Năm 1945, khi tôi còn ở Cao Bằng, Bác gọi cho tôi và anh Dương Đức Hiền đến cử chúng tôi đến gặp hai người Pháp tuyên bố là người của Phái bộ Đờ Gôn ỏ Côn Minh đến xin gặp ta. Chúng tôi hỏi xin Bác chỉ thị cụ thể cho cuộc gặp này. Bác nói:
- Làm trai thì cứ nước hai mà nói.
Tôi và đồng chí Dương Đức Hiền nhìn nhau chưa hiểu thế nào, Bác nói tiếp:
- Các chú đã đoán được ý định của nó như thế, cho nên đừng nói gì có tính chất hứa hẹn cụ thể với nó. Cứ nước hai mà nói.
Quả nhiên, làm theo đúng lời Bác dặn, chúng tôi biết được ý định thực sự của chúng là tìm quân Pháp bị thất lạc chưa được về. Việc này chúng tôi đã biết nhưng dại gì trả lời. Hôm sau, chúng tôi đến báo cáo với Bác, Bác khen chúng tôi nói vậy là được. Như vậy là ta đã hiểu rõ ý đồ của Pháp.
Sau khi ta giành chính quyền (tháng 9-1945), quân Tưởng được phe Đồng minh cử sang Việt Nam giải giáp quân Nhật. Nơi có quân Tưởng đóng, nhân dân rất bất bình, nhưng chính sách chung của Bác nêu lên là: Phải tỏ thái độ hợp tác và hữu nghị, vì chúng nhân danh là Đồng minh vào giải giáp quân Nhật. Chúng ta không được gây xung đột để mắc mưu khiêu khích của bọn chúng.
Chỉ thị này được chúng tôi quán triệt, nhưng trong lòng rất bức xúc. Ở các tỉnh có quân Tưởng đóng, Bác sợ các đồng chí chủ tịch tỉnh nóng nảy, gây xung đột với bọn tưởng thì rất lôi thôi. Do đó, Bác căn dặn: Các chú nói mất đất, mất là bao nhiêu? Các chú có thấy dân ta hợp tác với nó, tin tưởng nó không? Nếu không đứng về phía bọn Quốc dân Đảng, không tin chúng, thì chúng ta không mất gì cả? Như thế mất đất nhưng không mất nước. Còn dân thì còn nước. Các chú phải nắm vững đường lối, chính sách của Đảng, Chính phủ, phải tuân theo các chỉ thị của Trung ương. Các chú làm sai sẽ bị kỷ luật.
Qua lời căn dặn, giải thích của Bác, chúng tôi càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Bác. Tư tưởng cũng thông suốt.
Tháng 4-1946, sau Hiệp định sơ bộ ngày 6-3, quân đội Pháp bắt đầu vào miền Bắc. Bác cho điện lên Vĩnh Yên, gọi tôi về giao nhiệm vụ mới, thay anh Hoàng Hữu Nam làm Chánh Văn phòng cho Bác. Bác dặn tôi: Trung ương đang cần tranh thủ cụ Huỳnh. Khi làm việc, có việc gì, chú phải báo cáo hết với cụ, không giấu giếm, cấm không được giải quyết ở bên dưới với nhau. Mình phải thật thà, tôn trọng cụ, mới thuyết phục được cụ. Có khó khăn gì đã có Trung ương, có Bác.
Sau khi làm việc với Bác, ra về, tôi cứ suy nghĩ mãi: Bác thật là sâu sắc. Bác hiểu muốn đoàn kết với mọi người, mình phải thật thà, tôn trọng họ.
Đặng Việt Châu kể
(Trích theo sách: Bác Hồ sống mãi với chúng ta, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005).
Tâm Trang (st)