quần áo nâu nhạt màu, gối lên chiếc khăn bông, chiếc khăn mặt đặt trên trán. Tự nhiên nước mắt cứ trào ra.
Bác vào đơn vị, thăm doanh trại, nơi ăn ở, Bác hỏi tôi: “Bếp của đơn vị chú ngày nào cũng sạch bóng như thế này à?”. Tôi lúng túng, đồng chí Nguyễn Khai đỡ lời: “Thưa Bác chắc các chú có sự chuẩn bị chu đáo hơn để đón Bác”. Bác nhìn tôi đầy tình cảm vị tha. Trên đường đến “lễ đài” có một chiến sĩ báo cáo rất to: “Báo cáo thủ trưởng: C12 đang hành quân cấp tốc chưa về kịp”. Biết thế, Bác bảo tôi dừng lại chỗ cây si rất đẹp, cành lá sum xuê. Bác cầm tay tôi rồi nói: “Bác cháu ta ngồi xuống đây nghỉ một lát, chờ đơn vị đang về, nhân thể chú xem còn vấn đề gì lát nữa Bác nói chuyện với đơn vị”. Tất cả những điều tôi báo cáo, Bác đều nhắc nhở đồng chí Nguyễn Khai ghi lại. Nói chuyện với đơn vị xong, Bác đã ghi vào sổ vàng truyền thống những dòng chữ sáng rõ, nghĩa tình: “Luôn luôn cố gắng học tập, cố gắng lao động sản xuất, luôn luôn sẵn sàng chiến đấu bảo vệ cách mạng, bảo vệ Tổ quốc. Chúc các cháu vui vẻ, mạnh khoẻ, đoàn kết, tiến bộ” – Bác Hồ 19-8-1962.
Đại tá Nguyễn Sáng kể
Theo sách kể chuyện Bác Hồ, NXB Giáo dục
Đức Hiếu (Tổng hợp)
Còn nữa